(Baothanhhoa.vn) - Vùng đất nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Thanh Hóa, cách TP Thanh Hóa khoảng 40km được thiên nhiên ưu đãi cho thế núi, hình sông, đồng bãi cùng hệ thống di tích, danh lam thắng cảnh, bề dày lịch sử - văn hóa truyền thống... Đánh thức tiềm năng, lợi thế ấy thành các giá trị, động lực phát triển du lịch luôn là một trong những nhiệm vụ được các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân Nga Sơn qua các thời kỳ quan tâm, chú trọng.

Trên mảnh đất huyền thoại, tâm linh

Vùng đất nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Thanh Hóa, cách TP Thanh Hóa khoảng 40km được thiên nhiên ưu đãi cho thế núi, hình sông, đồng bãi cùng hệ thống di tích, danh lam thắng cảnh, bề dày lịch sử - văn hóa truyền thống... Đánh thức tiềm năng, lợi thế ấy thành các giá trị, động lực phát triển du lịch luôn là một trong những nhiệm vụ được các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân Nga Sơn qua các thời kỳ quan tâm, chú trọng.

Trên mảnh đất huyền thoại, tâm linhLễ hội Mai An Tiêm được tổ chức vào trung tuần tháng 3 âm lịch với nhiều hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống, văn nghệ - thể thao quần chúng đặc sắc.

Đây đã là lần thứ bao nhiêu về với Nga Sơn nhưng cảm giác như mảnh đất ấy vẫn luôn gợi lên bao điều hấp dẫn, thú vị cần khám phá. Từ những huyền thoại đã ghi dấu tuổi thơ của biết bao nhiêu thế hệ người dân đất Việt như: Từ Thức gặp tiên, Mai An Tiêm trên đảo hoang... cho đến hệ thống di tích lịch sử - văn hóa, thắng cảnh, tâm linh tiêu biểu (động Từ Thức, núi Bia Thần, động Bạch Á, núi Lã Vọng, đền thờ nữ tướng Lê Thị Hoa và danh tướng Trịnh Minh - xã Nga Thiện; cửa Thần Phù, chùa Hàn Sơn - xã Nga Điền; đền thờ Mai An Tiêm - xã Nga Phú; phủ Trèo, phủ Thông, chùa Tiên, hồ Đồng Vụa, đền thờ Áp lãng chân nhân - xã Nga An...), đâu đâu cũng rộn lên khúc ca về mảnh đất huyền thoại, tâm linh.

Động Từ Thức và “thiên tình sử” nước Nam

Động Từ Thức (động Bích Đào, xã Nga Thiện) là hệ thống hang động dài khoảng 200m, rộng hàng nghìn mét vuông với những khối thạch nhũ tạo hình kỳ thú, lưu dấu ấn quá trình kiến tạo địa chất đầy bí ẩn của trái đất. Nơi đây được ví như “danh sơn đệ nhất động” của trời Nam. Những khối thạch nhũ càng trở nên lung linh, ấn tượng hơn khi được “thổi hồn” với huyền thoại Từ Thức gặp tiên.

Dạo bước trong lòng động, đi qua 3 cung, du khách không khỏi bất ngờ trước sự bày biện kỳ công, khéo léo của tạo hóa trùng khớp đến kỳ lạ với những gì được mô tả trong huyền thoại. Từ cảnh “quần Tiên hội ẩm”, “buồng tắm” của Giáng Hương và “thư phòng” của Từ Thức hay những bông hoa, những quả đào tiên, vầng trăng và có cả những đôi chim thạch nhũ, bàn cờ tiên... Đá, núi như đang tái hiện trước mắt hậu thế “thiên tình sử” lay động lòng người giữa Từ Thức và nàng Giáng Hương. Và cũng chính huyền thoại ấy đã làm nên linh hồn đá, núi để rồi cùng lưu danh mãi muôn đời: “Thơ ngọc vội đưa người viễn khách/ Động Bích Đào còn để lại tiếng danh sơn”. Vì lẽ đó mà từ xưa, động Từ Thức là địa danh hấp dẫn nhiều tao nhân mặc khách lui tới vãn cảnh, đề thơ. Ngay tại cửa động còn lưu dấu 2 bài thơ chữ Hán ca ngợi vẻ đẹp thần tiên của động, một khắc trên phiến đá đặt trước cửa động của chúa Trịnh Sâm với bút danh Nhật Nam Nguyên; một bài thơ khắc trên vách đá cao của Lê Qúy Đôn.

Đền thờ Mai An Tiêm và khát vọng thịnh vượng

Dãy núi hình cánh cung ôm ấp trong lòng ngôi đền thiêng mà tên gọi gắn liền với huyền thoại về chàng Mai An Tiêm cương trực, thẳng thắn, nỗ lực vượt khó, cần cù, sáng tạo trong lao động, nuôi dưỡng khát vọng phát triển. Ông là người có công khai khẩn vùng đất Nga Sơn từ thuở sơ khai của đất nước, “ông tổ” nghề trồng dưa hấu.

Ấn tượng đầu tiên của du khách khi đến với đền thờ Mai An Tiêm (xã Nga Phú) là tam quan với 4 trụ biểu lớn, phía trên đỉnh của mỗi trụ biểu có các linh vật. Tam quan vừa mang giá trị nghệ thuật tiêu biểu về mặt kiến trúc vừa như mốc giới giữa thế giới thực và tâm linh, giữa những xô bồ với thanh tịnh.

Bước qua tam quan, Đền thờ Mai An Tiêm hiện diện trước mặt. Đền được xây dựng theo hình chữ Đinh, gồm 9 gian (5 gian tiền đường, 4 gian hậu cung), lưng tựa vào núi, mặt hướng ra biển. Khuôn viên rộng hàng nghìn mét vuông, cảnh quan xanh mướt màu lá, rợp mát bóng cây. Đền trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Diện mạo khang trang, bề thế của đền là minh chứng rõ rệt nhất cho nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống từ các thế hệ cháu con nơi đây. Trong đền còn lưu giữ được nhiều hiện vật như: Bức tượng Mai An Tiêm, đồ thờ, câu đối, hoành phi, sắc phong...

Hằng năm, vào trung tuần tháng 3 âm lịch, Lễ hội Mai An Tiêm được tổ chức với nhiều hoạt động đặc sắc, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại như: Lễ rước sắc phong Đức thánh Mai An Tiêm từ làng văn hóa Văn Đức đến đền thờ Mai An Tiêm, lễ tế, hoạt động văn nghệ, thể dục - thể thao quần chúng... Lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ, tri ân, tôn vinh công lao to lớn, tinh thần anh dũng, cần cù trong lao động và sản xuất của Đức thánh Mai An Tiêm; đồng thời, khơi dậy niềm tự hào, ý thức, trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước.

Cửa Thần Phù và thắng tích Hàn Sơn

Cửa Thần Phù (cửa Chính Đại, xã Nga Điền) - trước đây là cửa sông Chính Đại (sông Tống), từng là một vùng cửa biển hiểm yếu: “Lênh đênh qua cửa Thần Phù/ Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm”. Dư địa chí của Phan Huy Chú ghi chép lại: “Cửa Thần Phù ở huyện Nga Sơn, sông chảy từ tuần Chính Đại xuống đến đấy, hai bên sông có núi đứng liền, đi ngoằn nghèo đến biển, phong cảnh thoáng mát, là chỗ núi sông có quang cảnh rất đẹp”. Tương truyền, vua Lý Thái Tông mang quân Nam tiến để đánh dẹp giặc Chiêm Thành, đến cửa biển này gặp gió to sóng dữ, không đi được, may nhờ một đạo sĩ có phép thuật cao minh dẹp yên sóng dữ. Trên đường trở về, đạo sĩ mất. Vua biết tin, cho lập đền thờ ở ngay cửa biển, phong hiệu là “Áp lãng chân nhân” (người dẹp yên được sóng dữ) và gọi tên nơi đây là cửa biển Thần Phù.

Một thời mênh mang sóng nước, sôi động sự kiện tại vùng cửa biển này đã qua. Giờ đây, cửa Thần Phù lùi sâu vào đất liền, yên vị trong làng, tĩnh lặng sống cùng hồi ức xa xôi và tư liệu lịch sử còn ghi chép lại. Hiện diện ở nơi này, xuyên suốt hàng trăm năm lịch sử, chùa Hàn Sơn vẫn vang vọng tiếng chuông ngân, biểu tượng đẹp trong đời sống văn hóa, tâm linh của đất và người làng Chính Đại nói riêng, xã Nga Điền nói chung.

Nhìn dáng vẻ khang trang, bề thế của chùa Hàn Sơn trong lồng lộng gió, ít ai biết được rằng “thuở ban đầu”, chùa được xây dựng đơn giản bằng gạch đá, lợp bổi. Cùng với sự thăng trầm của lịch sử, có thời điểm, chùa bị phá hủy. Tuy nhiên, chính nỗi lòng đau đáu của các thế hệ người dân với những giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống của quê hương đã trở thành “điểm tựa”, “duyên lành” để phát nguyện, phát tâm trùng tu, tôn tạo lại ngôi chùa. Chùa được xây dựng với kết cấu tiền phật hậu thánh, có tam quan uy nghi, hồ bán nguyệt... Chùa Hàn Sơn không chỉ là nơi thờ Phật, mà còn thờ thiền sư Nguyễn Minh Không tôn thần, Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, thánh Mẫu và Thành hoàng làng Chính Đại.

Ngần ấy những định danh cũng đủ cho thấy những hào quang tiên, phật, những kỳ bí tâm linh, những mưu cầu, khát vọng được gửi gắm tự ngàn đời đều hiện diện trên vùng đất Nga Sơn, hòa vào nhau để tô đậm mạch nguồn lịch sử, khơi dòng văn hóa cuồn cuộn chảy, kết tinh thành động lực, “sức mạnh nội sinh” thúc đẩy vùng đất này, con người nơi này không ngừng vươn tới.

Hoàng Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]