Trao sinh kế - “chìa khóa” giúp người dân thoát nghèo bền vững
Dự án đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025 được xem là một trong những giải pháp quan trọng, khơi dậy tính chủ động để các hộ nghèo tự vươn lên, góp phần hiệu quả vào công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Được hỗ trợ sinh kế đã tạo động lực để gia đình ông Bùi Văn Hùng, ở xã Ngọc Trung (Ngọc Lặc) vươn lên trong cuộc sống.
Năm 2023, gia đình anh Lương Văn Hiêm là một trong số những hộ nghèo của xã Phú Sơn (Quan Hóa) được tham gia mô hình chăn nuôi bò sinh sản thuộc Dự án 2 đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo. Theo đó, gia đình được hỗ trợ 1 con bò sinh sản trị giá 13 triệu đồng. Anh Hiêm chia sẻ: "Gia đình có 5 khẩu nhưng chỉ có 1 lao động chính. Vì vậy, dù tôi có xoay sở làm đủ công việc để có thêm thu nhập nhưng cũng không thoát khỏi cảnh nghèo. Được Nhà nước hỗ trợ bò và cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi đã giúp gia đình tôi có thêm điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo".
Theo anh Hà Huy Giáp, công chức văn hóa - xã hội xã Phú Sơn, trong tổng số 40 hộ ở bản Chiềng tham gia dự án, đến nay đã có 10/15 hộ nghèo và 15/25 hộ cận nghèo thoát nghèo, cận nghèo. Ngoài thụ hưởng dự án nuôi bò, xã còn có 56 lao động tham gia lớp dạy nghề đan lát thủ công. Sau thời gian học 3 tháng, các học viên được cấp chứng chỉ, được một doanh nghiệp đứng ra cung cấp nhiên liệu, bao tiêu sản phẩm. Nếu người nào chăm chỉ, chịu khó sẽ cho thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày; có thêm nguồn thu nhập, giúp các hộ cải thiện cuộc sống, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã.
Tương tự, trong năm 2023, xã Phúc Thịnh (Ngọc Lặc) có 18 hộ dân được thụ hưởng dự án hỗ trợ nuôi trâu sinh sản. Theo đó mỗi hộ được hỗ trợ 18 triệu đồng để mua trâu. Nhiều gia đình đã góp thêm vốn đối ứng từ 6 đến 8 triệu đồng mua trâu lớn, khỏe mạnh. Ví như hộ ông Lê Văn Cần, ở làng Miềng đã chọn mua 1 con trâu trị giá 23 triệu đồng. Nay trâu đã đẻ được 1 con nghé khỏe mạnh. Anh Cần rất phấn khởi và đã tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo trong năm 2024.
Tại xã Ngọc Trung (Ngọc Lặc), năm 2023 có 22 hộ tham gia dự án nuôi trâu sinh sản, trong đó có 20 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo. Hầu hết các hộ tham gia dự án đều có đối ứng thêm để mua giống và xây dựng chuồng trại bảo đảm theo quy định. Chỉ sau 1 năm, 4 hộ có trâu đã sinh sản được nghé và 6 hộ có trâu đang chửa. Đến nay, có 18 hộ thoát nghèo, cận nghèo. Trong đó có hộ bà Bùi Thị Do ở thôn Ngọc Tân có 3 khẩu nhưng chỉ có bà là lao động chính, bản thân thường xuyên đau ốm, lại gặp khó khăn do thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất. “Được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm “trao sinh kế” bằng việc hỗ trợ 1 con trâu sinh sản, tôi đã thay đổi nhận thức, không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại mà quyết tâm vươn lên thoát nghèo. Hiện, trâu đã nhân đàn lên 2 con, cuộc sống của gia đình tôi cũng ổn định hơn nhiều rồi” - bà Do chia sẻ.
Chỉ tính trong năm 2024, từ nguồn vốn phân bổ 219.539 triệu đồng, tỉnh ta đã triển khai được 320 dự án, gồm 21 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và 299 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng. Theo đó, có 11.101 hộ gia đình được hưởng lợi từ dự án, gồm 5.409 hộ nghèo, 311 hộ người khuyết tật, 4.202 hộ cận nghèo, 675 hộ mới thoát nghèo, 504 hộ dân khác; 2.323/11.101 hộ là người dân tộc thiểu số và 1.062/11.101 hộ có phụ nữ là chủ hộ. Dự án được triển khai thực hiện hỗ trợ đến người nghèo, cận nghèo, người mới thoát nghèo đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần vào mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo từng năm (năm 2022 giảm 1,79%, năm 2023 giảm 1,47%,). Dự kiến cuối năm 2024 còn 20.344 hộ nghèo, giảm 47.350 hộ nghèo so với đầu giai đoạn.
Công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Để tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo của mình, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh trên địa bàn. Phân bổ và sử dụng các nguồn lực hiệu quả, đúng mục đích. Thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát, phân loại hộ nghèo để có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Bố trí ngân sách địa phương thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi dậy ý chí tự lực vượt khó vươn lên thoát nghèo của người dân. Tạo điều kiện để hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất, tránh tái nghèo...
Bài và ảnh: Mai Phương
- 2024-11-02 15:28:00
Bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội tỉnh Thanh Hoá và Bắc Ninh 2024
- 2024-11-02 14:38:00
Thường Xuân nỗ lực phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
- 2024-11-02 14:22:00
Nâng cao chất lượng xe buýt, xe khách liên tỉnh
Phát động Tháng hành động vì Bình đẳng giới năm 2024
Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính của 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Prudential trao “món quà” chu toàn giải pháp bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình dịp cuối năm (**)
Cụm thi đua số 13 trao kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa
Loạn thu tiền điện tại các khu trọ dành cho sinh viên, công nhân
Đẩy mạnh chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH không dùng tiền mặt
Quan Sơn đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động
Có hay không việc thay biển hiệu tại cơ sở khám chữa bệnh sau khi bị yêu cầu tạm dừng hoạt động?
Trao bằng “Tổ quốc ghi công” đối với liệt sỹ Cù Văn Thiện