(Baothanhhoa.vn) - Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm, quan tâm đến công tác đào tạo nghề... nhiều địa phương trong tỉnh đã “giữ chân” được lực lượng lớn nguồn lao động tại chỗ. Qua đó, không chỉ giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thu hút nguồn lao động tại chỗ: Hiệu quả dài lâu

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm, quan tâm đến công tác đào tạo nghề... nhiều địa phương trong tỉnh đã “giữ chân” được lực lượng lớn nguồn lao động tại chỗ. Qua đó, không chỉ giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thu hút nguồn lao động tại chỗ: Hiệu quả dài lâuCông ty TNHH MTV May Phú Anh, xã Đông Khê (Đông Sơn) tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Ông Phạm Đình Điện, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Đông Sơn cho biết: Để “giữ chân” người lao động ở lại làm việc tại địa phương phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là cần định hướng đúng việc lựa chọn nghề nghiệp; đồng thời các công ty, doanh nghiệp cần duy trì chế độ đãi ngộ thỏa đáng, tạo môi trường thông thoáng cho người lao động. Với lợi thế là trên địa bàn huyện có hơn 400 doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, mỗi năm giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động, mức lương từ 7 - 8 triệu đồng/người/năm. Cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn trong huyện thường xuyên liên hệ với các doanh nghiệp tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng, từ đó có hướng đào tạo nghề sát thực. Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thực sự phát huy hiệu quả, huyện đã tập trung đưa đội ngũ cán bộ xuống trực tiếp xã, thị trấn để nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân, tư vấn và giúp người lao động chuẩn bị thủ tục để đăng ký học nghề. Đồng thời, thực hiện tốt việc liên kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp, công ty có nhu cầu sử dụng lao động. Tính trung bình mỗi năm huyện mở được 15 - 20 lớp đào tạo nghề, chủ yếu tập trung ở một số ngành nghề chính như may mặc, trồng trọt, cơ khí, điện lạnh... Sau học nghề, người dân có cơ hội tìm việc làm, tự tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cùng với đó, huyện đa dạng hóa các hình thức phổ biến thông tin thị trường lao động đến mọi tổ chức, cá nhân để mọi người có thể chủ động khai thác, cập nhật thông tin; tuyên truyền thông qua các phiên giao dịch việc làm, hội nghị định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên; đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, giới thiệu việc làm để thu hút, kêu gọi con em địa phương về làm việc tại quê nhà. Đặc biệt, là tạo cơ chế thông thoáng, hỗ trợ về thủ tục... để thu hút các dự án, mời gọi các tập đoàn về đầu tư trên địa bàn để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tại huyện Bá Thước, theo chia sẻ của ông Lê Phú Hiền, Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện, trên địa bàn số người trong độ tuổi lao động hiện nay gần 70.000 người, trong đó gần 49.000 lao động đang làm việc tại địa phương. Để thu hút nguồn lao động tiếp tục ở lại địa phương làm việc, phòng LĐTB&XH huyện đã thực hiện nhiều giải pháp để phát triển thị trường lao động như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh các doanh nghiệp; đăng tải thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của các công ty, doanh nghiệp; cung cấp thông tin đầy đủ về chế độ, chính sách, điều kiện tuyển chọn, làm việc, sinh hoạt và thu nhập của người lao động khi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp... Theo thống kê từ đầu năm đến tháng 9 năm 2022, toàn huyện đã giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động. Đồng thời, huyện chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho người lao động. Trong 9 tháng năm 2022, toàn huyện đào tạo mới được 2.305 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện lên 56%. Nhằm tạo môi trường làm việc an toàn, đảm bảo cho người lao động, huyện đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động. Tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động cho cán bộ các xã, thị trấn, các doanh nghiệp và người lao động...

Không chỉ ở nhiều địa phương đã và đang có những giải pháp đồng bộ để lao động không phải “ly hương” tìm việc, mà tại nhiều đơn vị công tác tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động được quan tâm thực hiện. Tại Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Hóa, ngoài việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ tại trung tâm, còn đẩy mạnh phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố để tổ chức các phiên giao dịch việc làm vệ tinh, lưu động và các ngày hội tư vấn, giới thiệu việc làm đến người lao động... Mới đây nhất, trung tâm đã phối hợp với huyện Quan Hóa tổ chức khai mạc phiên giao dịch việc làm, tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho hơn 1.000 học sinh lớp 12 Trường THPT Quan Hóa, người lao động thuộc các xã, thị trấn trong huyện, với sự tham gia của 19 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Cũng trong tháng 9-2022, trung tâm đã phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề Nghi Sơn và UBND thị xã Nghi Sơn tổ chức phiên giao dịch việc làm tại thị xã Nghi Sơn, với sự tham gia của 24 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, thu hút 1.630 lao động đến để nghe tư vấn, giới thiệu việc làm... Thông qua các sàn giao dịch việc làm góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động nắm bắt thông tin về thị trường lao động. Từ đó, chủ động tìm kiếm việc làm, học nghề phù hợp với bản thân; các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng tuyển dụng, tuyển sinh được nguồn lao động, đáp ứng yêu cầu đào tạo, sản xuất, kinh doanh.

Thời gian qua, để thu hút nguồn lao động tại chỗ, Sở LĐTB&XH Thanh Hóa đã đẩy mạnh khảo sát, cập nhật thông tin về nguồn cung - cầu của thị trường lao động; điều tra về nhu cầu học nghề, nhu cầu tuyển dụng lao động của các đơn vị, doanh nghiệp để có giải pháp đào tạo, giáo dục nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu tuyển dụng thực tế của xã hội. Đồng thời, tham mưu đẩy mạnh các giải pháp chăm lo, bảo đảm đời sống cho người lao động; duy trì thường xuyên các hoạt động giao dịch việc làm; tiếp tục nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh để có giải pháp tư vấn việc làm cho người lao động. Chủ động tổ chức các cuộc đối thoại với doanh nghiệp và tập trung hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện chính sách đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Cùng với đó, tiếp tục quan tâm nâng cấp mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp...

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]