(Baothanhhoa.vn) - Khi bàn về những đóng góp của sử gia Lê Văn Hưu, có nhận định cho rằng, Lê Văn Hưu với tư cách là danh nhân văn hóa, nhà sử học kiệt xuất đã đặt nền móng cho Quốc sử Việt Nam, người đã góp trí tuệ và công sức lao động khoa học cho nền văn hóa Thăng Long, cho kỷ nguyên độc lập của nước Đại Việt!

Lê Văn Hưu: Một sử gia uyên bác – một nhân cách lớn

Khi bàn về những đóng góp của sử gia Lê Văn Hưu, có nhận định cho rằng, Lê Văn Hưu với tư cách là danh nhân văn hóa, nhà sử học kiệt xuất đã đặt nền móng cho Quốc sử Việt Nam, người đã góp trí tuệ và công sức lao động khoa học cho nền văn hóa Thăng Long, cho kỷ nguyên độc lập của nước Đại Việt!

Lê Văn Hưu: Một sử gia uyên bác – một nhân cách lớn

Quang cảnh khu vực đền thờ Lê Văn Hưu trước ngày kỷ niệm. Ảnh: Lê Dung

Trong cuốn “Từ điển Hán – Việt”, tác giả Đào Duy Anh đã lý giải một cách ngắn gọn, súc tích về cuộc đời và sự nghiệp của sử gia Lê Văn Hưu rằng “Lê Văn Hưu - danh sĩ đời Trần, thi đậu Bảng nhãn, soạn bộ Đại Việt sử 30 quyển chép từ nhà Triệu đến cuối nhà Hậu Lý, nước ta có sử từ đó”. Trải qua 7, 8 thế kỷ với vô số biến động, dấu xưa về sử gia họ Lê còn lưu lại cho đến ngày nay là không nhiều. Song, bằng quá trình tìm tòi nghiêm túc, công phu, nhà nghiên cứu Lê Ân đã dẫn ra những thông tin cơ bản: Lê Văn Hưu sinh năm Canh Dần đời Trần Thái tông (1230), mất ngày 23 tháng 3 năm Nhâm Tuất đời Trần Anh tông (1322), thọ 93 tuổi. Ông người làng Thần Hậu (tức Phủ Lý Nam) thuộc xã Thiệu Trung, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa (nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Xưa kia đất này gọi tên chung là Kẻ Rỵ, tức Giáp Bối Lý dưới thời Lý Trần, sau đổi thành Phủ Lý vào đời Lê và đến thời Nguyễn thì chia làm 3 làng là Phủ Lý Nam, Phủ Lý Trung, Phủ Lý Bắc mà Nhân dân quen gọi là 3 làng Trung, Nam, Bắc. Trong “Bản xã tiên hiền” thuộc 3 làng Phủ Lý (tức danh sách thứ tự các bậc tiên hiền được dân Kẻ Rỵ thờ chung) thì Lê Văn Hưu được xếp ở hàng thứ 2 sau Thượng trụ khai quốc Lê Tướng Công, tức Lê Lương, ông tổ bảy đời của Lê Văn Hưu như được ghi trong gia phả. Danh vị của Lê Văn Hưu được ghi trong “Bản xã tiên hiền” là: “Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhị danh, Hàn Lâm viện thị độc, Chưởng sử quan tu Đại Việt sử ký, Binh bộ thượng thư, Nhân uyên hầu Lê Tướng Công”.

Năm “Nhâm Thân Thiệu Long thứ 15 (1272), Hàn lâm viện Học sĩ kiêm Quốc sử viện Giám tu Lê Văn Hưu vâng lệnh soạn Đại Việt sử ký từ Triệu Vũ Đế đến Lý Chiêu Hoàng gồm 30 quyển, dâng lên, vua xuống chiếu khen ngợi”. Từ cơ sở này, có ý kiến cho rằng, có thể Trần Thánh tông khen Đại Việt sử ký vì trong đó có tư tưởng của Lê Văn Hưu cũng là tư tưởng của thời đại: đó là tinh thần dân tộc và ý chí tự cường. Từ khi nền độc lập được giành lại ở thế kỷ X, tinh thần dân tộc tiếp tục được hun đúc, bồi đắp qua nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Để đến thời Trần, tinh thần ấy một lần nữa được khẳng định qua nhiều cuộc đương đầu với giặc Nguyên Mông hùng mạnh. Đây là thời kỳ các truyền thuyết về cội nguồn dân tộc và văn hóa được sưu tầm, ghi chép lại; đồng thời, các bộ sử dân tộc cũng bắt đầu được biên soạn. Công việc viết sử cũng chính là công việc đề cao ý thức dân tộc. Do vậy, Lê Văn Hưu không thể không tắm mình trong tinh thần thời đại bấy giờ, trong cái ý thức dân tộc, tinh thần dân tộc vô cùng hào sảng mang tên “Hào khí Đông A”.

“Trong lịch sử phát triển của nền sử học Việt Nam, Đại Việt sử ký giữ vị trí bộ Quốc sử đầu tiên”. Ý kiến đó của GS Phan Huy Lê là chính xác và đúng mức. Trước đó, các nhà nho và các sử gia đều đã công nhận Lê Văn Hưu là “đại thủ bút”. Mặc dù chưa đầy đủ cứ liệu để đi sâu vào quan điểm, bút pháp của ông, sự tôn vinh này vẫn là chính đáng. Đồng thời, nhà nghiên cứu này cũng nhấn mạnh, dù “đang cần những điều tra cụ thể và thuyết phục hơn, nhưng hãy tạm nhận là cuốn Sử ký của Đỗ Thiện được viết năm 1127, cuốn Việt Chí của Trần Chu Phổ viết năm 1233 (theo Polyakov). Những cuốn ấy đã mất, không có hy vọng tìm ra. Song Lê Văn Hưu “tu” hay “soạn”, cũng đã phải dùng các sách ấy làm tài liệu. Sách ông soạn có đến 30 cuốn, rõ ràng là có bề thế hơn nhiều. Ngô Sĩ Liên thêm vào một số phần ngoại kỷ (chứ không phải là tất cả), còn chủ yếu đã thừa hưởng của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên. Chép việc một ngàn năm (207 trước công nguyên đến 1224) cho thành một bộ sử chính thức trong hoàn cảnh học thuật nước ta hồi đó, để sau này cho tất cả các thời đại noi theo mà không thay đổi gì căn bản, thật là việc làm đặc sắc. Thiên tài của nhà sử học là ở đó, chứ không phải chỉ là ở công việc khởi đầu. Có nhiều người mở đầu mà không đứng đầu, Lê Văn Hưu là người có cả hai tư cách ấy”.

Có thể khẳng định, Lê Văn Hưu không chỉ là sử gia thiên tài, mà còn là một nhân cách lớn với tư tưởng tiến bộ là đề cao tinh thần dân tộc. Bởi, mỗi đất nước phải có lịch sử riêng của mình và Lê Văn Hưu được nhiều nhà nghiên cứu khẳng định là người đặt nền móng cho nền sử học Việt Nam. Với trí tuệ uyên bác, Lê Văn Hưu đã dày công tập hợp, chỉnh lý một khối lượng tư liệu lịch sử khá đồ sộ để biên soạn được bộ lịch sử 30 cuốn. Việc Lê Văn Hưu soạn Quốc sử đã thể hiện rõ thái độ đề cao sự tồn tại dân tộc ta với tư cách một quốc gia có tiến trình lịch sử lâu đời. Đặc biệt hơn – như nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra - chính tinh thần dân tộc đã giúp Lê Văn Hưu có lúc vượt ra khỏi ước thúc của đạo đức Nho giáo để đạt được quan điểm sử học tiến bộ. Để chứng minh cho nhận định này, người ta đã dẫn ra một trong những lời bình hay, đầy xúc cảm của sử gia họ Lê khi bàn về Hai Bà Trưng: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố cùng 60 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương. Tiếc rằng sau họ Triệu cho đến trước họ Ngô, trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao?”.

Lê Văn Hưu – với trí tuệ mẫn tiệp và nhân cách lớn – xứng là đại diện cho trí tuệ và phẩm giá làm người của dòng họ Lê Kẻ Rỵ nói riêng, xứ Thanh nói chung. Gốc rễ cho tài năng và nhân cách của sử gia này không chỉ bởi trí tuệ thiên bẩm, tinh thần tự học, tự rèn và được thi thố tài năng ở một thời đại lịch sử hào hùng; mà có lẽ còn xuất phát từ chính nguồn gốc quê hương, bản quán. Dòng họ Lê ở Kẻ Rỵ vốn nổi tiếng bởi truyền thống học hành khi xuất hiện nhiều người tài. Kẻ đời sau nối tiếp thế hệ trước giữ đạo xuất xử là “tu nhân tích đức, giảng kinh học đạo, lấy văn chương làm lòng” để lưu danh. Sử cũ chép, năm 1247, triều Trần mở kỳ thi chọn thái học sinh lần thứ 3. Lê Văn Hưu thi đỗ thứ 2 khi vừa tròn 17 tuổi và với học vị Bảng nhãn, Lê Văn Hưu là vị tiến sĩ khai khoa đầu tiên của Châu Ái! Lê Văn Hưu là một trí thức lớn, một sử gia uyên bác và tiến bộ. Do vậy, khi nói về việc nghiên cứu thân thế, sự nghiệp của ông, GS Phan Huy Lê cho rằng, cần đẩy mạnh nghiên cứu nhằm nhận thức sâu sắc hơn vị trí, vai trò và cống hiến của nhà sử học lỗi lạc Lê Văn Hưu, một danh nhân văn hóa lớn của quê hương Thanh Hóa và của cả dân tộc. Từ đó, quan tâm hơn đến việc bảo vệ, tôn tạo những di tích ít ỏi còn lưu giữ đến nay của Lê Văn Hưu. Thiết nghĩ, đó cũng là biểu thị thiết thực nhất tấm lòng trân trọng, niềm tự hào của Nhân dân Thanh Hóa đối với một danh nhân đáng được muôn đời tôn kính!

Khôi Nguyên


Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]