Nhận định việc lần đầu tiên Tòa thánh Vatican có một Đại diện thường trú ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho biết đây là thời khắc lịch sử trong quan hệ ngoại giao Việt Nam-Vatican.

Thời khắc lịch sử trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vatican

Nhận định việc lần đầu tiên Tòa thánh Vatican có một Đại diện thường trú ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho biết đây là thời khắc lịch sử trong quan hệ ngoại giao Việt Nam-Vatican.

Thời khắc lịch sử trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và VaticanGiám mục Marek Zalewski được bổ nhiệm làm đại diện Tòa thánh Vatican thường trú tại Việt Nam. (Nguồn: Hội đồng Giám mục Việt Nam)

Chiều 24/12, Bộ Ngoại giao Việt Nam phát đi thông báo ngày 23/12, Tòa thánh Vatican đã công bố việc Tổng Giám mục Marek Zalewski được Giáo hoàng Francis bổ nhiệm làm Đại diện Thường trú đầu tiên của Tòa thánh tại Việt Nam.

Thông báo nêu rõ việc Tổng Giám mục Marek Zalewski trở thành Đại diện Thường trú đầu tiên của Tòa thánh Vatican tại Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy mối liên kết giữa Tòa thánh và Giáo hội Công giáo Việt Nam, đồng thời tăng cường hơn nữa trao đổi giữa Việt Nam và Tòa thánh.

Trước đó, trang VaticanNews đưa tin, “Thứ Bảy, ngày 23/12/2023, vào lúc 12h Vatican, tức 18h Việt Nam cùng ngày, Tòa thánh Vatican công bố: Đức Giáo hoàng Francis đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Tổng Giám mục hiệu tòa Africa (nay là Tunisia), hiện đang là Sứ thần Tòa thánh tại Singapore kiêm Đại diện Tòa thánh không thường trú tại Việt Nam, làm Đại diện Tòa thánh Vatican Thường trú tại Việt Nam.”

Ngay sau công bố này, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam đã có thư gửi các Hồng y, linh mục và đồng bào Công giáo chia sẻ niềm vui chung trước thềm Giáng sinh 2023.

Trong thư, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam cho biết ngày 27/7 vừa qua, Tòa thánh Vatican và Việt Nam đã công nhận Thỏa thuận về “Quy chế hoạt động của Đại diện Thường trú và Văn phòng Đại diện Thường trú Tòa thánh tại Việt Nam” nhân dịp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến thăm Vatican và hội kiến với Đức Giáo hoàng Francis.

Đây là kết quả của quá trình gặp gỡ và trao đổi lâu dài, nhất là từ khi thành lập “Tổ công tác hỗn hợp Việt Nam-Vatican” với khóa họp đầu tiên ngày 16 và 17/2/2009. Sau 14 năm với 10 khóa họp chung, nay Tòa thánh đã có thể bổ nhiệm một vị Đại diện thường trú tại Việt Nam.

“Kết quả tốt đẹp này dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau được xây dựng từng bước trong nhiều năm qua và nhờ nhìn nhận những điểm tương đồng và tôn trọng những khác biệt, với mục tiêu cùng nhau đi tìm con đường tốt nhất để phục vụ thiện ích của dân tộc Việt Nam và Hội thánh,” Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam nhắc lại bức thư Đức Giáo hoàng gửi Giáo hội Công giáo Việt Nam vào tháng Chín vừa qua, nhân dịp công nhận Thỏa thuận về Quy chế cho Đại diện thường trú của Tòa thánh và Văn phòng Đại diện Thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam.

Đồng thời bày tỏ tin tưởng trong tư cách Thường trú, Tổng Giám mục Đại diện Tòa thánh sẽ là “dấu chỉ hữu hình rõ nét hơn của sự hiệp thông giữa Hội thánh Việt Nam với Đức Giáo hoàng,” “trở thành cầu nối ngoại giao để Hội thánh có thể phát triển các hoạt động đa dạng nhằm đáp ứng các nhu cầu trong cộng đồng xã hội.”

Việc lần đầu tiên Tòa thánh Vatican có một Đại diện thường trú ở Việt Nam là sự kiện rất quan trọng trong tiến trình nâng cấp quan hệ hai bên, kết quả của một quá trình trao đổi tích cực, thể hiện sự nỗ lực, thiện chí, trên tinh thần tôn trọng, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau.

Mối quan hệ ấy được thực hiện có lộ trình phù hợp, đồng thời phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam và các công ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, tham gia, cũng như tình hình thực tế quan hệ hai bên.

Điều này cũng thể hiện chính sách nhất quán của Nhà nước ta là tôn trọng và đảm bảo tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tôn giáo, trong đó có Công giáo, góp phần mở ra cơ hội thuận lợi cho Giáo hội Công giáo Việt Nam trong hội nhập sâu rộng với Công giáo thế giới.

Quan hệ Việt Nam-Tòa thánh Vatican thời gian qua đã đạt được nhiều bước tiến tích cực, đặc biệt kể từ khi hai bên thiết lập cơ chế đối thoại thường xuyên của Tổ công tác hỗn hợp Việt Nam-Vatican năm 2009.

Kể từ đó đến nay, đã có nhiều tiếp xúc, trao đổi giữa Lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Tòa thánh, trong đó có thể kể đến cuộc tiếp xúc giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Giáo hoàng Benedict XVI (năm 2007), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết với Giáo hoàng Benedict XVI (năm 2009), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Giáo hoàng Benedict XVI (năm 2013), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng với Giáo hoàng Francis (năm 2014), Chủ tịch nước Trần Đại Quang với Giáo hoàng Francis (năm 2016) và gần đây nhất là giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với Giáo hoàng Francis (năm 2023).

Thời khắc lịch sử trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vatican

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hội kiến Giáo hoàng Francis, tháng 7/2023.

Giáo hoàng Benedict XVI và Giáo hoàng Francis đã có các Huấn từ, Sứ điệp, thư gửi Giáo hội Công giáo Việt Nam nhấn mạnh tinh thần “giáo dân tốt là công dân tốt,” căn dặn và khuyến khích người Công giáo sống tốt đời đẹp đạo, đồng hành cùng đất nước, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của cả nước và địa phương.

Tối 24/12, trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về bước tiến quan trọng trong quan hệ song phương này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho biết đây là thời khắc lịch sử trong quan hệ ngoại giao Việt Nam-Vatican.

Qua bức thư của Giáo hoàng gửi Cộng đoàn Dân Chúa Việt Nam và việc bổ nhiệm Đại diện thường trú đã mở ra một chương mới trong quan hệ hai bên và trong tương quan giữa Giáo hội Công giáo Việt Nam và Giáo hội Hoàn vũ.

Tựu chung nhất trong mối quan hệ đặc biệt đó là mối quan hệ tốt đẹp giữa hai Nhà nước, hai Chính phủ và hai Giáo hội, khẳng định vị trí, vai trò của Giáo hội Công giáo Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Mối quan hệ ấy đã được khẳng định trong chuyến thăm Tòa thánh Vatican, hội kiến Giáo hoàng Francis của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vào tháng 7/2023.

Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng phân tích thư của Giáo hoàng đã khẳng định “giáo dân tốt phải là người công dân tốt”, người Công giáo và Giáo hội Công giáo chỉ làm tốt cho dân tộc, cho đất nước, “Hội thánh tuyệt đối không có ý định thay thế các vị lãnh đạo chính quyền,” đồng thời nhấn mạnh tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo.

Bỏ qua những bất đồng, khác biệt trong lịch sử, Việt Nam và Vatican cùng hướng tới một mối quan hệ ngoại giao toàn diện. Từ đây, người Công giáo Việt Nam thực hiện theo đường hướng mới.

Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trên thế giới và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; với mục tiêu đối ngoại lấy việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo các điều kiện thuận lợi cho công cuộc đổi mới để phát triển kinh tế-xã hội, việc mở rộng đối ngoại tạo thêm nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước thì việc nâng cấp quan hệ với Tòa thánh Vatican chính là minh chứng của chính sách đối ngoại, chính sách tôn giáo đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước, và cũng là kết quả của phương thức, quá trình đối thoại mà hai bên cùng nhau thực hiện từ năm 1990.

Thời khắc lịch sử trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vatican

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp Thủ tướng Toà thánh Vatican, Hồng y Pietro Parolin, tháng 72023. (Ảnh: TTXVN phát)

Việt Nam coi trọng và sẵn sàng thúc đẩy quan hệ với Tòa thánh Vatican trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới.

Quan hệ hai bên đã có những tiến triển tích cực qua các thời kỳ. Năm 2011, Chính phủ Việt Nam chấp thuận đề nghị của Tòa thánh Vatican về việc cử một Đặc phái viên không thường trú của Vatican tại Việt Nam.

Đến nay, Đặc phái viên không thường trú vào Việt Nam hàng trăm lần, đi thăm, hoạt động mục vụ ở 63 tỉnh, thành phố, chỉ dẫn người có đạo hoạt động thuần túy tôn giáo, chấp hành quy định pháp luật Việt Nam.

“Việc nâng cấp Đại diện Thường trú không phải là kết thúc mối quan hệ mà mở ra tương quan mới trong quan hệ hai bên. Các vấn đề liên quan đến quan hệ hai bên sẽ được nhanh chóng trao đổi trực tiếp thông qua Đại diện Thường trú.

Đại diện thường trú có điều kiện thuận lợi thực hiện nhiệm vụ và trách nhiệm của Tòa thánh giao đối với Công giáo Việt Nam và có điều kiện quan tâm nhiều hơn đối với các hoạt động tôn giáo của Giáo hội Công giáo Việt Nam,” Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng chia sẻ.

Theo ông, việc nâng cấp quan hệ với Tòa thánh Vatican ngoài việc thể hiện đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, còn là sự ghi nhận của Việt Nam với những thiện chí, chỉ dẫn tích cực của Tòa thánh Vatican với Công giáo Việt Nam và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào Công giáo, động viên chức sắc, người theo đạo tuân thủ pháp luật, đồng hành cùng chính quyền các cấp.

Tin tưởng những điều Giáo hoàng đã viết trong thư “cả hai bên đã có thể cùng nhau tiến tới và sẽ còn tiến nữa, nhờ nhìn nhận những điểm tương đồng và tôn trọng những khác biệt. Hơn thế nữa, hai bên đã có thể đồng hành, lắng nghe nhau và hiểu nhau.”

Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng cho rằng mối quan hệ giữa Việt Nam-Vatican và giữa Giáo hội Hoàn vũ với Giáo hội Công giáo Việt Nam ngày càng phát triển tốt đẹp.

“Việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mời Giáo hoàng sang thăm là thiện chí của Nhà nước Việt Nam. Nhà nước Việt Nam, Giáo hội Công giáo Việt Nam, người Việt Nam rất vui mừng trước thông tin này, rất mong chờ chuyến thăm của Giáo hoàng tới đất nước Việt Nam xinh đẹp, yêu chuộng hòa bình, mong muốn là người bạn, là đối tác tin cậy với các quốc gia trên toàn thế giới,” Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Theo TTXVN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]