(Baothanhhoa.vn) - Với mục tiêu phát triển du lịch mang bản sắc văn hóa riêng, trở thành điểm trung chuyển, dừng chân, kết nối phát triển du lịch với khu vực TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn và khu vực miền núi phía Tây, đến năm 2030 trở thành một ngành kinh tế quan trọng của huyện, những năm qua, huyện Thiệu Hóa đã luôn quan tâm tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng và phát triển các làng nghề truyền thống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Thiệu Hóa: Phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề kết hợp với du lịch văn hóa tâm linh

Với mục tiêu phát triển du lịch mang bản sắc văn hóa riêng, trở thành điểm trung chuyển, dừng chân, kết nối phát triển du lịch với khu vực TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn và khu vực miền núi phía Tây, đến năm 2030 trở thành một ngành kinh tế quan trọng của huyện, những năm qua, huyện Thiệu Hóa đã luôn quan tâm tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng và phát triển các làng nghề truyền thống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Thiệu Hóa: Phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề kết hợp với du lịch văn hóa tâm linhNgười dân làng Đắc Châu, xã Tân Châu phơi bánh đa ở triền đê sông Chu.

Khơi dậy tiềm năng

Những ngày tháng 6 nắng như đổ lửa nhưng bà con làng nghề làm bánh đa truyền thống Đắc Châu, xã Tân Châu vẫn hối hả sản xuất cho kịp đơn hàng cung cấp đi các huyện cũng như các điểm du lịch trong tỉnh.

Chị Phùng Thị Liên - một trong những hộ làm bánh lúi húi lật từng cái bánh trên các phên tre phơi trên bờ sông Chu chia sẻ: “Nắng nóng tuy vất vả nhưng hàng làm đến đâu bán hết đến đấy; thậm chí không có hàng mà bán. Ngoài việc bán cho người dân quanh vùng, các nhà hàng, thỉnh thoảng tôi còn bán cho khách mang đi các tỉnh làm quà biếu. Làm nghề này, nếu chịu khó thức khuya, dậy sớm để ngâm gạo, xay bột, tráng bánh, phơi bánh, nướng bánh thì sẽ có nguồn thu nhập ổn định hơn so với bà con làm nông nghiệp thuần túy. Chính vì có nguồn thu nhập ổn định nên đến nay làng có khoảng hơn 200 hộ làm nghề”.

Say sưa ngắm nhìn, ghi lại khoảng khắc, nét đẹp của người làm nghề, chị Nguyễn Thu Hà - du khách ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội hào hứng tâm sự: “Ấn tượng của tôi khi thăm làng nghề đó là những phên bánh đa được người dân phơi khắp nơi, từ bờ đê đến các ngõ ngách, sân nhà... kín lối ra, vào. Đặc biệt, tôi rất thích ngửi mùi thơm của bột, của vừng, của bánh - nó gợi nhớ cho tôi cả miền ký ức của quê nhà”.

Còn chị Lê Thanh Huyền, ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội nói: “Hè nào tôi cũng cho các con đi đến các điểm du lịch để nghỉ dưỡng, nhưng năm nay, ngoài đi nghỉ ở Sầm Sơn, tôi còn đưa các con đi trải nghiệm các làng nghề truyền thống để các con biết được những gian truân, vất vả của người dân, nghệ nhân làm nên những sản phẩm cho các con tiêu dùng. Huyện Thiệu Hóa được gia đình tôi lựa chọn là điểm đến, bởi từ Sầm Sơn đi Thiệu Hóa không xa, ở đây lại có một số làng nghề tồn tại hàng trăm, thậm chí hơn một nghìn năm tuổi”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để phát huy tiềm năng, lợi thế từ các làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận như: Làng nghề đúc đồng Trà Đông, xã Thiệu Trung; làng nghề bánh đa Đắc Châu, xã Tân Châu; làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô, xã Thiệu Đô, nay là thị trấn Thiệu Hóa cũng như các di tích lịch sử, như: Di chỉ khảo cổ học Núi Đọ sơ kỳ đồ đá cũ (xã Tân Châu), đền Trà Đông, đền thờ - lăng mộ Bảng Nhãn Lê Văn Hưu, chùa Hương Nghiêm (xã Thiệu Trung), chùa Yên Lộ (xã Thiệu Vũ), chùa Thái Bình (xã Thiệu Hợp)..., đền thờ Nguyễn Quán Nho (thị trấn Thiệu Hóa)...; các di tích lịch sử cách mạng như: Nhà thờ Họ Vương - nơi thành lập một trong ba chi bộ đầu tiên của tỉnh (xã Thiệu Tiến); Cụm di tích cơ sở cách mạng Xứ ủy Bắc kỳ, Trung kỳ và Đảng bộ Thanh Hóa thời kỳ 1930-1945 (xã Thiệu Toán); Khu hầm làm việc và chỉ huy của Thường trực Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa (giai đoạn 1964-1972); Khu di tích lịch sử cách mạng Trụ sở làm việc của cơ quan Tỉnh ủy Thanh Hóa (thời kỳ 1967-1973) tại xã Thiệu Viên... và nhiều di chỉ, chùa, đình, đền, di tích, địa điểm tham quan có giá trị về lịch sử, văn hóa và tâm linh đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia, di tích cấp tỉnh; những năm qua, huyện Thiệu Hóa đã tập trung đầu tư tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, chuyển hóa truyền thống cách mạng, văn hóa, lịch sử lâu đời thành nguồn lực, động lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Đơn cử như 3 năm trở lại đây, huyện Thiệu Hóa đặc biệt quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di tích, như: tập trung nguồn lực tu bổ, tôn tạo Khu di tích lịch sử cách mạng Trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa (giai đoạn 1967-1973) đóng trên địa bàn xã Thiệu Viên, với tổng mức đầu tư 29,8 tỷ đồng. Đầu tư quy hoạch trùng tu, tôn tạo Khu di tích lịch sử quốc gia đền thờ Lê Văn Hưu, với tổng số tiền trên 29 tỷ đồng. Hiện, huyện đã và đang thực hiện tu bổ, tôn tạo cụm di tích lịch sử cách mạng Thiệu Toán... Bên cạnh đó, huyện tập trung phát triển làng nghề truyền thống, đến nay làng nghề đúc đồng Trà Đông (xã Thiệu Trung) có 15 cơ sở đúc đồng, thu hút giải quyết việc làm cho trên 200 lao động, với thu nhập từ 10 - 12 triệu đồng/người/tháng, giá trị sản xuất năm 2022 của làng nghề ước đạt 250 tỷ đồng. Làng nghề bánh đa Đắc Châu, xã Tân Châu, với 201 hộ sản xuất, giải quyết việc làm cho trên 500 lao động với thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/người/tháng, giá trị sản xuất năm 2022 đạt 240 tỷ đồng. Làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô, xã Thiệu Đô, nay là thị trấn Thiệu Hóa đang được quan tâm phục hồi, phát triển...

Kết nối phát triển du lịch

Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu trong việc khơi dậy tiềm năng, lợi thế để phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề kết hợp với du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn huyện. Song, theo đánh giá của huyện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, như: Các tài nguyên du lịch tại huyện vẫn ở dạng tiềm năng mà chưa được xây dựng thành những sản phẩm du lịch làng nghề gắn với du lịch văn hóa tâm linh kết nối với các điểm đến, địa phương trong huyện để thu hút khách du lịch.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề chủ yếu ở quy mô hộ gia đình ít vốn, sức đầu tư thấp, tính phổ biến, đa dạng về sản phẩm thiếu đa dạng, chưa phù hợp với thị hiếu của nhiều đối tượng khách hàng. Sự liên kết, hợp lực giữa các doanh nhân, người sản xuất, nhà quản lý... chưa trở thành một khối thống nhất để phát huy tiềm năng lớn của làng nghề cũng như thế mạnh du lịch của huyện...

Để phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế của làng nghề, của các di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng hiện có, góp phần phát triển kinh tế nông thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, thời gian tới huyện Thiệu Hóa xác định xây dựng kinh tế du lịch phải trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế, phát triển du lịch mang bản sắc văn hóa riêng, với điểm nhấn là các di tích văn hóa, tâm linh, làng nghề truyền thống, du lịch trải nghiệm nông nghiệp công nghệ cao, về nguồn... và trở thành điểm trung chuyển, kết nối phát triển du lịch cho khu vực TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn và khu vực miền núi phía Tây của tỉnh trên cơ sở tổ chức triển khai có hiệu quả Đề án phát triển du lịch huyện Thiệu Hóa giai đoạn 2021-2030 đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1679/QĐ-UBND ngày 17-5-2022.

Đồng thời, tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng làng nghề truyền thống, làng nghề tiểu thủ công nghiệp; giữ gìn, phát huy giá trị các điểm đến của làng nghề đúc đồng Trà Đông, bánh đa làng Đắc Châu; ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô. Tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, thương hiệu các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên cơ sở bố trí và xây dựng các điểm, trung tâm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm, tổ chức hội chợ giới thiệu các sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp...

Làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng, cùng với việc duy trì và phát huy giá trị truyền thống của các lễ hội, tâm linh trên địa bàn. Bố trí thỏa đáng nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, cùng với kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư tu bổ, tôn tạo các khu di tích: Khu lăng mộ vua Lê Ý tông, đền thờ tể tướng Nguyễn Quán Nho, đền thờ Lê Văn Hưu, đền thờ Trà Đông,... phục vụ phát triển du lịch tâm linh.

Tăng cường liên kết với các công ty lữ hành để hình thành các tour du lịch, sản phẩm du lịch làng nghề, gắn với du lịch tâm linh. Đẩy mạnh công tác đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Khuyến khích phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, gắn nội dung bồi dưỡng, đào tạo về du lịch với các chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề ở địa phương; thường xuyên bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiệp vụ, kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, kiến thức làm du lịch cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch, xây dựng văn hóa du lịch chuyên nghiệp. Phát triển điểm du lịch gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, gắn với giữ gìn, đảm bảo cảnh quan môi trường, xây dựng diện mạo nông thôn “sáng - xanh - sạch - đẹp”.

Bài và ảnh: Ngân Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]