Thế chiến thứ III đã bắt đầu?
Liệu Thế chiến thứ III đã bắt đầu? Richard Dearlove, cựu giám đốc cơ quan tình báo đối ngoại Anh MI6 cho rằng “cuộc chiến thực sự” đang diễn ra. Jamie Dimon, CEO của JPMorgan, phát biểu vào tháng 10 rằng Thế chiến thứ III “đã bắt đầu” khi dẫn chứng các cuộc xung đột ở nhiều quốc gia khác nhau. Các quốc gia châu Âu được cho là đang âm thầm chuẩn bị cho Thế chiến thứ III. Trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và các đồng minh đã nhiều lần cảnh báo về điều này.
Ảnh: Newsweek/Getty.
Olevs Nikers, Chủ tịch Quỹ An ninh Baltic cho rằng thế giới đang ở đâu đó trong giai đoạn trước Thế chiến thứ III. Đồng thời khẳng định, giai đoạn hiện nay giống Chiến tranh Lạnh, nhưng có thể bùng nổ bất cứ lúc nào nếu không được ngăn chặn.
Trong khi đó, David Stevenson, Giáo sư tại trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London phủ nhận khi cho rằng vẫn chưa phải thời điểm Thế chiến thứ III bắt đầu, mặc dù nguy cơ là rất lớn. Hầu hết các đặc điểm của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đã xuất hiện giữa Nga và các nước NATO. Bằng cách cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine, NATO đã tham gia vào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm nóng bỏng chống lại Nga. Mặc dù vậy, hai bên hiện chưa ở trong tình trạng xung đột vũ trang toàn diện. Tuy nhiên, mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Nga, Trung Quốc, Triều Tiên và Iran sẽ làm gia tăng nguy cơ nếu một trong số các quốc gia này tham gia vào cuộc chiến với phương Tây, khi đó chiến tranh sẽ mang tính toàn cầu.
Edward Newman, Giáo sư An ninh quốc tế tại Đại học Leeds, Vương quốc Anh cho rằng hiện nay các chuẩn mực răn đe vẫn có hiệu lực, do đó xung đột quân sự trực tiếp trên quy mô lớn giữa các quốc gia là không có khả năng xảy ra, mặc dù rủi ro đang gia tăng. Trừ khi có tính toán sai lầm cực kỳ nghiêm trọng, động cơ để bắt đầu xung đột quân sự công khai giữa Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ và các nước NATO khác vẫn còn thấp.
Ông cho biết, khả năng xảy ra cao hơn là sự leo thang của các chiến thuật chiến tranh hỗn hợp: Sự kết hợp giữa các kỹ thuật thông thường và không chính quy bao gồm phá hoại, gây gián đoạn, xâm nhập và củng cố phạm vi ảnh hưởng bằng cách can thiệp. Tình hình này đang trở nên nghiêm trọng do cuộc khủng hoảng rộng lớn, bao gồm nhiều thách thức an ninh toàn cầu và sự phức tạp của hệ thống xã hội, kinh tế, địa chính trị, sinh thái và nhân khẩu học. Các thể chế đa phương hiện có về quản trị toàn cầu chắc chắn không đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng đa cực này.
Ảnh: AFP.
Ian Ona Johnson, Phó Giáo sư Lịch sử Quân sự, Đại học Notre Dame dẫn chứng: Kể từ năm 1945, nhiều lần thế giới lo ngại Thế chiến thứ III đã bắt đầu hoặc sắp xảy ra. Nỗi lo sợ lớn nhất là hai hoặc nhiều cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ trực tiếp gây chiến với nhau, thay vì tham gia vào các cuộc chiến tranh thông thường hoặc thông qua lực lượng ủy nhiệm.
Chỉ có cuộc khủng hoảng hiện tại ở Ukraine mới có nguy cơ mở rộng thành cuộc chiến tranh giữa các cường quốc như vậy. Các cuộc xung đột đang diễn ra trên khắp Trung Đông và Châu Phi, mặc dù gây mất ổn định khu vực nhưng không có khả năng kéo hai hoặc nhiều cường quốc hạt nhân vào cuộc đối đầu trực tiếp.
Nếu Thế chiến thứ III nổ ra ở Ukraine, đó sẽ là một cuộc chiến tranh được lựa chọn, bắt đầu bằng việc NATO đưa lực lượng bộ binh và không quân vào chiến đấu chống lại lực lượng Nga tại đây. Quyết định đó sẽ kích động các biện pháp đối phó của Nga, có thể là hạt nhân. Mặc dù có một số cuộc thảo luận công khai về viễn cảnh này, nhưng có vẻ không có khả năng xảy ra vào thời điểm hiện tại.
Các phân tích cho thấy, rất ít quốc gia thành viên NATO có khả năng tác động đáng kể đến cán cân quân sự ở Ukraine. Trong số những quốc gia có khả năng, đặc biệt là Hoa Kỳ, lại không có được sự ủng hộ của công chúng để mở rộng chiến tranh. Và ngay cả khi có đủ điều kiện, vẫn chưa rõ liệu lợi ích chiến lược nào sẽ đạt được khi so sánh với những rủi ro của một cuộc đối đầu hạt nhân với Liên bang Nga.
Trong một phân tích mới nhất, Matthew C. Zierler, Phó Giáo sư Quan hệ Quốc tế tại đại học Michigan cho biết các cuộc chiến tranh hiện nay rất khác so với việc nói rằng Thế chiến thứ III đã bắt đầu. Thế giới đang phải đối mặt với những mối đe dọa cũ và mới, bản chất của quan hệ xuyên Đại Tây Dương, hành động của Nga và phạm vi toàn cầu của Trung Quốc đang thách thức những dự đoán về hướng đi của an ninh quốc tế. Nhưng sự thay đổi, bất ổn và bạo lực không có nghĩa là chúng ta sẽ phải đối mặt với một cuộc xung đột mới giống như hai cuộc chiến tranh thế giới trước, ông cho biết.
Stephen Van Evera, Giáo sư danh dự về Khoa học Chính trị, tác giả của cuốn sách “Nguyên nhân của Chiến tranh: Quyền lực và nguồn gốc của xung đột” khẳng định Thế chiến thứ III vẫn chưa bắt đầu. Và nó sẽ không sớm bắt đầu chừng nào Hoa Kỳ còn áp dụng các chính sách thận trọng đối với các cường quốc khác trên thế giới là Trung Quốc và Nga.
Ông phân tích, hầu hết các cuộc chiến tranh lớn trong quá khứ đều bắt nguồn từ sự cạnh tranh về an ninh giữa các cường quốc. Họ tìm cách kiểm soát các nguồn lực cần thiết để có thể chống lại sự xâm lược hoặc thay thế các chế độ khác bằng những nhà lãnh đạo đối lập.
Phát minh ra vũ khí hạt nhân đã làm cho suy nghĩ này trở nên lỗi thời vì việc chinh phục giữa các cường quốc trở nên bất khả thi. Các cường quốc có thể duy trì lực lượng hạt nhân, việc đối đầu giữa các cường quốc hiện nay về cơ bản là không thể. Thay vào đó, họ có thể đảm bảo chủ quyền của mình khá dễ dàng, bằng cách duy trì một lực lượng răn đe.
Kịch bản phổ biến trong những thế kỷ gần đây cho thấy, một cường quốc phóng đại mối đe dọa an ninh quốc gia do các cường quốc khác gây ra; phản ứng bằng sự hiếu chiến vô cớ; do đó, sẽ kích động sự hình thành của một liên minh đối trọng.
Hoa Kỳ sẽ không bị các thế lực nước ngoài xâm lược trong tương lai gần, ngay cả khi sức mạnh của Trung Quốc tiếp tục gia tăng. Sự an toàn này cho phép Hoa Kỳ tránh các chính sách rủi ro cao có thể dẫn đến xung đột quân sự với một thế lực khác. Nhưng người Mỹ sẽ phải cẩn thận để không trở thành nạn nhân của ảo tưởng và sự điên rồ của chính mình.
Walter Dorn, Giáo sư Nghiên cứu Quốc phòng, Cao đẳng Quân sự Hoàng gia Canada cũng khẳng định Thế chiến thứ III chưa bắt đầu. Các diễn biến hiện nay giống Chiến tranh Lạnh, nơi các cường quốc không trực tiếp tham chiến mà tham gia vào các cuộc chiến tranh ủy nhiệm để gây ảnh hưởng và duy trì hệ thống và ý thức hệ tương ứng. Tuy nhiên, chiến tranh giữa các cường quốc là có thể xảy ra.
Phần còn lại của một chiếc xe tăng T-72 nằm trên con đường nối Shiraro với Shire. Cuộc chiến kéo dài 2 năm ở khu vực Tigray của Ethiopia đã khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng, hơn một triệu người vẫn phải di dời và gây thiệt hại hơn 20 tỷ đô la, cho đến khi một thỏa thuận hòa bình vào tháng 11/2022 được thông qua. Ảnh: AFP/Getty Images.
Theo Kristian Gleditsch, Giáo sư Khoa học Chính trị Regius, Đại học Essex: Các nguồn dữ liệu chuẩn về xung đột bạo lực cho thấy số lượng các cuộc xung đột và số người tử vong trong chiến đấu được ghi nhận đã tăng lên trong những năm gần đây. Nhưng phần lớn sự gia tăng là do các phong trào Hồi giáo. Cuộc xung đột nghiêm trọng nhất gần đây tính đến năm 2023 (năm gần nhất có dữ liệu đầy đủ) là cuộc chiến Tigray ở Ethiopia, chứ không phải cuộc chiến ở Ukraine hiện nay.
TD (Newsweek)
{name} - {time}
-
2025-01-15 22:11:00
Ukraine có thể “không còn tồn tại” trong năm 2025
-
2025-01-15 16:33:00
Tổng thống Iran phủ nhận âm mưu ám sát Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ
-
2024-12-08 17:19:00
Truyền hình nhà nước Syria phát tuyên bố chính quyền của Tổng thống Assad sụp đổ
Hoa Kỳ gửi gói viện trợ quân sự gần 1 tỷ đô la, Đan Mạch chuyển lô máy bay F-16 cho Ukraine
Phiến quân tiến vào Damascus, Tổng thống Syria Bashar al-Assad rời khỏi thủ đô
Các nước Arab, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran ra tuyên bố chung về khủng hoảng ở Syria
Hàn Quốc bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun
Mỹ công bố gần 1 tỷ USD viện trợ quân sự mới cho Ukraine
Lãnh đạo Pháp và Ukraine hội đàm kín với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump
Phe đối lập thất bại trong nỗ lực luận tội Tổng thống Hàn Quốc
Phiến quân Syria bắt đầu bao vây thủ đô Damascus
Phiến quân Syria tiến công vào thành phố Homs, hàng nghìn dân sơ tán