Tháng 3 mùa xuân biên cương
Khi những bông hoa đào cuối mùa còn vương trên triền núi, chúng tôi đến bản Cha Khót, xã Na Mèo (Quan Sơn) gặp “bố” Vi Văn Hợi. Gọi là “bố Hợi” bởi ở cả vùng này ai cũng biết “bố” là cột mốc vững vàng ở biên giới Việt Lào. Nhờ có những người như “bố” mà biên cương luôn rực rỡ sắc xuân, bà con được vui chơi an toàn.
Đồn Biên phòng Tén Tằn (Mường Lát) tổ chức Tiết học biên cương nơi cột mốc.
"Cột mốc sống" nơi biên cương
Đúng 8h ngày 4/3/2024, đội hình tuần tra, bảo vệ biên giới do đồng chí Phùng Văn Hưng, Đội trưởng Đội Vũ trang, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế (BPCKQT) Na Mèo triển khai kế hoạch tuần tra như thường lệ. Trong lần tuần tra này, đơn vị phối hợp với lực lượng công an, dân quân xã và các thành viên Tổ tự quản đường biên, mốc giới thực hiện tuần tra cột mốc quốc giới. Đội trưởng Đội Vũ trang, Đồn BPCKQT Na Mèo, cho biết: Tuần tra, bảo vệ biên giới là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, vậy nên bất kể ngày lễ, tết, đơn vị đều quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm. Đồn BPCKQT Na Mèo có nhiệm vụ bảo vệ tuyến biên giới dài 37,376km, với 12 vị trí/15 mốc quốc giới, quản lý 20 bản thuộc 2 xã Na Mèo và Sơn Thủy (Quan Sơn). Là địa bàn rộng và khu vực có địa hình phức tạp, hiểm trở, cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCKQT Na Mèo luôn phải vượt đèo, lội suối làm tròn trách nhiệm của những người lính với biên giới quê hương và cuộc sống bình yên của Nhân dân. Súng trên tay, ba lô trên vai, tư tưởng luôn kiên định... họ lên đường tuần tra, kiểm soát, với quyết tâm gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
“Bố” Vi Văn Hợi đã có hơn 35 năm chăm chút cột mốc 331. Vì thế mỗi lần lên cột mốc là bố Hợi lại mang theo vài gói cơm. “Ngắn thôi mà”, nhưng đi nhanh như bố thì cũng gần nửa ngày, vừa đi vừa phát quang cỏ dại. Lên đến nơi, “bố” bê từng tảng đá chắn đất quanh chân đế cột mốc để chống sạt lở. Bản Cha Khót có 52 hộ, 213 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Trong cái lạnh của mùa đông biên cương, bố Hợi rót chén rượu uống và mời chúng tôi nước lá cây rừng ông đi kiếm về, nói: “Với tôi, cột mốc còn, là Tổ quốc còn, giữ cột mốc là giữ đất nước”. Vì thế mà ông luôn tuyên truyền, vận động người dân tích cực phát triển kinh tế, chung sức XDNTM, nhưng không quên bảo vệ cột mốc. Phía bên kia cột mốc là bản Lán-thoong của huyện Viêng-xay (Lào), bên này, con đường vành đai biên giới đã giúp đời sống của bà con vùng biên đổi thay từng ngày.
Không chỉ có ông Vi Văn Hợi, trên địa bàn tỉnh còn có gần 100 người đang giữ gìn cột mốc hiên ngang giữa mây ngàn, núi đồi. Ngoài khối cột mốc được đánh số trên tảng đá, “cột mốc” bằng da bằng thịt cũng luôn nỗ lực, có trách nhiệm để giữ vững biên cương Tổ quốc, tạo niềm tin, sự yêu mến cho bà con Nhân dân.
Vun đắp “thế trận lòng dân”
Với vai trò vừa là đội quân chiến đấu, vừa là đội quân công tác, lực lượng biên phòng Thanh Hóa luôn thực hiện tốt phương châm “ba bám, bốn cùng” (bám đơn vị, bám địa bàn, bám Nhân dân; cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào), cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Thanh Hóa đã triển khai nhiều dự án, mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả... từng bước làm thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc trong sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 681 “Về việc phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới”, BĐBP Thanh Hóa đã phân công 513 đảng viên phụ trách trên 2.500 hộ gia đình ở khu vực biên giới đất liền và vùng biển, trong đó có trên 1.700 hộ là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn.
Đứng chân trên địa bàn xã biên giới còn nhiều khó khăn của huyện Thường Xuân, Đồn Biên phòng Bát Mọt đã phân công 39 đảng viên là cán bộ, chiến sĩ của đồn phụ trách 255 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách tại địa phương; giúp bà con xây dựng các mô hình phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập và đời sống.
Là người con của dân tộc Mông, nhiều năm gắn bó với địa bàn các xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Mường Lát, Thượng úy Thao Văn Chứ, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Quang Chiểu nhận thấy rào cản trong phát triển kinh tế ở các bản Mông, Dao là do thiếu kinh nghiệm sản xuất, thiếu các mô hình sản xuất phù hợp. Vì thế, anh luôn tích cực tìm hiểu và đưa các mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với đặc điểm khí hậu, đất đai và tập quán canh tác của người dân về địa phương, hướng dẫn bà con cùng làm để phát triển kinh tế hộ gia đình. Từ đó, việc trồng ngô lai tại bản Vịn, bản Phống; chăn nuôi lợn, vịt và trồng rau màu tại bản Khẹo... được bà con quan tâm và phát triển diện tích.
Nhờ có lực lượng biên phòng mà nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả. Đó là mô hình trồng cam giống Lào, trồng mận hậu, nuôi vịt bản địa ở huyện Mường Lát; trồng vầu ở các huyện Quan Sơn, Lang Chánh; trồng ngô lai, chăn nuôi lợn, vịt và trồng rau màu ở huyện Thường Xuân...
Ngoài giúp dân làm kinh tế, mô hình “Tiết học biên cương”, lớp học xóa mù chữ cho người dân tộc đã thực sự hiệu quả khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường biển, bảo vệ chủ quyền biển, trang bị kiến thức cơ bản, kỹ năng về cách phòng chống, phương pháp cấp cứu người khi bị đuối nước, giúp các em học sinh ở biên giới có một kỳ nghỉ hè vui vẻ, an toàn, bổ ích; giúp các chị em phụ nữ biết đọc thông, viết thạo, đồng thời nâng cao trình độ nhận thức cho hội viên phụ nữ về các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan về biên giới, xóa bỏ các hủ tục.
Về xã Trung Lý (Mường Lát) nhắc đến “thầy giáo mang quân hàm xanh” Đại úy Hơ Văn Di, cán bộ Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Trung Lý, ai cũng biết. Khi lớp học mở ra, không kể nắng mưa, thầy Di và những người dân chưa biết chữ đều chăm chỉ đến lớp. Dù chưa được học qua nghiệp vụ sư phạm, nhưng thầy Di đã tìm ra phương pháp truyền đạt dễ hiểu, dễ tiếp thu cho đồng bào. Thầy Di là người dân tộc Mông, anh hiểu được tập tục nên rất dễ gần gũi với đồng bào.
“Thầy Di và các cán bộ, chiến sĩ biên phòng không chỉ giúp bà con học chữ, học viết mà còn lồng ghép vào trong các buổi học những kinh nghiệm làm kinh tế để xóa đói, giảm nghèo. Tuyên truyền cho Nhân dân nắm bắt những chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần cùng với lực lượng vũ trang bảo vệ vững chắc an ninh trật tự và bảo vệ chủ quyền biên giới”, ông Ngân Văn Lon, Chủ tịch UBND xã Trung Lý, cho biết.
Tăng cường đấu tranh với tội phạm ma túy
Sau “Ngày hội Biên phòng toàn dân” năm 2024, không khí ở các đồn biên phòng trên tuyến biên giới tỉnh Thanh Hóa vẫn còn rộn ràng. Khu vực biên giới tỉnh Thanh Hóa với chiều dài chính diện 213,6km đường biên giới đất liền tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào và 102km đường bờ biển; bao gồm 59 xã, phường, thị trấn thuộc 11 huyện, thị, thành phố với 6 thành phần dân tộc sinh sống (Kinh, Thái, Mường, Mông, Dao, Khơ Mú). Khu vực biên giới của tỉnh là địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh và đối ngoại.
Đại tá Hoàng Văn Hùng, Chính ủy BĐBP tỉnh Thanh Hóa khẳng định: “Đồng bào 2 tuyến biên giới đã cùng với lực lượng biên phòng tham gia các hoạt động tuần tra bảo vệ đường biên mốc giới, cung cấp hàng nghìn nguồn tin có giá trị đấu tranh phòng chống tội phạm. Trong thời gian tới, với sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Biên phòng và sự đồng lòng hỗ trợ của đồng bào biên giới, BĐBP Thanh Hóa tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”.
Được biết trong 5 năm ( từ 2018-2023), BĐBP Thanh Hóa đã bắt giữ, khởi tố hình sự 250 vụ với 276 đối tượng; trong đó có 228 vụ với 251 đối tượng có hành vi mua bán, vận chuyển và tàng trữ trái phép chất ma túy.
Gần đây nhất, thực hiện đợt thi đua cao điểm ra quân trấn áp tội phạm chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống BĐBP (3/3/1959 - 3/3/2024) và 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989 - 3/3/2024), các đồn biên phòng thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP Thanh Hóa đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, triển khai các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh với tội phạm ma túy. Qua đó, đã liên tiếp phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới của tỉnh.
Huyện Mường Lát có 5 đồn biên phòng đóng quân, có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 105km đường biên giới với 47 cột mốc, 1 cửa khẩu quốc gia và 2 lối mở, đảm bảo an ninh trật tự 7 xã biên giới và 1 xã nội địa.
Trong đó, Đồn Biên phòng Trung Lý được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 7,776km đường biên giới với 4 mốc quốc giới từ mốc 313 đến 316. Đây là địa bàn có số thôn/bản và đồng bào dân tộc Mông sinh sống đông nhất, tình hình an ninh biên giới, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn phụ trách rất phức tạp. Tính chung trong năm 2023, Đồn Biên phòng Trung Lý đã bắt giữ và xử lý 12 vụ/14 đối tượng có hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép các chất ma túy, xử phạt vi phạm hành chính 4 vụ/5 đối tượng; tuyên truyền vận động thu hồi được 48 khẩu súng tự chế các loại. Gần đây nhất, ngày 27/2/2024, Đồn Biên phòng Trung Lý vừa chủ trì, phối hợp với Công an xã Trung Lý bắt quả tang 2 đối tượng Vi Văn Tám (SN 1997) và Vi Văn Truyền (SN 1997), cùng ở bản Lìn, về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, thu giữ tang vật 1,292gram methamphetamine, 1 xe máy, 2 điện thoại di động.
Một năm có 365 ngày thì bước chân tuần tra của các chiến sĩ BĐBP trong toàn tỉnh chưa khi nào được ngơi nghỉ. Càng những ngày lễ, ngày tết họ càng phải lặng thầm bám trụ nơi biên giới để đảm bảo cho đời sống của bà con Nhân dân được an toàn và vui vẻ, tạo “thế trận lòng dân” ở khu vực biên giới.
Biên cương có được những mùa xuân tươi thắm, có sự đóng góp quan trọng của lực lượng biên phòng, của những người gìn giữ cột mốc là vậy.
Kiều Huyền
{name} - {time}
-
2024-12-22 09:52:00
Hạc Thành xưa - TP Thanh Hóa nay
-
2024-12-22 09:50:00
Mở Đường (Bài 3): Trên đường ta đi tới...
-
2024-03-20 07:08:00
Hội làng Xuân Phả