(Baothanhhoa.vn) - "Đất có thịnh thì cây mới tốt, nguồn có sâu thì nước mới dài”. Đó là lời răn hậu thế của Đức Thái tổ Cao hoàng đế Lê Lợi, cũng là sự đúc kết chiến lược trị quốc của Người, mà nhờ đó vương triều hậu Lê đã được đặt nền móng vững chắc để phát triển cực thịnh, làm rạng danh sử sách.

Thái tổ Cao hoàng đế - Người khai sáng vương triều hậu Lê

"Đất có thịnh thì cây mới tốt, nguồn có sâu thì nước mới dài”. Đó là lời răn hậu thế của Đức Thái tổ Cao hoàng đế Lê Lợi, cũng là sự đúc kết chiến lược trị quốc của Người, mà nhờ đó vương triều hậu Lê đã được đặt nền móng vững chắc để phát triển cực thịnh, làm rạng danh sử sách.

Thái tổ Cao hoàng đế - Người khai sáng vương triều hậu LêKhu lăng mộ Vua Lê Thái tổ ở Lam Kinh.

Sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ và giành thắng lợi hoàn toàn, các sử gia, nhà nghiên cứu lịch sử đã đưa ra nhiều lý giải về nguyên nhân thắng lợi. Sử gia Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư cho rằng: “Vua nổi dậy, nghĩa binh đến đâu, người Minh đều thua chạy, có phải là vì quân nhiều hay ít, mạnh hay yếu mà không địch nổi đâu? Là vì đức của vua hợp với trời nên trời giúp cho, đẹp lòng người nên người theo về, không những là người nước vui lòng theo phục, mà cả đến bọn phản nghịch cũng tôn kính như thế, cho nên không muốn chống nữa mà đều về hàng. Thế thì việc nhân nghĩa của vua so với Thang Vũ có phần sáng tỏ; xem việc này càng thấy rõ rệt. Còn như nói điểm được nước, há nên lấy lời sấm vĩ mà xét ư?”.

Cùng chung quan điểm của sử gia đi trước, nhiều nhận định cho rằng, bài học từ việc xây dựng “thành lũy lòng dân” gắn với triết lý “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, kể từ Đinh, Lý, Trần, Lê đã được kiểm chứng và càng sáng tỏ trong cuộc chiến trường kỳ gian khổ nhưng cũng hết sức hào hùng này. Đó dường như là ngạo khí của bậc trượng phu yêu nước, thương dân, cũng đồng thời là kế sách mà chủ tướng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn dùng để đối phó với dã tâm của kẻ thù khi chúng sử dụng “phương thuốc độc” đồng hóa, nhằm hủy hoại hình dạng của dân tộc này, cũng chính là hủy hoại khả năng khôi phục nền độc lập tự chủ của Nhân dân ta. Đó cũng đồng thời là gốc rễ cho việc an bang trị quốc của nhà Lê ngay khi Vua Lê Thái tổ đăng cơ.

Tầm vóc và ý nghĩa lớn lao của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn được đánh dấu bằng nhiều sự kiện trọng: Đánh đuổi quân Minh xâm lược ra khỏi bờ cõi, giành lại độc lập dân tộc; Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, lập nên vương triều hậu Lê kéo dài hơn 360 năm. Thành quả vĩ đại ấy đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử xây dựng và phát triển quốc gia Đại Việt. Đó là thời kỳ tạo dựng vị thế của một quốc gia cường thịnh, với nhiều thành tựu to lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và sự hùng mạnh về quân sự - quốc phòng. Và lẽ dĩ nhiên, người đặt nền móng cho sự phát triển hưng thịnh của triều đại hậu Lê là Đức Thái tổ Cao hoàng đế Lê Lợi.

Cái nền móng đầu tiên làm “căn cốt” để dựng nước hay trị nước là luật pháp. Chính vì vậy, ngay khi lên ngôi, vua đã lệnh cho các tướng hiệu và các quan rằng: “Từ xưa đến nay, trị nước phải có pháp luật, người mà không có phép để trị thì loạn. Cho nên bắt chước đời xưa đặt ra pháp luật, để dạy các quan, dưới đến Nhân dân, cho biết thế nào là thiện ác, điều thiện thì làm, điều ác thì lánh, chớ có phạm pháp”. Cũng sau khi lên ngôi hoàng đế ở Đông Kinh, nhà vua đã cho đại xá thiên hạ, đổi niên hiệu là Thuận Thiên, đặt quốc hiệu là Đại Việt và chỉ huy rằng: “Từ sau ngày chiếu thư ban ra, phàm quân dân có dâng thư nói việc gì, phải theo đúng niên hiệu, quốc hiệu, đô hiệu như trong chiếu thư; ai trái thế thì xử trượng hay biếm. Những tờ khế về việc mua bán, đổi chác, vay mượn, mà không theo đúng như trong chiếu thư thì không có giá trị”.

Để có thể “trị quốc, bình thiên hạ” thì bậc thiên tử phải luôn biết răn mình và nghe lời nói phải. Bởi vậy, nhà vua đã hỏi các quan đại thần văn võ rằng: “Trẫm là người thế nào mà được chịu mệnh trời? Nhờ đâu mà nên nghiệp lớn? Lại hiện nay công việc của triều đình rất nhiều, việc gì nên làm trước? Việc gì nên làm sau? Các tướng trong triều, người nào có thể cáng đáng việc lớn, có thể ủy nhiệm ở ngoài ngàn dặm, cùng người nào có thể phụ đạo thái tử?”. Đồng thời, chỉ huy cho các quan giữ chức can gián: "Ai thấy trẫm có chính lệnh hà khắc, thuế má nặng nề, hại cho lương dân, thưởng công phạt tội không đúng, không theo phép xưa, hoặc các đại thần, quan lại, tướng hiệu, các chức trong ngoài có người nào không giữ phép, hối lộ nhiễu hại lương dân, làm việc thiên tư phi vị, thì tâu hặc lên ngay. Nếu cứ ngồi trông dung túng, chăm việc nhỏ nhặt, cùng là nói hão không đâu, thì chiếu luật trị tội. Lại như các quan tư vào điện đình, thấy áo mũ đai hia không đúng phép, đi lại ngang dọc, không đúng lễ phép, thì quan can gián không được cho là việc của mình mà tâu hặc lên, vì việc ở điện đình đã có tổng quản và chỉ huy sứ năm quân Thiết đột, Ngự tiền, Nội mật viện giữ việc xét hặc”.

Đặc biệt, người đứng đầu thiên hạ càng phải biết lựa chọn và trọng dụng người tài là yếu tố quyết định. Nhà vua đã hạ lệnh cho các đại thần văn võ, công hầu đại phu, từ tam phẩm trở lên, phải tiến cử người hiền tài. Lời chiếu rằng: “Trẫm nghĩ muốn thịnh trị tất phải được người hiền, được người hiền phải do ở tiến cử. Cho nên, người làm vua phải lấy việc ấy làm đầu (...). Nay trẫm giữ trách nhiệm nặng này, sớm khuya kinh sợ, như gần vực sâu, chỉ vì tìm hiền tài giúp trị mà chưa được người. Vậy hạ lệnh cho các đại thần văn võ, công hầu đại phu, từ tam phẩm trở lên, mỗi người đều tiến cử một người, hoặc ở trong triều, hoặc ở thôn quê, hoặc đã làm quan, hoặc chưa làm quan. Nếu là người có tài văn võ, nhiều kiến thức, có thể cai trị Nhân dân, thì trẫm sẽ tùy mà bổ dùng. Và tiến được người hiền sẽ được thưởng hậu, từ xưa vẫn thế. (...) Từ nay về sau, các bậc quân tử có ai muốn theo ta, đều tự tiến. Ngày xưa Mao Toại tự lọt mũi dùi mà theo Bình Nguyên quân, Nịnh Thích gõ sừng trâu hát mà cảm ngộ Hoàn công”, có từng câu nệ tiểu tiết đâu? Chiếu này ban ra ngày nào, phàm quan liêu phải hết lòng thành, chăm việc tiến cử. Còn như kẻ sĩ hàn vi ở chốn hương thôn, cũng chớ lấy sự đem ngọc bán rao làm xấu hổ mà để trẫm phải than về thiếu người tài”.

Thưởng - phạt nghiêm minh dựa trên công - tội rõ ràng là việc của đấng minh quân. Vua chỉ huy cho các đại thần, tổng quản, hành khiển trở xuống rằng: “Xưa có câu nói “vua không chọn tướng thì khác gì đem nước cho giặc”. Trẫm thường nghĩ đến việc ấy, đêm ngày không quên, cho nên việc quân, việc nước quan trọng ủy thác cho các ông, thế mà các ông cứ điềm nhiên ngồi trông, không để ý gì, trên phụ lòng tin dùng của triều đình, dưới không thương đến quân dân, sao lại trễ biếng chức sự quá thế! Nay xuống chiếu răn bảo, nếu không biết đổi lối làm người tốt, vẫn còn như thế nữa, thì nước có phép thường, chớ bảo là trẫm phụ bề tôi cũ có công lâu vậy”.

Với khát vọng “Muôn thuở nền thái bình vững chắc” cho dân tộc, nên ngay khi đăng cơ, Vua Lê Thái tổ đã quan tâm đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng và đặc biệt là đề cao tôn ti, đạo nghĩa để “yên thiên hạ”. Vua lấy 6 điều dụ của tướng hiệu quân nhân rằng: 1. Phàm người làm tôi con thì thờ vua hết trung, chớ làm việc lừa dối; 2. Phàm ở với mọi người, cần phải ngay thẳng, chớ làm điều gian phi; 3. Phàm khi ra trận đánh giặc, bắt được tù, chém được giặc, chớ nên cướp công nhau; 4. Phàm ở trong quân dân, có kẻ gian ác phi vi thì nên bắt để trị tội, mà các ngươi cũng phải lấy đó làm gương răn, chớ để tội đến mình; 5. Phàm các quan thị vệ chớ cậy mình được yêu quý mà đè nén tàn ngược mọi người; 6. Phàm đi làm công việc, tự mình phải gương mẫu trước để cho người dưới trông vào bắt chước”.

Một quốc gia hùng mạnh trước hết phải có kinh tế và quân sự phải là điểm tựa. Chính vì vậy, vua chỉ huy cho các quan văn võ đại thần bàn việc lớn của Nhà nước rằng: “Như người đi đánh giặc thì nghèo, người rong chơi thì giàu, người đi chiến đấu thì không có một thước một tấc để ở, mà những kẻ du thủ du thực không có ích gì cho nước lại có ruộng đất quá nhiều, hoặc có kẻ làm nghề trộm cướp, thành ra không ai chịu hết lòng với nước, chỉ ham nghĩ phú quý mà thôi. Nay sắc chỉ cho các đại thần bàn định số ruộng cấp cho quan quân và dân, trong từ đại thần trở xuống, cho đến các người già yếu, mồ côi, góa chồng, đàn ông, đàn bà trở lên, loại nào được cấp bao nhiêu thì tâu lên”. Vua chia nước làm 5 đạo, đạo đặt vệ quân, vệ đặt chức tổng quản, lớn nhỏ ràng buộc nhau, trên dưới giữ gìn nhau. Lại đặt chức hành khiển tác đạo để chia giữ sổ sách về quân dân. Đồng thời, chỉ huy cho tướng hiệu quân nhân các vệ và quân năm đạo: tập trận thủy bộ, ai thiếu mặt sẽ trị tội, tập xong rồi, đều chia ra 5 phiên, 1 phiên lưu lại quân ngũ và 4 phiên cho về làm ruộng.

Về giáo dục, vua chỉ huy rằng quan võ từ chức quản lĩnh, quan văn từ chức hành khiển trở lên, ai có con trai 15 tuổi trở xuống, 9 tuổi trở lên, cho vào hầu hoàng thái tử. Quan võ từ chức đồng tri trở xuống, đến đại đội trưởng, đội trưởng trở lên, quan văn từ thượng thư trở xuống đến thất phẩm, ai có con trai trưởng 17 tuổi trở xuống, 9 tuổi trở lên, đều đến nhà Quốc học điểm mục, học quan làm số và dạy học... Về văn hóa - xã hội, vua xuống chiếu rằng, các thuế như tô ruộng, vàng bạc, đầm phá, bãi dâu ở trong nước đều tha cho 2 năm không thu. Các lộ, những người già từ 70 tuổi trở lên được miễn sai dịch; những người con hiếu, đàn bà góa giữ tiết, thì cho các quan ở lộ tâu lên để khen thưởng. Các nhà quân dân, trong một hộ mà 3 người sung quân thì miễn 1 người. Phàm các lăng miếu đế vương và công thần các triều đại trước, cho huyện sở tại làm bản tâu lên, sẽ lượng cấp cho người quét dọn...

Bàn về công lao của Đức Thái tổ Cao hoàng đế, sử gia xưa đã khẳng định rằng: Vua dấy nghĩa binh, chưa từng giết bậy một người, chỉ vì biết lấy nhu chế cương, lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều, không đánh mà giặc phải khuất phục, cho nên có thể đổi vận bĩ sang vận thái, chuyển thế nguy làm thế yên, đổi cuộc loạn làm cuộc trị. Câu nói: “Người có nhân, thiên hạ không ai địch nổi”, chính hợp với vua. Cho nên lấy được thiên hạ, truyền cơ nghiệp đến muôn đời là phải lắm. Thái tổ từ khi lên ngôi đã định luật lệnh, chế lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, đặt quan chữ, lập phủ huyện, thu sách vở, dựng học hiệu, cũng có thể gọi là quy mô sản nghiệp rộng rãi.

Sau khi vua băng hà được rước về chôn ở Vĩnh Lăng tại Lam Sơn, miếu hiệu là Thái tổ, tôn hiệu là Thống Thiên Khải Vận Thánh Đức Thần Công Duệ Văn Anh Vũ Khoan Minh Dũng Trí Hoằng Nghĩa Chí Minh Đại Hiếu Cao hoàng đế. Cũng từ đó, Lam Sơn dựng điện để muôn đời thờ phụng, cũng là nguồn cội để muôn dân đất Việt hướng về ngưỡng vọng, tri ân. Đặc biệt, những lời răn dạy, quan điểm an bang trị quốc, đặc biệt là cách dùng người và nêu gương của người đứng đầu của vị vua khai sáng vương triều hậu Lê, thiết nghĩ vẫn còn nguyên giá trị để hậu thế noi theo.

Bài và ảnh: Trần Hằng

(Bài viết có sử dụng các tư liệu trong cuốn Đại Việt sử ký toàn thư).



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]