(Baothanhhoa.vn) - Nhằm thúc đẩy du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương, từng bước đưa ngành “công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo tập trung, ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống của người dân.

Tạo đà cho du lịch phát triển

Nhằm thúc đẩy du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương, từng bước đưa ngành “công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo tập trung, ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống của người dân.

Tạo đà cho du lịch phát triển

Đường Hồ Xuân Hương, TP Sầm Sơn được đầu tư, mở rộng góp phần làm thay đổi diện mạo thành phố biển.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục lựa chọn chương trình phát triển du lịch là một trong 6 chương trình trọng tâm, đặc biệt Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã mở ra cơ hội mới cho ngành du lịch tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững. Bên cạnh những giải pháp trọng tâm về quản lý, khai thác tài nguyên du lịch, thu hút đầu tư, xây dựng sản phẩm, xúc tiến quảng bá, đào tạo nhân lực, cải thiện môi trường du lịch... thì việc đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng du lịch vừa là nhiệm vụ đặt ra, vừa là giải pháp trọng tâm. Theo thống kê, giai đoạn 2016-2021, từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương, tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch. Điển hình như hệ thống hạ tầng du lịch tại TP Sầm Sơn được đầu tư ngày càng đồng bộ, hiện đại. Mạng lưới giao thông trung tâm thành phố và giao thông kết nối đến các khu, điểm du lịch có tiềm năng đã được nâng cấp, xây dựng, như: tuyến đường ven biển qua địa phận TP Sầm Sơn, đường Hồ Xuân Hương đoạn từ chân núi Trường Lệ đến Vạn Chài, đường Thanh Niên, đường Bà Triệu, đường Tống Duy Tân, đường Lê Văn Hưu, đường Nguyễn Văn Cừ, đường Lê Lai, đường Nguyễn Thị Lợi... Qua đó, góp phần thay đổi diện mạo các điểm đến du lịch và kết nối các điểm đến nhằm thu hút du khách.

Cùng với đó, tỉnh ta cũng ưu tiên đầu tư một số dự án có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch phát triển. Điển hình như đường vào thác Ma Hao - bản Năng Cát (Lang Chánh); đường kết nối các điểm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Quan Hóa, Bá Thước); nạo vét, xây dựng bến thuyền, cầu tàu tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã”; xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch... Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu du lịch trọng điểm, các di tích quốc gia tại Hải Tiến (Hoằng Hóa), Bến En (Như Thanh), Lam Kinh (Thọ Xuân)... Tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trong việc tiếp cận các điểm đến và hưởng thụ tài nguyên du lịch.

Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, tỉnh Thanh Hóa cũng từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó đã thu hút nhiều tập đoàn lớn, uy tín đến đầu tư vào lĩnh vực du lịch ở những vùng có tiềm năng nhưng khó chuyển đổi cơ cấu kinh tế. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch cụ thể, xây dựng cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Bên cạnh việc làm tốt công tác rà soát, lập và quản lý quy hoạch xây dựng theo đúng quy định, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, không chạy theo số lượng; chủ động tìm kiếm các nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế, các dự án có quy mô lớn, chất lượng, hiệu quả và hạn chế những dự án có giá trị gia tăng thấp; kiên quyết không xúc tiến, thu hút đầu tư những dự án sử dụng quá nhiều năng lượng, nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh thu hút được 81 dự án đầu tư kinh doanh du lịch với tổng vốn đầu tư gần 145.000 tỷ đồng. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn, có kinh nghiệm và năng lực hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư du lịch như Tập đoàn FLC, VinGroup, Sungroup, Flamingo, BRG, T&T, TNG... đã và đang triển khai thực hiện các dự án, tổ hợp nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, thể thao, vui chơi giải trí đẳng cấp và quy mô lớn tại Thanh Hóa, như: Quần thể Khu du lịch nghỉ dưỡng và sân golf FLC Sầm Sơn; Khu tổ hợp dịch vụ thương mại, Khách sạn Vincom; Khu du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng Flamingo Linh Trường; dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn; Khu đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En; Khu quần thể nghỉ dưỡng khoáng nóng Quảng Yên; Khu đô thị du lịch sinh thái Tân Dân... qua đó tạo bước đột phá về hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của tỉnh.

Để hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, việc đầu tư, cải thiện hạ tầng du lịch là một trong những điều kiện tiên quyết. Dù còn nhiều khó khăn, song tin tưởng rằng, với sự quan tâm chỉ đạo, sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và cộng đồng người dân, ngành du lịch xứ Thanh sẽ phát triển lên tầm cao mới, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà.

Bài và ảnh: Xuân Minh


Bài và ảnh: Xuân Minh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]