(Baothanhhoa.vn) - Tròn 7 thập kỷ từ khi cuộc đụng đầu sinh tử nơi lòng chảo Điện Biên Phủ làm rúng động nhân loại, tinh thần và khí phách Điện Biên Phủ được hun đúc từ những tháng năm máu lửa vẫn sống mãi trong trái tim mỗi người Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã ghi danh Việt Nam trên toàn thế giới, trở thành bản anh hùng ca bất tử trong thiên sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Tái hiện bản anh hùng ca Điện Biên Phủ

Tròn 7 thập kỷ từ khi cuộc đụng đầu sinh tử nơi lòng chảo Điện Biên Phủ làm rúng động nhân loại, tinh thần và khí phách Điện Biên Phủ được hun đúc từ những tháng năm máu lửa vẫn sống mãi trong trái tim mỗi người Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã ghi danh Việt Nam trên toàn thế giới, trở thành bản anh hùng ca bất tử trong thiên sử hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Tái hiện bản anh hùng ca Điện Biên Phủ

Chương trình nghệ thuật tại điểm cầu Thanh Hóa. Ảnh: Minh Hiếu.

Dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, bên cạnh lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành, người dân cả nước háo hức hướng về đại lễ thông qua cầu truyền hình trực tiếp “Dưới lá cờ Quyết Thắng” diễn ra vào tối 5/5.

Cầu truyền hình “Dưới lá cờ Quyết Thắng” truyền tải thông điệp: Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến công chung của cả dân tộc Việt Nam. 9 năm trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược, quân và dân trên khắp mọi miền đất nước đã đồng cam cộng khổ, dồn sức làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Với tinh thần đó, ngoài sân khấu chính là Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ tại đồi D1, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, chương trình đã lựa chọn 4 điểm cầu truyền hình trực tiếp gồm: Hà Nội, Thanh Hóa, Kon Tum và TP Hồ Chí Minh để cùng hòa chung bản anh hùng ca Điện Biên Phủ chiến thắng.

Tái hiện bản anh hùng ca Điện Biên Phủ

Các đại biểu dự cầu truyền hình tại Quảng trường Lam Sơn, TP Thanh Hóa. Ảnh: Minh Hiếu.

Cầu truyền hình “Dưới lá cờ Quyết Thắng” là chương trình quy mô lớn, giàu cảm xúc với sự tham gia của khoảng 1.000 diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên trực tiếp biểu diễn ở 5 điểm cầu. Với thời lượng 110 phút, những dấu mốc quan trọng của 70 năm trước được thể hiện thông qua sự kết hợp giữa những trải nghiệm hiện tại trên nền bối cảnh quá khứ và hồi ức của các nhân chứng lịch sử, qua những thước phim tư liệu và những bài hát đi cùng năm tháng.

Các nội dung tại 5 điểm cầu ghép lại thành một bức tranh toàn cảnh về Chiến thắng Điện Biên Phủ. Nếu tại điểm cầu Điện Biên Phủ truyền tải những nét phác thảo chính của bức tranh chiến thắng, thì điểm cầu Hà Nội mang tới một nét riêng của Thủ đô anh hùng, đại diện cho đóng góp của giới trí thức cho cuộc kháng chiến. Điểm cầu Thanh Hóa, Kon Tum, TP Hồ Chí Minh là lực lượng “chia lửa” quan trọng với chiến trường Điện Biên.

Tái hiện bản anh hùng ca Điện Biên Phủ

Đông đảo cán bộ, Nhân dân dự điểm cầu tại Quảng trường Lam Sơn, TP Thanh Hóa. Ảnh: Minh Hiếu.

Thanh Hóa vinh dự được Trung ương chọn là 1 trong 5 điểm cầu truyền hình trực tiếp. Trước giờ chương trình phát sóng, không khí hân hoan, háo hức, chờ đón lan tỏa khắp các phố phường. Đặc biệt, xung quanh Quảng trường Lam Sơn (TP Thanh Hóa) - nơi diễn ra cầu truyền hình như sống dậy không khí vui mừng, phấn khởi của 70 năm về trước khi quân và dân ta giành chiến thắng hoàn toàn trước quân đội viễn chinh Pháp. Từ cán bộ, công chức đến lao động tự do, nhiều người thu xếp thời gian, công việc để tới theo dõi sự kiện ý nghĩa này.

Cựu chiến binh Phạm Bá Trực ở phường Đông Sơn (TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Đây là sự kiện lớn, có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc. Không chỉ ôn lại truyền thống cách mạng của dân tộc, chương trình còn là dịp để tôn vinh, tri ân tới những người đã hy sinh xương máu cho sự nghiệp đấu giải phóng dân tộc. Tôi và nhiều người dân trong phố rất quan tâm đến sự kiện này. Vì thế, chúng tôi đến đây từ rất sớm để tìm cho mình được chỗ ngồi phù hợp”.

Hòa chung niềm hân hoan, phấn khởi của những người tham dự cầu truyền hình trực tiếp tại Quảng trường Lam Sơn, chị Nguyễn Thị Hằng ở phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa) cho biết: “Cầu truyền hình đã đưa chúng tôi quay trở lại những năm tháng hào hùng không thể nào quên của dân tộc. Qua chương trình, tôi thấy Điện Biên Phủ không còn là cái tên, là danh xưng, mà đã trở thành một biểu tượng để nhắc nhở chúng ta luôn biết trân trọng, tự hào”.

Tái hiện bản anh hùng ca Điện Biên Phủ

Tái hiện hình ảnh đoàn quân xe đạp thồ Thanh Hóa vận chuyển lương thực, thực phẩm phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Minh Hiếu.

Tại điểm cầu Thanh Hóa, ngoài những đại cảnh hoành tráng tái hiện một cách sinh động khung cảnh dân công vận chuyển lương thực bằng xe đạp thồ đưa hàng ra tiền tuyến, khán giả được nghe cụ Trần Đức Khôi, nguyên Chính trị viên, Bí thư Chi bộ Đại đội xe thồ 101 Thanh Hóa kể lại những ngày tháng gian khổ phục vụ chiến dịch.

Ở cái tuổi 98, chân đã chậm, mắt đã mờ, nhưng cụ vẫn còn rất minh mẫn. Dẫu sức khỏe giờ đã chẳng thể cho ông được tìm về thắp hương cho đồng đội, nhưng cũng không ngăn được nỗi nhớ thương dành cho người đã khuất. Và dẫu thời gian có khắc nghiệt đến mấy, cũng chẳng thể lấy đi đoạn ký ức đã “khắc cốt ghi tâm” và trở thành một phần máu thịt của người cựu binh tham gia chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa.

“Ngày ấy, con đường tải lương ra mặt trận rất gian khổ, chủ yếu là núi cao, vực thẳm, đá tai mèo. Cứ ba người chia thành một nhóm gọi là tổ “tam tam” để hỗ trợ nhau khi lên xuống dốc. Ngày nghỉ, đêm đi, dưới sự rà soát của máy bay địch nhưng chúng tôi vẫn không chùn bước. Người sau bám gót người trước, cứ thế nườm nượp nối đuôi nhau trên các nẻo đường, tạo thành bức tranh mang tên “cả nước ra trận”, cụ Khôi chia sẻ.

Tái hiện bản anh hùng ca Điện Biên Phủ

Những chiếc xe đạp thồ của dân công Thanh Hóa đã vận chuyển kịp thời lương thực, thực phẩm cho bộ đội ta ăn no đánh thắng. Ảnh: Minh Hiếu.

Lần lại những vệt ký ức đã bị thời gian bào mòn, những câu chuyện xúc động chập chờn trong tâm trí và cả sức khỏe vốn đã được đo đếm bằng tuổi “xưa nay hiếm”..., những chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đi ra từ chiến trường năm ấy đã gặp lại nhau tại cầu truyền hình trực tiếp “Dưới lá cờ Quyết Thắng” trong niềm xúc động không nói hết thành lời.

Những con người có mặt ở đây ngày hôm nay, có những người đã từng biết mặt, biết tên, cũng có nhiều người chưa từng quen biết. Thế nhưng 70 năm trước, có thể họ đã từng chiến đấu trên một chiến hào; từng đạp lên đèo dốc hiểm trở để đưa pháo vào trận địa; từng vượt qua hiểm nguy trên những cung đường tải lương; từng ôm nhau khóc mừng chiến thắng hay cùng hát vang khúc khải hoàn ca khi lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” tung bay trên nóc hầm Đờ-Cát... Nghẹo ngào, xúc động, tự hào và hạnh phúc là những cảm xúc đặc biệt trong cuộc hội ngộ của những chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến khi về dự cầu truyền hình “Dưới lá cờ Quyết Thắng”.

Ông Nguyễn Huy, thanh niên xung phong, chiến sĩ Điện Biên phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Tôi thật sự xúc động, có lúc không cầm được nước mắt khi xem lại những ngày tháng chiến đấu, phục vụ chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ của quân, dân ta. Hàng nghìn chiến sĩ đã hy sinh trong 56 ngày đêm anh dũng, quả cảm. Điều đó đã minh chứng cho tinh thần yêu nước mãnh liệt, sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của toàn quân và dân trong chiến dịch. Giờ phút này đây, tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào vì đã đóng góp một phần công sức của mình cho chiến dịch toàn thắng”.

Tái hiện bản anh hùng ca Điện Biên Phủ

Hình ảnh tiêu biểu được tái hiện tại điểm cầu Thanh Hóa. Ảnh: Minh Hiếu.

Khi đứng trước những “chứng nhân sống” rất chân thật, thế hệ trẻ hôm nay - những người đã và đang được thừa hưởng truyền thống hào hùng cha ông đã vun đắp, trao truyền càng thêm tự hào và quyết tâm tiếp bước cha anh làm nên những “kỳ tích Điện Biên Phủ” trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển.

Với tấm lòng biết ơn sâu sắc, em Nguyễn Phương Linh, sinh viên Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa chia sẻ: “Qua cầu truyền hình trực tiếp em hiểu rằng, biết bao thế hệ trẻ Việt Nam hôm qua đã sẵn sàng dâng hiến tuổi thanh xuân và sinh mệnh của mình cho hòa bình của dân tộc. Máu của các cô, các bác đã thấm đẫm từng tấc đất, từng mét chiến hào, làm nên Điện Biên Phủ linh thiêng, huyền thoại. Nhờ đó mà nhân loại biết đến hai tiếng Việt Nam như là đại diện cho chính nghĩa và chiến thắng. Chúng em nguyện sẽ tiếp bước trên đường bảo vệ và xây dựng đất nước, để biết bao xương máu của cha ông đã đổ xuống không trở nên vô nghĩa”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là chiến thắng của cuộc đối đầu không cân sức giữa một bên là thực dân hùng mạnh với vũ khí tối tân hiện đại với một bên chỉ có vũ khí thô sơ, sức người nhỏ bé. Đó còn là chiến thắng của tinh thần đoàn kết “quân với dân một ý chí”. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã chứng minh chân lý, không có pháo đài nào không thể công phá, chỉ có lòng dân và tinh thần dân tộc là bất khả xâm phạm.

Và hôm nay, thông qua Cầu truyền hình trực tiếp “Dưới lá cờ Quyết Thắng”, tất cả đã nhắc lại, cũng như thêm một lần nữa khẳng định chân lý đó.

Tố Phương


Tố Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]