Phát triển sản phẩm lưu niệm thủ công gắn với hoạt động du lịch miền núi
Sản phẩm lưu niệm là một trong những yếu tố góp phần tăng sức hấp dẫn, khuyến khích chi tiêu và lan tỏa hình ảnh du lịch cộng đồng khu vực miền núi xứ Thanh. Trong đó, các sản phẩm lưu niệm thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số luôn tạo nên sức hút đặc biệt đối với đông đảo du khách.
Quầy hàng lưu niệm tại khu nghỉ dưỡng PuLuong Retreat (Bá Thước) với nhiều sản phẩm thủ công truyền thống.
Miền núi Thanh Hóa là địa bàn cư trú lâu đời của hơn 1 triệu dân, trong đó có hơn 600 nghìn người là đồng bào Mông, Dao, Khơ Mú, Thái, Mường, Thổ. Bên cạnh các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, mang màu sắc riêng biệt, các địa phương khu vực miền núi như: Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn... còn nổi tiếng với các sản phẩm thủ công truyền thống, đặc biệt là nghề đan lát và dệt thổ cẩm. Từ hình thức là những công việc phụ trợ lúc nông nhàn, giúp Nhân dân địa phương tranh thủ kiếm thêm thu nhập, thủ công truyền thống từng bước phát triển thành một nghề độc lập, góp phần cải thiện đời sống cho người dân một số huyện miền núi.
Cho đến nay, Bá Thước là một trong những huyện miền núi đi đầu trong phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Trong quá trình phát triển du lịch cộng đồng, việc khai thác và phát triển các sản phẩm lưu niệm thủ công đã mang đến những trải nghiệm hấp dẫn, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Thái, Mường trên địa bàn huyện. Trong đó, làng nghề dệt thổ cẩm thôn Lặn Ngoài (xã Lũng Niêm) là 1 trong 2 làng nghề truyền thống tiêu biểu của huyện. Hiện nay, toàn xã có 83 hộ gia đình dệt thổ cẩm, với 13 điểm trưng bày các mặt hàng thổ cẩm. Với sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động du lịch, những năm gần đây, người dân địa phương đã tăng cường sản xuất các mặt hàng lưu niệm thủ công như khăn, túi xách, móc khóa, ví cầm tay... có tính ứng dụng cao, đáp ứng thị hiếu của du khách.
Chủ tịch UBND xã Lũng Niêm Bùi Văn Tùng, cho biết: “Phát triển sản phẩm lưu niệm thủ công từ nghề dệt thổ cẩm đã, đang là hướng đi quan trọng nhằm quảng bá, bảo tồn các giá trị văn hóa, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thời gian gần đây, các sản phẩm lưu niệm thủ công của các hộ sản xuất không chỉ chú trọng tính thẩm mỹ, mà còn hướng đến sự tiện dụng, dễ dàng vận chuyển và mang dấu ấn đặc trưng của đồng bào Thái. Mỗi năm, địa phương đón khoảng 11.000 lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm tại làng nghề. Nhờ phát triển du lịch gắn với nghề dệt thổ cẩm, đời sống của người dân từng bước được cải thiện, với thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt trên 52 triệu đồng/năm”.
Cùng với các làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống trên địa bàn huyện Bá Thước, một số huyện miền núi có khu, điểm du lịch đã, đang phát triển thêm các mặt hàng lưu niệm thủ công, như: tăm, đũa, hộp quà và quà lưu niệm từ tre, luồng (Cẩm Thủy, Quan Hóa, Ngọc Lặc, Lang Chánh...); dệt sợi gai của đồng bào Thổ (Như Xuân)... Bên cạnh đó, một số hộ còn tích cực sản xuất, cung cấp cho các cơ sở tiêu thụ tại các địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Trước nhu cầu của du khách, một số hộ, cơ sở sản xuất đã mạnh dạn mở rộng quy mô, đầu tư phát triển thêm các sản phẩm lưu niệm thủ công mang dấu ấn của du lịch miền Tây xứ Thanh, mang đến nhiều lựa chọn cho du khách.
Theo ông Vũ Văn Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trust Việt (TP Thanh Hóa), du lịch sinh thái cộng đồng tại các huyện miền núi xứ Thanh có những đặc trưng rất riêng về văn hóa, thể hiện rõ nét ở các sản phẩm lưu niệm thủ công gắn với nghề, làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, đặc thù của mặt hàng thủ công truyền thống từ mây, tre đan hay thổ cẩm tại một số điểm du lịch, như: Pù Luông, suối cá Cẩm Lương, bản Bút, bản Năng Cát... phần lớn có giá thành khá cao. Trước hết do nguyên liệu đầu vào cũng như đòi hỏi sự tỉ mỉ và thời gian sản xuất. Chính vì vậy, chính quyền địa phương cần quan tâm định hướng phát triển cho các hộ làm nghề truyền thống trong việc phát triển đa dạng sản phẩm lưu niệm thủ công, nhằm gia tăng trải nghiệm văn hóa cho du khách. Cùng với đó, các hộ, cơ sở sản xuất cần nghiên cứu áp dụng máy móc trong một số khâu sản xuất, hướng đến gia tăng sản lượng và giảm giá thành sản phẩm, phù hợp với mức chi tiêu của du khách dành cho các sản phẩm quà lưu niệm.
Thực tế hiện nay các sản phẩm lưu niệm thủ công tại các khu, điểm du lịch cộng đồng khu vực miền núi còn khá hạn chế, chỉ mới tập trung tại một số địa phương như Cẩm Thủy, Bá Thước, Quan Hóa, Thường Xuân... Trong khi đó, các sản phẩm lưu niệm này mang tính đặc thù, khá kén khách. Chính vì vậy, để sản phẩm lưu niệm thủ công truyền thống “có chỗ đứng”, trước hết cần đẩy mạnh liên kết giữa các hộ sản xuất, cơ sở sản xuất với cơ sở tiêu thụ (khu nghỉ dưỡng, cửa hàng lưu niệm...) và doanh nghiệp lữ hành. Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương cần quan tâm, định hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với tham quan, tìm hiểu nghề, làng nghề truyền thống. Qua đó góp phần gia tăng trải nghiệm cho du khách, từ việc hiểu rõ giá trị sản phẩm sẽ thúc đẩy mức tiêu thụ, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm lưu niệm thủ công truyền thống với các mặt hàng lưu niệm khác.
Bài và ảnh: Hoài Anh
{name} - {time}
-
2025-04-04 08:47:00
Lễ hội Du lịch biển Nghi Sơn năm 2025 dự kiến khai mạc vào tối 24/4
-
2025-04-01 08:54:00
Vé máy bay nhiều điểm du lịch có mức giá cao dịp nghỉ lễ 30/4-1/5
-
2025-03-29 22:49:00
Hòa cùng Lễ hội Cầu Ngư
Sau trận động đất chiều 28/3, du lịch Thái Lan có còn an toàn với du khách?
Vĩnh Lộc: Nhiều điểm đến hấp dẫn du khách
Bản nhỏ bình yên bên dòng sông Chu
Quảng bá các điểm du lịch tiềm năng
Lễ hội du lịch biển Hải Tiến năm 2025 dự kiến khai mạc ngày 19/4
Biển Hải Hòa được công nhận khu du lịch cấp tỉnh
Khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2025 “Huế - Kinh đô xưa, vận hội mới”
Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy của đồng bào dân tộc Thái xã Xuân Phúc