(Baothanhhoa.vn) - Tác phẩm “Daddy-Long-Legs” của Jean Webster ra đời năm 1912, dưới hình thức truyện ngắn nhiều kỳ đăng trên tạp chí Ladies Home. Không có những cuộc đối thoại kịch tính, không có tình tiết giật gân, không cả những mối tình lãng mạn hay nóng bỏng nhưng cuốn sách vẫn có sức hấp dẫn, lôi cuốn diệu kỳ đối với nhiều thế hệ bạn đọc bởi chính sự chân thực, một chút hài hước, dí dỏm và thông điệp, giá trị nhân văn sâu sắc. Tại Việt Nam, “Daddy-Long-Legs” được dịch giả Vũ Danh Tuấn chuyển ngữ với tên gọi “Ông bố chân dài” (Công ty TNHH Kẹp hạt dẻ liên kết NXB Lao động, 2019).

“Ông bố chân dài” trên hành trình đi tìm bí mật của hạnh phúc

Tác phẩm “Daddy-Long-Legs” của Jean Webster ra đời năm 1912, dưới hình thức truyện ngắn nhiều kỳ đăng trên tạp chí Ladies Home. Không có những cuộc đối thoại kịch tính, không có tình tiết giật gân, không cả những mối tình lãng mạn hay nóng bỏng nhưng cuốn sách vẫn có sức hấp dẫn, lôi cuốn diệu kỳ đối với nhiều thế hệ bạn đọc bởi chính sự chân thực, một chút hài hước, dí dỏm và thông điệp, giá trị nhân văn sâu sắc. Tại Việt Nam, “Daddy-Long-Legs” được dịch giả Vũ Danh Tuấn chuyển ngữ với tên gọi “Ông bố chân dài” (Công ty TNHH Kẹp hạt dẻ liên kết NXB Lao động, 2019).

“Ông bố chân dài” trên hành trình đi tìm bí mật của hạnh phúc“Ông bố chân dài” của Jean Webster (Vũ Danh Tuấn dịch, Công ty TNHH Kẹp hạt dẻ liên kết NXB Lao động, 2019).

Jerusha Abbott - nhân vật chính của cuốn sách là đứa trẻ mồ côi đầy nghị lực, bản lĩnh, hài hước, thông minh. Mười bảy năm kể từ khi chào đời, em chưa từng được bước chân vào một ngôi nhà đúng nghĩa mái nhà. Cô là đứa trẻ lớn tuổi nhất ở Viện Cứu tế John Grier, nơi đang nuôi dưỡng 97 trẻ mồ côi. Vì lẽ đó, cô phải là người gánh tất cả sự cực nhọc với núi công việc đổ dồn dưới sự soi mói của bà giám sát Lippett nghiêm khắc. Trong hoàn cảnh ấy, thật may mắn, Jerusha vẫn luôn là cô gái có trí tưởng tượng cực kỳ phong phú, bản lĩnh, tinh thần lạc quan.

Cuộc đời luôn có những sự sắp đặt, an bài khiến ta bất ngờ. Suốt 17 năm chờ đợi mòn mỏi ở viện cứu tế, cuối cùng, Jerusha đã gặp được người hiểu và trân trọng năng lực của cô, chấp nhận đứng ra bảo trợ để cô đi học đại học. Trước đó, cô đã thoáng thấy nhà bảo trợ lúc đi dọc hành lang. Đó là người đàn ông rất cao lớn, bóng ông hắt lên tường với đôi chân dài tới mức quái gở, đôi tay không những chạy dài trên sàn nhà, mà còn leo lên tận tường hành lang. Cái bóng nom như một con nhện khổng lồ, chập chờn ma quái... Với bà Lippett và những người khác ở viện cứu tế, bài luận “Ngày thứ tư buồn” của Jerusha là biểu hiện của sự vô ơn, mất dạy, trò bỉ ổi. Nhưng với người đàn ông muốn bảo trợ cho cô, đó là sự hài hước, là tố chất, tín hiệu của một nhà văn tương lai. Vì thế, Jerusha được chọn, theo một cách rất đặc biệt.

Jerusha được bảo trợ tiền ăn học trong suốt 4 năm đại học. Hằng tháng, cô còn được nhận tiền tiêu vặt. Đổi lại, cô phải thường xuyên viết thư, báo cáo với người đã bảo trợ mình tình hình học tập, tu dưỡng và sinh hoạt của cô ở trường, như thể báo cáo cho bố mẹ đẻ của cô nếu họ còn sống và gửi thư qua thư ký. Trong khi đó, người bảo trợ cho cô không có nghĩa vụ phải trả lời bất cứ thư nào của cô. Và từ đó, những bức thư ghi lại cuộc sống hằng ngày, tựa hồ như những trang nhật ký cuộc đời cùng với bao suy tư chất chứa của Jerusha đều đặn được gửi đến “ông bố chân dài” – biệt danh cô đặt cho người bảo trợ, mặc cho có được hồi đáp hay không. Với Jerusha, viết thư là cách cô có thể giãi bày hết thảy nỗi lòng mình; cũng là điều duy nhất giúp gìn giữ sợi dây gắn kết giữa cô và “ông bố chân dài” – người mà cô mang ơn suốt cuộc đời này. Qua nội dung những bức thư, bạn đọc cảm nhận rất rõ về cô bé thông minh, cá tính, hài hước, thẳng thắn và chân thành.

Jerusha thực sự là đứa trẻ dí dỏm, hài hước, như cái cách cô tâm sự hay giãi bày những oan ức của mình về cái tên Jerusha hoặc cái tên mới Judy với “ông bố chân dài”: “Trước đây con luôn cảm thấy khó khăn khi tâm sự, nhưng thời gian gần đây, con lại thấy khó khăn khi không nói ra với bố. Và giờ thì nhu cầu tâm sự đã ngấm vào con như nhu cầu dưỡng khí. Nếu không có bố nghe con kể chuyện, chắc con nổ tung quá”.

Jerusha luôn nhận mình là người không hoàn hảo. Cô cũng từng bướng bỉnh, từng phản kháng trước việc mãi im lặng của ông bố: “Chính bố chứ không phải ai khác, là người mà con biết ít nhất trên thế giới này. Con không thể nhận ra bố nếu tình cờ gặp trên phố. Nếu là một người bình thường, có khả năng suy nghĩ và viết những trang thư ngọt ngào cho đứa con gái Judy bé nhỏ; nếu bố thỉnh thoảng xoa đầu con gái mình và khen ngợi nó, thì có lẽ nó sẽ không nói lời hỗn hào...”. Nhưng chỉ cần một chút an ủi, vỗ về - biểu hiện của sự quan tâm, tâm hồn cô lại chứa chan niềm hạnh phúc. Lời bộc bạch của Jerusha khiến ai cũng phải xúc động bồi hồi: “Bố có gia đình đầy đủ, nên bố chẳng thế cảm nhận thấu đáo cảm giác cô đơn nó kinh khủng thế nào, nhưng con thì rất hiểu”. Sau tất cả những hờn dỗi, ẩm ương của tuổi mới lớn, sâu thẳm trong tâm hồn, điều Jerusha khao khát lớn nhất chẳng có gì khác ngoài tình yêu thương, chút ấm áp của sự quan tâm và thấu hiểu.

Jerusha là cô gái có tâm hồn, trí tuệ, năng lực viết và chất chứa đầy những suy tư, chiêm nghiệm. Cô đưa ra những kiến giải về hạnh phúc, về đích đến cuối cùng trên hành trình kiếm tìm hạnh phúc của một con người đầy sâu sắc, triết lý. “Con thấy nhiều người không phải đang sống, mà phải là chạy đua. Họ gồng lên, gắng sức, mù quáng, đuổi theo những mục tiêu vời xa tít tắp, tới mức ngộp thở, đứt hơi, để rồi bỏ lỡ những điều đẹp đẽ xung quanh. Người ta mải miết với những cuộc đua tranh giành giật bất tận ấy, cho đến một ngày chợt nhận ra mình đã già đi, và tả tơi. Khi ấy, họ thấy rằng, chẳng có gì khác biệt giữa đạt được và không đạt được cái đích mà họ phải đánh đổi và vật lộn theo đuổi cả đời. Ngộ ra điều này, con quyết định không tham gia vào cuộc đua tít mù ấy nữa, mà chọn ngồi xuống nhặt nhạnh những mảnh vụn hạnh phúc quanh mình”.

Những bức thư cho thấy rõ nét nhất sự trưởng thành của Jerusha theo năm tháng: “Sau 4 năm thay đổi môi trường sống, con nhìn lại những ngày ở viện cứu tế với một cái nhìn nhẹ nhõm hơn... Thời gian ấy đã cho con cơ hội nhìn cuộc sống bình thường của mọi người từ một góc độ khác”. Khi bạn nhìn thấy một góc độ khác của những điều đã quá quen thuộc, nghĩa là sự trưởng thành đã mang bạn đi rất xa trong tư tưởng, suy nghĩ: “Con biết nhiều cô gái (Julia là một ví dụ) chưa từng thấy mình hạnh phúc. Họ đã quen với điều kiện đầy đủ và cảm giác về sự đầy đủ ấy cũng vô cùng mờ nhạt. Nhưng với con thì khác, một mặt con cảm nhận được rõ nét từng khoảnh khắc hạnh phúc của cuộc sống, mặt khác con cũng dễ dàng vượt qua và thích nghi với những chuyện không như ý, hoặc như các nỗi đau. Con sẽ xem những điều không mong muốn (kiểu như đau răng) chỉ là một trải nghiệm thú vị, thậm chí còn thấy thích thú với điều đó. Điều này cũng mang lại cho con những quan niệm về cuộc sống và thế giới mà người bình thường khác không có”.

Và chính khi tư tưởng, suy nghĩ rộng mở sẽ tác động trực tiếp đến hành động. Mang theo tất cả lòng biết ơn sâu sắc đối với “Ông bố chân dài”, Jerusha đã không ngừng nỗ lực, cố gắng, luôn là sinh viên xuất sắc, đạt kết quả cao trong học tập, cũng đã có sách được xuất bản, có thể trả dần số tiền trợ cấp mà cô đã nhận từ bố suốt những năm qua: “Cách duy nhất để con đền đáp được bố là trở thành một nữ công dân có ích (con không biết có tồn tại từ này không), nếu không dùng được từ nữ công dân thì con thay bằng người có ích. Như vậy, khi thấy con, bố có thể dõng dạc tuyên bố mình đã cho thế giới một người có ích”. Đó là tâm thế nhập cuộc, xác lập vị trí và giá trị trong cuộc đời không phải ai cũng có.

“Ông bố chân dài” không đơn thuần là niềm may mắn vô tận mà thượng đế ban tặng cho Jerusha. Với đứa con gái đã hơn 17 năm qua chưa biết hương vị tình thân là như thế nào, “Ông bố chân dài” là hiện thân của gia đình. Cuốn sách khép lại với cái kết thật bất ngờ, bằng lá thư tình đầu tiên trong cuộc đời Jerusha. Dẫu sau cùng, ông bố chân dài là ai, trong thân phận nào đi chăng nữa, trên hành trình kiếm tìm bí mật của hạnh phúc, Jerusha đã để lại trong lòng độc giả những cảm xúc khó tả, ấn tượng khó phai mờ. Hạnh phúc là điều mà mỗi người chúng ta phải tự mình nắm bắt, tự mình kiếm tìm bởi chẳng bao giờ nó hiện diện một cách nguyên bản và khoe khoang với chúng ta rằng: Tôi là hạnh phúc đây...

Hoàng Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]