(Baothanhhoa.vn) - Về thăm làng Nga Khê thuộc xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương vào đúng thời điểm người dân thu hoạch cây cói. Khác với những lần trước, lần này không khí thu hoạch không mấy phấn khởi, dường như họ đang quay lưng lại với cây cói. 

Nỗi niềm người dân làng cói

Về thăm làng Nga Khê thuộc xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương vào đúng thời điểm người dân thu hoạch cây cói. Khác với những lần trước, lần này không khí thu hoạch không mấy phấn khởi, dường như họ đang quay lưng lại với cây cói.

Nỗi niềm người dân làng cói

Nông dân trồng cói làng Nga Khê chẻ cói trên đồng.

Dù đã gắn bó với mảnh đất Nga Khê hàng trăm năm nay, nhưng hiện tại cây cói đang là nỗi lo lắng, và nếu không có biện pháp căn cơ, chắc chắn cây cói sẽ xa dần người dân.

Làng Nga Khê gồm có hai thôn: Thôn Kỳ Khôi và thôn 3, nằm ở phía Tây Nam và Đông Bắc của xã Quảng Khê, được bao bọc bởi sông Yên, sông Hoàng và sông Lý.

Dù không phải là một “ốc đảo” riêng biệt, nhưng nơi đây có những nét văn hóa truyền thống riêng và được xem là mảnh đất màu mỡ để cho cây cói phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đã từng được xem là cái nôi của làng nghề dệt chiếu cói nổi tiếng trước đây. Nhưng với sự phát triển của khoa học công nghệ, chiếc chiếu cói trải nằm quen thuộc của mỗi gia đình ngay tại địa phương này giờ đã được thay nhiều bằng chiếu tre, chiếu trúc, chiếu nhựa... Dù không muốn, nhưng hàng trăm gia đình cùng những chiếc go chiếu thân quen đã phải chia tay và giờ đây nghề dệt chiếu thủ công truyền thống cũng hầu như không còn nữa. Người nông dân dù phải chia tay với nghề dệt chiếu như chuyện đã rồi, nhưng người dân vẫn một lòng một dạ gắn bó với mảnh đất ông cha và gắn bó với nghiệp mưu sinh là nghề trồng cói.

Dù đã gắn bó với cây cói từ khi mới lên 10 tuổi, năm nay đã ngoài 75 tuổi, ông Hoàng Đình Vương ở thôn 3 xã Quảng Khê chia sẻ với chúng tôi: Cây cói những năm trước đây góp phần đáng kể làm thay da đổi thịt một miền quê nghèo, trồng cói và dệt chiếu cói không chỉ đã mang lại nguồn thu nhập chính nhằm xóa đói giảm nghèo, mà sản phẩm chiếu cói của địa phương trong nhiều năm đã trở thành sản phẩm hàng hóa đáp ứng thị hiếu của nhiều thị trường khó tính trong và ngoài nước.

Nguyên nhân khiến người dân thiếu mặn mà, thậm chí quay lưng lại với cây cói như hiện tại, chủ yếu là do đầu ra không ổn định, giá cả sụt giảm nên cả diện tích và sản lượng cũng sụt giảm theo. Cây cói không đủ sức hấp dẫn người nông dân, nhất là lứa tuổi thanh niên trong cả sản xuất và chế biến. Nhiều diện tích trồng cói giờ đây có nguy cơ bị bỏ hoang, thậm chí nông dân có trồng nhưng không thu hoạch vì chi phí cao. Chính vì vậy, nếu không có biện pháp hữu hiệu thì nguy cơ đánh mất nghề trồng cói ở Nga Khê là rất rõ...

Nỗi niềm người dân làng cói

Nông dân làng Nga Khê thu hoạch cói.

Cùng xuống đồng với những người nông dân ngay trên ruộng cói đang thu hoạch, tại gia đình chị Phạm Thị Luyến ở thôn Kỳ Khôi, được chị tâm sự: “Gia đình tôi năm nay trồng 14 sào cói, ít hơn năm trước 2 sào. Chỉ tính riêng chi phí cho thu hoạch 1 sào đã hơn 4 triệu đồng, cộng thêm các chi phí khác khoảng 1 triệu đồng, tổng chi phí từ khâu cấy trồng, chăm sóc đến thu hoạch khoảng 5 triệu đồng. Sản lượng bình quân 1 sào là 400-500 kg cói chẻ khô, với giá cả hiện nay bán ra cao nhất chỉ đạt 4-5 triệu đồng, hoặc chưa đạt được nếu cói bị sâu bệnh hoặc các rủi ro khác... Người trồng cói như chúng tôi hiện nay có thu nhập rất thấp hoặc không có thu nhập”.

Đang chẻ cói cùng những người nông dân dưới trời nắng gắt, ông Nguyễn Đức Sơn ở thôn Kỳ Khôi, gạt vội những giọt mồ hôi đang lăn dài trên trán chia sẻ thêm: “Tôi năm nay gần 60 tuổi, sức khỏe không có nhiều nhưng cũng phải cố gắng ra đồng làm cói, vừa là để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, vừa là để tận dụng những thành quả lao động mà mình đã làm ra. Những năm gần đây trên các cánh đồng cói, từ việc chăm sóc và nhất là khi thu hoạch toàn là người lớn tuổi, không có lực lượng lao động trẻ, vì thanh niên hầu như đi làm ăn xa, số còn lại là làm việc tại các công ty trong huyện. Chúng tôi vẫn biết cây cói là cây truyền thống của người dân địa phương gắn bó nhiều đời trên mảnh đất Nga Khê. Nhưng hiện nay cây cói không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của người dân. Chúng tôi mong muốn được nhà nước hỗ trợ kinh phí để cải tạo đất, chuyển đổi sang trồng lúa hoặc các loại cây phù hợp tốt hơn".

Nỗi niềm người dân làng cói

Những thửa ruộng trồng cói bị bỏ hoang.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Quảng Khê Nguyễn Thanh Tuấn khẳng định: Quan điểm của lãnh đạo địa phương là tích cực tuyên truyền, vận động người dân vượt qua khó khăn trước mắt để giữ lại những cánh đồng cói truyền thống có năng suất, chất lượng cao; tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp tìm kiếm thị trường ổn định... Bên cạnh đó sẽ sớm có kế hoạch khảo sát những diện tích trồng cói kém chất lượng để nhân dân chuyển đổi cây trồng phù hợp.

Chúng tôi vẫn biết rằng đây không phải lần đầu tiên cây cói bị chao đảo trên thị trường. Chính người nông dân trồng cói là người hiểu hơn ai hết. Tuy có thể gọi là thất bại trong những vụ cói vừa qua, nhưng nhiều trái tim của người dân vẫn trông chờ những gì tốt đẹp ở tương lai.

Lê Xuân Bính (CTV)


Lê Xuân Bính (CTV)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]