Nỗi lo từ những tuyến đê
6 sự cố đê điều xảy ra trong nửa đầu năm 2024, rất may đều vào thời điểm không có bão lũ lớn. Trong số đó, chỉ trong 4 ngày từ 24 đến 27/6 có tới 3 sự cố nguy hiểm là sập thân cống Tế Nông 6 tại K2+300 đê bao Tế Nông, xã Tế Nông (Nông Cống); sụt lún mái, cơ kè tại K35+090 đê tả sông Mã với chiều dài theo đê khoảng 7m, rộng 2m thuộc địa bàn xã Hoằng Giang (Hoằng Hóa) và hư hỏng Cống Nổ Thôn tại K26+711 đê tả sông Mã, xã Vĩnh An (Vĩnh Lộc).
Ðoàn công tác của tỉnh kiểm tra, chỉ đạo xử lý sự cố đê sông Càn tại xã Nga Điền, huyện Nga Sơn năm 2023.
Mùa mưa bão 2024 đã đến, được dự báo là có lượng mưa lớn theo chu kỳ 10 năm, kèm theo nhiều cơn bão biển. Tuy nhiên, nhiều tuyến đê trên địa bàn tỉnh chưa thực sự an toàn. Khảo sát vào đầu mùa mưa bão của Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa cho thấy: Toàn tỉnh hiện có tới 34 vị trí đê và kè, cống trên đê được xác định là trọng điểm xung yếu, không bảo đảm an toàn. Trong số đó, có 14 trọng điểm trên đê từ cấp III đến cấp I và 20 trọng điểm trên đê cấp IV và V.
Địa phương có chiều dài đê lớn nhất tỉnh là Thọ Xuân hiện được xác định có tới 4 trọng điểm xung yếu. Trên đê tả sông Chu thuộc xã Trường Xuân, đoạn từ K16+300 đến K16+360 xuất hiện tình trạng thẩm thấu mái đê phía đồng. Cũng trên tuyến đê qua xã, cống Ngọc Quang với 8 cửa, được xây dựng từ năm 1936, nhiều năm qua thường xuyên hỏng cánh cửa chắn, xói lở kênh dẫn, xuất hiện các bãi sủi... khiến địa phương và các ngành liên quan liên tục phải sửa chữa, xử lý nhưng chỉ mang tính chất chắp vá, tạm thời. Không những được khai thác từ quá lâu, mà trong mùa mưa lũ 2024 này, mái kênh hạ lưu phía bờ hữu của cống đang có dấu hiệu sạt lở dài 50m.
Cũng trên đê hữu sông Chu tại vị trí K18+450 thuộc thị trấn Thọ Xuân, vào đợt mưa lớn tháng 9/2023, cống Tiêu Thủy bị sạt mái bê tông của sân tiêu năng. Dầm tường bê tông bị xói ngầm dài 3m, sâu 1m tại phần nối tiếp mái bê tông với phần mái đá lát khan sân tiêu năng. Mái đá lát cũng bị xói và tụt trôi mất phần chân nên bị nứt dài 3m, rộng từ 5 đến 10cm. Những tháng sau đó, tuy sự cố đã được khắc phục theo phương châm “4 tại chỗ” nhưng chưa thể dứt điểm, còn tiềm ẩn những nguy hiểm cho đê nếu bão lũ lớn. Đến nay, thân cống vẫn còn khe lún từ 3 đến 10cm, cánh cửa cống và ti van phía đồng bị hoen gỉ, cống không có phai phụ. Đây là cống trên đê có nhiệm vụ tiêu nước lũ cho các cánh đồng và khu vực rộng lớn nên cường độ nước rất lớn, vẫn còn vẹn nguyên những lo ngại đến tuyến đê.
Đoạn đê bao Tế Nông (Nông Cống) bị sạt cuối tháng 6/2024 mới được chính quyền địa phương xử lý tạm thời.
Huyện Nông Cống không có các dòng sông lớn chảy qua, nhưng lại có nhiều điểm đê xung yếu nhất tỉnh với 5 vị trí. Đê bao Tế Nông thuộc xã Tế Nông vừa được dự báo nguy hiểm và đưa vào danh sách 34 vị trí đê xung yếu của tỉnh thì đến cuối tháng 6 vừa qua đã xảy ra sự cố có tính chất nghiêm trọng. Tại vị trí đê K2+300 xảy ra sự cố sập thân cống phía đồng, khiến mái đê phía đồng bị sụt với chiều dài theo đê 3,5m, rộng 3m theo mặt cắt ngang, sâu 3,5m. Thân cống bị vỡ 1 ống cống dài 2, hai bên mang cống phía sông bị sụt 2m dọc theo tường cánh cống, rộng 1m, sâu trung bình khoảng 0,5m. Nguyên nhân được xác định do cống được xây dựng từ năm 2008, thân cống là các ống tròn bằng bê tông cốt thép ghép nối với nhau, cống bị lùng mang. Khi giàn đóng mở, tường cánh phía sông bị lún nghiêng về phía mặt đê kết hợp với đợt mưa lớn dẫn đến sập thân cống. Sự cố được phát hiện kịp thời, Chi cục Thủy lợi cùng UBND huyện Nông Cống và xã Tế Nông đã triển khai lực lượng xử lý theo phương châm “4 tại chỗ”. Tuy nhiên, đây là cống quá cũ, hư hỏng nhiều, đoạn đê tại vị trí cống có diễn biến sụt nên vẫn tiềm ẩn nguy hiểm. Những ngày tháng 7 này, xã Tế Nông đã phải chăng dây, cắm biển cảnh báo, thông báo trên đài truyền thanh xã cho người dân biết, đề phòng.
Cũng tại huyện Nông Cống, còn 4 vị trí đê xung yếu khác là đoạn đê tả sông Nhơm từ K35+450 đến K35+850 thuộc xã Tế Nông; cống trên đê tả sông Yên tại K6+470 thuộc thị trấn Nông Cống; 200m đê tả sông Yên qua xã Minh Nghĩa và một vị trí khác cũng trên đê bao Tế Nông 2.
Thanh Hóa là địa phương có chiều dài đê lớn nhất cả nước với 1.008km. Trên các tuyến đê có 1.121 cống qua đê và 443 công trình kè, trong đó nhiều công trình kè và cống đã cũ. Được sự hỗ trợ vốn từ nhiều chương trình, dự án từ Trung ương đến tỉnh, nhiều tuyến đê đã được kiên cố nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu thực tế. Trên địa bàn tỉnh còn hàng chục tuyến đê yếu, chưa được kiên cố, kèm theo đó là nỗi lo vào mùa mưa bão hàng năm.
Vừa qua, Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa đã có Văn bản số 601/CCTL-QLĐĐ đề nghị các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có đê rà soát, thống kê các sự cố công trình đê điều. Đối với các sự cố công trình đê điều mới phát sinh, khẩn trương xây dựng và phê duyệt phương án trọng điểm đê điều xung yếu để tổ chức thực hiện, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
Bài và ảnh: Linh Trường
{name} - {time}
-
2025-01-12 15:44:00
Tặng quà tết cho người có công, gia đình chính sách và trẻ em xã Hoằng Đạt
-
2025-01-12 15:22:00
Nhẹ để “bay cao”
-
2024-07-29 06:14:00
Điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội
Từ nghị quyết “mở đường” đến động lực “nâng hạng” thành thị xã Hoằng Hóa (Bài 1): Cuộc “cách mạng” ở mỗi làng quê
Nga Sơn chủ động phòng, chống thiên tai
Tiền lệ tốt để quy định không chỉ “hay trên giấy”
Chậm nhất trong năm 2025 phải hoàn thành sửa chữa toàn bộ 566 đường ngang
Phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP xứ Thanh
Thăm, tặng quà gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn xã Hoằng Đạo
Thường Xuân tăng cường các giải pháp phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn mùa mưa lũ
Mường Lát trồng rừng phủ xanh đồi trọc, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc
Phát huy sức trẻ, khơi dậy khát vọng cống hiến