(Baothanhhoa.vn) - Có một thực tế là, đa phần nông dân thuần túy, nhất là ở khu vực miền núi khó có điều kiện tổ chức những mô hình sản xuất lớn, hiện đại do thiếu vốn, kiến thức cũng như tư duy dám đột phá. Nhưng hiện nay nhiều doanh nhân, kỹ sư, những người thành đạt đã trở về quê đầu tư những mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp có hàm lượng khoa học - kỹ thuật cao, hướng đến sản xuất nông nghiệp an toàn theo hướng hàng hóa, gắn đầu ra bền vững cho sản phẩm. Nhiều mô hình phát huy hiệu quả, góp phần lan tỏa và được nhiều người trong vùng học tập, áp dụng phương thức sản xuất mới ra diện rộng...

Những “nông dân tinh hoa” giúp thay đổi phương thức sản xuất

Có một thực tế là, đa phần nông dân thuần túy, nhất là ở khu vực miền núi khó có điều kiện tổ chức những mô hình sản xuất lớn, hiện đại do thiếu vốn, kiến thức cũng như tư duy dám đột phá. Nhưng hiện nay nhiều doanh nhân, kỹ sư, những người thành đạt đã trở về quê đầu tư những mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp có hàm lượng khoa học - kỹ thuật cao, hướng đến sản xuất nông nghiệp an toàn theo hướng hàng hóa, gắn đầu ra bền vững cho sản phẩm. Nhiều mô hình phát huy hiệu quả, góp phần lan tỏa và được nhiều người trong vùng học tập, áp dụng phương thức sản xuất mới ra diện rộng...

Những “nông dân tinh hoa” giúp thay đổi phương thức sản xuấtChủ trang trại Trịnh Xuân Nam (đi giữa) giới thiệu trang trại tổng hợp hiện đại sản xuất theo hướng hữu cơ tại xã Yên Ninh (Yên Định).

Gần 5 năm trước, kỹ sư trẻ Nguyễn Văn Nam ở xã Nga Thủy (Nga Sơn) sau khi “bôn ba” thầu xây dựng nhiều nơi, đã trở về lập nghiệp, quyết làm giàu tại quê nhà. Anh đã thuê và dồn đổi nhiều diện tích đất để tích tụ hơn 3 ha đất nông nghiệp ở thôn Phương Phú, xã Nga Thạch để xây dựng mô hình trồng trọt theo hướng hiện đại. Những khu nhà lưới lần lượt được xây dựng với hơn 0,52 ha để trồng các loại cây trồng hiệu quả cao như dưa chuột baby, dưa vàng Kim Hoàng hậu, dưa hấu... Với hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa được vận hành qua hệ thống cảm ứng thông minh điều khiển qua điện thoại, cây trồng được duy trì độ ẩm khoa học quanh năm. Canh tác theo hướng hữu cơ khiến sản phẩm chất lượng, cộng với sự năng động tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm nên quá trình canh tác thuận lợi. Phía ngoài các nhà lưới là những luống hoa đủ loại gối lứa quanh năm.

Sự thành công của chàng kỹ sư xây dựng sinh năm 1987 rẽ sang làm nông nghiệp đã tác động lớn đến phương thức sản xuất trong vùng. Nhiều thanh niên, những nông dân năng động đến tham quan, được anh chia sẻ kinh nghiệm, kêu gọi liên kết trong những nhóm sản xuất nên có sản phẩm thường xuyên, cung ứng các sản phẩm dưa đi tận Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc qua các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Những năm sau, hơn chục mô hình tương tự nở rộ ở các xã trong huyện như Nga Phượng, Nga Thạch, Nga Yên... Các chủ mô hình có sự kết nối với nhau, chia sẻ kinh nghiệm, tương trợ và liên kết tiêu thụ sản phẩm qua các chuỗi.

Tại thôn Trịnh Xá 3, xã Yên Ninh (Yên Định), doanh nhân thành đạt tại TP Hồ Chí Minh là Trịnh Xuân Nam đã trở về quê nhà đầu tư trang trại tổng hợp với tổng diện tích gần 10 ha. Với khoảng 48 tỷ đồng đã đầu tư xây dựng hạ tầng, mua các thiết bị sản xuất tiên tiến, một khu sản xuất quy mô bậc nhất khu vực đồng bằng của tỉnh đã được gây dựng. Gần 8 năm cho hành trình dồn đổi và thuê đất, cải tạo những khu đất chua phèn, đồng chiêm trũng, ông đã xây dựng các khu chăn nuôi bảo đảm môi trường và trồng cây ăn quả. Trên diện tích rộng lớn, chủ trang trại đã đào hệ thống ao liên hoàn và kênh cấp thoát nước để nuôi cá quả thâm canh. Hàng chục khu chuồng trại để chăn nuôi lợn, nuôi gà công nghiệp quy mô lớn với hệ thống xử lý chất thải bài bản, ít tác động xấu đến môi trường. Những diện tích còn lại được trồng cây ăn quả như bưởi da xanh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn. Chất thải chăn nuôi được xử lý thành phân bón hữu cơ để bón cho cây trồng theo một chu trình khép kín, sản xuất an toàn sinh học. Các loại cây trồng ngắn ngày như rau màu, bắp cải, bầu bí, su su... cũng được canh tác trong trang trại theo hướng nông nghiệp sạch, được các tư thương thu gom đưa đi các chợ đầu mối. Hiện thu nhập mỗi năm từ trang trại đạt từ 20 đến 27 tỷ đồng, 30 lao động địa phương có việc làm ổn định tại đây.

Điều đáng ghi nhận nhất là yếu tố khoa học - công nghệ được áp dụng vào sản xuất tại trang trại đã làm thay đổi cách làm nông nghiệp thuần túy tại địa phương. Năm 2020, trang trại được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa phối hợp triển khai Dự án “Ứng dụng khoa học - công nghệ xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ cá lóc đạt tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Yên Định”. Kỹ thuật chăn nuôi do phía trang trại chuyển giao hướng dẫn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa cử chuyên gia đồng hành thực hiện. Trong năm, khoảng 213 tấn cá lóc thương phẩm với tổng giá trị hơn 8 tỷ đồng được thu hoạch nhờ biện pháp kỹ thuật nuôi tiên tiến. Sau đó, gần chục mô hình nuôi cá lóc thương phẩm của trang trại được chuyển giao cho các chủ ao hồ trong và ngoài huyện Yên Định triển khai. Sự lan tỏa, ảnh hưởng của phương thức nuôi cá lóc chuyên canh này đến nay đang được phát huy bởi các mô hình được chuyển giao tuy diện tích không lớn nhưng vẫn hiệu quả.

Những “nông dân tinh hoa” giúp thay đổi phương thức sản xuấtKỹ sư chăn nuôi Nguyễn Văn Lâm ở xã Thọ Bình (Triệu Sơn) theo dõi và điều hành từ xa các dây chuyền tự động trong trại gà.

Có thể kể đến hàng chục ví dụ về những nông dân trí thức du nhập và triển khai các mô hình sản xuất hiện đại, những mô hình mới về các vùng quê trong tỉnh. Sau thời gian triển khai hiệu quả, nhiều cách thức sản xuất mới được nhiều nông dân địa phương học tập nhân rộng. Nhiều chủ mô hình sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, thậm chí đứng ra liên kết để tạo ra những hội sản xuất lớn mạnh, giúp nhau phát triển và cạnh tranh sản phẩm trên thị trường. Tại xã Ngọc Phụng, huyện miền núi Thường Xuân, kỹ sư nông nghiệp Lê Xuân Hoằng đầu tư trang trại bưởi 8 ha theo hướng công nghệ cao, liên kết bao tiêu sản phẩm. Hiện có 3 trang trại trồng trọt trong xã Ngọc Phụng được chuyển giao tiến bộ khoa học để canh tác theo hướng hiện đại. Ở vùng đồi bán sơn địa thuộc xã Thọ Bình (Triệu Sơn), kỹ sư thực hành chuyên ngành chăn nuôi Nguyễn Văn Lâm đã hợp tác với một công ty tại Hà Nội xây dựng khu trại gà công nghệ cao hiện đại bậc nhất tỉnh cho lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng mỗi năm. Ở đây, đa phần các khâu chăm sóc gà đều được tự động hóa thay sức người để giảm chi phí lao động, giúp cách ly với nguồn bệnh. Thời gian gần đây, nhiều chủ trang trại trong tỉnh đã đến tham quan mô hình nuôi gà lông trắng này để học tập.

Trong quá trình nhiều tháng đi thực tế và tìm hiểu của Ban Giám khảo Cuộc thi “Vườn đẹp, trang trại kiểu mẫu tỉnh Thanh Hóa” năm 2022 do Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh Thanh Hóa tổ chức, có rất nhiều điển hình vườn, trại áp dụng những phương thức sản xuất hiện đại. Đa phần các chủ mô hình đều là con em xa quê đầu tư về quê nhà, những thanh niên khởi nghiệp từng tốt nghiệp đại học, những người thành công trong phát triển kinh tế ở những mảng khác...

Theo Phó Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh Trần Đức Năng, gần đây trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều chủ mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, họ thực sự là những “nông dân tinh hoa”, “nông dân ưu tú”, đang từng bước giúp thay đổi phương thức sản xuất hiện đại ở nhiều địa phương.

Bài và ảnh: Linh Trường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]