Những lò gốm vang danh của xứ Thanh
Dự kiến trong năm 2024 này, Alpha Books và Thương hiệu sách Sống sẽ xuất bản 1 cuốn sách về các làng gốm trên khắp cả nước của tác giả Trần Mạnh Thường. Là một người con xứ Thanh, tôi không khỏi bất ngờ khi quê mình có tới ba làng gốm cổ.
Những mảnh sành (gốm) vỡ còn sót lại trên nền lò gốm Tam Thọ được khai quật. Ảnh: Chi Anh
LÒ GỐM CỔ XƯA TAM THỌ
Không một ai biết ở xứ Thanh xưa kia đã từng có lò nung gốm nổi tiếng lâu đời. Nhưng từ khi nhà khảo cổ học Olov Janse, người Thụy Điển tiến hành khai quật khảo cổ học vào tháng 2/1937, tại gò đất nhô cao thuộc Tổng Viễn Chiếu, phủ Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nay thuộc hai làng Tam Thọ và Văn Vật, xã Đông Vinh, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, từ đó người ta mới biết ở Tam Thọ xưa kia đã có lò gốm.
Tại thời điểm phát hiện, khu lò gốm Tam Thọ là di tích lò gốm cổ duy nhất ở Đông Dương, được hình thành cuối thế kỷ thứ nhất sau công nguyên. Từ khi Olov Janse khai quật cho tới nay đã phát hiện ra trên 10 khu lò gốm thuộc 10 thế kỷ đầu công nguyên. Trong đó khu lò gốm Tam Thọ là khu lò có quy mô lớn nhất, có niên đại sớm nhất.
Theo nhận định của các nhà khảo cổ học, trong phạm vi trên 1km dọc bờ kênh Đô, nằm giữa hai làng Tam Thọ và Văn Vật có hàng chục gò đất lớn nổi cao lên, đó chính là những lò nung gốm cổ. Mỗi gò có chu vi rộng 30m đến 40m, chứa ít nhất 3 lò gốm cổ.
Năm 2001, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành khai quật khu vực gò Quyền thuộc làng Tam Thọ và đã tìm thấy dấu vết của 6 lò gốm cổ. Cũng như nhận định của Olov Janse, các nhà khảo cổ cũng cho rằng nền của các lò nung được tôn tạo nhiều lần, điều đó chứng tỏ các lò nung này đã được sử dụng trong một thời gian dài.
Đặc biệt dọc theo bờ kênh Đô, đoạn giữa hai làng Tam Thọ và Văn Vật còn có một hệ thống lò sành có niên đại từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII. Khu lò sành này là sự nối tiếp truyền thống sản xuất gốm trước và sau thời kỳ Bắc thuộc ở khu vực này.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, khu lò gốm Tam Thọ gồm nhiều lò lớn nhỏ khác nhau được hình thành vào cuối thế kỷ I sau công nguyên và phát triển mạnh vào cuối thời Đông Hán (năm 25-226), đầu Lục Triều (220-589).
Các sản phẩm gốm sứ bị hỏng, vỡ được xếp thành những bức tường rào rất đặc trưng và phổ biến ở làng nghề Lò Chum ở 2 bên bờ sông Nhà Lê (thuộc Cốc Hạ, Đông Hương) và phố Lò Chum (Trường Thi). Ảnh: Chi Anh
Hiện nay trên thị trường không còn lưu hành gốm Tam Thọ, nhưng những hiện vật được phát hiện qua các cuộc khai quật khảo cổ tại đây đã được lưu giữ, bảo tồn cẩn thận ở Bảo tàng gốm Tam Thọ, tọa lạc tại Thịnh Vạn, phường Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa.
GỐM LÒ CHUM, KÝ ỨC MỘT THỜI
Lò Chum làng nghề sản xuất gốm xuất hiện từ những năm cuối thế kỷ XIX, từng nổi tiếng khắp nơi, bởi sản phẩm gốm đa dạng, độc đáo. Làng nghề Lò Chum nay thuộc phường Trường Thi và phường Đông Hương, TP Thanh Hóa.
Phố Lò Chum tọa lạc trên một vị trí rất thuận lợi vừa gần chợ, buôn bán dễ dàng, lại gần sông, nên việc lưu thông hàng hóa càng thuận tiện. Đây cũng lại là nơi có sẵn nguồn nguyên liệu đất sét tốt cho nghề làm gốm nằm ngay khu vực ven mấy con sông gần kề là sông Mã, sông nhà Lê (còn gọi là kênh nhà Lê). Hơn nữa nguồn nhiên liệu củi đốt lò được khai thác từ các cánh rừng trong tỉnh được đóng bè chuyển về Bến Ngự.
Củi đưa về chất thành đống theo hình lục lăng cao chót vót lên tới 8 - 9 mét. (Cần nói rõ thêm, sở dĩ có tên là Bến Ngự, bởi vì các đời vua Nguyễn mỗi năm về giỗ Tổ, đều ngự thuyền rồng cập vào bến này, để từ đây đi kiệu vào hành cung trong thành làm lễ cúng bái. Và 3 ngày sau mới về Gia Miêu, huyện Hà Trung giỗ Tổ, chỉ đến đời vua Bảo Đại mới đi ô tô từ Huế ra).
Chính nhờ những yếu tố “cận thị” và “cận giang” mà việc vận chuyển hàng hóa, vật liệu, nhiên liệu thuận lợi, nên một số người là thợ gốm Thổ Hà (Bắc Giang), Đanh Xá (Hà Nam), Hương Canh (Vĩnh Phúc) đã kéo nhau vào sinh sống ven sông nhà Lê để buôn bán lâm thổ sản. Lúc này họ nhận thấy, ở đây có hai dải đất rất đắc địa, nên lần lượt kéo về đây tụ cư. Nhưng họ vẫn ở dưới thuyền làm nghề buôn thúng bán mẹt và đặt tên làng là Đức Thọ Vạn. Vào một ngày đẹp trời, viên Tri phủ Đông Sơn là Mai Xuân Hoàng đi qua làng và được biết dân làng này phần đông là thợ gốm lành nghề từ khi còn ở quê gốc ngoài Bắc, nên ông hết sức giúp đỡ. Trước tiên cho họ lên sinh sống trên hai dải đất ấy để làm nghề gốm truyền thống của họ.
Người làng Đức Thọ Vạn đủ điều kiện nên đã bắt tay ngay vào việc xây lò sản xuất gốm. Và được Chính phủ bảo hộ cho gắn biển bằng tiếng Pháp “Quai de Poteries” (Bến Lò Gốm). Nhưng dân gian vẫn quen gọi là phố “Lò Chum” cho đến ngày nay.
Sản phẩm gốm Lò Chum từng được tham dự Hội chợ tại nhà Đấu xảo, Hà Nội (nay là Cung Hữu Nghị) năm 1940 và Hội chợ Sài Gòn năm 1942.
Bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập theo cơ chế thị trường, những sản phẩm gốm làm bằng thủ công truyền thống của Lò Chum, Thanh Hóa, tuy chất lượng cao, mỹ thuật đẹp, nhưng vẫn không cạnh tranh được với các sản phẩm đến từ các địa phương khác. Nguyên nhân chính là dây chuyền sản xuất thủ công lạc hậu, các mẫu mã, hình thức sản xuất không theo kịp các sản phẩm được nhập từ các tỉnh ngoài, cũng như không cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Vì thế, một loạt lò gốm bị giải thể, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ cũng lần lượt tắt lửa, chuyển sang nghề khác, khép lại thời kỳ hoàng kim của một làng nghề nổi tiếng xứ Thanh.
KÝ ỨC GỐM LÀNG VỒM
Làng Vồm thuộc xã Thiệu Khánh xưa thuộc huyện Thiệu Hóa nay là phường Thiệu Khánh thuộc TP Thanh Hóa. Thiệu Khánh gồm 4 làng: Làng Đọ, làng Vồm, làng Chành và làng Hến. Gọi là gốm làng Vồm, nhưng trong thực tế nơi sản xuất đồ gốm lại ở làng Chành kề bên. Làng Vồm chỉ là nơi tiêu thụ các sản phẩm gốm của làng Chành. Có lẽ đó là cách gọi khiến người ta nhớ lâu về một làng nghề truyền thống chế tác gốm trên đất xứ Thanh.
Những chiếc vại sành bị lỗi được người dân tận dụng xây tường. Đây là một trong những dấu tích của gốm Vồm một thời phát triển hưng thịnh trong lịch sử. Ảnh: Chi Anh
Từ thời thuộc Hán đến đầu tiền Tống trước công nguyên, làng Vồm nằm cạnh thành Tư Phố, trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa của Việt Nam lúc bấy giờ. Đất Doanh Xá có Kẻ Vồm, kẻ Chành tọa lạc bên bờ hữu ngạn sông Chu, nơi hợp lưu của hai dòng sông lớn nhất xứ Thanh là sông Mã và sông Chu. Chợ Vồm nằm tại Ngã Ba Đầu. Các sản phẩm gốm của làng Chành khi ra lò là về ngay chợ Vồm, rồi ngược xuôi theo hai dòng sông lớn đó tỏa đi khắp các miền quê trong tỉnh. Đó chính là lý do khiến người dân quen gọi là gốm làng Vồm.
Làng Chành xưa có 3 xóm: Xóm Đồng, xóm Nghè và xóm Lò. Nghề nghiệp chính của làng là làm nông nghiệp, kết hợp chăn nuôi gia súc. Trong đó chỉ có dân xóm Lò chuyên làm nghề gốm thủ công truyền thống, không có gia đình nào làm ruộng.
Nghề gốm của xóm Lò (làng Chành) được du nhập từ một bộ phận người Phủ Lý, tỉnh Hà Nam di cư vào đây khoảng 200 năm trước. Lúc đầu họ sinh sống và sản xuất gốm ở khu vực chợ Vồm, qua một thời gian, nghề càng phát triển, dần dần họ chuyển vào xóm Lò, làng Chành.
Người dân xóm Lò vốn cần cù khéo léo nên những sản phẩm gốm làm ra đã nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường. Những chiếc nồi đất, niêu đất, ấm đất, chõ đất đã từng làm dấy lên những hương vị dẻo thơm của nếp cái hoa vàng đất Hà Trung, bùi như cá rô Đầm Sét, hay sóng sánh thơm lừng như bát chè xanh Sánh Lược (Thọ Xuân). Những hương vị độc đáo được tạo bởi tinh hoa của đất trời và con người nơi đây tạo cho xứ Thanh - miền đất của vua chúa - những sản phẩm gốm độc đáo ít nơi nào có được.
Gốm Vồm từng nổi tiếng khắp cả nước, nơi đây từng tấp nập “trên bến dưới thuyền” để qua những chuyến lướt sông, vượt biển đưa sản phẩm gốm Vồm đi đến mọi phương trời. Nhưng đến hôm nay, những làn khói lò nung chỉ còn là hoài niệm. Tuy vậy, hiện vẫn còn những bức tường rêu phong được xây bằng các sản phẩm gốm bị lỗi như tiểu sành, chum, vại vỡ... Tất cả gợi lên niềm tự hào của một thời để nhớ.
Vì vậy, dù khói lò nung nơi đây không còn, nhưng những dấu tích của nghề gốm Vồm hàng trăm năm tuổi vẫn hằn trên các bức tường của những con đường làng, ngõ xóm... và cả trong ký ức của người dân nơi đây.
NGUYỄN HUY MINH
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:12:00
Nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông ở TP Thanh Hóa
-
2024-11-21 14:18:00
Như Thanh nỗ lực chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số
-
2024-02-15 14:16:00
Cục Hải quan Thanh Hóa đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
Bảo đảm tốt an sinh xã hội
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa: Nửa nhiệm kỳ nhiều dấu ấn đậm nét
Hoằng Hóa quyết liệt giải tỏa hành lang an toàn đường bộ
Những con số tăng, giảm trong dịp tết
Nô nức đi chợ cầu may “có một không hai” ở xứ Thanh
Lễ hội hiến máu tình nguyện ngành y tế “Giọt hồng Blouse trắng năm 2024”
Đảm bảo an ninh, an toàn cho nhân dân đón Tết, vui Xuân
Hành trình đón nắng phương Nam
Ngư dân đón lộc đầu xuân