(Baothanhhoa.vn) - Tiếp tục XDNTM theo hướng toàn diện, thực chất, đi vào chiều sâu, từng bước XDNTM thông minh, góp phần chuyển đổi số (CĐS) nông nghiệp, nông thôn, nhiều địa phương trong tỉnh đang tích cực xây dựng thôn thông minh trên nền tảng số, góp phần mang lại nhiều tiện ích cho người dân.

Nhiều tiện ích thiết thực từ thôn thông minh

Tiếp tục XDNTM theo hướng toàn diện, thực chất, đi vào chiều sâu, từng bước XDNTM thông minh, góp phần chuyển đổi số (CĐS) nông nghiệp, nông thôn, nhiều địa phương trong tỉnh đang tích cực xây dựng thôn thông minh trên nền tảng số, góp phần mang lại nhiều tiện ích cho người dân.

Nhiều tiện ích thiết thực từ thôn thông minhNgười dân thanh toán qua VNPay tại cửa hàng Ái Luyến Mart, thôn Văn Thắng, xã Đông Văn.

Để hoàn thành xây dựng xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đòi hỏi mỗi xã cần phải có một thôn thông minh bao hàm đủ các điều kiện: có hạ tầng Internet cáp quang và thông tin di động 3G/4G đến thôn; cán bộ thôn có ứng dụng các nền tảng số để thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền trong thôn; có ít nhất một mô hình ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số vào một trong các lĩnh vực: an ninh trật tự, an toàn giao thông, sản xuất - kinh doanh, y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch... Ngoài ra, tỉ lệ người trong độ tuổi lao động có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu đạt từ 70% trở lên; tỉ lệ người trong độ tuổi lao động của thôn có tài khoản thanh toán điện tử, có thể thanh toán được các dịch vụ thiết yếu đạt từ 50% trở lên...

Với sự nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân, thôn 2, xã Hoằng Thái (Hoằng Hóa) đã trở thành một trong những thôn thông minh đầu tiên trong xã theo Bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025. Điều đáng mừng là sau khi triển khai mô hình, nhiều tiện ích thiết thực đã góp phần mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân, được người dân ghi nhận và tích cực ủng hộ.

Ông Trịnh Hữu Vui, Chủ tịch UBND xã Hoằng Thái (Hoằng Hóa), cho biết: "Hạ tầng Internet cáp quang được lắp đặt đồng bộ cung cấp các dịch vụ viễn thông đến 100% các hộ gia đình trong thôn 2 với 43 hộp cáp cung cấp dịch vụ điện thoại cố định, Internet băng thông rộng. Hệ thống cáp quang đến 100% các hộ gia đình được thu gom, bó gọn đảm bảo mỹ quan NTM và đảm bảo an toàn thông tin. Ngoài việc người dân được theo dõi thông tin trên hệ thống truyền thanh thông minh của xã và hệ thống truyền thanh của thôn thì thôn 2 đã thành lập trang thông tin của thôn trên nền tảng mạng xã hội như: Ứng dụng HOANGHOAS, nhóm zalo do đồng chí trưởng thôn làm nhóm trưởng, thành viên là các hộ gia đình trong thôn. Đây là kênh thông tin quan trọng được cán bộ và người dân trong thôn sử dụng để phổ biến, thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, cung cấp, trao đổi thông tin, tin tức hoạt động tại địa phương và triển khai vận động, lấy ý kiến, kiến nghị của người dân trong thôn.

Căn cứ vào điều kiện thực tế của thôn và theo nguyện vọng của Nhân dân trong thôn, ban cán sự thôn 2 đã lựa chọn mô hình ứng dụng CNTT CĐS vào lĩnh vực an ninh trật tự (ANTT), an toàn giao thông (ATGT). Hệ thống camera giám sát ANTT, ATGT được lắp đặt trên địa bàn. Ứng dụng di động phát huy tác dụng trao đổi thông tin giữa chính quyền và người dân, trong đó tích hợp các camera lên ứng dụng để cho phép người dân cùng tham gia giám sát ANTT, ATGT trên địa bàn, huy động nguồn lực của xã hội trong việc giám sát ANTT, ATGT; tích hợp các bản tin, clip, voice... truyền thanh về ANTT, ATGT lên để người dân có thể nghe lại phục vụ công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân.

Ứng dụng di động được cài đặt và hướng dẫn sử dụng cho 100% hộ dân có điện thoại thông minh trên địa bàn thôn. Góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo đảm ANTT, trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, kịp thời nhắc nhở các hành vi, hiện tượng đổ rác sai quy định, tình trạng tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, hạn chế các hành vi trộm cắp vặt, đánh nhau gây mất trật tự, xe vận chuyển làm rơi vãi đất đá vật liệu trên đường... Thông tin được chia sẻ minh bạch nên nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân với chính quyền, công an xã. Từ đó góp phần hỗ trợ cho các lực lượng công an hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ đảm bảo ANTT, ATGT trên địa bàn.

Cùng với việc sử dụng các ứng dụng trên điện thoại thông minh, việc sử dụng tài khoản thanh toán điện tử của người dân trong thôn đã trở nên khá phổ biến, người dân thường sử dụng tài khoản thanh toán điện tử để thanh toán các loại dịch vụ như: nộp học phí, thanh toán tiền điện, nước sinh hoạt, thanh toán tiền mua hàng trực tuyến, thanh toán tiền phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến...

Với quyết tâm XDNTM thông minh, năm 2020, sau khi được công nhận xã NTM kiểu mẫu, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân xã Đông Văn (Đông Sơn) đặt ra mục tiêu củng cố và nâng cao các tiêu chí NTM kiểu mẫu, đến năm 2022, xã Đông Văn được công nhận là xã hoàn thành CĐS.

Bà Mai Thị Ngọc Linh, Chủ tịch UBND xã Đông Văn, cho biết: "Nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển kinh tế số, xã hội số, Đông Văn đang nỗ lực xây dựng cả 7/7 thôn của xã trở thành thôn thông minh trên cơ sở thực hiện các mô hình nổi trội về CĐS như: mô hình truy xuất nguồn gốc bằng mã QR; ứng dụng CNTT tự động hóa việc tưới trong sản xuất nông nghiệp; ứng dụng nền tảng số trong quản lý kinh doanh...

Tại cửa hàng Ái Luyến Mart ở thôn Văn Thắng, xã Đông Văn đã sử dụng nền tảng số trong quản lý kinh doanh bằng phần mềm KiotViet để bán hàng. Chủ cửa hàng, chị Nguyễn Thị Luyến chia sẻ: "Áp dụng nền tảng số, không chỉ giúp quản lý được việc nhập, xuất hàng hóa, doanh thu, lợi nhuận, công nợ mà còn đảm bảo nhanh, chính xác, giá cả thống nhất, không bị sai sót. Khách hàng cũng có thể thanh toán bằng cách quét mã QR hoặc chuyển khoản qua VNPay... Ngoài ra, cửa hàng cũng có thể tạo được các mã giảm giá cho khách hàng thân thiết. Do đó, cửa hàng luôn nhận được sự tin tưởng của khách hàng vào chất lượng sản phẩm cũng như việc giá cả được niêm yết công khai".

Đến nay, Thanh Hóa đã có 16 thôn thông minh. Trong năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có thêm ít nhất 10 thôn thông minh nhằm mang lại nhiều tiện ích cho người dân khu vực nông thôn trong thời đại công nghệ 4.0. Để thực hiện được mục tiêu đề ra, các địa phương đang tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tư duy về CĐS trong XDNTM cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ và cộng đồng dân cư. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số.

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]