Nhiều điểm du xuân hấp dẫn giữa lòng thành phố
Các hoạt động văn hóa đặc sắc được tổ chức tại nhiều điểm di tích lịch sử, du lịch tâm linh nổi tiếng đã tạo nên những điểm du xuân hấp dẫn giữa lòng “Thành phố bên bờ sông Mã”.
Chương trình “Tết xưa, làng cổ” xuân Giáp Thìn năm 2024, phường Hàm Rồng, với nhiều hoạt động hoạt động văn hóa đặc sắc, hấp dẫn, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách.
Hướng tới chào mừng kỷ niệm 220 năm Đô thị tỉnh lỵ, 30 năm thành lập thành phố, 10 năm đô thị loại I, TP Thanh Hóa đã và đang tổ chức các hoạt động văn hóa đặc sắc mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024, gắn với chào mừng kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024), kỷ niệm 76 năm ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa (20/2/1947 - 20/2/2024). |
Năm mới Giáp Thìn 2024 đang cận kề và sắc xuân tràn ngập khắp phố phường, tôi hòa cùng dòng người vào Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trên đường Lê Hoàn, phường Lam Sơn, dâng nén hương thơm tưởng nhớ Bác. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Thanh Hóa những tình cảm sâu sắc và sự quan tâm đặc biệt. Bác đã bốn lần về thăm Thanh Hóa. Qua những lần Người về thăm, lời Bác dạy luôn khắc sâu trong tâm trí mỗi người dân Thanh Hóa.
Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩnh biệt chúng ta, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn thể đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế. Ngay sau khi Người đi xa, Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đều bày tỏ nguyện vọng được góp công sức xây dựng nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP Thanh Hóa. Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh nhật Bác, vào ngày 19/5/2000, công trình Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được khởi công xây dựng. Công trình có diện tích 12.000m2, được xây dựng tại khu vực Bác Hồ nói chuyện với Nhân dân Thanh Hóa trong lần đầu tiên Người về thăm, ngày 20/2/1947. Sau hơn 1 năm xây dựng, công trình chính thức hoàn thành, thỏa ước nguyện, tình cảm, lòng tôn kính của mỗi người con xứ Thanh đối với Bác Hồ kính yêu. Từ khi đi vào hoạt động, Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là “địa chỉ đỏ” để Ðảng bộ, quân và dân Thanh Hóa đến báo công, dâng hương, dâng hoa trong những sự kiện chính trị trọng đại của quê hương, đất nước.
Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh sẵn sàng đón các tầng lớp Nhân dân và du khách đến dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khác với mọi năm, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, vui chơi của các tầng lớp Nhân dân, TP Thanh Hóa đã chỉ đạo Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch thành phố phối hợp với Trung tâm Triển lãm - Hội chợ - Quảng cáo tỉnh, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa tổ chức trưng bày ảnh tư liệu về Thanh Hóa thời sơ sở và thành tựu kinh tế - văn hóa của tỉnh Thanh Hóa trong thời kỳ đổi mới. Sự kiện này, kéo dài từ ngày mùng 4 đến 17/2/2024 (tức ngày 25 tháng Chạp năm Quỹ Mão đến ngày mùng 8 tháng Giêng năm Giáp Thìn).
Ngoài ra, các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh và ngoài tỉnh đến Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với lòng thành kính dâng hương, tưởng nhớ, báo công với Bác, mọi người còn tham quan, tìm hiểu về về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua 400 hiện vật, hình ảnh, tư liệu trong những lần Người về thăm và làm việc tại Thanh Hóa, với 2 chủ đề chính: Bác Hồ với Thanh Hóa và Thanh Hóa làm theo lời Bác.
Một hoạt động đã trở thành nét văn hóa truyền thống được TP Thanh Hóa duy trì tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán cổ truyền hằng năm, đó là lễ hội trình diễn thư pháp và cho chữ đầu xuân được tổ chức vào ngày mùng 4 Tết ngay trong không gian lắng đọng của Khu Văn hóa Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đền thờ Mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sĩ tọa lạc trên đồi Cánh Tiên, phường Hàm Rồng.
Tọa lạc trên đồi Cánh Tiên, phường Hàm Rồng, Đền thờ Mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sĩ thuộc Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng là điểm đến du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn của TP Thanh Hóa. Hằng năm, nơi đây thu thu hút lượng lớn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, dâng hương, vãn cảnh, tìm hiểu về lịch sử vùng đất và con người xứ Thanh, nhất là dịp đầu xuân.
Nhân dịp Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc và xuân Giáp Thìn 2024, từ ngày 7/2/2024 đến ngày 24/2/2024 (tức ngày 28 tháng Chạp năm Quý Mão đến ngày 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn), Ban Quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng liên tục mở cửa Đền thờ Mẹ Việt Nam anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ tỉnh Thanh Hóa để đón Nhân dân và du khách thập phương đến dâng hương, du xuân, vãn cảnh.
Nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong những ngày đầu xuân, Ban Quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tại Đền thờ. Theo đó, vào ngày 12/2/2024 (tức ngày mùng 3 Tết) sẽ tổ chức nhiều trò chơi dân gian truyền thống, như: cờ tướng, kéo co, nhảy bao bố, bịt mắt bắt dê, kéo co, nhảy bao bố, bịt mắt bắt dê.
Giữa không khí nhộn nhịp và ngập tràn sắc xuân của “Thành phố bên bờ sông Mã” là không gian cổ kính và uy nghiêm của Thái miếu nhà Hậu Lê. Thái miếu được xây dựng năm 1805 - là nơi thờ phụng các Hoàng đế, Hoàng Thái hậu, liệt tổ liệt tông dòng họ Lê và 2 bậc Khai quốc công thần Nguyễn Trãi, Lê Lai. Là chốn linh thiêng nên trong những ngày đầu xuân, Nhân dân và du khách thập phương tìm về Thái miếu nhà Hậu Lê đông hơn để thắp nén hương thơm tưởng nhớ tiền nhân, lặng lòng mình trong không gian lịch sử cách đây gần 220 năm.
Bên cạnh việc mở cửa để đón Nhân dân và du khách đến dâng hương, tại từ ngày 18 đến 24/2 (tức từ ngày 9 đến 15 tháng Giêng), tại Thái miếu nhà Hậu Lê sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội đặc sắc như: Tế lễ Khai Xuân; trò chơi kéo chữ “Đồng xuân Thưởng lạc”, “Thiên hạ thái bình”; múa trò Xuân Phả, vật cù, cờ thẻ, thư pháp, trưng bày và bán đặc sản địa phương...
Nhằm đảm bảo đảm mỹ quan, xung quanh khuôn viên, lối lên Đền thờ Mẹ Việt Nam Anh hùng đã được Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng trang trí các chậu hoa, hồng kỳ.
Chị Lê Thị Minh Tâm, Giám đốc Ban Quản lý ki tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng cho biết: “Thực hiện Kế hoạch số 14/KH-UBND ngày 3/1/2024 của UBND TP Thanh Hóa về việc “Tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024, chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024) trên địa bàn TP Thanh Hóa”, Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tại Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, Thái miếu nhà Hậu Lê.
Cùng với việc phân công cán bộ hướng dẫn Nhân dân và du khách đến dâng hương, Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng đã triển khai dọn vệ sinh môi trường, trang trí khánh tiết lễ đài, chỉnh trang cảnh quan cây xanh, bố trí các chậu hoa, hồng kỳ, cờ hội xung quanh khuôn viên Đền thờ Mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ, Thái miếu nhà Hậu Lê, nhằm đảm bảo đảm mỹ quan.
Đồng thời, phối hợp với các phường Hàm Rồng, Đông Vệ bố trí lực lượng tăng cường kiểm tra, giám sát về an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ; tổ chức điểm trông giữ xe khoa học, tránh ùn tắc trên các tuyến đường khu vực vào Đền thờ Mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ, Thái miếu Hậu Lê.
“Thông qua các hoạt động văn hóa tại Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, Thái miếu nhà Hậu Lê là dịp để khơi dậy nét đẹp truyền thống văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc của con người xứ Thanh. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc trong các tầng lớp Nhân dân; tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh”, Giám đốc Ban Quản lý ki tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng nhận định.
Du khách đến tham quan Làng cổ Đông Sơn.
Không gian chợ tết quê tại chương trình “Tết xưa, làng cổ” xuân Giáp Thìn năm 2024, phường Hàm Rồng.
Với tinh thần giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đưa văn hóa trở thành tài nguyên và động lực để phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch, ngày 4/2 (tức ngày 25 tháng Chạp năm Quý Mão), tại Làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng, UBND TP Thanh Hóa đã tổ chức chương trình “Tết xưa, làng cổ” xuân Giáp Thìn năm 2024 với nhiều hoạt động hoạt động văn hóa đặc sắc, hấp dẫn, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách.
Đến với “Tết xưa, làng cổ”, Nhân dân và du khách không chỉ được tham quan Làng cổ Đông Sơn, mà còn được thưởng thức, tham gia vào các hoạt động văn hóa đặc sắc như không gian tết xưa, chợ tết quê, ẩm thực tết xưa, tổ chức gói bánh chưng và thi đấu các môn thể thao dân tộc, trò chơi trò diễn dân gian. Đó còn là không gian mua sắm với các gian hàng bày bán sản phẩm nông sản, thực phẩm, rau, quả an toàn và các sản phẩm phục vụ ngày tết; các gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của phường Hàm Rồng.
Công viên Hội An, phường Lam Sơn được trang hoàng để đón Nhân dân và du khách.
Phiên bản dãy phố cổ Hội An - điểm nhấn trong không gian văn hóa của Công viên Hội An.
Đặc biệt, sự kiện hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và khách du lịch là Chương trình nghệ thuật “Điểm hẹn cuối tuần” tại Công viên Hội An, phường Lam Sơn được khởi động “guồng quay” vào ngày 27/1/2023. Đây là hoạt động văn hóa được TP Thanh Hóa phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vào tối thứ bảy hằng tuần. Nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, vui chơi của các tầng lớp Nhân dân tại Công viên Hội An sẽ có điểm check-in tạo hình linh vật năm Giáp Thìn với hình tượng con rồng; điểm check-in tết xưa trong không gian phiên bản phố cổ Hội An; các hoạt động trưng bày và trải nghiệm tại dãy phố cổ Hội An, như viết thư pháp, vẽ tranh, vẽ phác họa chân dung, tập làm gốm, đèn lồng, nặn tò he, tô tượng nặn con vật.
Ngoài những điểm đến tham quan, trải nghiệm, giữa lòng thành phố còn các ngôi chùa với không gian thanh tịnh, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách đến cầu may mắn, bình an trong năm mới, tiêu biểu như chùa Tăng Phúc, chùa Đại Bi, chùa Thanh Hà...
Các hoạt động, sự kiện văn hóa đặc sắc được tổ chức vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, không chỉ tạo điều kiện để các tầng lớp Nhân dân vui xuân, đón tết an toàn, lành mạnh, mà còn giúp du khách thập phương trải nghiệm không khí tết ở xứ Thanh. Đồng thời cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn thành phố thi đua lao động, sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; thêm vững tin về những thành tựu phát triển của thành phố trong thời gian qua.
Trần Thanh
{name} - {time}
-
2024-12-14 15:10:00
Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc
-
2024-12-14 14:18:00
Chung tay chăm lo cho hộ nghèo và gia đình chính sách
-
2024-02-08 10:17:00
Dịch vụ làm đẹp “hái tiền” ngày giáp Tết
Thú chơi hoa ngày Tết
Mơ về Sài Khao
Xứ Thanh chập chờn... tết
Sắc xuân Châu Thường
Hậu Lộc: “Tết sẻ chia - Xuân ấm áp” tặng quà cho 95 trẻ mồ côi đặc biệt khó khăn
Sao Mai Group mang “Tết ấm” đến với hơn 1.000 hộ nghèo, khó khăn tỉnh Thanh Hóa
2 tuyến cao tốc qua Thanh Hoá chính thức được nâng tốc độ tối đa lên 90km/h
Thủ tướng chỉ thị tổ chức Tết trồng cây, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng
Xứ Thanh, chợ tết và văn hóa chợ tết