Ngày hội lớn của non sông
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc ta một di sản vô cùng quý báu. Đó là thời đại Hồ Chí Minh - thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử vinh quang của dân tộc - với kỷ nguyên độc lập, tự do gắn liền CNXH.
TP Thanh Hóa rực rỡ sắc cờ mừng Ngày Quốc khánh 2-9. Ảnh: Lê Hợi
Từ ngày thu độc lập đầu tiên...
Lễ Quốc khánh đầu tiên - ngày 2/9/1945, sẽ mãi là ngày lễ trọng đại nhất của dân tộc ta, khi Việt Nam chính thức thoát khỏi gông cùm, xiềng xích thực dân gần 1 thế kỷ, để bước vào một thời đại phát triển mới, đầy hào hùng và vinh quang. Và dẫu thời khắc lịch sử thiêng liêng ấy chỉ còn được thấy qua thước phim tư liệu hai màu đen - trắng. Song, khí thế hào sảng và niềm vui sướng, hạnh phúc sáng ngời trong ánh mắt của những con người được tham gia ngày hội lớn ấy, thì như có thể tràn khỏi màn hình, để len lỏi không khí vui tươi của những ngày thu lịch sử hôm nay.
Ngày 2/9 cách đây 79 năm, Hà Nội bừng bừng khí thế và rực rỡ cờ đỏ sao vàng. Những biểu ngữ lớn, đầy tự hào, được viết bằng tiếng Việt, Pháp, Nga, Anh, Trung Quốc: “Nước Việt Nam của người Việt Nam“, ”Độc lập hay là chết“, ”Ủng hộ Chính phủ lâm thời”, “Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”... được giăng khắp đường phố. Trời thu Hà Nội như cao hơn và xanh trong hơn, khi thủ đô được vinh dự thay mặt cho các địa phương trong cả nước, tổ chức ngày lễ Độc lập đầu tiên. Giai điệu bài “Tiến quân ca” vang lên hùng tráng và lá cờ đỏ sao vàng được từ từ kéo lên. Trong không khí trang nghiêm, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”, tuyên bố với toàn thể Nhân dân và với thế giới, rằng: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập, tự do đã ra đời!
“Tuyên ngôn độc lập” - áng văn bất hủ được mở đầu bằng một chân lý vĩnh cửu: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được". Ấy thế mà, “những quyền không ai có thể xâm phạm được” ấy lại bị thực dân Pháp chà đạp dưới lá cờ “tự do, bình đẳng, bác ái”. Những tội ác thực dân Pháp gây ra cho dân tộc Việt Nam không chỉ là “cướp đất nước ta”; mà còn thực hiện một chính sách cực kỳ phản động trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... hòng “áp bức đồng bào ta”.
Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật xâm lược Đông Dương. Thực dân Pháp đã quỳ gối đầu hàng, không những không “bảo hộ” dân tộc ta, mà còn “bán nước ta cho Nhật”. Từ đó, dân ta chịu hai tầng xiềng xích Pháp - Nhật nên càng cực khổ, nghèo nàn hơn. Sau ngày 9/3/1945, khi Nhật - Pháp bắn nhau, thực dân Pháp thua chạy, nhưng sự dã man và hèn hạ của chúng không dừng lại mà còn tăng thêm khi “chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng”. Đó là những tội ác đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra để đồng bào ta và các nước trên thế giới một lần nữa nhìn rõ bộ mặt thật của “chính quốc”.
Lịch sử Việt Nam là lịch sử của các cuộc tranh đấu cho độc lập, tự do. Và dẫu phải trả những cái giá rất đắt cho nền độc lập, thì cha ông ta vẫn luôn giữ một tâm thế khoan dung, vị tha, cao thượng: không giết hại tù binh và mở cho phe chiến bại một con đường sống. Kế thừa truyền thống tốt đẹp ấy, “Tuyên ngôn độc lập” cũng thể hiện rõ tinh thần khoan hồng, nhân đạo của dân tộc ta và giương cao ngọn cờ chính nghĩa, chính sách đúng đắn của Mặt trận Việt Minh, thể hiện qua việc cứu người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật, bảo vệ tính mạng, tài sản cho họ... sau ngày 9/3/1945. Điều này một lần nữa cho thấy, dù phải sống quằn quại dưới gót giày thực dân gần 1 thế kỷ, nhưng dân tộc ta vẫn sẵn sàng “mở đường hiếu sinh” cho kẻ thù.
“Tuyên ngôn độc lập” nhấn mạnh: “Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp. Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa". Chỉ gói gọn trong bấy nhiêu con chữ, nhưng “Tuyên ngôn độc lập” đã khẳng định một sự thật lịch sử không thể chối cãi, rằng “dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp”, bởi Pháp đã tháo chạy. Đồng thời, trịnh trọng tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời; thủ tiêu hoàn toàn chính quyền thực dân, phong kiến, khẳng định quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam trước toàn thể Nhân dân Việt Nam và toàn thế giới. Bởi "Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít Nhật mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”!
“Tuyên ngôn độc lập” là một văn kiện lịch sử có giá trị tư tưởng lớn lao và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Văn kiện này là sự phát triển đến đỉnh cao của tư tưởng độc lập, tự do đã được thể hiện trong bản “yêu sách" gửi Hội nghị Véc-xai, trong ”Đường Kách mệnh“, trong ”Chính cương vắn tắt”, trong “Luận cương chính trị” và trong các văn kiện khác của Đảng cũng như của Mật trận Việt Minh. Đồng thời, “Tuyên ngôn độc lập” là sự kế thừa và phát triển tư tưởng yêu nước, tự lực, tự cường đã được hun đúc và phát triển từ ngàn xưa của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, “Tuyên ngôn độc lập” là kết tinh những quyền cơ bản và những nguyện vọng thiết tha nhất của Nhân dân Việt Nam, là biểu hiện hùng hồn cho khí phách, bản lĩnh kiên cường, ý chí bất khuất của dân tộc ta. "Bản “Tuyên ngôn độc lập” là hoa, là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao nhiêu tính mạng đã hy sinh của những người con anh dũng của Việt Nam trong tù, trong trại tập trung, ở những hải đảo xa xôi, trên máy chém, trên chiến trường”. Vì vậy mà, trên hết thảy, “Tuyên ngôn độc lập” vang lên giữa trời thu Hà Nội cách đây 79 năm là “kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng của hơn hai mươi triệu Nhân dân Việt Nam (...). Nó chấm dứt thể chế quân chủ chuyên chế và chế độ thực dân áp bức. Nó mở ra một kỷ nguyên mới dân chủ, cộng hòa” trên mảnh đất vốn đã chịu quá nhiều đau thương này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định đầy khảng khái và dõng dạc trước đồng bào và Nhân dân thế giới, rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy"! Để rồi, trong niềm xúc động và tự hào vô hạn, một rừng cánh tay đã giơ cao và siết chặt lại để cùng tuyên thệ: Kiên quyết một lòng ủng hộ Chính phủ Dân chủ Cộng hòa, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Toàn dân sẽ cùng Chính phủ giữ quyền độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, chống mọi mưu mô xâm lược, dù có chết cũng cam lòng. Nếu thực dân Pháp đến xâm lược lần nữa thì kiên quyết không đi lính cho Pháp, không làm cho Pháp, không bán lương thực cho Pháp, không đưa đường cho Pháp. Đó là lời thề được chiết ra từ máu tim mỗi con người Việt Nam yêu nước, để tô thắm thêm màu cờ ngày Độc lập.
Cuộc mít tinh mừng ngày Độc lập kết thúc và tiếp đó là một cuộc biểu dương sức mạnh vĩ đại của hàng chục vạn quần chúng, lần lượt diễu quanh lễ đài rồi chia làm ba đường diễu hành qua các phố của thủ đô... Và rồi, lịch sử đã ghi lại, Ngày Độc lập 2/9/1945 mãi mãi là ngày hội lớn của non sông - một ngày có ý nghĩa cực kỳ trọng đại trong đời sống chính trị, tinh thần của dân tộc Việt Nam.
... đến những mùa thu hòa bình vô giá
Cũng trong ngày lễ Độc lập đầu tiên của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Độc lập, tự do là của báu, quý giá vô ngần, nay ta đã khổ sở, đau đớn trong bao nhiêu năm mới giành được, cần phải cố gắng giữ gìn, bảo vệ”.
Quảng trường Ba Đình lịch sử - nơi chứng kiến thời khắc trọng đại: Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Lời răn dạy của Người đã đưa dân tộc ta, Nhân dân ta bước vào 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ và làm nên những thắng lợi vĩ đại. Đó là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đã đặt dấu chấm hết cho tham vọng của thực dân Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Đó là đại thắng mùa xuân năm 1975, đánh đổ đế quốc Mỹ và chế độ tay sai, thu giang sơn về một mối để non sông ca khúc khải hoàn. Từ đó, đất nước sạch bóng quân thù, Nhân dân được sống trong hòa bình, tự do, độc lập thật sự.
Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ. Quá khứ có thể tạm gác lại, nhưng lịch sử thì không bao giờ được phép lãng quên. Bởi quá khứ lịch sử là nền móng vun đắp nên niềm tự hào, tự tôn, tự lực, tự cường, để cho thế hệ hôm nay càng thêm vững tin và mạnh mẽ mà kiến tạo nên tương lai rạng rỡ Việt Nam. Và như tâm sự đầy nước mắt của một người cựu chiến binh đã gây nhiều nỗi xúc động cho thế hệ hôm nay, rằng “Hòa bình có được không phải dễ. Cố gắng mà giữ”!
Hòa bình. Hai từ đầy hàm súc mà chứa đựng trong lòng nó là vô lượng giá trị. Và hơn ai hết, dân tộc Việt Nam hiểu rất rõ sự quý giá của hòa bình, cũng như cái giá phải trả cho hòa bình. Đó là một “dải khăn tang” thắt lấy dải đất hình chữ S ngay cả khi Tổ quốc đã lặng im tiếng súng. Là những người mẹ chờ con mỏi mòn, dẫu con mắt đã mờ theo dấu thời gian thì trái tim mẹ vẫn không thôi nhịp khắc khoải nhớ thương. Là những người con gái, con trai đã đi suốt mấy mươi năm chiến tranh, đi hết thời tuổi trẻ mới được trở về với mẹ. Là những người con gái, con trai đã mãi mãi nằm lại nơi rừng sâu núi thẳm, giữa biển khơi điệp trùng, hay ngay trong lòng địch, để dòng máu thanh xuân bất tử nhuộm tươi màu cờ Tổ quốc và xương thịt ươm nên màu xanh cuộc sống yên bình. Hai chữ “hòa bình” được khắc từ máu xương lớp lớp thế hệ cha ông ta; được đánh đổi bằng muôn vàn đau thương và quật cường dưới gót giày ngoại xâm kéo dài hàng thế kỷ. Bởi hòa bình với dân tộc nằm ở vị trí địa - chính trị “rất đặc biệt” như Việt Nam, là không dễ gì có được. Vậy nên, giá trị của nó càng trở nên vô giá, càng phải được trân trọng và ra sức giữ gìn.
Thực tế, sự bất ổn, căng thẳng, thậm chí là chiến tranh leo thang ở nhiều khu vực trên thế giới hiện nay, đã và đang đặt cuộc sống hòa bình vào “thì quá khứ” và trở thành “giấc mơ” của người dân nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Thảm cảnh ném bom vào trường học- nơi trú ẩn của người vô gia cư do xung đột - khiến nhiều người dân Dải Ga-za phải thốt lên “không còn muốn sống nữa”. Đó là sự bất lực cùng cực của con người vì nền hòa bình đã bị đánh cắp. Đó cũng là cái sự thật, hay là cái mặt sau đầy thảm khốc của hai chữ “hòa bình”, mà chỉ khi mất đi con người ta mới càng thấm thía, càng khao khát... Nhìn vào đó để thêm hiểu, thêm thấm thía và càng thêm tự hào cùng trách nhiệm. Bởi lẽ, cái bức tranh mang tên “đất nước Việt Nam hòa bình và tươi đẹp” mà chúng ta đang được tận hưởng ngày hôm nay, được “phác họa” nên từ “mực máu”, “bút xương” của cha ông ta. Và, khi đặt trong bối cảnh đầy bất ổn hiện nay, đó không phải là “bức họa” thông thường, mà thực sự là “giấc mơ” tha thiết nhất của nhiều dân tộc đang sống trong loạn lạc, đau thương của chiến tranh.
...
“Ngọn đuốc hòa bình” mà cha ông ta đã trao truyền và trách nhiệm của hậu thế là làm sao cho ngọn đuốc ấy luôn sáng lên ngọn lửa rực rỡ nhất. Để ánh sáng của niềm hạnh phúc mà hòa bình mang lại, sẽ tỏa rạng khắp dải đất này. Để những mùa thu hòa bình, độc lập sẽ giúp chúng ta càng thêm vững tin dưới lá cờ vinh quang của Đảng và “đoàn kết thành một khối sắt thép”, đồng lòng ra sức dựng xây nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng!
Bài và ảnh: Lê Dung
{name} - {time}
-
2025-01-11 22:07:00
Trình cấp có thẩm quyền phương án dự kiến giảm 8 bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
-
2025-01-11 17:07:00
Huyện Lang Chánh cần chăm lo cho dân yên, dân vui đón tết
-
2024-09-02 06:00:00
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng ngày 2/9
Điểm nóng sáng 2/9: Bắt ‘bậc thầy’ dạy đầu tư làm giàu, phơi bày chiêu thức thao túng đầu tư
Huyện Cẩm Thủy triển khai mô hình “Đường cờ Tổ quốc”
Việt Nam tự tin tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 1/9/2024
Thị xã Nghi Sơn rực rỡ cờ đỏ sao vàng dịp Quốc khánh 2/9
Những sự kiện nổi bật trong tuần
Điểm nóng sáng 1/9: Cựu cán bộ Cục Hậu cần kêu oan, vẫn phải lãnh 9 năm tù
Podcast điểm tin nổi bật sáng ngày 1/9