Mướt xanh những cánh rừng ngập mặn
Những cánh rừng ngập mặn bạt ngàn xanh mướt dọc tuyến đê biển các huyện Hậu Lộc, Nga Sơn... không chỉ đóng góp vai trò điều hòa không khí, chắn sóng, ngăn triều cường bảo vệ dân làng mà còn tạo sinh kế giúp người dân các làng ven biển có thêm nguồn thu nhập.
Người dân xã Đa Lộc (Hậu Lộc) mưu sinh dưới tán rừng ngập mặn.
“Lá chắn” bảo vệ dân làng
Nhìn những cánh rừng ngập mặn dọc tuyến đê biển của xã Đa Lộc (Hậu Lộc), ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã Đa Lộc có đường bờ biển trải dài ở 4 thôn (Yên Lộc, Đông Tân, Đông Hải, Ninh Phú) được phủ xanh bởi những cánh rừng ngập mặn. Từ bao đời nay, rừng ngập mặn có vai trò hết sức to lớn đối với bà con Nhân dân, đặc biệt là các làng ven biển.
Minh chứng rõ nhất là qua cơn bão số 7 năm 2005. Khi đó, bão đến nhanh, phá vỡ đi hầu hết hệ thống tuyến đê bao, nước biển tràn vào đồng ruộng, khu nuôi trồng thủy hải sản, gây thiệt hại lớn, khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh trắng tay. Điều đáng nói là trên tuyến đê biển chỉ còn vỏn vẹn hơn 100m nhờ vào sự che chắn, bảo vệ bởi thảm rừng ngập mặn. Đến năm 2006, tuyến đê biển được đầu tư xây dựng thành đê trung ương. Để bảo vệ con đê được kiên cố, bà con nơi đây nhấn mạnh giải pháp là phát triển rừng ngập mặn. Dựa vào rừng ngập mặn để ngăn cản triều cường, bảo vệ thân đê, bảo vệ dân làng.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, người dân ở xã Đa Lộc cho biết: "Trước kia mỗi khi bước vào mùa mưa bão bà con dân làng đều rất lo lắng. Thậm chí có năm phải đi chạy bão vì lo sợ triều cường tràn qua đê. Giờ thì khác rồi, nhờ những cánh rừng ngập mặn xanh mướt, dày đặc và con đê trung ương kiên cố dân làng biển đã không còn lo sợ như trước”.
Những cánh rừng đã phải trải qua nhiều thăng trầm, biến cố. Từ sự suy thoái đến vấn nạn chặt phá rừng để mở rộng bãi nuôi thả ngao... Bằng sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền các địa phương, cho đến việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân và sự chung tay hỗ trợ từ các chương trình, dự án của trung ương, của tỉnh cũng như các tổ chức phi chính phủ tài trợ... Đến nay, tổng diện tích rừng ngập mặn của huyện Hậu Lộc nói riêng là hơn 600ha. Còn thống kê tổng diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là gần 1.000ha, chủ yếu phân bổ tại 3 huyện Nga Sơn, Hậu Lộc và Hoằng Hóa. Trong đó, 100% diện tích rừng ngập mặn đã được giao khoán quản lý, bảo vệ, không có các vụ vi phạm về phá rừng, không có dự án chuyển mục đích sử dụng rừng ngập mặn nào tác động.
Sinh kế dưới những tán rừng
Rừng ngập mặn không chỉ là lá chắn bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu mà hệ sinh thái của rừng ngập mặn còn đem lại cho người dân những nguồn lợi thủy sản vô cùng to lớn. Dưới những tán rừng dày đặc của những cây sú, vẹt, bần chua là những con cụng, con cua, ốc, cáy... Bà Nguyễn Thị Tứ, ở xã Đa Lộc (Hậu Lộc) cho biết, từ sáng sớm bà đã chuẩn bị đồ đoàn đâu vào đó, từ ủng, găng tay cho đến chiếc giỏ đeo hông để bắt đầu một ngày mò cua, bắt ốc. Công việc bắt đầu từ sáng sớm cho đến chiều muộn, trung bình mỗi ngày bà bắt được cả cua và ốc hơn 10kg, bán ra cho thu nhập khoảng 200 nghìn đồng. Nhờ nguồn thu nhập này, gia đình bà Tứ có thêm đồng ra đồng vào, vơi bớt đi những khó khăn.
Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, cho biết: Đa số các hộ mưu sinh dưới những tán rừng ngập mặn để săn bắt cá còi, ốc, cua, cáy... là những hộ điều kiện kinh tế còn khó khăn. Công việc tuy vất vả, nhưng đây là nguồn thu nhập đều đặn quanh năm cho người dân. Với nhiều hộ dân không trực tiếp khai thác, đánh bắt những loài sinh vật dưới tán rừng ngập mặn, họ lại tận dụng lợi thế đó để tạo ra các mô hình sinh kế đem lại thu nhập, như mô hình nuôi ong, nuôi vịt, nuôi cua... Năm 2021, Tổ hợp tác nuôi ong xã Đa Lộc được thành lập với 20 thành viên, nuôi thả dưới những cánh rừng sú, vẹt... mỗi năm cung ứng gần 15 tấn mật ong ra thị trường.
Ông Phạm Ngọc Luyến, Chủ tịch UBND xã Nga Tân nhận định: Rừng ngập mặn không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn có giá trị môi trường rất lớn. Chúng giúp bảo vệ bờ biển, chống xói mòn, tạo môi trường sống cho nhiều loài sinh vật sinh sản, phát triển quanh năm, nhờ vậy người dân địa phương có thể khai thác suốt bốn mùa. “Bên cạnh nguồn lợi về thủy sản, tiềm năng du lịch sinh thái từ những cánh rừng ngập mặn là vô cùng to lớn. Điều đó được khẳng định trong lộ trình quy hoạch phát triển du lịch của huyện Nga Sơn nói riêng, hình thành các tuyến du lịch qua các cánh rừng sú vẹt” - ông Luyến cho biết.
Bài và ảnh: Đình Giang
{name} - {time}
-
2025-01-15 16:32:00
Trồng trên 3 triệu cây xanh dịp “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Ất Tỵ 2025
-
2025-01-15 16:03:00
Nhiều hoạt động hỗ trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi
-
2024-10-15 16:36:00
Trao tặng sổ tiết kiệm cho 21 cháu mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
Quảng Xương: Khánh thành, bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo
Chung tay giúp người nghèo “an cư”
Lan tỏa nhiều hoạt động nhân đạo vì cộng đồng
Hội Du lịch Lữ hành TP Thanh Hoá thăm, tặng quà cho người dân bị ảnh hưởng bởi bão tại huyện Quan Sơn
Dừng sóng 2G, nhà mạng viễn thông tiếp tục hỗ trợ chuyển đổi 4G
Tăng chế độ bồi dưỡng người trực tiếp rà phá bom mìn lên 350.000 đồng/ngày
Câu lạc bộ Nhà báo nữ Thanh Hóa đi thực tế tại huyện Như Thanh
Phụ nữ Triệu Sơn xây dựng tuyến đường hoa, cây xanh, hàng rào xanh
Hơn 62.000 vé tàu Tết Nguyên đán Ất Tỵ đã được bán sau 2 tuần