Mô hình tiết kiệm vì phụ nữ nghèo ở thị trấn Nga Sơn
Thực hành tiết kiệm bằng nuôi lợn nhựa, túi tiền tiết kiệm từ lâu đã trở thành việc làm thường xuyên của hội viên, phụ nữ thị trấn Nga Sơn (Nga Sơn). Đây là một trong những việc làm ý nghĩa, thiết thực học và làm theo Bác được tổ chức hội chọn đăng ký thực hiện. Qua mô hình, nhiều hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn thị trấn hiện nay còn 0,02%.
Chị Dương Thị Thắm, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Nga Sơn thăm, động viên chị Mai Thị Mận làm nghề sửa chữa quần áo tại chợ.
Chị Dương Thị Thắm, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Nga Sơn, cho biết: "Sau sáp nhập xã Nga Hưng và Nga Mỹ vào thị trấn, Hội LHPN thị trấn hiện có 15 chi hội, hơn 2.600 hội viên. Số hội viên đông, sinh sống bằng nhiều ngành nghề khác nhau, như: kinh doanh dịch vụ, sản xuất nông nghiệp... Do vậy, hội rất chú trọng tuyên truyền, vận động chị em tham gia các phong trào, hoạt động hội. Đồng thời, khảo sát, nắm bắt tình hình, hoàn cảnh của chị em để xây dựng các giải pháp giúp đỡ phù hợp và tổ chức phong trào, hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên. Nổi bật là thực hiện mô hình túi tiền tiết kiệm, lợn nhựa tiết kiệm. Qua đó phát huy, khơi gợi tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong hội viên, tạo thêm nguồn lực để chị em vươn lên cải thiện đời sống, thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Năm 2021, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, kinh tế gia đình chị Mai Thị Mận, khu phố Hưng Long rất khó khăn. Chồng mất sớm, chị nuôi hai người con ăn học vất vả. Chị Mận được chị em trong chi hội cho vay 5 triệu đồng mua máy khâu làm nghề sửa quần áo ở chợ. Tháng 10/2023, chị tiếp tục được chi hội cho vay 25 triệu đồng sửa sang lại quầy, mua thêm giày, dép về bán... Công việc khá thuận lợi, chị trả nợ đúng theo cam kết và có nguồn tích lũy nuôi các con ăn học, vơi bớt khó khăn. Bản thân chị tích cực tham gia các phong trào, hoạt động hội.
Chị Nguyễn Thị Hằng, tiểu khu Trung Bắc với cảnh mẹ góa con côi, thiếu thốn vất vả đủ bề nên nhiều năm kinh tế vẫn không mấy cải thiện. Chị Hằng được chi hội cho vay 3 năm liên tục từ tiền tiết kiệm của chị em với tổng 38 triệu đồng. Chị đầu tư mua bê cái sinh sản chăm sóc. Sau hơn một năm chị đã có nguồn trả nợ theo các mốc thời gian cam kết với chi hội và thoát nghèo cuối năm 2023.
Với những hộ khó khăn như chị Hằng, chị Mận và nhiều chị em khác khi nhận được vốn từ tổ, nhóm tiết kiệm, các chị đều rất xúc động. Mặc dù cam kết trả dần theo thời gian và không phải trả lãi, các chị còn nhận được sự quan tâm, động viên và hướng dẫn cách sử dụng nguồn vốn hiệu quả nên có thêm động lực và tự tin hơn rất nhiều trong giao tiếp, trong sản xuất.
Nhiệt tình, tận tâm, trách nhiệm với công tác hội, cán bộ hội phụ nữ các cấp thị trấn Nga Sơn đã tiên phong thực hiện mô hình phụ nữ tiết kiệm lợn nhựa, túi tiền tiết kiệm tại cơ sở, tổ chức tốt điều hành nguồn tiết kiệm nên thu hút nhiều chị em tham gia. Hiện nay, mô hình duy trì ở 15 chi hội. Mỗi hội viên thực hiện tiết kiệm ít nhất 20 ngàn đồng/ngày trở lên, tùy theo điều kiện gia đình để bỏ lợn nhựa/túi vải tiết kiệm. Hàng năm, vào dịp 20/10, các chị mang đến nhà văn hóa phố để “mổ lợn”. Số tiền gom được, các chị gửi chi hội quản lý, rà soát hộ có nhu cầu vay để cho vay không lãi nhưng phải cam kết trả đúng hẹn và thoát nghèo, thoát cận nghèo. Một số tổ hội, hội viên có nhu cầu vay nhiều, nhưng nguồn tiết kiệm ít không đủ chia cho các hộ vay nên chị em thực hành tiết kiệm nhiều hơn để giúp hộ khó khăn. Tiêu biểu như chi hội phụ nữ phố Hưng Long tiết kiệm gần 50 triệu đồng/năm. Có chi hội, ít hội viên có nhu cầu vay thì số tiền còn lại sẽ gửi tiết kiệm. Phần lãi dùng mua vật dụng kỷ niệm chị em các dịp lễ, tết, như: phích nước, cặp bát, cốc, chén có in logo...
Những việc làm trên đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực. Hội viên thể hiện sự biết ơn và rất tích cực tham gia các phong trào, hoạt động hội; cấp ủy ghi nhận, đánh giá cao. Năm 2023, phong trào “Xây dựng túi tiền tiết kiệm” bằng hình thức nuôi lợn nhựa, túi vải tiết kiệm toàn xã đạt hơn 185 triệu đồng, cho 37 lượt chị vay đầu tư vào phát triển kinh tế gia đình. Với sự lan tỏa từ mô hình tổ, nhóm, chi hội phụ nữ tiết kiệm cùng với sự đồng hành của các cấp hội phụ nữ không chỉ tạo niềm tin, thu hút chị em tham gia tổ chức hội mà còn góp phần xây dựng hình ảnh người phụ nữ nhân ái.
Bài và ảnh: Lê Hà
{name} - {time}
-
2024-12-12 08:10:00
Mức sinh của Việt Nam xuống thấp nhất trong lịch sử và dự báo tiếp tục giảm
-
2024-12-12 07:44:00
Từ ngày 1/1/2025, đăng ký xe toàn trình đối với xe nhập khẩu
-
2024-06-08 14:06:00
Quan Sơn phát huy hiệu quả vốn tín dụng chính sách
Đòi quyền lợi cho... việc làm sai
Đề xuất quy định ôtô chở học sinh phải lắp thiết bị quan sát khu vực hành khách
Bảo đảm nguồn cấp nước sạch trong mùa hè
Đa dạng các hoạt động hè tình nguyện
Dai-ichi Life VN trao quà khuyến học cho trẻ em vùng sâu vùng xa
Tặng xe đạp và trao học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại thị xã Bỉm Sơn
Sắc sen thanh tao của Hoàng thành Tây Đô
HTX sản xuất nông sản do phụ nữ làm chủ Thiệu Nguyên
Tạm ngừng tổ chức viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 10/6 để tu bổ Lăng định kỳ