(Baothanhhoa.vn) - Vĩnh Lộc là miền đất của dân ca, dân vũ phong phú và đa sắc màu. Sông Mã chảy qua nhiều địa phương của tỉnh Thanh đổ về biển cả, nhưng lời ca, tiếng hò gắn với dòng sông chở nặng phù sa của nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ không phải địa phương nào nơi dòng sông đi qua cũng được đắp bồi, lắng đọng.

Miền đất của dân ca đặc sắc, đa sắc màu

Vĩnh Lộc là miền đất của dân ca, dân vũ phong phú và đa sắc màu. Sông Mã chảy qua nhiều địa phương của tỉnh Thanh đổ về biển cả, nhưng lời ca, tiếng hò gắn với dòng sông chở nặng phù sa của nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ không phải địa phương nào nơi dòng sông đi qua cũng được đắp bồi, lắng đọng.

Miền đất của dân ca đặc sắc, đa sắc màuHò rước nước trong lễ hội làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng.

Dòng Mã giang soi bóng Hùng Lĩnh sơn tích tụ linh khí đất trời, tỏa lan tiếng cồng ngân vang, thì thầm trong mạch đất, soi bóng thành nhà Hồ kỳ vĩ, các miếu đền cổ kính linh thiêng và những con người dũng khí ngất trời mà hiền như khoai sắn... từ con người và vùng đất này mà ngân lên làn điệu dân ca sông Mã xốn xang, lay động hồn người, mãi muôn đời vang vọng nước non: Đến đây anh hát với nàng/ Hát lên sáu huyện, mười làng cùng nghe.

Sông Mã chảy giữa lòng Vĩnh Lộc và chầm chậm xuôi về với biển, chảy qua các làng quê chở nặng câu hò “Vàng tâm xuống nước cứ tươi/ Anh hùng lâm nạn cứ cười, cứ vui” một loại dân ca sông nước độc đáo riêng có của các làng quê miền đất Tây Đô.

Dân ca ở Vĩnh Lộc cũng bắt nguồn từ trong lao động và sản xuất nông nghiệp, gắn liền với dòng sông mỡ màu đắp bồi nên đồng, nên bãi, bốn mùa hoa trái tốt tươi và nguồn nước mát, trong lành, nuôi lớn thể chất và tâm hồn của những người dân gắn bó đời mình với dòng sông văn hóa. Trên đôi bờ của dòng sông ấy từng xuất hiện những làn điệu dân ca, được người dân nơi đây gọi là: hát gẹo, hát cuộc, hát giao duyên, đối đáp... mà từ câu ca đến điệu thức đều in đậm dấu ấn văn hóa sông nước của dòng Mã giang hùng vĩ mà thơ mộng: “Thuyền đà tới bến cô ơi/ Sao cô chẳng bắc cầu tôi lên bờ/ Thuyền đà tới bến anh ơi/ Cắm sào cho chặt vào chơi, xơi trầu”.

Dân ca của các làng quê Vĩnh Lộc gắn liền với dòng sông, gắn với sản xuất nông nghiệp, mùa vụ cấy trồng do người nông dân - “những hồn chân chất hiền như đất/ Khoai sắn tình quê rất thật thà”, lam lũ, tảo tần, một nắng, hai sương, đẹp người đẹp nết, họ không chỉ làm ra những mùa vàng mong ước, đem no ấm đến với mọi nhà, mà còn là chủ nhân sáng tạo ra những khúc hát, các làn điệu dân ca, thường kết hợp giữa hát và múa làm đắm say lòng người: ... “Giếng làng Đừ vừa trong, vừa mát/ Gái làng Còng không hát cũng hay”.

Nước là yếu tố quan trọng trong cuộc sống, sống bên dòng Mã Giang... dần hình thành nên tín ngưỡng thờ nước, trong nghi lễ rước nước, cầu quốc thái dân khang an, cầu mùa, cầu bình yên, no đủ và âm hưởng của tiếng hò, điệu hát, kết hợp với động tác chèo thuyền làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng: “Bồng bềnh, bồng bềnh/ Trên chiếc thuyền rồng/ Tay hoa là cô bẻ lái/ Sóng to là cô vượt ghềnh/ Ơi khoan, hò khoan/ Thuyền cô Ba Thoải/ Lượn dòng sông sâu/ Đây dòng sông Mã/... Trước cảnh Bồng Tiên/ Cô vững tay chèo/ Cho thuyền lướt sóng/ Khoan hỡi, hò khoan”...

Sông Mã chảy qua Vĩnh Lộc không chỉ làm cho xóm thôn, đồng bãi trù phú, mà còn tác động tới nhận thức và tư duy của con người nơi đây để nảy sinh loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc đó là diễn xướng Chèo Chải ở làng Cẩm Hoàng (Vĩnh Quang), nơi có “núi Lê mây phủ trông như gấm/ Sông Mã trăng soi tựa ngọc trai” được Bình Định Vương cảm tác đề thơ.

Diễn xướng Chèo Chải do cái chèo lĩnh xướng và con chèo, quân bơi hát xô kết hợp múa chèo thuyền. Khi trình vừa chèo thuyền trên cạn và hát: “Hôm nay ngày kỵ đền ta/ Trước là tế thành sau ra bơi thờ/ Ta chèo một mái sang sông/ Rước lấy tiến sĩ, quận công về làng”. Hát múa Chèo Chải tế lễ Thành hoàng diễn ra trong không gian thiêng, tôn vinh, tri ân tiền nhân đã có công khai phá dựng xây nên xóm làng yên vui, trù phú. 12 cô thôn nữ xinh tươi duyên dáng, yếm đào váy lãnh, tuổi độ trăng rằm, trên đầu đội đĩa đèn, tay cầm quạt, tay mang bai chèo thành thục trong điệu vũ: Chạy cữ, múa dầm chèo, múa quạt, múa cờ, chèo cạy, múa khăn, chống sào, múa đèn với lời ca và tiếng đàn phụ họa: “... Hai tay cất lấy mái chèo/ Cất lên cho đều bái tạ Thánh vương/ Nay mừng Thánh đế tri trường/ Coi trong thiên hạ bốn phương dân lành/ Canh nông lạc nghiệp đua tranh/ Sĩ tử học hành, võ tập can qua/ Công thương tứ thú đưa ra/ Yêu thương trăm họ âu ca thái bình/ Là xinh... xinh... xinh/ Chúng tôi xin chúc Thánh minh đời đời”. Vũ điệu uyển chuyển, nhịp nhàng, lời ca lúc khoan lúc nhặt, phấn chấn, ngất ngây... có sức lay động tâm hồn, đưa người xem về với cội nguồn dân tộc, tưởng nhớ người xưa, phán ánh tín ngưỡng cầu nước, cầu ánh sáng mặt trời, chống lụt... cho lúa chín bông vàng, mùa màng ấm no.

Hát múa Chèo thờ ở đình Tam Tổng, đền thờ Trần Khát Chân (xã Vĩnh Tiến) với các màn hát múa: Giáo đầu, Bắt mái chèo thầm, Bắt mái chèo khoan, Bắt mái chèo thờ, hát Hà thanh, hát mừng Đức Thánh... từ lễ tiết, lời ca, điệu múa nhịp nhàng, mang đậm dấu ấn dân ca và trò diễn vùng sông Mã và nghi lễ cung đình: “Hôm nay ngày kỵ đền ta/ Đức Thánh đền Đún cả ba tổng thờ/ Nối liền đền Đún Thành Hồ/ Cái Hoa đường cũ, không mờ dấu xưa...”.

Cùng với các làn điệu dân ca về tình yêu quê hương, đất nước, ngợi ca những người anh hùng, Thành hoàng có công với dân, với nước, các làng thôn bên dòng sông Mã còn sáng tạo và trình diễn các loại hình dân ca từ bao đời nay như hát cách sông (Vĩnh Ninh), hát đúm, hát trống quân (Vĩnh Thành, Vĩnh Quang) diễn tả các cung bậc tình cảm của những người dân lao động gắn bó với ruộng đồng, dòng sông, ngọn núi; gắn bó mật thiết với con người và cảnh vật nơi đây với những lời ca nồng nàn đắm say, rạo rực.

Không chỉ sản sinh ra các loại hình dân ca, một số làng quê ở Vĩnh Lộc còn có hát ca công, tiêu biểu như làng Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến hãy còn gìn giữ. Con đường từ cửa Nam thành nhà Hồ ra Đốn Sơn chính phố Hoè Nhai - đường Hoàng cung triều Hồ đã một thời “vang bóng” tiếng đàn, điệu phách, lời ca của các ca nương vang vọng. Trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc, khu vực thành Tây Đô và vùng phụ cận có tới 36 làng hát ca công, có mối liên hệ và liên kết lẫn nhau với nhiều tỉnh thành khác và tại Hải Phòng cũng có làng Đông Môn, xã Hòa Bình, huyện Thủy Nguyên, làng ca trù này có nguồn gốc Vĩnh Lộc, Thanh Hóa do Đinh Triết, con trai Đinh Lễ đã mang ca trù từ miền đất Tay Đô tớ nơi cửa biển vùng Đông Bắc này.

Cùng với ca công, hình thức hát nói, hát cửa đình sáng tạo của dân gian đến ca trù in dấu bác học, trên đất Tây Đô có một hình thức sân khấu độc đáo đó là hát tuồng (hát bội) được các làng cổ xã Vĩnh Long, Vĩnh Thành trình diễn. Hát tuồng diễn ở đình, loại hình nghệ thuật mang tính cung đình, song cũng mang nhiều yếu tố dân gian; Hát trống quân ở làng Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến trong các dịp lễ tết, hội hè cũng diễn ra vui tươi, nhộn nhịp, với tiếng trống rộn ràng quyện hòa cùng lời hát thiết tha, trầm ấm... làm cho lòng người phấn chấn, xốn sang. Đến với Vĩnh Lộc còn bắt gặp nhiều làn điệu dân ca phong phú, đặc sắc như­ hát xường, hát ru và dân ca nghi lễ, đồng bào Mường với nhiều cung bậc tình cảm tinh tế, thiết tha đằm thắm, ngợi ca cuộc sống và cảnh vật thiên nhiên gắn bó với con người và miền đất này.

Dân ca là tiếng nói tình cảm, tâm hồn của con người và vùng đất Vĩnh Lộc có tự bao đời. Miền quê với Mã giang - sông xanh ăm ắp mỡ màu và núi thiêng Hùng Lĩnh khởi nguồn, chắp cánh cho dân ca bay bổng, ngấm vào mạch đất, thấm vào lòng người tỏa lan, lay động. Dân ca - loại hình di sản văn hóa phi vật thể của người và đất Tây Đô cần được bảo tồn, phát huy giá trị trong cuộc sống, không chỉ hôm qua, hôm nay và cả mai sau.

Bài và ảnh: Hoàng Minh Tường (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]