Mất cân bằng giới tính khi sinh - khó giải quyết triệt để
Trong những năm qua, Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS). Tuy nhiên, tỷ số GTKS trên địa bàn vẫn còn ở mức cao (113,5 bé trai/100 bé gái) so với ngưỡng tự nhiên.
Truyền thông cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên tại các trường THCS trên địa bàn TP Thanh Hóa.
Để dần xóa bỏ tâm lý “khát” con trai, huyện Hậu Lộc đã thực hiện nhiều giải pháp, nhất là đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về hệ lụy của MCBGTKS. Thực hiện Đề án kiểm soát MCBGTKS giai đoạn 2021-2025 (triển khai tại 11 xã), Trung tâm Y tế huyện Hậu Lộc đã phối hợp với các ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền; phối hợp với các trường THPT, THCS tổ chức truyền thông giáo dục sức khỏe, sức khỏe sinh sản... cho học sinh từ khối 8 trở lên; tổ chức các lớp tập huấn cung cấp kỹ năng tuyên truyền về giới và GTKS cho đội ngũ cộng tác viên dân số... Tại 11 xã triển khai đề án đã thành lập được 11 câu lạc bộ giảm thiểu MCBGTKS với 550 thành viên tham gia sinh hoạt theo định kỳ 2 tháng/lần. Tại mỗi buổi sinh hoạt câu lạc bộ, phụ nữ sinh con một bề là con gái sẽ được cán bộ dân số giới thiệu các quy định về việc nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi; thực trạng và tác hại của MCBGTKS, các biện pháp ngăn chặn phân biệt giới, lựa chọn giới tính; chia sẻ kinh nghiệm nuôi con ngoan, trò giỏi, chăm sóc ông bà người cao tuổi trong gia đình; giao lưu học hỏi những kinh nghiệm hay trong phát triển kinh tế gia đình... Nhờ đó đã tạo chuyển biến trong nhận thức của mỗi cá nhân, gia đình về thực hiện quy mô gia đình có đủ 2 con để nuôi dạy tốt hơn, góp phần quan trọng vào xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Điển hình như vợ chồng anh Thái, chị Vân (xã Ngư Lộc), dù sinh con một bề là gái nhưng quyết tâm dừng lại ở 2 con để nuôi dạy tốt và phát triển kinh tế gia đình. Con gái lớn của anh chị đang là sinh viên năm thứ 2, con gái nhỏ đang là học sinh lớp 10. Chị Vân chia sẻ: “Dù sinh 2 con là gái nhưng chúng tôi luôn quan niệm “dù gái hay trai, chỉ 2 là đủ”, quan trọng là vợ chồng cố gắng nuôi dạy các con ăn học đến nơi đến chốn để có tương lai ổn định”.
Còn với gia đình anh Minh, chị Lan (ở xã Minh Lộc) cũng không đặt nặng tư tưởng “nhà đông con là nhà có phúc” nên quyết tâm chỉ dừng lại 2 con. Chị Lan cho biết: "Dù gia đình cũng có điều kiện kinh tế nhưng vợ chồng tôi không có ý định sinh thêm con, chỉ tập trung lo cho 2 con ăn học đến nơi, đến chốn. Sự thành đạt của 2 con chính là niềm tự hào của những người làm cha, làm mẹ như chúng tôi".
Ông Lê Bá Thắng, Phó chi cục Trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho biết: hằng năm, chi cục đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án gắn với các hoạt động cụ thể, thiết thực và triển khai từ tỉnh đến các địa phương; chú trọng nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, tư vấn vận động của đội ngũ làm công tác dân số từ tỉnh đến huyện về bình đẳng giới và kiểm soát MCBGTKS. Tại cấp huyện, xã, tổ chức duy trì sinh hoạt các câu lạc bộ không sinh con thứ ba giúp nhau phát triển kinh tế; mỗi năm tổ chức hàng trăm cuộc nói chuyện chuyên đề GTKS tại cộng đồng cho đối tượng nam, nữ chuẩn bị kết hôn, tuyên truyền không sinh con thứ 3...
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác giảm thiểu MCBGTKS vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đội ngũ cán bộ dân số xã và cộng tác viên dân số kiêm nhiệm rất nhiều việc nên hạn chế cho hoạt động đề án. Thêm vào đó, tư tưởng trọng nam khinh nữ, muốn có con trai để nối dõi tông đường, có người “thờ cúng tổ tiên” và chăm sóc bố mẹ khi về già; nam giới được coi là trụ cột và là người kiếm tiền chính trong gia đình vẫn còn tồn tại ở một số địa phương. Cùng với đó, nguồn kinh phí cho hoạt động truyền thông tại huyện và xã quá ít cũng làm hạn chế việc tuyên truyền cho Nhân dân hiểu về đề án hoạt động tại địa phương. Theo số liệu báo cáo dân số hằng năm, tình trạng MCBGTKS vẫn đang ở mức khá cao so với ngưỡng tự nhiên (khoảng 104 - 106 bé trai/100 bé gái sinh ra sống) và không ổn định: năm 2021 là 113,5 bé trai/100 bé gái; năm 2022 giảm còn 113 bé trai/100 bé gái; năm 2023 lại tăng lên 113,5 bé trai/100 bé gái.
Hệ lụy của MCBGTKS sẽ dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ, nam giới khó lấy vợ, thậm chí không thể kết hôn khi đến tuổi trưởng thành, đặc biệt đối với những trường hợp không có điều kiện về kinh tế, trình độ học vấn thấp; tăng tệ nạn xã hội như mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em. Việc lựa chọn giới tính thai nhi cũng sẽ dẫn tới việc phá thai, ảnh hưởng đến sức khỏe người phụ nữ; làm tăng bất bình đẳng giới...
Tại hội nghị lần thứ 6, khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Nghị quyết nêu rõ: “MCBGTKS tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng” và đặt mục tiêu “đưa tỷ số GTKS về mức cân bằng tự nhiên”, “đến năm 2030, tỷ số GTKS dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống”. Tuy nhiên, để đưa tỷ số GTKS về mức cân bằng tự nhiên là kết quả không phải ngày một ngày hai mà là quá trình bền bỉ và lâu dài, đòi hỏi cần có những hành động quyết liệt và sự nỗ lực hơn nữa của các cấp, ngành, địa phương và mỗi cá nhân, gia đình.
Bài và ảnh: Tô Hà
{name} - {time}
-
2024-12-12 17:47:00
Thực hiện các chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
-
2024-12-12 16:49:00
Phát động cuộc thi “Gửi tương lai Xanh 2050” - Lan tỏa thông điệp xanh cho thế hệ tương lai
-
2024-02-18 12:48:00
Không từ chối niềm tự hào
Phát triển mạng lưới thông tin cơ sở
Chăm sóc đào, quất cảnh sau tết
Hội LHPN TP Thanh Hóa phát động hưởng ứng Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ
Hà Trung quan tâm chăm lo gia đình chính sách, người có công
Trách nhiệm xã hội của dự án tỷ đô
Đền ơn đáp nghĩa bằng nhiều việc làm thiết thực
TYM đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác vay vốn
Như Thanh tăng cường bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng mùa lễ hội
Hưởng ứng Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ tại Nhà máy thủy điện Trung Sơn