Lý Thường Kiệt với vùng đất Châu Ái - Thanh Hóa
Từ một chức sĩ quan thị vệ theo hầu Lý Thái Tông, do tài năng và đức độ, Ngô Tuấn (tên thật của Lý Thường Kiệt) trở thành một võ tướng mưu lược, giữ chức Thái bảo rồi Thái phó dưới thời Lý Thánh Tông. Ông được nhà vua nhận làm con nuôi (Thiên tử nghĩa nam), được mang họ vua và từ đó mang tên Lý Thường Kiệt.
Thái úy Lý Thường Kiệt được thờ phụng trang nghiêm ở chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh (xã Thuần Lộc, Hậu Lộc). Ảnh: Chi Anh
Lý Thường Kiệt làm quan trải qua ba triều vua Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, từng đánh Tống, bình Chiêm, làm nên sự nghiệp rực rỡ. Ông được đánh giá là người có tài kinh bang tế thế, là một chính trị gia giỏi, nhà quân sự kiệt xuất, anh hùng lớn của dân tộc. Với vùng đất Châu Ái (Thanh Hóa) - nơi Lý Thường Kiệt trực tiếp cai quản trong 20 năm (1081-1101), trong tâm thức Nhân dân ông trở thành một kiến trúc sư lừng lẫy kiến tạo một nền tảng khá toàn diện và vững chắc cho vùng đất “phên dậu thứ hai” phía Nam đất nước dưới vương triều Lý.
Mùa thu, tháng bảy lịch trăng năm Canh Tuất (1010), đoàn thuyền ngự của vua Lý Thái Tổ từ Hoa Lư cập bến thành Đại La. Từ giờ phút đó, thành Đại La được đổi tên là thành Thăng Long và giữ vai trò kinh đô của đất nước. Cũng từ đây, miền đất Châu Ái trở thành miền đất “trại” xa trung tâm cả nước. Do vị trí, vai trò của thiên nhiên và quá trình giữ nước và dựng nước, trong buổi đầu của nền tự chủ trải các đời Khúc - Dương - Ngô - Đinh - Tiền Lê, nên Thanh Hóa trở thành miền đất được nhà Lý quan tâm đặc biệt.
Trước hết, để củng cố Nhà nước quân chủ, thực hiện quản lý quốc gia thống nhất, nhà Lý đã tiến hành trấn áp các cuộc nổi dậy ở một số địa phương thuộc vùng đất Thanh Hóa. Đồng thời, nhà Lý cắt cử Thái úy Lý Thường Kiệt trấn thủ Thanh Hóa từ năm 1081 đến năm 1101.
Vào trấn thủ Thanh Hóa, lúc này Lý Thường Kiệt đã 63 tuổi và đã trải qua những ngôi vị cao của quyền lực như giữ chức Thái bảo và Thái phó dưới triều Lý Thánh Tông; Nguyên soái lĩnh ấn tiên phong vào năm 1069 khi Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành; Phụ Quốc Thái úy nắm giữ binh quyền và linh hồn của cuộc kháng chiến chống Tống (1075-1077). Điều đó cho thấy vị trí và địa thế chiến lược hết sức quan trọng của miền đất Châu Ái đối với quốc gia Đại Việt. Để củng cố và tăng thêm sức mạnh quyền lực, năm 1082 vua Lý Nhân Tông “ban thêm cho Lý Thường Kiệt một quận ở Thanh Hóa, cho ông làm phong ấp, châu mục đều ngưỡng mộ phong thanh, muôn dân đều mến đức chính”(1).
Trong 20 năm trấn thủ Châu Ái, với quyền lực tối cao và mang danh “Thiên tử nghĩa nam”, Lý Thường Kiệt được hoàn toàn quyết định mọi việc ở trong trấn. Để phát triển kinh tế, ngoài việc chú trọng đến việc nông tang, cày bừa, cấy hái làm sao cho người dân không bị mất mùa, Lý Thường Kiệt còn trực tiếp chỉ huy việc đào vét kênh nhà Lê (Kênh Đồng Cổ đào thời Lê Hoàn) để nối sông Mã với sông Lương ở địa bàn xã Yên Trung (Yên Định ngày nay) và cho lập ra trang A Đô ở thời kỳ này. Rồi ông cho tìm những người thợ đục đá lành nghề - là những tù binh Chăm để khai khẩn đất hoang, lập ra các trang ấp ở Thanh Hóa và các nơi trong nước Đại Việt(2). Lý Thường Kiệt còn trực tiếp đến giáp Bối Lý (nay là xã Thiệu Trung, Thiệu Hóa) giải quyết việc hai giáp là họ Thiều và họ Tô xin chuộc lại khoảnh ruộng của tổ tiên từ quan Bộc Xạ (tức Lê Lương ở thế kỷ X). Ông đã cho chuộc lại ruộng, lập bia đá và chia ruộng cho hai giáp. Lý Thường Kiệt cũng đến đầm A Lôi chia một nửa đầm cho giáp Bối Lý, một nửa đầm cho giáp Viên Đàm... Những việc làm đó đã khuyến khích người dân đẩy mạnh sản xuất, xây dựng đất nước(3). Ở thế kỷ này, các nghề thủ công như nghề đục đá làng Nhồi, nghề đúc đồng ở giáp Bối Lý, nghề dệt vải, làm đồ gốm, đan lát, đi biển ở các làng xã có những bước phát triển đáng kể. Về thương nghiệp, tuy Thành Tư Phố không còn là trung tâm lỵ sở của tỉnh, nhưng đây vẫn là một trung tâm thương mại lớn. Giáp Bối Lý trở thành một trung tâm thương mại lớn với mặt hàng đặc sắc là sản phẩm của nghề đúc đồng. Duy Tinh là lỵ sở của Thanh Hóa thời Lý, ở ngay đầu mối cửa biển Lạch Trường, vì thế đây trở thành một trung tâm thương mại lớn nhất ở Thanh Hóa thời kỳ này... góp phần làm cho diện mạo của một nền kinh tế phát triển khá toàn diện, vững chắc.
Cùng với phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, Lý Thường Kiệt còn chăm lo phát triển văn hóa nhằm giáo hóa dân chúng về mọi mặt. Kế thừa những thành tựu văn hóa của thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc và của hơn 1.000 năm đấu tranh chống ách thống trị xâm lược của phương Bắc, nền văn hóa - văn nghệ dân gian thời kỳ này có điều kiện để phát triển. Những tập quán cổ truyền và tín ngưỡng dân gian của cư dân nông nghiệp với tục thờ cúng tổ tiên, thờ những người có công với quê hương, đất nước trong chống bão lụt, tạo lập xóm làng, đánh giặc ngoại xâm... được phân bố ở nhiều làng xã trong tỉnh như Đông Sơn, Thọ Xuân, Cẩm Thủy, Hậu Lộc, Thiệu Hóa, Quảng Xương, Nga Sơn, Hà Trung.
Nét nổi bật ở thời kỳ Lý Thường Kiệt làm trấn thủ Châu Ái là Phật giáo thịnh hành với những công trình kiến trúc tiêu biểu. Một loạt các chùa, tháp do Lý Thường Kiệt chủ trương tu bổ và xây dựng, tiêu biểu là chùa Hương Nghiêm (Thiệu Trung, Thiệu Hóa), chùa Linh Xứng (Hà Ngọc, Hà Trung), chùa An Hoạch (phường An Hoạch, TP Thanh Hóa)... Đây là những cột mốc biên cương về văn hóa mà cho đến nay khi đọc lại những văn bia được dựng cách đây gần 1.000 năm mới thấy ông cha ta trong công cuộc xây dựng đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn.
Đánh giá về đức nghiệp của Lý Thường Kiệt, vị Hải Chiếu đại sư Pháp Bảo - một người làm việc dưới quyền ông trong những năm ông làm trấn thủ Châu Ái viết: "Dùng oai vũ để trừ bọn gian ác, đem minh chính để giải quyết ngục tụng, cho nên hình ngục không quá lạm. Thái úy biết dân lấy ấm no làm đầu, nước lấy nghề nông làm gốc, cho nên không để lỡ thời vụ. Tài giỏi mà không khoe khoang, nuôi dưỡng cả người già ở nơi thôn dã, nhờ đó mà được an thân. Phép tắc như vậy có thể gọi là cái gốc trị nước, cái thuật yên dân, sự đẹp tốt đều ở đây cả. Giúp chính sự cho ba triều, dẹp yên loạn biên tái, chỉ khoảng vài năm mà tám phương yên lặng, công thật to lớn"(4).
Sau 20 năm đi trấn thủ miền đất phên dậu Châu Ái, Lý Thường Kiệt đã hoàn thành xuất sắc công việc được vua Lý Nhân Tông giao phó. Khi trở về kinh thành Thăng Long tuổi đã già và mất vào năm 1105, thọ 86 tuổi. Ở vùng đất Đại Lại (Châu Ái xưa, nay là xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung), phía Nam núi Ngưỡng Sơn, nằm kề sông Mã - nơi Lý Thường Kiệt cho dựng chùa Linh Xứng, phía dưới dựng Lương Mục Đường (nhà ở của ông khi làm trấn thủ Châu Ái) đã trở thành ngôi đền thờ quốc tế thờ phụng vị Phúc thần lớn của miền đất Châu Ái- xứ Thanh đến nay đã ngót một nghìn năm.
Phạm Văn Tuấn
(1), (2) Văn bia chùa Báo Ân (TP Thanh Hóa).
(3) Văn bia chùa Hương Nghiêm (huyện Thiệu Hóa).
(4) Văn bia chùa Linh Xứng (huyện Hà Trung).
{name} - {time}
-
2024-12-13 09:21:00
Trên đất làng cổ Quần Thanh
-
2024-12-06 14:06:00
Thái bảo Thọ Quận công Cao Tư
-
2024-06-21 12:45:00
Dấu ấn Tướng quân Lê Hoành trên đất Cao Ngọc
Về đất Đạt Tài
Thám hoa Mai Anh Tuấn - “sĩ phu có khí phách”
Dấu ấn Võ quan Tào sơn Hầu trên đất Ngàn Nưa
Khai quốc công thần Nguyễn Lý - Vị tướng tài ba
Về nghe trống hội cung đình Hoằng Phú
Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên
Trên đất Bàn Thạch xưa
Về thăm Đền thờ Tiến sỹ Đào Xuân Lan
Thái úy Hà Thọ Lộc: Người con ưu tú của đất Mường Khoòng