(Baothanhhoa.vn) - Trong Đền thờ Thám hoa Mai Anh Tuấn tại xã Nga Thạch (Nga Sơn) vẫn còn lưu giữ những tấm bia cổ, có nội dung ca ngợi Mai Anh Tuấn, vị Thám hoa khai khoa của triều Nguyễn, người anh hùng hội đủ “bốn chữ vàng": hiếu, trung, nghĩa, dũng.

Thám hoa Mai Anh Tuấn - “sĩ phu có khí phách”

Trong Đền thờ Thám hoa Mai Anh Tuấn tại xã Nga Thạch (Nga Sơn) vẫn còn lưu giữ những tấm bia cổ, có nội dung ca ngợi Mai Anh Tuấn, vị Thám hoa khai khoa của triều Nguyễn, người anh hùng hội đủ “bốn chữ vàng": hiếu, trung, nghĩa, dũng.

Thám hoa Mai Anh Tuấn - “sĩ phu có khí phách”Ông Mai Thế Kiệm bên những tấm bia cổ tại Đền thờ Thám hoa Mai Anh Tuấn. Ảnh: Vân Anh

Đền thờ Thám hoa Mai Anh Tuấn được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1991, di tích được gọi theo tên chữ Hán là “Thám hoa quan từ”, dân gian thường gọi là Đền thờ Quan Thám. Gọi như vậy bởi đền thờ được xây dựng để thờ Thám hoa Mai Anh Tuấn. Ông là người đầu tiên của triều Nguyễn thi đỗ Đình nguyên, Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ tam danh (Thám hoa), ân khoa Quý Mão năm Thiệu Trị thứ 3. Sau khi ông mất, Nhân dân lập đền thờ ông và gọi là Đền thờ Thám hoa Mai Anh Tuấn.

Đền thờ Thám hoa Mai Anh Tuấn thuộc địa phận làng Hậu Trạch (xã Nga Thạch, Nga Sơn). Đền thờ có diện tích 544m2. Phía Đông giáp chùa Thạch Tuyền (ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời Lý), phía Nam giáp sông Lèn.

Theo các nguồn sử liệu và thông tin từ dòng họ Mai, cụ thân sinh của Mai Anh Tuấn tên là Mai Thế Trinh - Tri huyện Thanh Trì và bà Dương Thị Lan, người làng Thịnh Hào. Mai Anh Tuấn tên thật là Mai Thế Tuấn, nguyên quán thôn Hậu Trạch, xã Nga Thạch. Ông sinh năm 1815 tại thôn Lang Miến, phường Thịnh Hào, huyện Hoàn Long (nay thuộc khu vực Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội).

Vốn nhà dòng dõi thi thư, từ nhỏ Mai Thế Tuấn đã tỏ ra thông minh, xuất sắc hơn người. Ông rất ham học, miệt mài kinh sử, nhiều hôm vì mải đọc sách mà quên cả bữa ăn. Năm 19 tuổi (1834) đỗ Tú tài, năm 22 tuổi (1837) thi Hương, cả ba kỳ đệ nhất, đệ nhị, đệ tam đều đạt hạng ưu. Chỉ tiếc đến kỳ phúc hạch bị quan trường đánh hỏng, nhờ “đặc ân” của vua Minh Mệnh, Mai Thế Tuấn được lọt vào diện lấy đỗ thêm. Đến năm 25 tuổi (1840), ông mới đỗ Hương tiến, tức Cử nhân thực thụ. Năm thứ 3 thời Thiệu Trị (1843) ông thi đỗ Nhất giáp tiến sĩ cập đệ tam danh (Thám hoa). Vua Thiệu Trị tiếc vì luật nhà Nguyễn không cho phong Trạng nguyên: “Trẫm biết bài văn của Mai Thế Tuấn hơn hẳn các bài của tiến sĩ khoa này và nhiều khoa trước” và truyền đổi Thế ra Anh: Mai Anh Tuấn để ghi nhớ tài năng (theo cuốn Danh sĩ Thanh Hóa và việc học thời xưa, NXB Thanh Hóa).

Sau khi thi đỗ Thám hoa, Mai Anh Tuấn được bổ làm Hàn lâm viện trước tác, sung chức Hành tẩu. Sau đó, chuyển làm Thị độc ở bí thư sở thuộc nội các, có thể hiểu là chức thư ký hoặc phái viên của tòa nội các, nơi giúp việc cho nhà vua về mặt công văn giấy tờ... Sau đó được thăng làm Thị độc học sĩ.

Năm 1851, loạn giặc đang bành trướng khắp vùng Lạng Sơn, ai cũng lấy làm nguy, nhưng ông hăng hái nhận lệnh vua lên vùng biên ải nhậm chức. Mới hơn một tháng, ông đã dẫn quân đánh thắng được giặc ở Hữu Khánh, được vua xuống chỉ khen ngợi. Nhân đó ông lại dâng sớ xin “Thư sức dân, rèn tập thổ dõng, ngầm bài xích thế giặc”. Có lần 3.000 tên giặc Tam Đường bên Trung Quốc tràn sang biên giới nước ta cướp phá vùng Tiên Yên rồi tiến sâu vào Lạng Sơn. Ông cùng với Chưởng vệ Nguyễn Đạc đem quân đuổi đánh, bước đầu thắng lớn. Tuy nhiên sau đó, Nguyễn Đạc bị trọng thương, tiền quân ở thế bất lợi. Mai Anh Tuấn đem quân tiếp cứu nhưng gặp địa hình hiểm trở, cả ông và Nguyễn Đạc tử trận.

Vua Tự Đức nghe tin rất cảm động thương xót truy tặng Mai Anh Tuấn làm Hàn lâm viện Trực học sĩ. Vua lệnh đem thi hài ông về an táng tại Hoàng Cầu. Theo lệnh của vua, tỉnh Lạng Sơn và Thanh Hóa lập đền thờ ông. Linh vị và bát hương thờ được đặt ở đền Trung Nghĩa tại Hoàng thành Huế, bên cạnh các danh thần nhà Nguyễn. Phần mộ của ông và miếu thờ tọa lạc tại thôn Hoàng Cầu (Hà Nội), được dân làng và con cháu thờ cúng.

Sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” cho biết, Mai Anh Tuấn là một sĩ phu có khí phách, đối với kẻ dưới hòa nhã, thờ vua lấy điều trung can ngăn, khi lâm sự giữ được điều nghĩa. Sau khi hy sinh được các sĩ phu trong nước tưởng nhớ, thương xót dựng đền thờ.

Theo ông Mai Xuân Thế, công chức văn hóa xã Nga Thạch, cho biết: Hiện tại di tích còn lưu giữ 3 tấm bia cổ làm bằng đá nguyên khối, đế bia hình vuông. Trán bia, diềm bia trang trí rồng chầu mặt nguyệt, hoa cúc. Bản sao bia ghi tên các tiến sĩ khoa Quý Mão năm Thiệu Trị thứ 3. Nội dung văn bia ca ngợi Mai Anh Tuấn là người có tài học xuất chúng, nổi danh thần đồng, là người anh hùng dân tộc.

Ông Mai Thế Kiệm, hậu duệ đời thứ 13, thủ từ hơn 10 năm trông giữ Đền thờ Thám hoa Mai Anh Tuấn, cho biết: "Tư liệu trên những tấm bia cổ có giá trị lịch sử to lớn, để con cháu mai sau luôn ghi nhớ công lao, chiến công của Thám hoa Mai Anh Tuấn đối với đất nước. Đây cũng là niềm tự hào của dòng họ và con cháu. Ngoài ra, trong dòng họ Mai còn lưu giữ tấm bia đá cổ là tấm đá liền khối, bia ghi họ tên, chức tước 6 vị họ Mai dưới triều Lê Trung hưng”.

Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]