(Baothanhhoa.vn) - Trải qua những thăng trầm thời gian, biến động lịch sử, đền Khánh Trạch – chùa Thiên Vương (phường Bình Minh, thị xã Nghi Sơn) vẫn bền bỉ sức sống, trở thành biểu tượng đẹp trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của đất và người nơi đây.

Lưu giữ nét đẹp văn hóa - tâm linh trên mảnh đất Bình Minh

Trải qua những thăng trầm thời gian, biến động lịch sử, đền Khánh Trạch – chùa Thiên Vương (phường Bình Minh, thị xã Nghi Sơn) vẫn bền bỉ sức sống, trở thành biểu tượng đẹp trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của đất và người nơi đây.

Lưu giữ nét đẹp văn hóa - tâm linh trên mảnh đất Bình MinhĐền Khánh Trạch - chùa Thiên Vương thanh tịnh giữa không gian xanh mát bóng cây. Ảnh: N.L

Đền Khánh Trạch - chùa Thiên Vương được xây dựng trên khu đất bằng phẳng, xưa thuộc xã Khánh Trạch, tổng Tuần La, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia; nay thuộc tổ dân phố Thanh Khánh, phường Bình Minh, thị xã Nghi Sơn. Đây là vùng đất phía đông nam của phường, có cư dân sinh sống lâu đời, từng có nhiều nghề truyền thống, người dân luôn xem trọng tín ngưỡng, học hành.

Cho đến nay, chưa có tư liệu nào nêu rõ thời gian xây dựng đền và chùa. Cũng như nhiều di tích tâm linh, tín ngưỡng khác trên dải đất hình chữ S này, số phận đền Khánh Trạch và chùa Thiên Vương trải qua nhiều biến cố, có thời điểm, đền và chùa bị phá hủy hoàn toàn. Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, sự hiện diện của đền và chùa ngày hôm nay đã phần nào khẳng định dấu ấn đậm nét của Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu trên vùng đất này; đồng thời cho thấy tinh thần, ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cùng các thế hệ cháu con nơi đây trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Tháng 8/2011, đền Khánh Trạch – chùa Thiên Vương được công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Đền Khánh Trạch thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh – một trong tứ bất tử, có vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa – tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Xung quanh lịch sử hình thành ngôi đền có nhiều câu chuyện thú vị. Tương truyền, vào đời Lê trong vùng có người dòng họ Đặng, tuy nhà giàu nhưng muộn con trai nên thân hành đi cầu tự khắp nơi, trong đó có đến dâng lễ ở đền Sòng. Sau khi dâng lễ ở đền Sòng ít lâu thì hoài thai và hạ sinh được con trai đặt tên là Đặng Minh Khiêm. Không chỉ cầu tự được như ý nguyện, gia đình theo đó cũng làm ăn ngày một phát đạt, cửa nhà yên vui. Người con trai Đặng Minh Khiêm tư chất thông minh, chăm chỉ đèn sách nên thi đỗ hai khóa tú tài, thường được người dân trong vùng yêu mến gọi là ông Kép Khánh. Để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn, gia đình ông Đặng Minh Khiêm đã có nhiều đóng góp trong việc lập đền thờ Khánh Trạch.

Theo các cụ cao niên, đền xưa có kiến trúc 3 gian 2 chái, trong đền có một số hiện vật cổ như: pho tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh bằng đồng đen, chuông đồng, hương án, sập thờ sơn son thếp vàng, câu đối... Sau nhiều biến động, ngôi đền cũ không còn. Đến năm 2005, bằng tấm lòng hảo tâm của Nhân dân địa phương, con em xa quê, ngôi đền Khánh Trạch được trùng tu, tôn tạo khang trang trên nền đất cũ. Đền chính được xây dựng theo kiểu hình chữ Tam, gồm có tiền đường, trung đường và hậu cung. Trong đền có đôi câu đối ca ngợi công đức của Thánh Mẫu Liễu Hạnh: “Bất tử tinh thần vạn cổ anh linh lưu Khánh Trạch/ Giáng sinh hiển Thánh quần phương chiêm bái triễn tư thành” (tạm dịch: Tinh thần chẳng mất, muôn thuở anh linh lưu Khánh Trạch/ Giáng sinh hiển thánh khắp nơi cầu bái nguyện lòng thành); ngoài ra còn có bức đại tự ghi “Thánh cung vạn tuế” và 3 tấm bia đá lưu danh những người hảo tâm cung tiến cho đền.

Cũng như đền Khánh Trạch, chùa Thiên Vương trải qua bao biến động mới có được diện mạo như ngày hôm nay. Tư liệu gần gũi, xác thực nhất về ngôi chùa là tấm bia “Thiên Vương tự bi ký” (Bia ký chùa Thiên Vương) hiện vẫn còn được lưu giữ trong khuôn viên di tích. Nội dung tấm bia ghi lại việc trùng tu ngôi chùa dưới thời Nguyễn. Theo đó, chùa Thiên Vương là ngôi chùa cổ, trải qua thời gian đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Người dân trong vùng đã chung sức, đồng lòng trùng tu, tôn tạo lại ngôi chùa thiêng: “Người dân ấp cùng họp nhau trùng tu. Thế là chỉ phát ra một lời dẫn dắt trước, cả trăm dặm xóm thôn cùng hưởng ứng mà theo. Góp tiền của, gia tư để làm. Chọn thợ, kén ngày, mỗi người một việc. Dân chúng thì vui vẻ đến giúp, thầy thợ thì gắng tâm làm việc. Chẳng mấy chốc mà tượng vàng tướng ngọc đã huy hoàng, gác tía hiên lâu bỗng chốc thành một cảnh danh lam thắng tích...”.

Lưu giữ nét đẹp văn hóa - tâm linh trên mảnh đất Bình MinhBia đá được lưu giữ trong khuôn viên cụm di tích. Ảnh: N.L

Chỉ đôi dòng được ghi lại trên bia ký đã cho hậu thế hình dung về một dấu mốc quan trọng trong lịch sử hình thành ngôi chùa Thiên Vương. Hơn hết, tấm lòng thành kính, ưa chuộng tín ngưỡng, trân trọng quá khứ của các thế hệ cháu con Bình Minh là điều đáng quý trọng, học hỏi. Tiếp nối mạch nguồn ấy, người dân nơi đây vẫn luôn dốc lòng, dốc sức, góp công góp của bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống. Từ năm 2010 đến nay, chính quyền địa phương đã cùng với các tầng lớp Nhân dân huy động mọi nguồn lực, từng bước trùng tu, tôn tạo lại chùa Thiên Vương.

Hiện nay, chùa được xây dựng theo kiến trúc hình chữ Đinh; ngoài tam quan với 2 trụ biểu ở giữa, 2 lối đi 2 bên, sân di tích được lát bằng gạch vuông thì không gian chính gồm có tiền đường, thượng điện. Tiền đường là một ngôi nhà ba gian hai chái vẩy. Phần mái thiết kế 2 tầng 8 mái cong theo kiểu chồng diêm. Bờ nóc và bờ dải có trang trí rồng chầu. Phần chính giữa của cổ diêm phía trước tiền đường đắp nổi ba chữ Thiên Vương tự. Họa tiết trang trí nổi bật là rồng, hoa sen, hoa lá... Bài trí ở tiền đường gồm các ban thờ: ban thờ Đức Ông, ban thờ Thánh Tăng, ban thờ Đông Phương Tam Bảo vô lượng Phật; ban thờ Tây Phương Tam Bảo vô lượng Phật... Thượng điện kết cấu 2 gian, 1 chái vẩy; bài trí không gian thờ tự có 5 lớp.

“Trải qua những cuộc bể dâu”, đền Khánh Trạch và chùa Thiên Vương đã không còn giữ được diện mạo, kiến trúc xưa. Tuy nhiên, vai trò, vị trí cùng những dấu ấn lịch sử - văn hóa – tín ngưỡng vẫn mãi vững bền, hằn sâu trong tâm thức đất và người nơi đây. Ông Lại Hữu Mai – Thủ từ đền Khánh Trạch – chùa Thiên Vương cho biết: “Từ lâu, đền Khánh Trạch – chùa Thiên Vương đã là địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng thu hút đông đảo người dân trong và ngoài địa phương. Họ đến vãn cảnh, dâng hương nhằm tỏ bày lòng thành với thần Phật, Thánh mẫu, gửi gắm mong cầu, ước nguyện sức khỏe, bình an, tài lộc. Vào ngày lễ, tết, đặc biệt ngày tiệc Mẫu (3/3 âm lịch), đền tổ chức cỗ cúng dâng lên Thánh Mẫu; đồ lễ trịnh trọng hơn các ngày tuần”.

Với ông Mai hay các thế hệ người dân phường Bình Minh, đền Khánh Trạch và chùa Thiên Vương vừa là niềm tự hào vừa mang theo bao trăn trở. Làm sao để nét đẹp lịch sử - văn hóa truyền thống quê hương ngày càng được phát huy hơn nữa? Làm thế nào để đền và chùa ngày càng đẹp, khang trang hơn giữa cuộc sống còn bao bộn bề, lo nghĩ? Ông Mai bộc bạch: “Trong những năm qua, UBND phường đã ban hành các văn bản chỉ đạo, thành lập và kiện toàn tổ bảo vệ di tích, tăng cường công tác quản lý nhà nước về di tích, ban hành nội quy, quy chế hoạt động, đảm bảo theo quy định của luật di sản văn hóa. Một số hạng mục xuống cấp cũng đã được UBND phường đầu tư tu sửa, tôn tạo. Thời gian tới, đền Khánh Trạch – chùa Thiên Vương mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, du khách thập phương để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích”.

Nguyên Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]