(Baothanhhoa.vn) - Sau hàng chục năm kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố căn bệnh gần như bị xóa sổ, dịch bạch hầu đã xuất hiện trở lại với diễn biến phức tạp và lây lan với tốc độ rất nhanh ở các tỉnh miền Bắc Việt Nam. Một trong những nguyên nhân khiến tình hình dịch bệnh truyền nhiễm gia tăng thời gian gần đây là do khoảng trống miễn dịch vì thiếu vắc-xin, tỷ lệ tiêm chủng ở một số loại dịch bệnh còn khá thấp.

Lấp “khoảng trống” tiêm chủng vắc-xin

Sau hàng chục năm kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố căn bệnh gần như bị xóa sổ, dịch bạch hầu đã xuất hiện trở lại với diễn biến phức tạp và lây lan với tốc độ rất nhanh ở các tỉnh miền Bắc Việt Nam. Một trong những nguyên nhân khiến tình hình dịch bệnh truyền nhiễm gia tăng thời gian gần đây là do khoảng trống miễn dịch vì thiếu vắc-xin, tỷ lệ tiêm chủng ở một số loại dịch bệnh còn khá thấp.

Lấp “khoảng trống” tiêm chủng vắc-xinTiêm chủng đầy đủ để trẻ được bảo vệ khỏi các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin.

Trong 3 trường hợp mắc bệnh bạch hầu ở khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát gồm 1 thai phụ, 1 trẻ nhỏ và 1 người cao tuổi, thì 2 người lớn có lịch sử tiêm chủng không rõ ràng, còn cháu bé thì chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu. Mặc dù thời gian qua, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của huyện Mường Lát đã nỗ lực tuyên truyền cũng như mang vắc-xin đến tận thôn bản song người dân chưa chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng. Đây cũng là một trong những địa bàn thuộc “vùng lõm” của tiêm chủng.

Theo bác sĩ Hà Thị Phúc, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Lát, là địa phương khó khăn nhất của tỉnh, đường sá đi lại khó khăn, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, không có điều kiện về kinh tế nên việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ chỉ trông chờ vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng không được cung cấp đầy đủ, tình trạng thiếu vắc-xin đã kéo dài mấy năm nay. Cùng với đó, do hạn chế về nhận thức của một bộ phận người dân cũng là nguyên nhân lớn khiến nhiều trẻ em trên địa bàn huyện Mường Lát chưa được tiêm vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh bạch hầu nói riêng.

Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Bình Yên, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết, tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin phòng bạch hầu những năm gần đây của thị trấn Mường Lát chưa đạt yêu cầu do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tình trạng khan hiếm vắc-xin có thành phần bạch hầu. Với tỷ lệ tiêm chủng còn thấp thì không chỉ bạch hầu mà các dịch bệnh khác vẫn đang là mối lo ngại lớn đối với ngành y tế địa phương. Từ đầu năm đến nay, mặc dù tình trạng khan hiếm vắc-xin đã được cải thiện dần nhưng vẫn chưa được cung cấp đầy đủ đến các trạm y tế, vì thế khi người dân đến tiêm thì chưa đáp ứng được nhu cầu. Địa phương đang nỗ lực đấu mối để có vắc-xin tiêm bù, tiêm vét và tiêm nhắc lại cho người dân để tạo miễn dịch trong cộng đồng.

Tại Thanh Hóa, chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai đã khẳng định được hiệu quả và tính ưu việt trong việc phòng tránh các bệnh nói chung, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nói riêng theo thời điểm, theo mùa như lao, viêm gan B, bại liệt, sởi-rubella, tả, thương hàn, viêm não Nhật Bản, uốn ván sơ sinh, tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc-xin cho trẻ trong chương trình tiêm chủng mở rộng của tỉnh liên tục tăng cao. Để nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của việc tiêm chủng cho trẻ em, nhất là những loại vắc-xin mới được đưa vào tiêm chủng, định kỳ, ngành y tế chỉ đạo triển khai công tác tuyên truyền, thực hiện tiêm chủng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, truyền thông tư vấn trực tiếp đến người dân và cộng đồng về lợi ích của một số loại vắc-xin mới được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng trong từng năm, lịch tiêm chủng, tính an toàn của vắc-xin... nhằm triển khai hiệu quả, đạt tỷ lệ cao trong công tác tiêm chủng mở rộng. Cùng với công tác tuyên truyền, hàng năm, Sở Y tế thường xuyên tổ chức các lớp huấn luyện cho cán bộ y tế tuyến huyện, xã về kỹ năng giám sát phản ứng sau tiêm, quản lý, tổ chức, thực hành tiêm chủng, quản lý dây chuyền lạnh và triển khai các quyết định mới của Bộ Y tế về quy định sử dụng vắc-xin trong phòng và điều trị bệnh. Do nguồn cung ứng vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng của cả nước bị gián đoạn, năm 2023, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng của tỉnh Thanh Hóa đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 và chưa đạt mục tiêu trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Cụ thể, tỷ lệ tiêm viêm gan B sơ sinh 24 giờ đầu đạt 76,3%, trong khi chỉ tiêu là 85%; tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm phòng lao đạt 70,3% trong khi chỉ tiêu là 95%; tỷ lệ tiêm mũi 3 vắc-xin 5 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib, viêm gan B) đạt 46,9%, thấp hơn 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2022 và thấp so với chỉ tiêu là 95%. Tỷ lệ trẻ được tiêm vắc-xin sởi - rubella đạt 76,2%; tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin viêm não Nhật Bản mũi 3 đạt 80,1% trong khi chỉ tiêu của 2 loại vắc-xin này là 90%. 7 tháng năm 2024, số trẻ dưới 1 tuổi tiêm chủng vắc-xin cơ bản là 54.077 trẻ (tăng 207 trẻ so với cùng kỳ năm 2023). Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh cũng đã xuất hiện các “vùng lõm” về tiêm chủng khi tỷ lệ tiêm chủng không đạt như mục tiêu.

Theo các chuyên gia y tế, việc không tiêm đủ mũi, đúng lịch vắc-xin đã làm giảm khả năng phòng bệnh. Khi miễn dịch cộng đồng không còn đủ mạnh là cơ hội tốt cho dịch bệnh truyền nhiễm phát triển và bùng phát. Điều này lý giải vì sao thời gian qua, nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm đã được ngăn ngừa và loại bỏ trong cộng đồng từ trước đó như sởi, bạch hầu, ho gà đã quay trở lại đe dọa sức khỏe và tính mạng của nhiều người.

Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin thấp sẽ khiến các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát. Nhiệm vụ đặt ra lúc này là cần tăng cường trang bị “tấm lá chắn hữu hiệu” cho nhiều trẻ em cũng như lấp khoảng trống “miễn dịch”, để mọi trẻ em đều được tiêm chủng đầy đủ và được bảo vệ khỏi các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin.

Yếu tố quan trọng trong công tác phòng ngừa dịch bệnh truyền nhiễm chính là ý thức của người dân trong việc tuân thủ các quy định có liên quan đến tiêm chủng. Nên tiêm đủ, tiêm đúng lịch các liều vắc-xin được Bộ Y tế khuyến cáo cho cả người lớn lẫn trẻ em. Không đợi đến khi dịch bệnh bùng phát mới đổ xô đi tiêm chủng mà việc phòng bệnh là cả một quá trình. Đợi đến khi dịch bùng phát mới đi tiêm, hiệu quả sẽ không đạt như mong muốn, khả năng mắc bệnh vẫn có thể xảy ra... Đặc biệt, với vắc-xin phải tiêm nhắc lại, người dân cần ghi nhớ lịch để tiêm đủ mũi, đủ liều. Ngoài ra, y tế các địa phương cần rà soát danh sách trẻ nào chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi thì vận động để phụ huynh đưa con đi tiêm vét, hạn chế tối đa các “khoảng trống” tiêm chủng.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]