(Baothanhhoa.vn) - Vào thời điểm cuối năm cũ và đầu năm mới, Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa tỉnh liên tục tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc rượu đe dọa đến tính mạng.

Lạm dụng rượu bia: Hệ lụy khôn lường

Vào thời điểm cuối năm cũ và đầu năm mới, Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa tỉnh liên tục tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc rượu đe dọa đến tính mạng.

Lạm dụng rượu bia: Hệ lụy khôn lườngBác sĩ Khoa Lão khoa, Bệnh viện Tâm thần thăm khám cho bệnh nhân.

Đó là trường hợp của anh Nguyễn Văn S 44 tuổi ở phường Quảng Châu, TP Sầm Sơn, nhập viện trong tình trạng lơ mơ, sức khỏe suy sụp. Theo chẩn đoán ban đầu, anh bị ngộ độc rượu. Sau khi thăm khám, kiểm tra và khai thác bệnh sử cho thấy trước đó bệnh nhân đã uống rất nhiều rượu dẫn đến xơ gan, nội tạng bị phá hủy. Dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa, điều trị tích cực, song anh vẫn không qua khỏi. Sau khi lo xong hậu sự cho chồng, chị Nguyễn Thị H vợ anh S phờ phạc, mắt thâm quầng, chia sẻ: “Khi còn sống anh ấy thường xuyên uống rượu và phải nhập viện nhiều lần. Dù đã được các bác sĩ cảnh báo, bố mẹ, anh em hai bên gia đình nội, ngoại khuyên bảo, nhắc nhở, nhưng anh ấy vẫn không bỏ được rượu".

Cũng vì lạm dụng rượu bia mà ông Lê Văn H ở phường Trường Thi, TP Thanh Hóa bị tổn thương não, mù 2 mắt và phải nằm một chỗ nhiều năm nay. Người nhà ông cho biết trước đây do đặc thù công việc ông thường xuyên đi làm dài ngày tại các công trường xây dựng. Do ở công trình toàn đàn ông nên bữa cơm nào cũng có rượu. Uống mãi sinh nghiện lúc nào không hay, ngay cả đến lúc “sức tàn lực kiệt” trên người ông vẫn luôn "sặc” mùi rượu. Do nghiện rượu nên khi không có rượu để uống hoặc khi uống say ông thường chửi bới, đánh đập vợ con, phá phách đồ đạc trong nhà. Không chịu nổi người chồng “nát rượu”, ghen tuông vô cớ, vợ ông đã đề nghị ly hôn, chuyển ra Hà Nội sống với các con, cháu. Tuy nhiên, từ khi ông bị liệt nằm một chỗ, 2 người con phải thay nhau đi về chăm sóc bố, ảnh hưởng rất nhiều đến công việc và cuộc sống.

Với ông Nguyễn Văn Định ở thôn Nguyên Sơn, xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa do thường xuyên uống rượu nên bị rối loạn tâm thần, gia đình phải đưa đi bệnh viện chữa trị. Bà Tống Thị Toàn - vợ ông cho biết: “Tỉnh giấc ông ấy phải có rượu để uống, nếu không sẽ không chịu được. Cũng vì không uống nhiều một lúc mà uống rải rác trong ngày nên gia đình có phần chủ quan đến sức khỏe của ông ấy. Mãi khi có triệu chứng buồn nôn, không ngủ được, tay chân co giật, mê sảng, gia đình mới đưa đi bệnh viện huyện. Điều trị 3 ngày, không những không tiến triển mà còn thấy sức khỏe trầm trọng hơn nên bệnh viện cho chuyển lên Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Từ khi ông ấy nhập viện các con phải bỏ việc, thay nhau cùng tôi thường trực chăm sóc. Nhiều lần uống rượu say nhưng ông ấy vẫn đi xe ra đường nên bị ngã, có lần gãy tay phải bó bột hoặc khâu vài ba mũi"...

Theo bác sĩ chuyên khoa I Bùi Hải Triều, Phó Trưởng Khoa Lão khoa Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa, từ sau Tết Nguyên đán Quý Mão đến nay số bệnh nhân đến khám và nhập viện điều trị tăng mạnh, trong đó có 80% bệnh nhân bị rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu, bia. Nếu trước đây đối tượng này thường ở độ tuổi 50 trở lên, thì nay có xu hướng trẻ hóa, từ trên 35 tuổi và có cả phụ nữ. Bệnh nhân nhập viện thường có biểu hiện kích động, tăng nhịp tim, tăng huyết áp, run tay chân, vã mồ hôi, rối loạn thị giác, mất năng lực định hướng, rối loạn hệ thần kinh gây hoang tưởng, ảo giác, tăng lo âu, trầm cảm, hay ghen tuông...

Với những người bị kích động, hoang tưởng thường phá phách, tấn công người xung quanh, thậm chí có ý nghĩ, hành vi tự sát, gây nguy hiểm cho những người xung quanh và cho chính bản thân.

Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Thanh Hóa - Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Đức Cường khuyến cáo người dân không nên lạm dụng rượu bia; uống ít và uống rượu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nồng độ cồn thấp. Khi thấy có các triệu chứng (đã nêu trên) thì nên đi khám ngay và khám định kỳ để đánh giá nguy cơ, đề phòng tác hại do rượu bia gây ra. Từ đó, có hướng điều trị sớm để bảo vệ sức khỏe, tính mạng. Bởi, người dùng rượu bia thường xuyên, lượng cồn sẽ ngấm dần vào cơ thể rồi bùng phát, tác động đến hệ thần kinh trung ương làm mất trí nhớ, tổn thương tim mạch, các bệnh về gan, dạ dày và một số bệnh lý sau rối loạn chuyển hóa như xơ gan, viêm gan, suy gan... khiến cơ thể mệt mỏi, xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, đau bụng, mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ, chậm chạp, co giật, mê sảng, hôn mê và có thể tử vong.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của 30 loại bệnh và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 mã bệnh khác nhau. Việc sử dụng rượu bia thường xuyên không chỉ gây tổn hại sức khỏe, thiệt hại về kinh tế mà còn kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình và trật tự xã hội. Do đó, việc phòng, chống tác hại của rượu bia là một yêu cầu cần thiết đang được Nhà nước và xã hội quan tâm giải quyết với các biện pháp đồng bộ, toàn diện. Trong đó có việc ban hành Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, yêu cầu người dân thực hiện tốt các quy định của luật, góp phần hạn chế gánh nặng do rượu bia gây ra đối với cá nhân, gia đình và cộng đồng xã hội.

Bài và ảnh: Mai Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]