(Baothanhhoa.vn) - Hàng năm toàn tỉnh gieo cấy khoảng 230.000 ha lúa với sản lượng đạt gần 1,4 triệu tấn, đây là tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư các nhà máy chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo.

Thu hút nhà máy chế biến sâu các sản phẩm lúa gạo, mang lại giá trị gia tăng cao

Hàng năm toàn tỉnh gieo cấy khoảng 230.000 ha lúa với sản lượng đạt gần 1,4 triệu tấn, đây là tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư các nhà máy chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo.

Thu hút nhà máy chế biến sâu các sản phẩm lúa gạo, mang lại giá trị gia tăng caoCông nhân Nhà máy Chế biến lúa gạo của Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng (Hà Trung) hoàn thiện sản phẩm.

Giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp xác định lúa gạo là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Trên tinh thần đó, các địa phương trong tỉnh tích cực đổi mới phương thức canh tác theo hướng bền vững và kêu gọi đầu tư liên kết sản xuất. Trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư chế biến sâu các sản phẩm lúa gạo mang lại giá trị gia tăng cao. Tháng 4-2022 Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động nhà máy chế biến lúa gạo tại xã Hà Long (Hà Trung) với vốn đầu tư 20 tỷ đồng. Nhà máy được lắp đặt dây chuyền xay xát hiện đại RS25P với công suất gần 10.000 tấn/năm và tương đương 5 tấn/giờ. Toàn bộ sản phẩm lúa gạo được chế biến, đóng gói theo công nghệ tiên tiến, hiện đại với quy trình tự động hóa cao, đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao của thị trường. Việc đưa vào vận hành nhà máy, cũng như mở rộng diện tích liên kết sản xuất với người nông dân đã hình thành chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng cao.

Ông Nguyễn Hữu Long, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng, cho biết: Nhận thấy số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến lúa gạo trên địa bàn tỉnh còn ít, quy mô nhỏ lẻ, tỷ lệ sản lượng được chế biến đạt thấp đang làm giảm đáng kể giá trị lúa gạo trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, công ty xác định công nghiệp chế biến phải là khâu quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho lúa gạo. Cùng với đó, nhu cầu sử dụng gạo chất lượng cao và có nguồn gốc xuất xứ của người dân ngày càng tăng. Từ khi công ty đầu tư nhà máy chế biến, giá trị sản phẩm lúa gạo đã tăng từ 15 đến 20% so với trước đây. Để đưa thương hiệu gạo Thanh Hóa đến với các tỉnh, thành trong cả nước, công ty đang tập trung phát triển 2 giống lúa đặc trưng của địa phương đã đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh là nếp hạt cau Tiên Sơn (xã Hà Lĩnh) và nếp cái hoa vàng Gia Miêu tiến vua (xã Hà Long). Ngoài ra, công ty còn đưa nhiều giống lúa chất lượng cao vào sản xuất, như lúa ST24, ST25, Séng Cù... Hiện công ty đang liên kết với người dân xây dựng vùng nguyên liệu với diện tích hơn 700 ha. Trong đó, huyện Hà Trung có 400 ha, tập trung ở các xã Hà Lĩnh, Hà Sơn, Hà Tiến, Hoạt Giang...

Hiện nay, toàn tỉnh có 7 cơ sở chế biến lúa gạo, sản lượng gạo thành phẩm đạt 180.000 tấn. Trong đó, có 3 nhà máy chế biến lúa gạo có quy mô lớn, với tổng công suất 180.000 tấn/năm và một nhà máy chế biến sữa gạo lứt có công suất chế biến 120 triệu hộp 250 ml/năm của Công ty CP Mía đường Lam Sơn. Để bảo đảm nguồn nguyên liệu, các cơ sở chế biến đã liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với người dân ở các địa phương trong tỉnh khoảng 10.000 ha (chiếm 4,25% diện tích sản xuất toàn tỉnh). Điển hình là chuỗi sản xuất lúa hữu cơ, diện tích khoảng 280 ha tại thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa), hàng năm cung ứng ra thị trường hơn 2.000 tấn gạo hữu cơ. Chuỗi sản xuất lúa chất lượng cao, với diện tích 40 ha tại các xã Minh Tâm, Thiệu Thịnh (Thiệu Hóa). Mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 200 ha tại các xã Trường Sơn, Tượng Văn, Minh Nghĩa, Tế Lợi (Nông Cống). Chuỗi sản xuất lúa nếp cái hoa vàng với diện tích khoảng 70 ha tại các xã Hà Lĩnh, Hà Long (Hà Trung) và một số diện tích ở các huyện Ngọc Lặc, Thạch Thành, Quan Hóa... Với sự đầu tư liên kết sản xuất của các cơ sở chế biến và đã có 10 sản phẩm lúa gạo của tỉnh đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Cùng với đó, nhiều sản phẩm lúa gạo khác đã được đăng ký tem nhãn, mẫu mã bao bì, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, từ đó nâng cao giá trị cho sản phẩm.

Tuy nhiên, chế biến lúa gạo trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, tỷ lệ được chế biến thông qua quy trình khép kín chỉ chiếm gần 13% sản lượng lúa trên địa bàn tỉnh với sản phẩm chủ yếu: gạo chất lượng cao, gạo thơm, gạo hữu cơ, gạo đặc sản... Sản lượng gạo thơm, gạo chất lượng cao được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia... chỉ chiếm khoảng 10% sản lượng do chưa đáp ứng được các thông lệ quốc tế về chất lượng sản phẩm. Do vậy việc thu hút đầu tư chế biến sâu, chú trọng xây dựng thương hiệu được xem là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất lúa gạo trên địa bàn tỉnh thời gian tới.

Bài và ảnh: Lê Hợi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]