(Baothanhhoa.vn) - Chưa năm nào tỉnh Thanh Hóa có tới 4 huyện, thành phố được thẩm định đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) như những tháng cuối năm 2021 này. Ở đó, hạ tầng công cộng được xây dựng khang trang và đồng đều, diện mạo vùng nông thôn đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng nâng cao... 100% số xã trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn NTM.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những vùng quê đổi mới

Chưa năm nào tỉnh Thanh Hóa có tới 4 huyện, thành phố được thẩm định đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) như những tháng cuối năm 2021 này. Ở đó, hạ tầng công cộng được xây dựng khang trang và đồng đều, diện mạo vùng nông thôn đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng nâng cao... 100% số xã trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn NTM.

Những vùng quê đổi mới

Làm nón lá – mô hình sản xuất hiệu quả tại xã Trường Sơn (Nông Cống).

Trong tiết trời hanh heo của thời khắc chuyển mùa, vùng chè xã Bình Sơn vẫn tươi tốt nhờ những bàn tay cần mẫn vun trồng. Màu xanh mướt mát của sự trù phú trải khắp trên các vạt đồi đã phần nào gợi lên sự phát triển ở vùng quê xa và “hẻo lánh” nhất ở huyện Triệu Sơn. Trước đây, nói đến Bình Sơn đã gợi sự xa xôi cách trở bởi xã vùng núi 135 này cách trung tâm huyện lỵ Triệu Sơn gần 25km, có địa giới giáp hai huyện miền núi là Như Thanh và Thường Xuân. Địa hình đồi núi trải trên diện tích rộng hơn 1.700 ha khiến các tuyến giao thông của xã quanh co và khó khăn, hạ tầng công cộng ít có điều kiện đầu tư. Thế nhưng, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã làm thay đổi tất cả, khoác lên xã miền núi một diện mạo hoàn toàn mới.

Đến Bình Sơn hôm nay, con đường nhựa nối từ thị trấn qua các xã trong vùng rồi dẫn thẳng đến trung tâm và những thôn cuối xã đều rộng mở. Chạy vắt qua những chân đồi, những tuyến đường uốn lượn mềm mại càng làm tô điểm thêm vẻ hữu tình cho vùng quê của đồng bào Mường và Kinh cùng quần tụ sinh sống. Được biết, vào giữa năm 2021 này, Bình Sơn là 1 trong 4 xã cuối cùng của huyện Triệu Sơn đạt chuẩn NTM. Tuy đạt chuẩn sau, nhưng Bình Sơn lại trở thành địa phương được đánh giá có hệ thống hạ tầng và tiêu chí sản xuất thuộc tốp khá nhất trong huyện. Hiếm có xã miền núi nào trên địa bàn tỉnh lại có tới 4 sản phẩm OCOP như Bình Sơn, gồm: chè búp sạch, mật ong rừng, chè xanh túi lọc và trà cà gai leo túi lọc.

Chị Cao Thị Hoa, nông dân trồng chè ở thôn Đông Tranh cùng xã, cho hay: Việc thực hiện các tiêu chí NTM đã tạo chuyển biến rõ nét về hệ thống đường giao thông, nhà văn hóa thôn và các công trình hạ tầng khác theo hướng khang trang. Bên cạnh đó, Chương trình OCOP trong xây dựng NTM đã đưa được sản phẩm chè búp, mật ong địa phương thành sản phẩm OCOP, từ đó việc canh tác chè được bài bản và mở rộng hơn, sản phẩm bán được nhiều hơn nên chúng tôi có thêm thu nhập.

Thống kê từ UBND huyện Triệu Sơn, sau 11 năm xây dựng NTM, toàn huyện đã huy động hơn 9.750 tỷ đồng cho thực hiện các tiêu chí. Đến nay, 32/32 xã trên địa bàn đều đã về đích NTM với hệ thống hạ tầng khang trang. Vùng trồng đào, quất và cây cảnh ở các xã vùng bán sơn địa trong huyện phát triển mạnh. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đã đạt gần 48 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,51%, đời sống người dân trong huyện ngày càng nâng cao. Ở các xã Vân Sơn, Đồng Lợi, Đồng Tiến... đã hình thành nên những “vùng quê đáng sống” với cảnh quan tươi đẹp, nhà cửa và hạ tầng khang trang, môi trường sạch sẽ. Cùng với đó, nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả nên điều kiện kinh tế của cư dân địa phương tương đối khá giả.

Tại huyện Nông Cống, diện mạo từng vùng quê cũng đang thay da đổi thịt từng ngày. Theo Quốc lộ 45 từ TP Thanh Hóa, ngay đầu huyện đã có sự hiện diện của Trung tâm Thương mại Xuân Hiếu ở xã Hoàng Giang, phần nào nói lên sự phát triển của tiêu chí thương mại, dịch vụ nơi đây. Cách đó không xa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Đức Cầu Quan với trang thiết bị khá hiện đại đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân. Nằm gần thị trấn Nông Cống, xã Vạn Hòa còn xây dựng tuyến giao thông trục chính là đường đôi rộng mở với dải phân cách cứng trồng hoa và cây cảnh như phố thị. Xã Tế Lợi với hệ thống hạ tầng đồng bộ khang trang, các trường học kiên cố với hệ thống cơ sở vật chất dạy và học hiện đại. Điển hình nhất trong xây dựng NTM ở huyện Nông Cống là xã Trường Sơn, với những làng quê thanh bình, hàng chục tuyến đường hoa, hệ thống vỉa hè, cây xanh như đô thị. Những đội văn nghệ cấp thôn được thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên góp phần nâng cao đời sống tinh thần cư dân địa phương. Những ngày cuối năm này, xã Trường Sơn đã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu thứ 3 của tỉnh Thanh Hóa.

Những mô hình sản xuất hiệu quả trong xây dựng NTM cũng giúp huyện Thiệu Hóa có tốc độ gia tăng giá trị sản xuất hằng năm giai đoạn 2011–2021 đạt gần 13%. Điển hình nhất là nghề đúc đồng Chè Đông, ở xã Thiệu Trung đang giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động, giá trị sản xuất hằng năm toàn làng nghề đạt từ 40 đến 45 tỷ đồng. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 toàn huyện đạt 46,5 triệu đồng, đời sống vật chất và tinh thần Nhân dân ngày càng nâng cao. Đó chính là cơ sở để hơn 10 năm qua, huyện Thiệu Hóa đã huy động hơn 9.100 tỷ đồng cho phát triển hệ thống hạ tầng và xây dựng thêm nhiều mô hình sản xuất.

Thống kê từ Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh, đến ngày 20-12–2021, toàn tỉnh đã có 8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 4 địa phương khác là Thiệu Hóa, Nông Cống, Triệu Sơn và TP Sầm Sơn cũng đang triển khai các khâu thủ tục đề nghị hoặc chờ quyết định công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Bài và ảnh: Lê Đồng


Bài và ảnh: Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]