Các huyện miền núi tăng cường phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi
Những ngày này, không khí lạnh tăng cường đã ảnh hưởng đến khu vực tỉnh Thanh Hóa, nhiệt độ giảm sâu vào ban đêm và sáng sớm đã gây ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi tại các huyện miền núi. Tuy nhiên, bằng sự chủ động từ sớm, công tác phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm (GSGC) đã được các địa phương quan tâm, triển khai tích cực.
Người chăn nuôi thực hiện dự trữ thức ăn cho vật nuôi trong mùa đông.
Với đặc thù địa hình vùng núi cao, nhiệt độ thường thấp hơn so với các địa phương khác, ngay từ thời điểm giao mùa, công tác phòng chống đói rét cho vật nuôi đã được huyện Như Xuân tích cực triển khai. Hiện nay, toàn huyện có gần 9.000 con trâu, bò; 53.496 con lợn; 3.925 con dê; hơn 521.000 con gia cầm. Để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, đói rét cho đàn GSGC trong mùa đông, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi ngay từ đầu mùa. Ông Lê Tiến Đạt, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân, cho biết: "Trong những ngày được dự báo nhiệt độ giảm sâu, phòng cùng Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cử cán bộ xuống các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho GSGC, nhất là tại các xã vùng sâu như: Thanh Sơn, Thanh Phong, Thanh Lâm... Trong đó, chú trọng hướng dẫn các hộ chăn nuôi dự trữ thức ăn tinh, thức ăn ủ chua, tận dụng thêm các phụ phẩm nông nghiệp sẵn có như lá mía, lá ngô, thân cây chuối... để chế biến thức ăn dự trữ cho gia súc trong những ngày giá rét. Bên cạnh đó, không chăn thả, cho trâu, bò làm việc khi xảy ra rét đậm, rét hại, che chắn kín xung quanh chuồng, ủ ấm; áp dụng chế độ chăn thả muộn, về sớm. Đối với gia cầm, cần tăng cường sưởi ấm bằng bóng điện, đệm lót; vệ sinh chuồng trại thường xuyên, phun khử trùng, tiêu độc và tiêm phòng theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Qua công tác tuyên truyền sâu rộng, đến thời điểm này, các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện đã che chắn chuồng trại, thực hiện các biện pháp sưởi ấm cho đàn vật nuôi; chủ động dự trữ các nguồn thức ăn sẵn có, đảm bảo đủ cho những ngày giá rét".
Bà Lương Thị Inh, xã Thượng Ninh, cho biết: "Những ngày gần đây, khi thời tiết chuyển rét đậm, rét hại gia đình đã chuyển sang chế độ chăm sóc trâu, bò tại chuồng, không thả gia súc sớm khi thời tiết nhiều sương, lạnh buốt. Đồng thời, thường xuyên cắt cỏ về cho bò để bổ sung nguồn dinh dưỡng, thức ăn tinh, thô, bổ sung thêm khoáng và chất ăn tinh vitamin... Bên cạnh đó, chúng tôi quây bạt để tránh gió lùa, đốt lửa sưởi ấm cho đàn trâu, bò trong những ngày nhiệt độ dưới 10 độ C. Tôi luôn chú trọng áp dụng các biện pháp phòng, chống các bệnh liên quan đến mùa rét như cước chân, theo dõi tình hình đàn trâu, bò nhằm phát hiện đàn vật nuôi ốm để cách ly xử lý".
Tại huyện Lang Chánh, hầu hết người chăn nuôi trên địa bàn đã có kinh nghiệm trong việc phòng chống rét cho đàn vật nuôi. Thông qua việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân các xã, thị trấn đã chủ động dự trữ nguồn thức ăn, cải tạo, che chắn chuồng trại để đảm bảo kín gió, tránh mưa tạt, giữ nền chuồng luôn khô ráo sạch sẽ; sử dụng bóng điện hay đốt lửa sưởi cho vật nuôi trong chuồng bằng trấu, mùn cưa, than củi... Các hộ chăn nuôi cũng tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng trâu, bò già yếu, gia súc non. Huyện đang tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động theo dõi những diễn biến của thời tiết để có các biện pháp tuyên truyền, đôn đốc cho bà con trong việc phòng chống đói, rét cho trâu, bò, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân.
Trước những diễn biết bất thường của thời tiết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có các văn bản đề nghị các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống đói rét cho vật nuôi, nhất là các huyện miền núi có khu vực vùng cao, xã biên giới, những nơi có nguy cơ vật nuôi bị ảnh hưởng nhiều do đói, rét. Theo đó, cần liên tục cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu, thông tin kịp thời và thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, không chủ quan và bị động trong việc phòng chống đói, rét cho vật nuôi. Đối với gia cầm phải có đèn sưởi; củng cố chuồng trại chăn nuôi, che chắn giữ khô nền chuồng, kín, ấm và đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi. Vận động người chăn nuôi không cho trâu, bò làm việc, chăn thả tự do khi xảy ra rét hại; đưa trâu, bò về chỗ nuôi nhốt có kiểm soát; áp dụng các biện pháp giữ ấm cho trâu, bò; đặc biệt là bê, nghé non; đồng thời bổ sung khoáng và thức ăn tinh, vitamin trong những ngày rét đậm, rét hại, đặc biệt những ngày nhiệt độ dưới 12 độ C. Đồng thời, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, tiến hành tiêm phòng đầy đủ cho GSGC; tẩy giun sán cho trâu bò.
Bài và ảnh: Lê Ngọc
{name} - {time}
-
2024-11-24 18:28:00
Xuất khẩu gạo Việt Nam vượt 8 triệu tấn với trị giá 5,05 tỷ USD
-
2024-11-24 16:25:00
Hội nghị xúc tiến đầu tư - kết nối giao thương Thanh Hóa - TP Hồ Chí Minh - khu vực Đông Nam Bộ
-
2024-01-25 09:47:00
Đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán 2024
Bản tin tài chính sáng 25/1: Giá xăng tại kỳ điều chỉnh chiều nay được dự báo tăng mạnh
Ngành chăn nuôi vượt khó
Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với xây dựng nông thôn mới trên quê hương Hậu Lộc
Bản tin tài chính sáng 24/1: Giá vàng và dầu giảm
Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) có những điểm gì mới?
Đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định và tăng cường tiết kiệm điện năm 2024
Nhiều xu hướng mới trong tiêu thụ sản phẩm OCOP dịp cuối năm
Nông Cống đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội
Bản tin tài chính sáng 23/1: Giá vàng và USD giảm