Bá Thước: Chọn đúng khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội (Bài 1): Xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ
Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhờ sự quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, sự ủng hộ của tỉnh, nhà đầu tư và doanh nghiệp, huyện Bá Thước đã tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân.
Cầu trung tâm đô thị thị trấn Cành Nàng đang được thi công. Ảnh: Ngân Hà
Niềm vui từ những công trình
Những ngày cuối năm, người dân thị trấn Cành Nàng có thêm tin vui khi cây cầu nối đôi bờ sông Mã mà bao đời nay bà con luôn mong đợi sắp trở thành hiện thực.
Đứng bên bờ sông – nơi các công nhân, kỹ sư đang tập trung thi công phần móng của cây cầu trung tâm thị trấn Cành Nàng, ông Lường Văn Tuân, ở khu phố Hồng Sơn, thị trấn Cành Nàng chia sẻ: “Khi nghe tin huyện triển khai xây dựng cây cầu trung tâm thị trấn Cành Nàng và đường nối, chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi vì sắp có một cây cầu nối liền đôi bờ sông Mã. Bởi, lâu nay bà con bên này sông luôn phải sống trong cảnh “gần nhà, xa ngõ”. Cùng ở trên địa bàn thị trấn nhưng mỗi lần sang trung tâm thị trấn có việc, bà con phải đi qua cây cầu nhỏ hẹp, chịu tải yếu. Nếu vận chuyển hàng hóa nặng thì phải vòng qua xã Ban Công đi qua cầu La Hán, sau đó vòng lại thị trấn, mất rất nhiều thời gian”.
“Không chỉ người dân mà cấp ủy, chính quyền thị trấn Cành Nàng luôn mong đợi có cây cầy bắc qua sông Mã. Vì, thị trấn Cành Nàng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện Bá Thước. Năm 2019, thực hiện Nghị quyết 786/2019/UBTVQH14, ngày 16/10/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập xã Lâm Xa, xã Tân Lập vào thị trấn Cành Nàng, hiện nay, thị trấn Cành Nàng được chia thành 22 khu phố, với 2.552 hộ dân (10.242 nhân khẩu) sinh sống 2 bên bờ sông Mã. Phía bên kia sông Mã có 8 khu phố, với 684 hộ dân (2.693 nhân khẩu).
Khi được tỉnh phê duyệt 213 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng mới cầu trung tâm đô thị thị trấn Cành Nàng và đường nối đường tránh thị trấn Cành Nàng đi tỉnh lộ 523D, huyện Bá Thước với chiều dài 2.835,4m, đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị trấn Cành Nàng rất phấn khởi, vì khi cây cầu được hình thành sẽ góp phần tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện, an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương nói riêng và huyện Bá Thước nói chung. Dự án được khởi công cuối tháng 7/2023. Dự kiến hoàn thành vào 12/2025. Đến thời điểm này, công trình đã thực hiện đạt khối lượng khoảng 15% và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025” – đồng chí Trương Văn Minh, Bí thư Đảng ủy thị trấn Cành Nàng cho biết.
Cũng như người dân thị trấn Cành Nàng, khi biết tin huyện tổ chức lễ khởi công dự án đường tránh tỉnh lộ 521B đoạn qua chợ phố Đoàn, xã Lũng Niêm, bà con ai cũng phấn khởi, bởi sắp có con đường rộng rãi đi qua địa bàn xã. Chứng kiến hình hài tuyến đường hiển hiện sau thời gian ngắn khởi công, bà Lò Thị Dân, ở thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm vui vẻ nói: “Sắp tới, có con đường rộng rãi này, hàng hóa của bà con lưu thông một cách dễ dàng hơn; khách du lịch muốn đi tham quan, khám phá cụm Quốc Thành, đến chợ phố Đoàn cũng thuận tiện hơn rất nhiều”.
Đồng chí Lò Xuân Hành, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Bá Thước, cho biết: Dự án đường tránh tỉnh lộ 521B đoạn qua chợ phố Đoàn, xã Lũng Niêm, có quy mô chiều dài hơn 1,6km theo tiêu chuẩn đường đô thị gồm tuyến chính dài 1,140km và 3 tuyến nhánh dài 482m. Tổng mức đầu tư xây dựng công trình 70 tỷ đồng; thời gian hoàn thành trong năm 2024. Theo thiết kế, công trình có bề rộng nền đường là 22m, chiều rộng mặt đường 12m; có cầu và được lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng trên tuyến chính và tuyến nhánh. Để công trình được triển khai thi công đảm bảo chất lượng, tiến độ, sớm bàn giao và đưa vào sử dụng, huyện Bá Thước đã thực hiện bồi thường, hỗ trợ, chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án gần 5,9 tỷ đồng.
Việc khởi công xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng đường tránh tỉnh lộ 521B đoạn qua chợ phố Đoàn, xã Lũng Niêm sẽ kết nối được các điểm du lịch cụm xã phố Đoàn - Khu Du lịch thác Hiêu - Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của 6 xã cụm Quốc Thành. Đến thời điểm này, công trình đã thực hiện đạt khối lượng khoảng 30%.
Lồng ghép mọi nguồn lực
“Không chỉ 2 dự án trên khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân, tạo động lực phát triển kinh tế, du lịch trên địa bàn huyện mà trong giai đoạn 2021-2023, được sự quan tâm của tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở cũng như doanh nghiệp và sự đồng thuận của Nhân dân, huyện Bá Thước đã tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, trong đó tập trung vốn ngân sách Nhà nước hoàn thành các công trình trọng điểm, cấp bách, có sức lan tỏa lớn đối với phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của huyện” - đồng chí Lê Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước trao đổi thêm với chúng tôi về các dự án đã và đang được triển khai trên địa bàn huyện.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện, trên cơ sở đánh giá thực trạng về kết cấu hạ tầng của huyện còn nhiều khó khăn nên Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bá Thước lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định “Xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ” là một trong ba khâu đột phá để tập trung thực hiện. Vì vậy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện bố trí vốn đầu tư công tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, kéo dài; tập trung vốn cho các công trình có tính lan tỏa, tạo sự kết nối giữa các vùng, miền; đồng thời thực hiện tốt phương châm “Lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư tư”, từ đó phát huy nguồn lực huy động sức dân theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tại địa phương. Cụ thể, trong 3 năm qua, tổng nguồn vốn huy động của huyện được 5.000 tỷ đồng, bằng 76,9% so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra là 6.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước là 2.057,5 tỷ đồng (chiếm 41,14%); nguồn vốn vay là 1.044 tỷ đồng (chiếm 20,88%); vốn tự có của doanh nghiệp và hộ dân là 1.918,5 tỷ đồng (chiếm 38,36%).
Từ nguồn vốn trên, từ năm 2021 đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng 174 dự án, với tổng mức đầu tư trên 631 tỷ đồng; nhiều công trình hạ tầng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện đã được đầu tư hoặc đang triển khai thực hiện, như: Cầu bến Kẹm; nâng cấp Quốc lộ 15C đoạn qua huyện Bá Thước; đường giao thông từ xã Lũng Niêm đi Khu Du lịch Thành Lâm; đường tránh tỉnh lộ 521B đoạn qua chợ phố Đoàn, xã Lũng Niêm; triển khai thi công xây dựng cầu trung tâm thị trấn Cành Nàng; sửa chữa nâng cấp 9 công trình hồ, đập phục vụ cho tưới tiêu sản xuất nông nghiệp; xây mới nhà lớp học 2 tầng 8 phòng tại Trường THCS Hạ Trung; xây mới 2 trường mầm non ở 2 xã Điền Hạ và Thiết Kế; xây nhà lớp học Trường Mầm non Ban Công và 10 nhà hiệu bộ cho các trường học, đảm bảo được cơ sở vật chất cho công tác dạy và học của giáo viên và học sinh trên địa bàn huyện; hoàn thành việc xóa thôn, bản không có lưới điện. Hiện, 205/205 thôn đã có điện, 98% khu dân cư được phủ sóng điện thoại; 100% đường ô tô từ trung tâm huyện đến trung tâm xã, thị trấn đã được cứng hóa. Bà con Nhân dân ở các xã đóng góp làm đường bê tông thôn, xóm, xây dựng hệ thống chiếu sáng trong khu dân cư...
“Có thể nói, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện khâu đột phá về “Xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ” trên địa bàn huyện Bá Thước đã và đang cho hiệu quả thiết thực; chứng minh được tính đúng đắn trong việc lựa chọn khâu đột phá để tập trung thực hiện, góp phần thay đổi diện mạo đô thị, rút ngắn khoảng cách giữa các khu vực trong huyện; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho Nhân dân, giữ gìn an ninh - quốc phòng. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện khâu đột phá về xây dựng và phát triển hạ tầng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, như: Nguồn vốn đầu tư công dành cho đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn; huy động vốn từ các thành phần kinh tế cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng chưa tương xứng và đồng bộ, trong khi đó Bá Thước vẫn là huyện nghèo của tỉnh, hạ tầng giao thông của các xã vùng sâu, vùng xa xuống cấp liên tục, việc đi lại, giao thương của người dân gặp rất nhiều khó khăn, vào mùa mưa lũ thì cách trở. Giao thông từ huyện đến trung tâm các xã dù đã được đầu tư nhưng xuống cấp, hư hỏng nhiều. Việc sắp xếp dân cư cho Nhân dân dù đã được làm nhưng số người dân cần di dời vẫn còn cao và cần nguồn lực đầu tư sớm của Nhà nước” - Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước Lê Quang Huy nhấn mạnh.
Ngân Hà
Bài 2: Tạo nền tảng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.
{name} - {time}
-
2024-11-25 06:42:00
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như hình mẫu của chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
-
2024-11-25 06:29:00
Hôm nay, Thanh Hóa bắt đầu khởi động Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia
-
2023-12-02 09:00:00
Triển vọng từ mô hình nuôi ba ba, ốc nhồi tại Hà Trung
Thu ngân sách nhà nước lĩnh vực hải quan ước đạt trên 15 nghìn tỷ đồng
Nâng tầm giá trị tre, luồng trên đất Lang Chánh
Nỗ lực đảm bảo nguồn thu ngân sách từ tiền sử dụng đất
Hậu Lộc thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp
Ngày Mua sắm Trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2023
Chung kết Cuộc thi “Vườn đẹp, trang trại kiểu mẫu" năm 2023
Giá xăng RON95-III và dầu diesel giảm nhẹ
Triển vọng kinh tế từ mô hình trồng rau khí canh
Trên những cánh đồng sản xuất vụ đông ở Nông Cống