Kích cầu du lịch đúng hướng để mang lại hiệu quả
Khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, du lịch nội địa phục hồi trở lại, “cơn mưa giảm giá” được xem như một lợi thế cạnh tranh giữa các điểm đến, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, du lịch phục hồi trở lại, Thanh Hóa sẽ tập trung kích cầu các thị trường trọng điểm có kết nối đường bay.
Kích cầu để cùng thắng
Hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch năm 2021, nhiều khu, điểm, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong tỉnh Thanh Hóa đã đăng ký và cam kết giảm giá thành. Cụ thể, dịch vụ cơ sở lưu trú giảm từ 10 - 50%; dịch vụ ăn uống giảm từ 10 - 13%; dịch vụ lữ hành giảm từ 10 - 40%; dịch vụ vận tải giảm từ 5 - 40%; một số khu, điểm du lịch giảm 20 - 50% giá vé tham quan, dịch vụ thuyết minh. Trong đó, điểm mấu chốt mà các khu, điểm du lịch cùng với các doanh nghiệp trong tỉnh chú trọng triển khai là “tăng tối đa chất lượng sản phẩm, giảm tối đa giá thành sản phẩm” và tạo sự chuyên nghiệp, thân thiện, mến khách để đem lại sự hài lòng cho khách du lịch.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng Phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) cho biết, ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 trong nước cơ bản được kiểm soát, tỉnh sẽ tập trung vào một số chương trình, hoạt động quảng bá, kích cầu du lịch như: tổ chức hội nghị kích cầu du lịch “Thanh Hóa - điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn” tại các địa phương có kết nối đường bay như: TP Hồ Chí Minh, Nha Trang; hội thảo chương trình kết nối 4 tỉnh Bắc miền Trung; tổ chức các chương trình ẩm thực; công bố tour du lịch mới... Đồng thời xúc tiến tổ chức, đăng cai một số sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch nhằm tạo nên điểm nhấn, góp phần thu hút khách.
Tuy nhiên, những kế hoạch, giải pháp mà Thanh Hóa đã đề ra không phải là riêng biệt, mà là những giải pháp đang được nhiều tỉnh, thành trong cả nước triển khai. Có khác chăng là ở mức độ, cấp độ, sự đồng bộ, quyết liệt triển khai tại mỗi địa phương... Từ đó tạo nên một “làn sóng” kích cầu không chỉ trong tỉnh mà trên phạm vi cả nước. Bên cạnh những mặt tích cực, thì việc đồng loạt triển khai kích cầu cũng có những hạn chế nhất định. Trong đó, nếu không có sự quản lý chặt chẽ từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước, dễ dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh hoặc giảm giá kéo theo giảm chất lượng sản phẩm. Mặt khác, việc giảm giá thành sản phẩm vẫn chưa đủ để kích cầu du lịch hiệu quả nếu thiếu một sự liên kết, thiếu bàn tay của người “nhạc trưởng”, thiếu cơ chế, chính sách chung cho sự phát triển du lịch.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Nguyệt, để đảm bảo hoạt động kích cầu hiệu quả, cần có kịch bản kích cầu du lịch tổng thể của cả nước, từ Bộ VH,TT&DL, Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch (HHDL) Việt Nam để phù hợp với đặc thù của từng loại hình du lịch, của từng địa phương trong cả nước nhằm giúp các địa phương vốn chưa có lợi thế trong việc thu hút khách du lịch cũng có thể làm tốt công tác kích cầu du lịch. Đồng thời Bộ VH,TT&DL, Tổng cục Du lịch và HHDL Việt Nam cũng sẽ là “nhạc trưởng” trong việc bố trí thời gian, địa điểm tổ chức các sự kiện tại địa phương; liên kết, điều phối các nhà cung ứng dịch vụ trong cả nước, tạo ra những gói dịch vụ hấp dẫn, có tính minh bạch, đảm bảo sự tin cậy... trên cơ sở đó có chiến dịch truyền thông đồng bộ, thống nhất cả nước.
Và vai trò của doanh nghiệp
Thực tế, khi các hoạt động du lịch được khôi phục trở lại, không khó để tìm kiếm các tour du lịch giá “siêu rẻ”, thậm chí có tour giảm tới 70%, được các doanh nghiệp trong nước giới thiệu đến khách hàng, nhằm thu hút du khách. Tuy nhiên, không ít du khách cảm thấy băn khoăn với chất lượng dịch vụ của tour. Bởi, dịch vụ du lịch là thứ vô hình, không thể cân đo, đong đếm cụ thể. Do đó, việc giảm giá thành dịch vụ cần được dựa trên những cơ sở cụ thể, có sự quản lý chặt chẽ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là sự giám sát giữa những đơn vị cung ứng dịch vụ, sản phẩm du lịch. Trong đó, vai trò của doanh nghiệp rất lớn trong việc đảm bảo quyền lợi cho du khách, tránh bị nhiễu thông tin, mặt khác đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh.
Theo ông Nguyễn Hồng Dương, Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế Tây Nguyên (TP Thanh Hóa) cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh luôn sẵn sàng để tham gia liên minh kích cầu du lịch. Ở thời điểm hiện nay, để sớm có thể vực dậy hoạt động kinh doanh của mỗi đơn vị, việc cần làm đó là có sự thống nhất trong hành động kích cầu, tránh gây nhiễu loạn thị trường hoặc gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, sản phẩm; mặt khác là để đảm bảo tình hình kinh tế của doanh nghiệp. Vì thực tế, nếu ngay trong tháng 7, dịch bệnh được kiểm soát thì các hoạt động du lịch trong năm 2021 cũng đã không còn nhiều.
Nhận định các gói kích cầu du lịch, đặc biệt là các gói sản phẩm tiêu chuẩn đang là lựa chọn hàng đầu của khách du lịch trong tình hình hiện nay, đại diện một số doanh nghiệp du lịch cho rằng, bên cạnh việc chủ động, nhanh chóng cùng phối hợp để đưa ra các giải pháp kích cầu du lịch thì vấn đề tâm lý khách hàng cũng rất quan trọng. Để chương trình kích cầu hiệu quả, ngoài giảm giá dịch vụ thì mỗi doanh nghiệp cũng cần tính toán trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa dịch vụ. Đồng thời, tại các điểm đến trên địa bàn tỉnh cũng cần duy trì những biện pháp phòng, chống dịch an toàn, để du khách yên tâm đi du lịch.
Ông Trần Đình Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực HHDL tỉnh khẳng định: Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà kích cầu du lịch đề ra, doanh nghiệp đóng vai trò rất lớn. Doanh nghiệp vừa là đối tượng trực tiếp thực hiện, vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả. Do đó, chất lượng sản phẩm, dịch vụ luôn được đặt lên hàng đầu. Thay vì giảm giá sâu, HHDL khuyến khích các đơn vị chỉ thống nhất giảm một phần để kích cầu, để tăng thêm giá trị hưởng thụ cho du khách khi sử dụng dịch vụ. Theo đó, có thể tặng thêm city tour, tặng vourcher spa, bể bơi, ăn sáng...
Mặc dù du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh COVID-19, song đến thời điểm hiện nay, các khu, điểm, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn luôn giữ thế chủ động, sẵn sàng bắt tay kích cầu. Trong khi chờ đợi các hành động chung từ phía Bộ VH,TT&DL, Tổng cục Du lịch, HHDL Việt Nam, tỉnh Thanh Hóa cần có những giải pháp, hành động kích cầu cụ thể, cũng như tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, khẳng định thương hiệu du lịch xứ Thanh từ chất lượng dịch vụ.
Bài và ảnh: Hoài Anh
{name} - {time}
-
8 giờ trước
Để mùa xuân văn hóa thúc đẩy du lịch phát triển
-
8:23 sáng nay
Hệ thống Nami Stay Đà Nẵng - Nơi chất lượng dịch vụ luôn đặt lên hàng đầu
-
08:51 20/06/2021
Nắng nóng gay gắt, người dân trong tỉnh đổ xô đến biển Sầm Sơn
Bảo vệ và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt
Dành riêng cho người Thanh Hóa: Miễn phí 1 đêm nghỉ tại phòng ở tiện nghi 5* tại FLC Sầm Sơn
6 tháng đầu năm 2021, Thanh Hoá ước đón trên 3,7 triệu lượt khách
Thắt chặt các biện pháp đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19, quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn thu hút khách
Xu hướng “du lịch xanh”
Duy trì chất lượng sản phẩm để thu hút du khách sau dịch bệnh
Huyện Bá Thước: Hướng tới đa dạng hóa các sản phẩm du lịch
Du lịch Thanh Hóa hiện thực hóa mục tiêu đón khách bốn mùa
Ảnh hưởng của dịch COVID-19: Cơ sở lưu trú gặp khó
Địa phương
Thời tiết
- 18°C - 24°CNhiều mây, không mưa
- 18°C - 25°CCó mây, không mưa