“Khu nghỉ” nơi biên viễn
Đêm cựa mình trên chiếc giường gỗ cọt kẹt, khu nghỉ lặng thinh, chỉ còn vo ve tiếng muỗi và lích rích tiếng chuột phía trần nhà. Ở bên ngoài, gió vẫn lùa về từng đợt, quất lên đám lá xào xạc, rít qua khe hở mái nhà. Những “cư dân khu nghỉ" mỗi người một việc, nhưng là một câu chuyện về nỗi vất vả, gian nan...
Vượt lên khó khăn về nơi ở, cô giáo Lữ Thị Dương vẫn tận tâm, tận lực với nghề. Ảnh: Hà Mai
Mặt trời gác núi, họ về đó, gặp lại đứa con trong khu nhà cấp 4 cũ, lọt thỏm ven bờ sông Luồng. Họ gọi đó là “khu nghỉ”. Người bản địa cũng gọi tên khu nhà như thế. Đêm ở đó, chúng tôi đã nghe những câu chuyện dọc ngang nỗi lòng và cả tiếng khóc trẻ thơ theo mẹ lên trường trong đêm lạnh miền biên viễn.
Ven trục đường dẫn từ trung tâm xã Sơn Thủy (Quan Sơn) theo hướng ngã ba Bo Hiềng ra Quốc lộ 217 lên Cửa khẩu quốc tế Na Mèo có một dãy nhà cấp 4 tuềnh toàng, nằm ven bờ sông Luồng. Vài năm trước, đó là khu chính của Trường Tiểu học Sơn Thủy đã xuống cấp, mưa dột phía trên, nước ngấm phía dưới. Khi Nhà nước đầu tư khu trường mới, khu nhà này bị bỏ hoang vài tháng. Sau đó, nó được tận dụng để làm nơi ở cho những cô giáo mầm non, cán bộ công tác xa nhà. Họ đến đó, tự mình làm tất cả, từ trám vá lại mảng tường bị bong tróc, lợp lại mái pro xi măng, tráng lại nền nhà... để có nơi ở sau ngày dài mệt nhọc với bộn bề công việc.
Trả trẻ xong trời đã nhá nhem, cô giáo mầm non Lữ Thị Dương vội vã bước chân sang trường tiểu học để đón cậu con trai học lớp 3 trở về. Gần như hôm nào cũng vậy, đông như hè, mãi đến lúc sân trường không còn một bóng học sinh, chị mới có thời gian đến đón cháu. Hai mẹ con về khu nghỉ, cũng là lúc những bước chân người vội vã trở về. Khu nhà im lìm một ngày dài đã lại đỏ lửa trong bận rộn bữa cơm tối.
Cô giáo Dương sinh năm 1996 ở bản Piềng Phố, xã Trung Xuân cùng huyện. Mang ước mơ “gieo chữ”, học hết THPT, chị quyết tâm theo ngành sư phạm mầm non, mặc dù bố mẹ và người thân can ngăn. Ra trường, trải qua chuỗi ngày dài rong ruổi khắp các trường mầm non trong huyện dạy hợp đồng, đến năm 2020 chị được tuyển dụng vào biên chế. Chỉ có điều, nơi công tác là Trường Mầm non Sơn Thủy ở tận biên giới, cách nhà hơn 60 cây số đường núi, trong khi chồng làm công nhân ở tận Bắc Ninh. Không đành lòng gửi con lại nhờ ông bà chăm sóc, chị mang theo đứa con trai đầu lòng lên cùng để được gần mẹ gần con. 4 năm đã trôi qua, từ khi đứa con còn học mầm non, cô giáo Dương vẫn thế, bền bỉ và tuần tự, sáng thứ 7 về thăm nhà, chiều chủ nhật mẹ con lại bồng bế nhau cùng gạo, rau, mắm muối, ngược đường lên biên giới để kịp giờ trường buổi sáng mai.
Căn phòng hai mẹ con cô giáo Dương ở chỉ rộng chừng 10m2. Trên nền bê tông thấp ẩm, tôi nhìn thấy có một chiếc giường nhỏ hẹp, một chiếc bàn học cho đứa con và một tủ vải treo quần áo kê sát vào vách tường loang lổ rêu mốc. Cô giáo Dương nói, khi ngủ, chị vẫn thường phải nằm nghiêng. Vì nếu không thì giường chẳng đủ chỗ cho con ngủ.
“Cũng may thằng bé hiểu chuyện. Lúc đón muộn, hay những lúc mẹ vắng nhà, cháu đều rất ngoan ngoãn nghe lời. Chỉ khi cháu ốm, em mới phải xin nghỉ một hai hôm để chăm sóc cháu”, cô giáo Dương bộc bạch.
Rồi những đợt tăng cường lên bản Mùa Xuân, Xía Nọi dạy chữ, đường xa hun hút, đi cả tuần trời mới trở lại, cô giáo Dương phải gửi con nhờ những giáo viên ở khu nghỉ chăm sóc. Những lúc ấy, dù nhớ con, nhưng chị vẫn phải cố gắng. Chị nói: “Là nhiệm vụ thì em phải hoàn thành. Vả lại, những đứa trẻ ở bản đồng bào Mông cũng như con của em, cần phải được học chữ”. Thế đó, dù khó khăn, chị chưa một ngày chùn chân lùi bước. Phía trước luôn là con chữ cho những đứa trẻ vùng cao mà chị coi như con ruột của mình.
Hơn cô giáo Dương, chiếc giường trong căn phòng của cô giáo Lữ Thị Mơ (sinh năm 1992) ở kế bên có phần rộng hơn. Bởi ngoài chị còn có 2 con nhỏ, đứa lớn học lớp 3, đứa nhỏ học lớp mầm non 5 tuổi. Vì nhà ở xã Sơn Hà cách trường chừng 40 cây số, chồng đi làm ăn xa, nên chị phải đưa con lên ở cùng. Cùng một diện tích, cái giường rộng hơn, đồng nghĩa nơi sinh hoạt trong căn phòng sẽ bị thu hẹp lại. Ngồi trên nền bê tông được kê lên vài tấm xốp làm nơi cho đứa nhỏ chơi đồ hàng, tôi cũng phải thu mình lại để trò chuyện với chị. Phía nóc nhà là nham nhở vết pro xi măng nứt vỡ.
Khu nhà ở của cán bộ và giáo viên mầm non xa nhà tại xã Sơn Thủy (Quan Sơn). Ảnh: Đồng Thành
Cô giáo Mơ nói: “Vào mùa mưa, căn phòng bị dột, nước theo vách tường chảy xuống, đang đêm mẹ con em phải thức dậy chuyển giường ra giữa căn phòng. Dù vậy, trên giường cũng phải đặt chậu để hứng nước. Đồ đạc những gì thấm nước đều phải để lên bàn. Vì nền nhà cũng bị ngấm nước, do khu nhà ở khu đất thấp, gần bờ sông”.
Chồng làm xa nhà, thân đàn bà, bên nách hai đứa con, bao lâu nay hết ở trọ trong nhà dân, rồi chuyển ra “khu nghỉ” tá túc, cô giáo Mơ vẫn bền bỉ bám trụ với triền đất biên cương này. Với chị, cuộc sống như thế đã là đủ. Bởi nghĩ, dù khó khăn, nhưng chị được dấn thân cho ước mơ, cho tình yêu nghề và tiếng cười của những em nhỏ.
Hôm tôi đến, “khu nghỉ” có chừng 15 người tá túc. Họ là cán bộ, công chức được điều động, luân chuyển lên công tác; cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng dừng chân sau quãng đường dài thực hiện nhiệm vụ tuần tra biên giới. Quá nửa trong số họ là giáo viên mầm non xa nhà. Có những người ở khác huyện, nhà cách trường tới gần 200 km, như trường hợp của cô giáo Dương Thị Chính (sinh năm 1986) ở huyện Thọ Xuân...
Những “cư dân khu nghỉ" mỗi người một việc, nhưng là một câu chuyện về nỗi vất vả, gian nan, hầu hết họ công tác ở triền biên giới này đã lâu, có người đã hơn 10 năm. Vượt lên hoàn cảnh, có chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho cán bộ, giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, những cuộc đời, mảnh ghép ấy đã động viên, giúp đỡ nhau ổn định cuộc sống, vươn lên hoàn thành trách nhiệm và bổn phận của mình. Họ đã góp sức mình cho vùng biên ngày càng thêm xanh tươi, bền vững.
Trong “khu nghỉ”, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thủy Phạm Bá Thái ở một căn phòng gần khu nhà vệ sinh chung. Nhà ở thị trấn Sơn Lư, đầu nhiệm kỳ này được Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Sơn điều động lên công tác, anh Thái ở tạm trong khu nhà làm việc cũ của UBND xã. Sau đó, khu nhà bị phá bỏ để lấy mặt bằng xây dựng sân công sở mới, anh cũng phải chuyển sang “khu nghỉ”.
Tôi hỏi Bí thư Thái: Có chính sách đặc thù nào để xây dựng nhà công vụ cho giáo viên mầm non, cán bộ lên công tác dài ngày không? “Chưa có”, anh trả lời. Sơn Thủy là xã biên giới, đặc biệt khó khăn, toàn bộ nguồn chi đều phải trông chờ vào ngân sách Nhà nước phân bổ. Biết chuyện xây nhà công vụ là rất cần thiết, nhưng lực bất tòng tâm.
...
Căn phòng chúng tôi ngủ lại trong “khu nghỉ” cũng thế, rộng chưa đầy 10m2, vách tường loang lổ rêu mốc, nền nhà lỗ chỗ, mấp mô. Trên nóc nhà, những tấm nhựa trần đã bung ra lả tả như có thể rơi sụt xuống bất kể lúc nào. Đó là căn phòng của một công chức địa chính mới được luân chuyển lên công tác tại Sơn Thủy.
Đêm cựa mình trên chiếc giường gỗ cọt kẹt, khu nghỉ lặng thinh, chỉ còn vo ve tiếng muỗi và lích rích tiếng chuột phía trần nhà. Ở bên ngoài, gió vẫn lùa về từng đợt, quất lên đám lá xào xạc, rít qua khe hở mái nhà...
Ghi chép của Đỗ Đức
{name} - {time}
-
2024-11-24 10:53:00
Đại hội Đại biểu cộng đồng Bùi tộc tỉnh Thanh Hóa lần thứ III, nhiệm kỳ 2024-2029
-
2024-11-24 10:52:00
Ghi âm trong tư vấn bảo hiểm: Thêm quy trình nhưng tăng niềm tin cho khách hàng
-
2024-03-03 10:11:00
Chi tiết mức phạt vi phạm nồng độ cồn
Hội LHPN huyện Thạch Thành tổ chức trồng 5.000 cây xanh
Siết chặt quản lý vận tải thông qua thiết bị giám sát hành trình
Lan tỏa những mô hình “Dân vận khéo”
Mua, bán công đức!
Quan Hóa: Sôi nổi giải thể thao nữ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động
Vận động, hỗ trợ xây hơn 100 nhà tình nghĩa cho hội viên nữ cựu thanh niên xung phong
Những bông hoa đẹp
Người trẻ và xu hướng tiêu dùng trách nhiệm
Nông Cống tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo