(Baothanhhoa.vn) - Lam Kinh trầm mặc và linh thiêng của khối kiến trúc nghệ thuật hài hòa, giàu giá trị. Lam Kinh sống động và huyền hoặc trong những câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn và chưa thể lý giải... Và suy cho cùng thì sự tồn tại của Lam Kinh ngót 6 thế kỷ qua là để khẳng định tầm cao và chiều sâu của lịch sử, của văn hóa, của sức sáng tạo tuyệt vời từ bàn tay con người.

Khu di tích lịch sử Lam Kinh - điểm đến tâm linh “níu chân” du khách (Bài 1): Lam Kinh - trầm mặc và linh thiêng

Lam Kinh trầm mặc và linh thiêng của khối kiến trúc nghệ thuật hài hòa, giàu giá trị. Lam Kinh sống động và huyền hoặc trong những câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn và chưa thể lý giải... Và suy cho cùng thì sự tồn tại của Lam Kinh ngót 6 thế kỷ qua là để khẳng định tầm cao và chiều sâu của lịch sử, của văn hóa, của sức sáng tạo tuyệt vời từ bàn tay con người.

Khu di tích lịch sử Lam Kinh - điểm đến tâm linh “níu chân” du khách (Bài 1): Lam Kinh - trầm mặc và linh thiêngNghinh môn Lam Kinh. Ảnh: Khôi Nguyên

Lam Kinh nép mình dưới một không gian khoáng đạt, ngập tràn nắng gió và rợp bóng cây xanh. Bước qua cầu Bạch cong cong vắt ngang dòng sông Ngọc, dòng sông mùa nước cạn có thể thấy cả những viên sỏi đá dưới đáy sông - tròn trịa, lung linh ánh lên màu nắng, tục truyền rất quý, rất thiêng. Lam Kinh đón du khách bằng nét chao nghiêng vừa trang nghiêm, vừa duyên dáng, nhưng cũng đầy phóng khoáng của Nghinh môn ba gian ba cửa. Qua Nghinh môn là sân Rồng, còn được gọi là sân chầu trải rộng suốt bề ngang Chính điện, tiến sát vào thềm của hai tòa nhà Tả Vu và Hữu Vu.

Sân chầu được lát gạch nung ánh đỏ như ráng chiều pha. Qua sân Rồng là thềm Rồng với chín bậc lên xuống, còn được gọi là Cửu trùng. Ở đây có những tượng rồng đá tạc tròn, thân uốn khúc với hoa văn hình đao lửa theo đường sóng xoắn. Tất cả hướng mặt ra ngoài theo cốt cách Nho giáo vừa uy nghi vừa dữ tợn, thể hiện cho sức mạnh, sự thịnh vượng và hào khí vương triều Hậu Lê. Theo tài liệu nghiên cứu thì bậc thềm rồng tại Lam Kinh có niên đại cùng với bậc thềm rồng tại điện Kính Thiên (Thăng Long, năm 1467). Đôi rồng ở Lam Kinh thuộc dòng rồng đế vương, có 5 móng biểu tượng cho quyền lực của nhà vua.

Qua chín bậc Cửu trùng, du khách hãy dành một phút “mặc niệm”, để tâm hồn lắng lại trước khi bước vào khối kiến trúc đồ sộ nhất, cũng là không gian linh thiêng bậc nhất trong Khu di tích lịch sử Lam Kinh: Chính điện Lam Kinh. Toàn bộ Chính điện gồm ba tòa trung tâm, hằn lên những đường nét vô cùng tao nhã, với bố cục hình chữ Công (I). Đời vua Lê Nhân tông (năm 1456), khi trở về bái kiến tổ tông, nhà vua đã đặt tên 3 tòa Chính điện bằng 3 cái tên mang hàm ý tôn thờ đạo đức, gia phong, gồm Quang Đức (tiền điện), Sùng Hiếu (trung điện) và Diên Khánh (hậu điện). Công năng của chính điện là nơi để vua nghỉ ngơi, thiết triều nghị bàn việc nước.

Chính điện có tổng diện tích 1.662 m2, là một trong những công trình quan trọng, bề thế nằm giữa khu trung tâm di tích Lam Kinh. Theo các nguồn tài liệu thì quá trình xây dựng và tồn tại, Chính điện Lam Kinh đã bị cháy tới 3 lần. Sau nhiều thế kỷ hoàn toàn là phế tích, những gì hậu thế còn biết về Chính điện là những chân tảng đá lớn, nằm trơ trọi trên nền móng cũ. Dấu mốc quan trọng phải kể đến là năm 2010, khi Nhà nước cho khởi công phỏng dựng lại 3 tòa Chính điện. Nhờ đó, diện mạo toàn bộ Chính điện mới được “sống lại” trước mắt Nhân dân và du khách như hiện nay. Chính điện được xây dựng từ gần 3.000 m3 khối gỗ lim, với ngoại thất tương đối đã hoàn thiện, nội thất được dát vàng lộng lẫy. Với lối kiến trúc mang đậm phong cách nhà Lê, Chính điện là công trình tôn tạo được đánh giá là lớn nhất hiện nay. Với kết cấu khung gỗ lim 6 hàng cột, vì chồng rường giá chiêng. Trang trí hoa văn trên bề mặt cấu kiện gỗ hình rồng, các linh vật và hoa lá thời Lê, chạm nổi, chạm bong một và một số lớp, độ sâu khác nhau...

Năm 1430, Lê Thái tổ cho đổi Lam Sơn thành Lam Kinh (hay Tây Kinh). Với mục đích nâng cao vị thế và tầm vóc của vùng đất quê hương trong thời kỳ đất nước giành được độc lập; đồng thời, nhằm để phân biệt với Đông Kinh - Kinh đô của đất nước. Đây là mốc quan trọng, mở đầu cho sự phát triển của trung tâm Lam Kinh, một vùng đất “căn bản”, với vai trò của một “kinh đô thứ hai” - “kinh đô tưởng niệm” hoàng tộc nhà Lê, nơi thờ phụng tổ tiên, các bậc tiên đế, hoàng đế, hoàng hậu của vương triều Lê Sơ. Năm 1433, sau khi vua Lê Thái tổ băng hà, thi hài được đem về an táng ở Lam Kinh. Từ đây các điện miếu cũng bắt đầu được xây dựng. Đồng thời, các vua thời Lê Sơ đã giao các quan đầu triều và Cục Bách tác cho xây dựng ở Lam Kinh nhiều điện miếu và các công trình kiến trúc nguy nga, lộng lẫy.

Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú đã mô tả bức tranh tổng thể các công trình kiến trúc trong khu miếu điện Lam Kinh như sau: “Điện Lam Kinh đằng sau gối vào núi, trước mặt trông ra sông, bốn bên non xanh nước biết, rừng rậm um tùm. Vĩnh Lăng của Lê Thái tổ, Thiệu Lăng của Lê Thái tông và các lăng của vua nhà Lê đều ở đây cả. Lăng nào cũng có bia. Sau điện lấy Tây hồ làm não, giống như hồ Kim Ngưu. Hồ rất rộng lớn, nước các ngả đều chảy cả vào đó. Có con sông phát nguyên từ hồ ấy, chạy vòng trước mặt, lòng sông có những viên đá nhỏ, tròn và nhẵn trông rất thích mắt nhưng không ai dám lấy trộm. Lại có lạch nước nhỏ, chảy từ bên tay phải qua trước điện, ôm vòng lại như cánh cung. Trên lạch có cầu giống như Bạch Kiều ở giảng đình điện Vạn Thọ Đông Kinh, đi qua cầu mới tới điện. Nền điện rất cao, hai bên mở rộng, dưới chân điện có làn nước phẳng, giống như trước điện nhà vua coi chầu. Ngoài cửa Nghi môn có hai con chó ngao bằng đá, tục truyền là rất thiêng. Điện làm ba ngôi liền nhau, kiểu chữ Công, mẫu mực theo đúng kiểu các miếu ở kinh sư. Theo từng bậc mà lên, rồi từ đó trông xuống thì thấy núi khe hai bên Tả, Hữu, cái nọ, cái kia vòng quanh thật là một chỗ để xây dựng cơ nghiệp”.

Song, trải qua gần 600 năm tồn tại, với không ít biến thiên lịch sử, toàn bộ di tích Lam Kinh đã bị tàn phá nặng nề. Mãi đến năm 1962, Khu di tích lịch sử văn hóa Lam Kinh được xếp hạng là di tích cấp quốc gia. Và đến năm 1994, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Dự án phục hồi, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Lam Kinh. Từ các nguồn đầu tư lớn của ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, hàng chục hạng mục công trình kiến trúc nghệ thuật trong khu di tích đã được tu bổ, phục hồi, tôn tạo. Nhờ đó, di tích Lam Kinh đã từng bước “hồi sinh”.

Lam Kinh ngày nay đã có được diện mạo tương đối hoàn chỉnh, với các công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc mang dấu ấn cung đình. Quy mô của khối kiến trúc nghệ thuật ở Lam Kinh là rất lớn, với Chính điện, Nghi môn, sân Rồng, cầu Bạch, Thái miếu...; cùng hệ thống bia ký, lăng mộ. Tất cả đã tạo nên diện mạo của một phong cách kiến trúc tiêu biểu, đặc sắc, đánh dấu một giai đoạn phát triển của nền kiến trúc dân tộc. Đồng thời, mang đậm bản sắc văn hóa - văn hóa Lam Sơn mà những giá trị nhân văn và sinh thái của tư duy kiến trúc độc đáo ấy vẫn còn lan tỏa cho tới hôm nay. Với những giá trị to lớn và đặc biệt quan trọng đó của khu miếu điện, ngày 27-9-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1419/QĐ-TTg xếp hạng di tích Lam Kinh là di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt. Đây là niềm vinh dự, cũng là trách nhiệm lớn lao, đang đặt ra cho hậu thế hôm nay trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản quý giá của cha ông.

Khu di tích lịch sử Lam Kinh khởi phát là nơi an táng, thờ cúng và tôn vinh các vua và hoàng hậu nhà Lê Sơ; nơi nghỉ ngơi, hành tại của các vua Lê và triều thần trong những dịp về bái yết sơn lăng. Trải qua thời gian, ngày nay Lam Kinh trở thành biểu tượng của lòng tôn kính đối với cội nguồn tổ tiên. Để rồi, từ cái tổng thể “kiến trúc xanh” độc đáo đa tầng - vốn dĩ là sự hòa quyện tuyệt vời của thiên nhiên xanh tươi và kiến trúc đậm sắc đỏ trầm mặc - dường như hậu thế vẫn cảm nhận được tinh thần, cốt cách của cha ông ta từ gần sáu thế kỷ trước, đã đi qua thác ghềnh mà “ký thác” vào Lam Kinh, để mãi trường tồn cùng dân tộc...

Khôi Nguyên

Bài 2: Những bảo vật quốc gia vô giá.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]