Khởi nghĩa Lam Sơn – dấu son rạng ngời sử sách (Bài 4): Dấu tích khởi nghĩa Lam Sơn trên đất Thanh Hóa

(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa là vùng đất mà hơn 600 năm trước, chủ tướng Lê Lợi dựng cờ tụ nghĩa, thu phục hào kiệt bốn phương cùng chung tay chống lại giặc Minh hung bạo. Những năm đầu cuộc khởi nghĩa Lam Sơn khi lực lượng còn mỏng, hành trình “nếm mật nằm gai” của nghĩa quân Lam Sơn chủ yếu diễn ra ở miền Tây xứ Thanh. Vì vậy, vùng đất này ghi nhận dày đặc những dấu tích và câu chuyện lịch sử liên quan đến cuộc chiến tranh Nhân dân giải phóng dân tộc ở thế kỷ XV.

Thanh Hóa là vùng đất mà hơn 600 năm trước, chủ tướng Lê Lợi dựng cờ tụ nghĩa, thu phục hào kiệt bốn phương cùng chung tay chống lại giặc Minh hung bạo. Những năm đầu cuộc khởi nghĩa Lam Sơn khi lực lượng còn mỏng, hành trình “nếm mật nằm gai” của nghĩa quân Lam Sơn chủ yếu diễn ra ở miền Tây xứ Thanh. Vì vậy, vùng đất này ghi nhận dày đặc những dấu tích và câu chuyện lịch sử liên quan đến cuộc chiến tranh Nhân dân giải phóng dân tộc ở thế kỷ XV.

Khởi nghĩa Lam Sơn – dấu son rạng ngời sử sách (Bài 4): Dấu tích khởi nghĩa Lam Sơn trên đất Thanh HóaHang Bàn Bù ở thị trấn Ngọc Lặc ngày nay được cho là nơi nghĩa quân Lam Sơn ẩn trú để phục kích đánh thắng quân Minh hành quân vào tháng 11-1420.

Quá trình công tác tìm hiểu nhiều năm, chúng tôi ghi nhận ở hầu hết các huyện miền núi của Thanh Hóa đều có nhiều dãy núi, dòng sông, hang động, địa danh, di tích đền chùa... gắn với các câu chuyện liên quan tới cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Khó có thể liệt kê hết những di tích từng là chứng tích của những cuộc hành quân, những đợt lui binh chiến lược hay trận đánh của nghĩa binh do anh hùng dân tộc Lê Lợi lãnh đạo.

Tròn 10 năm về trước, chúng tôi may mắn được tham gia hội thảo khoa học “Hội thề Lũng Nhai trong Khởi nghĩa Lam Sơn” do Viện Sử học Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cùng huyện Thường Xuân tổ chức. Sau các buổi điền dã ở các huyện Ngọc Lặc, Thọ Xuân và Thường Xuân, các giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học cùng nhiều nhà nghiên cứu lịch sử hàng đầu trong nước và Thanh Hóa đã tranh luận, phân tích về vị trí cũng như vai trò, ý nghĩa của nơi diễn ra hội thề giữa Lê Lợi và 18 vị anh hùng hào kiệt vào tháng 2 năm Bính Thân 1416 trên đồi Bái Tranh, thuộc dãy núi Pù Mé. Trên cơ sở căn cứ các thư tịch cổ, tài liệu Hán Nôm, sách sử các thời ghi lại, 32 tham luận của các nhà khoa học đã đi đến khẳng định, vị trí ngọn đồi thuộc xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân ngày nay chính là nơi diễn ra sự kiện cắt máu ăn thề, bắt đầu cho cuộc khởi nghĩa 10 năm gian khổ chống lại giặc phương Bắc.

Từ thị trấn Thường Xuân, nhìn về phía Tây cũng dễ dàng nhận thấy ngọn núi Pù Xèo sừng sững chạy dài hàng chục cây số từ xã Ngọc Phụng đến tận xã Lương Sơn. Ngoài lần điền dã cùng các nhà sử học tại hội thảo cách đây 10 năm, chúng tôi còn có thêm 2 lần chinh phục ngọn núi cao nhất vùng này cùng các cán bộ văn hóa và người dân bản địa. Lẩn khuất trong những lùm cây bụi, người dân địa phương vẫn tìm được dấu tích của những lỗ đục trên đá, được cho là nơi cắm cờ của nghĩa quân. Trên một triền núi, cách đây ít năm vẫn còn dấu tích một ngôi miếu thờ nghĩa quân của người đời sau. Theo nhiều nguồn sử liệu, dãy núi này cũng là một trong những nơi lui binh chiến lược của nghĩa quân Lam Sơn những năm đầu khởi nghĩa. Từ những đỉnh cao nhất của dãy Pù Xèo, có thể quan sát toàn bộ vùng đồng bằng xứ Thanh, vùng núi phía Tây của Thanh Hóa và Nghệ An, trong đó có dãy Pù Rinh cao tận mây trời thuộc huyện Lang Chánh.

Chỉ cách Lam Kinh hơn chục cây số đường chim bay, nhưng dãy Pù Xèo được cho có vị trí chiến lược về quân sự thời ấy. Trên triền giữa các ngọn núi có nhiều bãi đất bằng, có thể làm nơi đóng quân của binh lính, nơi trú ngụ cho voi ngựa mà khó bị lộ. Quan sát thực địa, nơi đây vẫn còn một số suối nhỏ, có thể là nơi cung cấp nguồn nước cho nghĩa quân. Ngọn đồi Bái Tranh dưới chân ngọn núi này cũng được ngành văn hóa, huyện Thường Xuân xác định vị trí và trở thành điểm du lịch tâm linh.

Tại huyện Ngọc Lặc, nhiều sử liệu địa phương đều ghi nhận hang Bàn Bù ở làng Ngán, xã Ngọc Khê cũ (nay được sáp nhập vào thị trấn Ngọc Lặc) chính là một chứng tích trong khởi nghĩa Lam Sơn. Từ các kiến thức nghiên cứu, ông Bùi Hồng Nhi, nguyên trưởng phòng văn hóa và thông tin huyện - người chuyên nghiên cứu lịch sử địa phương, cho rằng: Hang Bàn Bù được chọn là địa điểm trú ẩn và tập hợp các binh Mường của nghĩa quân Lam Sơn. Tiêu biểu là chiến thắng Bàn Bù nổi tiếng vào tháng 11-1420, khi nghĩa quân Lam Sơn phục kích trong hang, bất ngờ tiến ra đánh thắng quân Minh, mở rộng địa bàn hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn. Vùng đất Ngọc Lặc còn có đền Mường Chẹ - làng Chiềng Quạc thờ Phò Mã và công chúa Lê Hoa, các đền thờ hai cha con tướng quân Lê Hiểm, gia đình Lê Lai, ba anh em Đinh Lễ, Đinh Liệt và Đinh Bồ...

Khởi nghĩa Lam Sơn – dấu son rạng ngời sử sách (Bài 4): Dấu tích khởi nghĩa Lam Sơn trên đất Thanh HóaGiữa các đỉnh núi cao của dãy Pù Mé có nhiều thung lũng khá bằng phẳng, được coi là nơi lui binh chiến lược tạm thời khá an toàn của nghĩa quân Lam Sơn xưa.

Ngược lên vùng núi Lang Chánh, dấu tích của khởi nghĩa Lam Sơn dường như dày đặc hơn qua các sử liệu lẫn di tích địa phương. Sách “Lam Sơn thực lục” có ghi: “Núi Chí Linh ở Mường Giao Lão (nay gồm các xã Giao An, Giao Thiện và Trí Nang - P.V). Đối với nghĩa quân Lam Sơn, núi Chí Linh là khu cứ địa quan trọng sau đất Lam Sơn. Trong khoảng năm, sáu năm của thời kỳ đầu khởi nghĩa Lam Sơn, Bình Định vương rút về căn cứ Linh Sơn 3 lần để củng cố lực lượng, tránh đối đầu với giặc Minh người đông, ngựa khỏe”. Cũng chính tại khu vực núi thiêng này, đã diễn ra sự kiện Lê Lai liều mình cứu chúa nổi tiếng trong lịch sử.

Nhiều sử liệu nghiên cứu về khởi nghĩa Lam Sơn cũng đề cập: “Đóng trong núi Chí Linh, được bảo vệ vững chắc như ở trong một tòa thành thiên nhiên vĩ đại do tạo hóa kỳ công xây dựng. Quân Minh đã dò biết nơi ở của Bình Định vương. Tướng giặc Mã Kỳ bổ sung quân vây chặt bốn mặt, chặn giữ các cửa ngõ, dùng kế vây thành diệt viện. Bị cắt đứt đường tiếp tế, chủ tướng Lê Lợi phải cho giết 4 thớt voi và con ngựa mình cưỡi để lấy thịt nuôi quân. Giặc mỗi ngày kéo đến thêm đông, bao vây mấy vòng. Tình thế quẫn bách, tướng quân Lê Lai đã đóng giả Lê Lợi và một đạo quân ra phá vòng vây, giặc Minh mắc mưu tưởng đã bắt được Lê Lợi”. 3 lần lui binh chiến lược tại Chí Linh, cộng lại là 5 tháng, 10 ngày, có bao nhiêu ngày hết lương thực, núi Chí Linh chính là nơi cung cấp các loại măng, nguồn nước suối, củ, quả rừng để nghĩa quân sống qua những ngày đầu của cuộc khởi nghĩa gian khổ. Ngọn núi thiêng này từng được nhắc đến trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi: “Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần/ Khi Khôi Huyện quân không một đội”.

Khu vực núi Chí Linh (Pù Rinh theo tên gọi ngày nay) hiện còn nhiều di tích, theo tương truyền liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, như hòn đá Bình Định vương hay ngồi, thác Ma Hao, vườn cam vua Lê, suối rượu... Địa danh vườn Cam, trên núi Pù Rinh, tương truyền đó là nơi Lê Lợi ươm hạt cam thành vườn để kỷ niệm người dân dâng cam cho nghĩa quân. Hay ở các xã Quang Hiến, Tam Văn, Tân Phúc, Đồng Lương thời kỳ khởi nghĩa Lam Sơn thuộc địa bàn Mường Chính đã diễn ra trận chiến đấu, tiêu diệt quân Minh của nghĩa quân Lê Lợi cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm Kỷ Hợi (1419) trên quả đồi Pu Chánh, Pu Giới, Pu Cút. Đây là trận “điệu hổ ly sơn” ở đông Nga Lạc quân ta thắng lớn...

Sách Địa chí huyện Lang Chánh cũng đề cập đến suối Láu (tiếng Thái là rượu), theo truyền thuyết, nơi đây thủ lĩnh Lê Lợi đã cho đổ rượu xuống suối “Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” thề cùng các tướng sĩ đồng cam, cộng khổ chống giặc Minh, khôi phục giang sơn. Câu chuyện về chùa Mèo gắn với sự tích một lần, khi hành quân qua chùa Chu, Lê Lợi và nghĩa quân đã vào chùa thắp hương cầu nguyện cho sự nghiệp kháng chiến thắng lợi. Lê Lợi thấy trong chùa vắng chỉ còn lại một con mèo, sai lính bắt lấy mang theo trên đường rút quân vào Hón Oi. Khi có tin cấp báo quân giặc ráo riết đuổi theo, Lê Lợi cho lính bỏ lại con mèo ở một rãnh đồi, ngày nay Nhân dân gọi là Hòn Bỏ Mèo. Đuổi giặc Minh xong, lên ngôi vua, Lê Lợi đã sắc chỉ đổi tên chùa Chu thành chùa Mèo.

Có thể dễ dàng thu thập nhiều thông tin truyền miệng và sử liệu liên quan đến khởi nghĩa Lam Sơn trên đất Quan Hóa, Bá Thước, Quan Sơn... Trong bài viết “Chí Linh Sơn dưới góc nhìn địa lý - lịch sử - văn hóa, nơi diễn ra cuộc hội thề giữa Lê Lợi và các tướng sĩ năm 1418”, nhà nghiên cứu Phạm Tấn thuộc Hội Khoa học lịch sử Thanh Hóa, đã nêu rõ: “Từ Lam Sơn - quê hương của nhà Lê - nơi khởi phát của cuộc khởi nghĩa đến Chí Linh sơn và toàn bộ miền núi rừng phía Tây Thanh Hóa đã đóng góp một vai trò hết sức to lớn và quan trọng. Nhờ có những năm hoạt động tại đây, nghĩa quân Lam Sơn mới có những điều kiện cần thiết để bảo tồn và phát triển lực lượng, đồng thời để Lê Lợi và nghĩa quân triển khai đánh địch một cách tài tình, cơ động theo phương châm “lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh” và biết dựa vào địa hình rừng núi hiểm trở theo tình hình cụ thể để bố trí mai phục, tấn công địch một cách chủ động, bất ngờ... Cũng nhờ có địa bàn rừng núi rộng lớn mà khi kẻ thù bị bao vây, truy sát, nghĩa quân vẫn có thể tiến, lui một cách dễ dàng, nhanh chóng”.

Bài và ảnh: Lê Đồng

(Bài viết có sử dụng các tài liệu nghiên cứu của Ban Quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh; các tài liệu tại Hội thảo khoa học “Anh hùng dân tộc Lê Lợi và Nhân dân Thanh Hóa với khởi nghĩa Lam Sơn”).

Bài cuối: Theo chân đoàn quân khởi nghĩa.

Tin liên quan:
  • Khởi nghĩa Lam Sơn – dấu son rạng ngời sử sách (Bài 4): Dấu tích khởi nghĩa Lam Sơn trên đất Thanh Hóa
    Khởi nghĩa Lam Sơn - dấu son rạng ngời sử sách (Bài 3): Hội thề Lũng Nhai - hội ...

    Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã phất cao ngọn cờ: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo”, do đó đã quy tụ nhân tâm, thu phục được lòng người. Cũng từ ngọn cờ đại nghĩa ấy đã làm nên Hội thề Lũng Nhai - hội thề lịch sử, hội thề của tinh thần quyết chiến, quyết thắng!

  • Khởi nghĩa Lam Sơn – dấu son rạng ngời sử sách (Bài 4): Dấu tích khởi nghĩa Lam Sơn trên đất Thanh Hóa
    Khởi nghĩa Lam Sơn - dấu son rạng ngời sử sách (Bài 2): Lãnh tụ Lê Lợi - “linh ...

    Bàn về tài lãnh đạo khởi nghĩa của Bình Định Vương Lê Lợi, sách “Đại việt sử ký toàn thư”, khẳng định: “Phép dụng binh của vua là biết lấy nhu để chế cương, lấy yếu để chế mạnh, cho nên hay thắng”. Nhờ vậy, “Kinh dinh thiên hạ trong khoảng 10 năm, dẹp yên loạn lớn mà nên nghiệp đế”!

  • Khởi nghĩa Lam Sơn – dấu son rạng ngời sử sách (Bài 4): Dấu tích khởi nghĩa Lam Sơn trên đất Thanh Hóa
    Khởi nghĩa Lam Sơn – dấu son rạng ngời sử sách (Bài 1): Mở ra thời đại “Muôn ...

    Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn được khẳng định là đỉnh cao trong các phong trào khởi nghĩa đầu thế kỷ XV, đã đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đi đến thành công. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa là thắng lợi của chính nghĩa, của lòng yêu nước được khơi dậy mạnh mẽ trong toàn thể Nhân dân ta. Đặc biệt, đó là thắng lợi của tinh thần và khả năng chiến đấu tuyệt vời của tập thể nghĩa quân Lam Sơn, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của chủ soái Lê Lợi!



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

15°C - 25°C
Ít mây, không mưa
  • 13°C - 25°C
    Ít mây, không mưa
  • 14°C - 25°C
    Ít mây, không mưa
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]