(Baothanhhoa.vn) - Hiện nay, các bệnh không lây nhiễm (BKLN) như: tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, ung thư, rối loạn tâm thần... có xu hướng ngày càng gia tăng. Hầu hết các BKLN phải dùng thuốc suốt đời. Vì vậy, việc triển khai công tác quản lý và điều trị các BKLN tại các cơ sở y tế, đặc biệt là ngay tại địa phương sẽ giúp người bệnh kiểm soát được tình trạng bệnh, giảm chi phí đi lại, giảm các tai biến và giảm gánh nặng bệnh tật. Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động này còn gặp nhiều khó khăn.

Khó quản lý bệnh không lây nhiễm ở cơ sở

Hiện nay, các bệnh không lây nhiễm (BKLN) như: tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, ung thư, rối loạn tâm thần... có xu hướng ngày càng gia tăng. Hầu hết các BKLN phải dùng thuốc suốt đời. Vì vậy, việc triển khai công tác quản lý và điều trị các BKLN tại các cơ sở y tế, đặc biệt là ngay tại địa phương sẽ giúp người bệnh kiểm soát được tình trạng bệnh, giảm chi phí đi lại, giảm các tai biến và giảm gánh nặng bệnh tật. Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động này còn gặp nhiều khó khăn.

Khó quản lý bệnh không lây nhiễm ở cơ sởKỹ thuật viên test đường huyết phát hiện bệnh đái tháo đường cho người dân xã Yên Khương (Lang Chánh).

Triển khai chương trình phòng chống BKLN, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa tập trung vào các biện pháp tăng cường truyền thông để giúp người dân hiểu về mức nguy hiểm của các BKLN; tăng cường chất lượng dịch vụ quản lý điều trị BKLN tại trạm y tế nhằm giảm quản lý bệnh nhân BKLN trong cộng đồng hiệu quả hơn thông qua hoạt động giám sát, tập huấn nâng cao năng lực... Theo đó, hằng năm, trung tâm đã tổ chức các đợt khám sàng lọc ở các xã trên địa bàn tỉnh, chú trọng vào một số xã có điều kiện kinh tế khó khăn, đường sá đi lại khó, xa cơ sở y tế. Đồng thời, tổ chức quản lý, điều trị cho người mắc BKLN; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe về phòng, chống BKLN trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên trách của trung tâm y tế, trạm y tế về hướng dẫn dự phòng, chẩn đoán, điều trị và quản lý BKLN; hướng dẫn triển khai sinh hoạt câu lạc bộ tăng huyết áp; hướng dẫn xây dựng kế hoạch hoạt động phòng chống BKLN; hướng dẫn thống kê báo cáo các căn bệnh này và tổ chức các đợt giám sát, chỉ đạo tuyến để hỗ trợ về chuyên môn.

Mặc dù ngành y tế đã có nhiều hình thức để triển khai các hoạt động phòng chống BKLN tại cộng đồng, song, thực tế hiện nay việc quản lý BKLN tại cộng đồng còn những khó khăn nhất định. Theo số liệu thống kê của Khoa Phòng chống BKLN, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh có gần 130.000 bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp, hơn 49.000 bệnh nhân đái tháo đường. Số thực tế được phát hiện thông qua các hoạt động tầm soát bệnh tại các bệnh viện và cộng đồng còn hạn chế. Hiện bệnh nhân mắc đái tháo đường đang được quản lý, tư vấn và cấp thuốc điều trị chiếm tỷ lệ hơn 90%; tổng số bệnh nhân tăng huyết áp đang được quản lý, khám và cấp thuốc điều trị chiếm tỷ lệ hơn 82%. Trong đó, số bệnh nhân được quản lý tại trạm y tế rất thấp so với số lượt người trong tỉnh được phát hiện bệnh. Nguyên nhân là do người dân chưa hiểu rõ về tác hại cũng như cách phòng tránh BKLN; tâm lý người dân không muốn điều trị tuyến dưới, bệnh nhân tự ý mua thuốc ở ngoài tự điều trị. Thêm vào đó, nhân lực tại các trạm y tế còn thiếu (nhân lực trong việc rà soát, điều tra bổ sung đối tượng, thiếu bác sĩ chuyên khoa một số BKLN); cán bộ chuyên trách tại một số trạm chưa được tập huấn về công tác phòng chống BKLN; trang thiết bị vật tư y tế (máy đo đường huyết, test đường huyết...) chưa có đủ; thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường cấp cho trạm y tế chưa đủ số lượng, chủng loại còn ít vì vậy công tác phòng chống BKLN tại trạm chủ yếu chỉ dừng ở khâu tư vấn, khám phát hiện kê đơn chưa điều trị thường xuyên cho bệnh nhân...

Bác sĩ Hà Văn Oái, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tam Chung (Mường Lát), cho biết: "Hiện trạm đang quản lý 145 bệnh nhân tăng huyết áp, 6 bệnh nhân đái tháo đường, trước đây khi chưa triển khai việc cấp thuốc tăng huyết áp định kỳ tại trạm nên bệnh nhân thường phải lên bệnh viện huyện khám và cấp thuốc. Mỗi lần đi như thế rất vất vả cho người bệnh và gia đình trong việc đi lại. Giờ thì triển khai cấp thuốc tại trạm thuận lợi rất nhiều cho người bệnh, có điều, thuốc điều trị tăng huyết áp không phải lúc nào ở trạm cũng có đầy đủ để cấp cho bệnh nhân".

Bác sĩ Nguyễn Đình Nam, Trưởng Khoa Phòng chống BKLN, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, cho rằng: "Hầu hết các BKLN phải dùng thuốc suốt đời. Vì vậy, việc triển khai công tác quản lý và điều trị các BKLN ngay tại trạm y tế xã là hiệu quả nhất, vì không chỉ giúp người bệnh kiểm soát tốt bệnh lý mà còn giảm chi phí đi lại do không phải đi xa, giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên... Điều đáng nói, BKLN có biểu hiện và triệu chứng bệnh không rầm rộ mà tiến triển âm thầm, dai dẳng, không đau đớn cấp tính nên nhiều người dân chủ quan. Phần lớn người mắc các BKLN được phát hiện khi biểu hiện bệnh quá nặng. Điều này gây khó khăn cho công tác điều trị cũng như phục hồi...".

Để phòng chống các BKLN, rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí thực hiện công tác tuyên truyền; nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế; mua sắm máy móc, trang thiết bị (test nhanh đường huyết, máy đo đường huyết cầm tay, máy đo mỡ máu...); tăng cường củng cố hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh để cung cấp các dịch vụ toàn diện, chuyên sâu và kỹ thuật cao cho chẩn đoán, điều trị bệnh nhân mắc BKLN... Từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Bên cạnh đó, người dân cần thay đổi lối sống, như tăng cường các hoạt động thể lực, bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý; tầm soát sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện, can thiệp sớm các BKLN.

Bài và ảnh: Tô Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]