(Baothanhhoa.vn) - Nếu như trước đây lao động phổ thông không có chứng chỉ, bằng cấp nghề vẫn dễ dàng tìm được việc làm thì nay dưới tác động của khoa học - công nghệ mới và quá trình tái cấu trúc lại doanh nghiệp, người lao động có trình độ, kỹ năng hạn chế sẽ khó thích ứng để tìm cho mình một “chỗ đứng” ổn định.

Khi lao động giá rẻ không còn là lợi thế

Nếu như trước đây lao động phổ thông không có chứng chỉ, bằng cấp nghề vẫn dễ dàng tìm được việc làm thì nay dưới tác động của khoa học - công nghệ mới và quá trình tái cấu trúc lại doanh nghiệp, người lao động có trình độ, kỹ năng hạn chế sẽ khó thích ứng để tìm cho mình một “chỗ đứng” ổn định.

Khi lao động giá rẻ không còn là lợi thếMột buổi học nghề của sinh viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa.

“Cánh cửa” việc làm ngày dần thu hẹp

Làm công nhân tại Công ty TNHH TCE ở xã Hoằng Đồng (Hoằng Hóa) được gần 3 năm, chị Nguyễn Thị Loan những tưởng sẽ được gắn bó lâu dài với công ty. Song, năm 2022, do khan hiếm đơn hàng nên công ty phải cắt giảm lao động và chị là một trong số những công nhân phải nghỉ việc dù sức khỏe ổn định. Chị Loan chia sẻ: Nghỉ việc đồng nghĩa với nguồn thu nhập chính của gia đình từ nhiều năm nay bị cắt giảm khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Chị cũng đã đi tìm việc mới ở nhiều nơi nhưng không công ty nào nhận vì tuổi tác, trình độ tay nghề không cao.

Cũng bởi không có bằng cấp, chứng chỉ nghề nên anh Lê Văn Hùng, ở phường Đông Cương (TP Thanh Hóa) “bất đắc dĩ” phải nghỉ việc do công ty cắt giảm nhân sự. Trước đó, anh được một công ty may tiếp nhận vào làm và đào tạo ngắn hạn để đảm nhiệm công đoạn là ủi sản phẩm trong chuyền sản xuất.

Không bị mất việc như chị Loan, anh Hùng, nhưng thu nhập của chị Nguyễn Thị Hà, công nhân của một công ty thuộc Tập đoàn Hoa Lợi, có địa chỉ tại Khu Công nghiệp Lễ Môn (TP Thanh Hóa) bị sụt giảm do số đơn hàng bị giảm sút, công ty không tổ chức tăng ca mà còn giảm giờ làm. “Trước đây thu nhập của tôi gần 7 triệu đồng/tháng, nhưng nay chỉ còn trên dưới 5 triệu đồng/tháng, trong khi đủ thứ phải chi tiêu khiến cuộc sống của gia đình khó khăn hơn rất nhiều. Nếu công ty cắt giảm thêm lao động, tôi khó có cơ hội ở lại bởi tuổi tác, mà xu hướng của công ty hiện nay là tiếp nhận những lao động trẻ, khỏe, linh hoạt, nhanh thích ứng với công nghệ...” - chị Hà chia sẻ.

Theo thống kê, thời điểm cuối năm 2022 và đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh có hơn 20 doanh nghiệp (DN) thiếu đơn hàng, phải giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động với khoảng 7.000 người. Khi khoa học - công nghệ ngày càng phát triển, lao động giá rẻ sẽ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài. Với quy mô dân số lớn nhưng chất lượng lao động chưa cao, rất có thể tỉnh ta sẽ còn phải chịu sức ép về giải quyết việc làm và đối mặt với tình trạng gia tăng tỷ lệ lao động thất nghiệp, thiếu việc làm.

"Cánh cửa" cho lao động mất việc làm

Nhằm giảm tình trạng lao động thất nghiệp, thiếu việc làm, UBND tỉnh đã ban hành công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường theo dõi, nắm bắt, kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, chi trả lương, thưởng cho người lao động của DN, nhất là lao động bị mất việc, thiếu việc làm tạm thời. Đối với ngành lao động - thương binh và xã hội thực hiện kịp thời các giải pháp, chính sách về lao động - việc làm, phát triển thị trường lao động. Nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ việc làm; chỉ đạo tổ chức tốt các phiên giao dịch việc làm định kỳ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và phiên lưu động tại các huyện, thị xã, thành phố. Cập nhật dữ liệu, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động và hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm phù hợp. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn lao động. Hướng dẫn DN xây dựng, củng cố quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, hướng đến mục tiêu mức tiền lương DN chi trả cho người lao động được xác lập thông qua thương lượng, thỏa thuận.

Bên cạnh đó, người lao động cần trang bị kiến thức, kỹ năng... bằng việc tham gia học nghề. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề thích ứng với điều kiện sản xuất mới. Thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy và học nghề. Hình thành mạng lưới cơ sở giáo dục có đủ năng lực đào tạo nhân lực các cấp trình độ trong giáo dục nghề nghiệp. Thực hiện có hiệu quả các hoạt động gắn kết hoạt động giáo dục nghề nghiệp với DN, góp phần tạo nguồn nhân lực có trí tuệ, tay nghề, năng lực tốt, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hiện nay.

Bài và ảnh: Mai Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]