(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, việc duy trì và phát triển làng nghề truyền thống được huyện Quảng Xương quan tâm thực hiện hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Huyện Quảng Xương phát triển làng nghề truyền thống gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân

Những năm qua, việc duy trì và phát triển làng nghề truyền thống được huyện Quảng Xương quan tâm thực hiện hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Huyện Quảng Xương phát triển làng nghề truyền thống gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dânXã Quảng Phúc có 5 làng nghề dệt chiếu cói truyền thống được UBND tỉnh công nhận làng nghề.

Nghề làm chiếu cói ở 5/6 làng thuộc xã Quảng Phúc (Quảng Xương) vẫn được duy trì theo năm tháng. Điều đó là nhờ người dân nơi đây tâm huyết với nghề và được chính quyền địa phương quan tâm khuyến khích phát triển. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phúc, Hoàng Xuân Thi: Không ai nhớ nghề này có từ bao giờ, chỉ biết đây là nghề truyền thống lâu đời, theo kiểu “Cha truyền con nối”. Trải qua biết bao thăng trầm, các làng nghề vẫn được lưu giữ và ngày càng phát triển tại địa phương. Với gần 400 ha diện tích đất trồng cói, sản lượng cói toàn xã đạt gần 8.000 tấn/năm. Tận dụng nguồn nguyên liệu này, người dân đã mạnh dạn đầu tư máy móc, mở rộng quy mô nhà xưởng để nâng cao hiệu quả của làng nghề dệt chiếu truyền thống. Nghề sản xuất chiếu cói ở xã Quảng Phúc thực sự phát triển mạnh trong khoảng 15 năm nay. Hiện nay, toàn xã có hơn 200 máy dệt chiếu, bình quân mỗi ngày cung cấp ra thị trường khoảng 80.000 lá chiếu các loại. Nhờ ứng dụng công nghệ, cải tiến mẫu mã nên sản phẩm chiếu của xã có giá cạnh tranh cao, thị trường sản phẩm mở rộng trên toàn quốc. Trong tháng 3-2022, sản phẩm chiếu cói Quảng Phúc đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Việc công nhận sản phẩm OCOP là điều kiện để xã xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chiếu cói Quảng Phúc, nâng cao giá trị thu nhập cho người dân.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phúc: Để tìm đầu ra cho sản phẩm chiếu cói của địa phương, chúng tôi phải cử người đi đến các địa phương như Thái Bình, Nam Định và các tỉnh phía Nam để tìm đơn hàng, bởi vậy sản phẩm chiếu cói Quảng Phúc đang từng bước xâm nhập vào thị trường. Qua đó đời sống, kinh tế của người dân ngày một cải thiện hơn. Đến nay nghề làm chiếu trong xã đang thu hút gần 5.000 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân khoảng 8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra còn tạo công ăn việc làm cho khoảng 7.000 lao động phụ, lao động nhàn rỗi.

Bên cạnh các làng nghề dệt chiếu, những năm gần đây, nghề trồng đào của người dân xã Quảng Chính cũng phát triển khá ổn định. Với giống đào phai cánh kép, được lưu truyền trong Nhân dân từ lâu đời; trước đây người dân chủ yếu trồng trong vườn nhà để làm cây cảnh trưng ngày tết trong gia đình, sau khi nhận thấy giá trị kinh tế từ cây đào mang lại vào dịp cuối năm, người dân xã Quảng Chính đã chuyển hướng canh tác nhỏ lẻ sang trồng tập trung với số lượng quy mô lớn và ngày càng được nhân rộng. Được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, toàn xã đã phát triển được 25 ha diện tích trồng đào. Dịp Tết Nguyên đán năm 2023, tổng doanh thu từ cây đào đạt 24 tỷ đồng; hộ trồng nhiều nhất có diện tích là 6.000 m2; hộ trồng ít nhất cũng có diện tích 200 m2; bình quân mỗi hộ cho thu nhập từ khoảng 70 triệu/hộ/năm, hộ nhiều đạt thu nhập từ 400-500 triệu đồng/năm.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Quảng Xương có hơn 20 nghề tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động thu hút gần 10.000 lao động; có 10 xã hoạt động nghề truyền thống và làng nghề, như: chiếu cói, mây tre đan, nước mắm, chế biến hải sản, tái chế cao su, trồng đào... Đến nay, UBND tỉnh đã công nhận 5 làng nghề dệt chiếu cói truyền thống ở xã Quảng Phúc là: Ngọc Bình, Ngọc Đới, Ngọc Nhị, Văn Giáo, Liên Sơn và 5 làng nghề trồng đào xã Quảng Chính là: thôn Phú Lương, thôn Chính Đa, thôn Thanh Xuân, thôn Ngọc Diêm 1, Ngọc Diêm 2. Ngoài các làng nghề được công nhận, còn có một số nghề cũng khá phát triển, phải kể đến như nghề làm nước mắm và nghề chế biến hải sản Quảng Nham. Một trong những nét đặc trưng làm nên thương hiệu nước mắm Quảng Nham chính là nước mắm truyền thống được làm hoàn toàn bằng phương pháp ủ thủ công. Với quy trình chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm, không sử dụng hóa chất bảo quản, nên các sản phẩm nước mắm Quảng Nham không chỉ thu hút khách hàng trong tỉnh mà còn được xuất bán nhiều cho các tỉnh: Ninh Bình, Hà Nội, Thái Nguyên, Sơn La, Tuyên Quang...

Để tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển, huyện Quảng Xương đã chỉ đạo các ban, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm khôi phục, duy trì và mở rộng các ngành nghề truyền thống, trong đó, chú trọng mở các lớp tập huấn, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dạy nghề, truyền nghề, bảo đảm học viên, người lao động sau khi học nghề có thể thực hành, áp dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh; khuyến khích phát triển các sản phẩm, làng nghề trên cơ sở ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; đa dạng hóa sản phẩm về mẫu mã, kiểu dáng; nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của thị trường; hỗ trợ vốn, xây dựng thương hiệu tiến tới xây dựng sản phẩm đạt thương hiệu OCOP gắn tiêu thụ với quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Ngoài ra, huyện cũng đang tập trung thực hiện các giải pháp trong Đề án “Duy trì, phát triển nghề, làng nghề trên địa bàn huyện Quảng Xương giai đoạn 2021-2025”. Ông Vương Hồng Lương, Phó trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Quảng Xương cho biết: Hiện nay huyện đang tập trung, hỗ trợ các địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng, vùng nguyên liệu, máy móc, thiết bị và chuyển giao công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường; hỗ trợ đào tạo nghề cho một bộ phận lao động nông thôn nhàn rỗi, dôi dư và lao động yếu thế; hỗ trợ các hộ có nghề tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất; kêu gọi các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển các làng nghề, ngành nghề nông thôn. Đồng thời, chú trọng giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở các làng nghề; hướng dẫn đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ; tăng cường các hoạt động quảng bá sản phẩm từ các làng nghề gắn làng nghề với các hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội truyền thống; hỗ trợ ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của lao động làng nghề đạt từ 8-10 triệu đồng/người/tháng. 100% sản phẩm làng nghề được xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, mở rộng thị trường”.

Có thể nói, bên cạnh tạo việc làm, nâng cao mức sống cho người dân, các làng nghề trên địa bàn huyện Quảng Xương đang đóng góp quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo, lưu giữ truyền thống văn hóa của cộng đồng dân cư trong làng nghề, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn.

Bài và ảnh: Minh Khanh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]