Hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới ở Ngọc Trạo
Những tuần gần đây, các sở, ngành là thành viên Hội đồng Thẩm định xã đạt chuẩn NTM tỉnh Thanh Hóa đã về thẩm định tại xã Ngọc Trạo (Thạch Thành). Qua kiểm tra, các ngành đánh giá xã miền núi này đã cơ bản hoàn thành 10 tiêu chí NTM. Đây là kết quả của những nỗ lực trong nhiều năm của chính quyền và Nhân dân vùng chiến khu cách mạng xưa.
Mô hình kinh tế vườn đồi ở thôn Dọc Dành, xã Ngọc Trạo.
Từ thành công trong huy động sức dân cũng như tranh thủ các nguồn vốn đầu tư từ Trung ương, tỉnh và huyện, đến thời điểm này, Ngọc Trạo đã có hệ thống hạ tầng khang trang. Là xã miền núi nhưng giao thông vùng đất bán sơn địa này đã được kiên cố gần như hoàn toàn. Hiện tại, tổng số 10km đường xã, đường từ trung tâm xã đến đường huyện, trục thôn và liên thôn trên địa bàn đã được mở rộng, rải nhựa và bê tông hóa kiên cố hoàn toàn. 45 tuyến ngõ xóm với gần 30km cũng được sự chung tay góp sức của Nhân dân để kiên cố hóa 100%. Hệ thống đường giao thông nội đồng và các công trình thủy lợi của xã cũng được đầu tư kiên cố, đáp ứng nhu cầu vận chuyển trong sản xuất và tưới tiêu để nông nghiệp địa phương phát triển đột phá.
Là xã có địa hình rộng tới gần 1.677ha, dân cư phân bố không tập trung, song Ngọc Trạo đã hoàn thành tiêu chí số 4 về điện. Xã có tới 7 trạm biến áp với tổng công suất 1.120KVA. Gần 27km đường dây hạ áp được đầu tư, bảo đảm cung cấp đủ nguồn điện cho sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân. Hiện tại, 1.025 hộ dân đều sử dụng điện, đạt tỷ lệ 100%. Trong thực hiện tiêu chí thứ 9 về “Nhà ở dân cư”, Ngọc Trạo đã thành công xóa nhà tạm bợ, dột nát. Những ngôi nhà khang trang, thiết kế hiện đại ven các tuyến đường đang góp phần thay đổi diện mạo ở vùng quê đổi mới.
Là vùng quê văn hóa - cách mạng gắn với Chiến khu du kích Ngọc Trạo, địa phương chú trọng phát triển hệ thống thiết chế văn hóa và tôn tạo, xây dựng các di tích. Đây cũng chính là nội dung của việc thực hiện tiêu chí thứ 6 trong XDNTM về “Cơ sở vật chất văn hóa”. Ngoài “địa chỉ đỏ” là di tích Chiến khu du kích Ngọc Trạo ngay ở trung tâm xã, địa phương còn xây dựng được khu trung tâm văn hóa - thể thao xã với tổng diện tích 3.210m2, trong đó có hội trường đa năng gần 600m2 với 250 chỗ ngồi, sân vận động xã gần 12.000m2, khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em và người cao tuổi ngay cạnh trụ sở UBND xã... Cả 5/5 thôn trong xã hiện đã có nhà văn hóa gắn khu vui chơi, thể dục - thể thao được xây dựng khang trang. Các công trình, thiết chế văn hóa ở Ngọc Trạo thực sự đã trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, tập luyện thể dục - thể thao, các phong trào văn hóa - văn nghệ hàng ngày của Nhân dân địa phương.
Xuyên suốt hành trình XDNTM hơn chục năm qua, xã Ngọc Trạo xác định tiêu chí số 13 về “tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn” là động lực. Những đồi thấp thoai thoải được người dân phát triển kinh tế đồi rừng, gia trại hiệu quả. Về Ngọc Trạo thời điểm này, những vườn cây ăn quả, những mô hình kinh tế tổng hợp trù phú đều có ở khắp các thôn. Người dân đưa khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xã khuyến khích dồn đổi đất, đưa cây và con giống mới có năng suất và hiệu quả cao vào nuôi, trồng. Địa phương có HTX dịch vụ nông nghiệp, đứng ra làm cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp để tổ chức các mô hình liên kết sản xuất. Ngoài nhiều cây trồng nông nghiệp, nhiều năm qua 100% diện tích mía nguyên liệu của xã được triển khai theo mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ. Hiện xã có sản phẩm Mật ong hoa rừng Ngọc Tiến đạt tiêu chuẩn OCOP và VietGAP. Hoạt động tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn từng bước phát triển nhờ sự phát triển chung của kinh tế - xã hội địa phương. Thông tin từ UBND xã Ngọc Trạo cho thấy, tổng giá trị sản xuất năm 2024 của địa phương ước đạt 806,8 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp đạt khoảng 155,6 tỷ đồng, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng hơn 215 tỷ đồng, giá trị dịch vụ và ngành nghề khác ước đạt gần 436 tỷ đồng.
Là xã có điểm xuất phát thấp, nhưng nhờ công tác tuyên truyền sâu rộng và liên tục, người dân hiểu được ý nghĩa của XDNTM nên có sự đồng hành với chính quyền. Tiêu chí sản xuất phát triển, đưa thu nhập bình quân đầu người của xã đến nay đạt 51,28 triệu đồng/người/năm, cao hơn ngưỡng quy định của xã miền núi tới 6,28 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo trong xã liên tục giảm, hiện chỉ còn 1,38%.
Kinh tế - xã hội phát triển chính là điều kiện để địa phương thực hiện thành công các tiêu chí NTM. Theo thống kê của UBND xã Ngọc Trạo, địa phương đã huy động tổng nguồn lực 183 tỷ đồng để thực hiện bộ tiêu chí NTM. Trong số đó, nguồn lực huy động từ cộng đồng đạt 150 tỷ đồng, ngân sách Trung ương, tỉnh và huyện hỗ trợ gần 23,3 tỷ đồng qua các chương trình, dự án...
Những ngày đầu tháng 11 này, Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ của Ngọc Trạo để trình Hội đồng Thẩm định xã đạt chuẩn NTM tỉnh Thanh Hóa tại hội nghị thẩm định trong ít ngày tới.
Bài và ảnh: Lê Đồng
{name} - {time}
-
2025-01-19 19:57:00
Huyện Thọ Xuân - hành trình đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc Trung bộ (Bài cuối): Quyết tâm giữ “chuẩn” sau đạt chuẩn
-
2025-01-19 15:12:00
Xã ban hành cơ chế hỗ trợ - động lực xây dựng NTM nâng cao
-
2024-11-10 10:21:00
Xuân Cao nỗ lực hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới
Yên Định quyết tâm cao, nỗ lực lớn trở thành huyện đạt chuẩn NTM nâng cao
Thiệu Hoá phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới nâng cao trước Đại hội Đảng bộ huyện
Lan tỏa mô hình hay trong xây dựng nông thôn mới
Hành trình trở thành huyện đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao
Trên 297.000 tỷ đồng ngân sách cho Chương trình xây dựng nông thôn mới
Thực hiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới
Điểm sáng trong phong trào xây dựng khu dân cư kiểu mẫu ở xã Hải Long
Nhân dịp huyện Hà Trung đón nhận Quyết định công nhận huyện Nông thôn mới: Thành công từ tâm huyết và sự đồng thuận
Đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển