(Baothanhhoa.vn) - Hiệu quả mô hình kinh tế tập thể trong phát triển sản phẩm OCOP

Hiệu quả mô hình kinh tế tập thể trong phát triển sản phẩm OCOP

Với tiềm năng đất đồi rừng rộng lớn, từ ngàn đời nay, đồng bào Thái ở xã miền núi Phú Nghiêm (Quan Hóa) đã lấy măng rừng để chế biến thành những món ăn đặc trưng. Nơi đây có loại măng muối kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm với những bí quyết và công thức riêng, sản phẩm đã khá nổi tiếng. Những năm gần đây, măng rừng muối chua lấy tên Piềng Cú đã trở thành sản phẩm thương mại được bán ra thị trường, gắn với tên gọi một thung lũng có rất nhiều măng ở địa phương.

Hiệu quả mô hình kinh tế tập thể trong phát triển sản phẩm OCOP

Lò sấy măng khô tập trung của HTX sản xuất, thương mại và dịch vụ Thanh Lâm, xã Thanh Lâm (Như Xuân).

Giai đoạn cuối năm 2021, xã Phú Nghiêm cũng như huyện Quan Hóa đã gửi hồ sơ để măng muối tham gia xét chọn sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất theo từng hộ khá nhỏ lẻ, không bảo đảm nguồn hàng liên tục nếu số lượng đơn hàng nhiều.

Với sự định hướng của Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới tỉnh, chủ cơ sở sản xuất lớn nhất ở xã là anh Phạm Bá Tân đã đứng ra đăng ký thành lập “Tổ hợp tác măng chua Tân Thành, xã Phú Nghiêm” để kết nối, kêu gọi thêm 8 chủ cơ sở măng muối ở địa phương cùng tham gia. Từ đó, các hộ có sự tương trợ, tính toán đầu ra, đầu vào sản phẩm hợp lý hơn. Việc sản xuất cũng theo hướng tập thể, quy mô sản lượng lớn hơn, xuất bán sản phẩm theo kênh các chuỗi cung ứng thực phẩm cũng như các cửa hàng bán sản phẩm OCOP trong tỉnh. Tháng 3–2022 vừa qua, việc tập hợp nhiều hộ vào một tổ chức sản xuất được đánh giá cao, sản phẩm măng chua Piềng Cú được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh. Sau khi trở thành sản phẩm OCOP, lượng sản phẩm bán ra tăng đột biến, ở địa phương có thêm một số hộ xin tham gia vào chuỗi sản xuất theo tổ chức chung.

Trước đó, câu chuyện về măng khô Thanh Lâm của xã Thanh Lâm (Như Xuân) cũng có nhiều nét tương đồng. Sản phẩm măng nứa, măng luồng từ dãy núi Bù Mùn và các đồi rừng sản xuất ở địa phương được nhiều hộ phơi sấy, nhưng mạnh ai nấy làm, sản phẩm chỉ tiêu thụ trong phạm vi nhỏ hẹp. Từ khi HTX sản xuất, thương mại và dịch vụ Thanh Lâm được chính quyền địa phương giao tập hợp các hộ dân trong xã, yêu cầu chế biến theo quy trình, quy định về an toàn thực phẩm và nhập sản phẩm măng nên chủ động được nguồn cung lâu dài. HTX cũng chính là chủ thể đứng ra đề nghị và triển khai các khâu hồ sơ đề nghị, sau đó sản phẩm “Măng khô Thanh Lâm” đã được công nhận sản phẩm OCOP. Cũng từ đó, sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi hơn với vị thế là một sản vật đặc trưng của vùng miền núi xứ Thanh. Nhiều tháng gần đây, sản phẩm măng khô OCOP của xã Thanh Lâm luôn trong tình trạng thiếu hàng cung cấp cho nhu cầu thị trường.

Ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, chia sẻ: “Trong quá trình khảo sát, kiểm tra để định hướng những nông sản, sản phẩm đặc trưng ở các vùng miền trong tỉnh thành sản phẩm OCOP, chúng tôi đã tư vấn cho các địa phương cũng như các chủ hộ sản xuất phải thành lập HTX hoặc các tổ hợp tác. Chính tiêu chí về chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP, Trung ương cũng có những ưu tiên để thiên về khuyến khích doanh nghiệp, HTX làm chủ thể chứ không nhiều cơ chế khuyến khích một hộ dân. Với các sản phẩm có hồ sơ hoặc trong kế hoạch của các huyện đề nghị xét chọn sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm trong số đó chúng tôi phải tạm hoãn xét hồ sơ để yêu cầu tập hợp các hộ thành tổ hợp tác để định hướng sản xuất sản phẩm theo cùng một quy chuẩn, cùng giúp nhau phát triển”.

Cũng theo ông Bùi Công Anh, gần đây nhất là trước đợt xét chọn sản phẩm OCOP lần 2 năm 2022, một hộ dân ở xã Thành Long, huyện Thạch Thành đề xuất bánh lá răng bừa truyền thống thành sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát, ở địa phương cũng có nhiều hộ cũng sản xuất sản phẩm này nên Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới tỉnh đã yêu cầu địa phương và chủ thể sản xuất phải tổ chức thành lập tổ hợp tác mới xét chấm điểm. Sau khi được vận động, các chủ hộ sản xuất đồng tình trở thành thành viên tổ hợp tác để triển khai sản xuất, kinh doanh theo mô hình chung theo một đầu mối. Tháng 9–2022 vừa qua, sản phẩm truyền thống địa phương đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao với tên gọi chung là “Bánh lá Lan Như – Cổ Tế”, gắn với địa danh sản xuất.

Vừa qua, hai sản phẩm thủ công mỹ nghệ là sọt cói Tân Thọ và đĩa cói Tân Thọ của các hộ dân xã Tân Thọ (Nông Cống) được công nhận sản phẩm OCOP đợt 2 tỉnh Thanh Hóa nhờ được định hướng sản xuất và các hoạt động liên quan nhờ HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ hoạt động hiệu quả, khá năng động. Cũng tại xã, sản phẩm bình giữ nhiệt bằng tre cũng do một hộ đề xuất xét chọn sản phẩm OCOP, nhưng ở địa phương có nhiều hộ sản xuất nên hiện đang được yêu cầu thành lập HTX để tập hợp các chủ thể thành một tổ chức.

Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, sản phẩm bánh nhãn Hồi Xuân xuất bán ra thị trường với sản lượng tăng hàng chục lần so với những năm trước đó. Trên địa bàn thị trấn Hồi Xuân, nhiều năm trước có khoảng 60 hộ sản xuất bánh nhãn nhưng đa phần chỉ sản xuất thời vụ vào dịp giáp Tết Nguyên đán. Hơn 2 năm qua, 15 hộ trong số đó được tập hợp vào tổ hợp tác, có đầu ra bền vững cho sản phẩm nên không những tổ chức sản xuất quanh năm mà còn mở rộng thêm quy mô sản xuất. Hiện nay, mỗi năm 15 hộ sản xuất trong tổ hợp tác đều sản xuất khoảng từ 15 đến 20 tấn sản phẩm/năm, cho doanh thu trên dưới 2 tỷ đồng.

Trong 40 sản phẩm OCOP mới nhất vừa được Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh đợt 2 – 2022 vào tháng 9 này, có tới 10 chủ thể sản xuất là các tổ hợp tác, HTX. Điều này phần nào cho thấy, hiệu quả vận hành mô hình kinh tế tập thể quy mô nhỏ ở các vùng quê đã phát huy, nhất là trong sản xuất sản phẩm OCOP.

Bài và ảnh: Linh Trường


Bài và ảnh: Linh Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]