Hiện đại hóa ngành chăn nuôi - những vấn đề đặt ra (Bài 1): Ngành chăn nuôi Thanh Hóa - thuận lợi và khó khăn đan xen
Tỉnh Thanh Hóa được đánh giá là địa phương có dư địa lớn để phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong đó, chăn nuôi vốn là ngành sản xuất truyền thống, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Do đó, tỉnh luôn có “trợ lực” kịp thời để ngành có bước phát triển cả về lượng và chất, dần trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, tạo sinh kế và nâng cao đời sống cho người dân. Tuy nhiên, trước sự tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan, đòi hỏi nội bộ ngành chăn nuôi Thanh Hóa cần chủ động phát triển, đổi mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa, hướng tới xuất khẩu.
Trang trại chăn nuôi gia cầm trong khu trang trại tập trung xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc).
Nhiều tiềm năng, thuận lợi...
Với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế, thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho chăn nuôi. Nhờ đó, tính đến tháng 12/2023, tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh thuộc nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, với 25,3 triệu con gia cầm, 1,3 triệu con lợn, 455 nghìn con trâu, bò... được phát triển ở 1.080 trang trại và 739.350 hộ dân. Ngoài ra, toàn tỉnh còn thu hút được 72 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi quy mô lớn, với nhiều đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài. Nhờ đó, hình thành được 269 chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi an toàn.
Cùng với định hướng phát triển chung của ngành nông nghiệp, những năm gần đây, lĩnh vực chăn nuôi tỉnh ta đã và đang phát triển theo hướng tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, tỉnh đã quy hoạch, phát triển được vùng chăn nuôi lợn hướng nạc, vùng chăn nuôi bò sữa, vùng chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại các huyện Như Thanh, Hà Trung, Thạch Thành, Nga Sơn, Yên Định, Cẩm Thủy, Nông Cống, Thọ Xuân...; đồng thời, hỗ trợ phát triển được 47 khu/cụm trang trại chăn nuôi tập trung.
Tại huyện Vĩnh Lộc, địa phương được đánh giá là một trong những vùng có truyền thống, dư địa để phát triển chăn nuôi quy mô lớn, việc chăn nuôi nhỏ lẻ đã được hạn chế, thay vào đó là những mô hình trang trại, cụm trang trại chăn nuôi hiện đại, hàm lượng kỹ thuật cao. Bà Đặng Thị Bắc, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Lộc, cho biết: Nhờ tuyên truyền, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện phát triển chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao nên hoạt động chăn nuôi trên địa bàn huyện đang có sự chuyển dịch mạnh theo hướng giảm tỷ lệ chăn nuôi nông hộ, tăng chăn nuôi tập trung, quy mô trang trại. Toàn huyện có 8 cụm trang trại chăn nuôi tập trung trên địa bàn các xã Vĩnh Phúc, Ninh Khang, Vĩnh Hòa, Vĩnh Long, Vĩnh Hưng. Để nâng cao hiệu quả công tác chăn nuôi, UBND huyện Vĩnh Lộc đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh, đảm bảo môi trường với quy mô phù hợp từng loại vật nuôi, vùng miền, qua đó góp phần nâng cao giá trị, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm và tiến tới mục tiêu phát triển bền vững.
Được biết, những năm qua, tỉnh đã triển khai hàng chục đề án, dự án nhằm thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển, như: Đề án phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2030... Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã chủ động tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; khôi phục, duy trì đàn lợn giống cụ, kỵ, ông bà; nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ; hỗ trợ xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tiêu chuẩn VietGAP; tạo liên kết chuỗi trong sản xuất chăn nuôi; hỗ trợ quản lý và xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi... Việc phát triển nhanh chóng các khu, cụm công nghiệp với số lượng nhân công lớn cũng là mảnh đất “màu mỡ” để tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi. Theo thống kê, có 75% sản lượng của ngành chăn nuôi sản xuất ra cung cấp cho thị trường trong tỉnh (đáp ứng được 95% nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân) và 25% sản lượng sản xuất cung cấp ra tỉnh ngoài, với nhiều sản phẩm của ngành chăn nuôi được hỗ trợ, phát triển thành nhóm sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP.
Tất cả những tiềm năng, lợi thế và sự tạo điều kiện, hỗ trợ từ các cấp chính quyền, địa phương chính là những thuận lợi để tạo đà cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Đây là tín hiệu đáng mừng, khẳng định cho vai trò quan trọng và sự đóng góp của lĩnh vực chăn nuôi đối với sự phát triển chung của kinh tế - xã hội địa phương.
...nhưng không ít khó khăn
Mặc dù có nhiều lợi thế để phát triển nhưng ngành chăn nuôi tỉnh Thanh Hóa đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, như: Chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao (đàn lợn 55%, đàn gia cầm 78%, đàn trâu bò 92% tổng đàn); nhận thức của người dân về chăn nuôi an toàn sinh học và chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm còn hạn chế. Giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu tăng do phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, khiến giá thành sản xuất “đội lên”. Ở nhiều thời điểm, người chăn nuôi phải duy trì đàn song lợi nhuận gần như không có, thậm chí thua lỗ...
Trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn tại xã Vân Sơn (Triệu Sơn).
Không chỉ chịu áp lực từ giá, tình hình dịch bệnh phức tạp cũng là trở ngại lớn đối với người chăn nuôi. Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện nay công tác phòng, chống dịch bệnh luôn được ngành nông nghiệp và các địa phương quan tâm thực hiện. Do đó, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi của tỉnh cơ bản được bảo đảm. Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi vẫn liên tục phải phòng, chống, bảo vệ đàn vật nuôi bởi nguy cơ dịch bệnh luôn tiềm ẩn, nhất là đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Gia đình ông Bùi Đức Thành, khu phố Phong Lượng, thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) nhiều năm qua luôn duy trì tổng đàn từ 100 con lợn thịt/lứa trở lên. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song gia đình ông vẫn duy trì sản xuất. Ông Thành cho biết: Ở nhiều thời điểm, giá thức ăn chăn nuôi tăng trung bình từ 10 đến 15% và dao động từ 380.000 đến 500.000 đồng/bao 25kg. Cùng với đó, các loại chi phí chăm sóc, tiêm vắc-xin tăng, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi khá phức tạp, do đó nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn thị trấn đã “đóng chuồng” để tránh thiệt hại kinh tế.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có 103 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh; trong đó 49 cơ sở chăn nuôi lợn, 4 cơ sở chăn nuôi bò, 50 cơ sở chăn nuôi gia cầm được chứng nhận an toàn dịch bệnh. Mặc dù tỉnh Thanh Hóa có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh ngành chăn nuôi, song việc liên kết, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, chưa phát triển được nhiều chuỗi liên kết sản xuất trong chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ. Ngoài ra, việc đầu tư phát triển cơ sở giết mổ, chế biến sâu sản phẩm chăn nuôi chưa hiệu quả và thói quen sản xuất, tiêu dùng, sử dụng sản phẩm chăn nuôi của người dân... chính là những nguyên nhân “kìm hãm” sự phát triển của lĩnh vực này. Do đó, để ngành chăn nuôi Thanh Hóa phát triển theo hướng hiện đại, bền vững cần sự hỗ trợ kịp thời từ các cấp chính quyền địa phương và doanh nghiệp.
Bài và ảnh: Nhóm PV
Bài 2: Sự trợ lực kịp thời gỡ khó cho ngành chăn nuôi.
- 2024-11-02 14:20:00
Hoằng Hóa làm tốt quy hoạch để du lịch cất cánh
- 2024-11-02 14:19:00
Vướng mắc trong triển khai nhiều dự án trọng điểm
- 2023-12-11 08:19:00
Kinh tế năm: Xuất khẩu kỳ vọng bứt phá
Lasuco ra mắt “thức uống” sữa trái cây Lavina bảo vệ sức khỏe toàn diện cho trẻ
Phát triển kinh tế số tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng
Giải bài toán ngân hàng “thừa” tiền nhưng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu
Doanh nghiệp Trung Quốc khảo sát, đánh giá năng lực sản xuất sản phẩm từ tổ yến tại Thanh Hóa
Kết nối doanh nhân - giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Tháo gỡ khó khăn trong áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp
Phát triển ổn định vùng nguyên liệu rừng trồng gỗ lớn
Hội Nông dân huyện Quan Hóa hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế
Giải ngân vốn đầu tư công: Cần quyết tâm, quyết liệt và trách nhiệm hơn nữa