Hát nhà trò trên đất Văn Trinh xưa
Đất Văn Trinh xưa (nay thuộc xã Quảng Hợp, Quảng Xương) là một trong những địa danh ghi dấu trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông ở thế kỷ XIII, đồng thời cũng là cái nôi sản sinh ra hát nhà trò Văn Trinh - văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Thành viên CLB hát nhà trò Văn Trinh. Ảnh: Vân Anh
Về Quảng Hợp hỏi nguồn gốc của hát nhà trò Văn Trinh, hầu hết người dân làng Văn Trinh đều tường tận. Bởi, sự ra đời của loại hình văn hóa phi vật thể này gắn liền với một giai đoạn lịch sử hào hùng của đất Văn Trinh và một trong những vị tướng tài ba trong lịch sử phong kiến Việt Nam là Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật.
Trần Nhật Duật là con thứ 6 của vua Trần Thái Tông. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, với nhãn quan quân sự tài tình, ông đã chọn vùng đất Văn Trinh là chốt chặn khi quân giặc tấn công vào Thanh Hóa. Văn Trinh lúc bấy giờ là một khu vực rậm rạp thuận lợi cho việc cất giấu binh lực. Tại đây, dưới sự chỉ huy của Trần Nhật Duật, quân dân nhà Trần đã tổ chức nhiều trận đánh ác liệt làm chậm đường tiến quân của địch, tạo thế và lực vững chắc để từ đó tiến quân ra Bắc bằng hai đường thủy, bộ, tổng phản công đánh đuổi giặc ra khỏi bờ cõi.
Sau chiến thắng vang dội, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật được bổ nhiệm là Tri phủ Thanh Hóa, vùng đất Văn Trinh là thái ấp. Từ đó, ông cùng Nhân dân khai hoang, lập làng mở rộng diện tích. Sau khi ông mất, ghi nhớ công lao, Nhân dân đã lập đền thờ tại sườn núi Văn Trinh. Từ đó, đền thờ Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật trở thành tâm điểm của một vùng đất lịch sử.
Không những là vị tướng tài ba, Trần Nhật Duật còn được hậu thế nhắc đến với danh xưng “tổ sư” của âm nhạc thời Trần. Ông có năng khiếu thiên bẩm về âm nhạc, tinh thông nhạc lý, sành âm luật, giỏi đặt lời ca, điệu múa... Tương truyền, mỗi lần thắng trận trở về hay trong những dịp vui, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật lại tổ chức hát mừng cùng tướng sĩ. Các khúc ca, điệu hát được Trần Nhật Duật sáng tác khi ở vùng đất Văn Trinh nên tên đất cũng được đặt tên cho di sản hát nhà trò.
Hát nhà trò Văn Trinh là điển lễ được dân gian hóa, ngoài những khuôn mẫu riêng, những bài hát trong quá trình lưu truyền đã được Nhân dân sáng tạo và bồi đắp thêm chất liệu từ cuộc sống đời thường nên màu sắc, ca từ càng trở nên phong phú, cuốn hút. Phải chăng vì lẽ đó mà những tao nhân, mặc khách trên đường thiên lý Bắc - Nam nếu dừng chân ghé lại vùng đất Văn Trinh đều mê mẩn, đắm say trước tiếng đàn phách mê ly, lời ca mượt mà, điệu múa uyển chuyển của các ca nương để rồi lưu luyến không muốn rời.
Hát nhà trò Văn Trinh có hát nói, hát dâng hương, hát đối, ngâm câu đối, hát phú... với sự kết hợp hài hòa giữa thanh âm trống chầu, đàn đáy và tiếng hát của ca nương. Cũng như các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống khác, sự thăng trầm của lịch sử khiến hát nhà trò Văn Trinh có thời gian bị mai một, thất truyền. Năm 2006 chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan chuyên môn mời Nghệ sĩ Ưu tú Bạch Vân mở lớp tập huấn dạy hát nhà trò Văn Trinh, biết tin người dân xã Quảng Hợp rất vui mừng, ai ai cũng mong muốn được góp sức để làm “sống dậy” một giá trị văn hóa phi vật thể, niềm tự hào của người dân nơi đây.
Nhớ lại những ngày người dân trong làng sôi nổi đăng ký tham gia lớp tập huấn, bà Hoàng Thị Kỳ, chủ nhiệm đầu tiên Câu lạc bộ (CLB) hát nhà trò Văn Trinh, chia sẻ: “Thời điểm đó các cụ cao tuổi trong làng cùng với chính quyền nỗ lực phục dựng lại từng khúc hát, điệu múa. Còn lớp chúng tôi, tuy chưa từng được tham gia biểu diễn bao giờ, chỉ nghe về hát nhà trò Văn Trinh qua những câu chuyện kể, lời ru của bà, của mẹ... nhưng chúng tôi hiểu rằng đây là một trong những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông để lại, chúng tôi sẽ là những người có trách nhiệm giữ gìn”.
Với trách nhiệm của thế hệ đi sau, bà Kỳ và các thành viên trong CLB không ngại vất vả, bỏ thời gian công sức để học tập. Bên cạnh đó, mọi người còn tự nghiên cứu, tìm hiểu thêm về hát nhà trò, nhằm tự trang bị kiến thức và có thêm tài liệu quý kể cho con cháu nghe.
Quyết tâm của chính quyền và sự đồng thuận của người dân đã đưa khúc của hát nhà trò tiếp tục vang vọng trên đất Văn Trinh xưa. Để đến nay, tiếng hát và điệu múa ấy vẫn được gìn giữ, tiếp tục là niềm tự hào của người dân Quảng Hợp. Chị Lê Thị Thu, chủ nhiệm CLB đồng thời là ca nương chủ lực, cho biết: “CLB đã mở các lớp dạy hát, dạy múa, dạy đàn cho thế hệ trẻ, trong đó có nhiều học sinh. Đến lớp, nghệ nhân không chỉ dạy hát nhà trò, mà còn kể những câu chuyện lịch sử để khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào quê hương”.
Ngày 26/4/2024 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định công nhận nghệ thuật trình diễn dân gian hát nhà trò Văn Trinh chính thức trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vui, tự hào của người dân xã Quảng Hợp nói riêng, người dân Quảng Xương nói chung.
Vân Anh
- 2024-11-08 14:28:00
Đất Mường Xia và Tướng quân Tư Mã Hai Đào
- 2024-11-07 16:15:00
Pù Luông - Mùa đông ngủ yên trên triền núi
- 2024-10-04 20:11:00
Nức tiếng Kẻ Go xưa
[E-Magazine] – Một đời gùi chữ lên non
Trên quê hương Nông hội đỏ
Cuộc đời thăng trầm của danh tướng Lê Ngân
Dấu tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ở hang Bàn Bù
Làng cổ Tường Vân
Trần Văn Vĩnh - dũng tướng dưới triều vua Minh Mạng
Huyền thoại về những nữ dân quân bắn rơi máy bay Mỹ
Người cựu TNXP hết lòng vì Trường Sơn thân yêu
Lưu Đình Chất: Danh quan tài đức