Hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu đối mặt với nhiều thách thức
Người dân mua sắm tại siêu thị ở Bordeaux, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trong bối cảnh châu Âu đang chuẩn bị để ứng phó với một cuộc chiến thương mại tiềm tàng khi ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, hai nền kinh tế lớn nhất châu lục này đang đối mặt với nhiều thách thức.
Theo dự kiến, trong năm 2025, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Đức giậm chân ở mức 0% năm thứ hai liên tiếp, trong khi con số này của Pháp chưa đạt 1%.
Trong bài viết trên trang Project Syndicate, ông Kenneth Rogoff, từng là nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng những biện pháp đơn giản như tăng chi tiêu hoặc hạ lãi suất khó có thể giải quyết các vấn đề của châu Âu.
Ví dụ, các chính sách kích thích mạnh mẽ của Pháp đã đẩy thâm hụt ngân sách của nước này lên 6% GDP, trong khi tỷ lệ nợ/GDP của Pháp đã tăng vọt lên 112%, so với mức 95% vào năm 2015.
Năm 2023, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải đối mặt với những cuộc biểu tình trên diện rộng liên quan đến quyết định nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Christine Lagarde, gần đây đã cảnh báo quỹ đạo tài chính của Pháp không bền vững nếu không tiến hành cải cách sâu rộng.
Thị trường nợ gần đây đã bắt đầu nhận ra những rủi ro mà tình trạng gia tăng nợ công của Pháp có thể gây ra.
Đáng chú ý, hiện nay Chính phủ Pháp phải trả lãi suất cao hơn so với Tây Ban Nha khi vay nợ. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nhận định Pháp có rủi ro tài chính cao hơn so với Tây Ban Nha.
Đây là một sự thay đổi đáng chú ý, vì trước đây Pháp thường được coi là một quốc gia có nền tài chính ổn định hơn Tây Ban Nha.
Gánh nặng nợ nần của Pháp gần như chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế trong dài hạn.
Ông Rogoff nhận định gánh nặng nợ lớn sẽ cản trở tăng trưởng GDP khi hạn chế khả năng của chính phủ trong việc ứng phó với tình trạng kinh tế đi xuống và suy thoái.
Trong khi đó, với tỷ lệ nợ công ở mức 63% GDP, Đức có nhiều dư địa để tiếp thêm sinh lực cho cơ sở hạ tầng và cải thiện hệ thống giáo dục.
Nếu được thực hiện hiệu quả, những khoản đầu tư có thể tạo ra sức tăng trưởng dài hạn, đủ để bù đắp chi phí.
Song ông Rogoff lưu ý “không gian tài khóa” chỉ có giá trị khi được sử dụng hợp lý. Cơ chế “phanh nợ” của Đức (hạn chế thâm hụt ngân sách hàng năm ở mức 0,35% GDP) lại quá cứng nhắc.
Hơn nữa, việc tăng chi tiêu công mà không đi cùng với cải cách mạnh mẽ sẽ không mang lại tăng trưởng bền vững.
Cụ thể, Đức cần khôi phục lại các cải cách từ đầu những năm 2000, vốn đã giúp thị trường lao động của Đức trở nên linh hoạt hơn và góp phần đưa nước này trở thành một nền kinh tế năng động. Tuy nhiên, sự chuyển hướng chính sách kinh tế đã làm đảo ngược phần lớn những tiến bộ này.
Một minh chứng rõ nét đó là sân bay Brandenburg ở Berlin, chỉ mới đi vào hoạt động vào năm 2020, muộn 10 năm so với kế hoạch và chi phí bị đội lên gấp ba lần so với dự toán ban đầu.
Đầu tháng 11/2024, chính phủ liên minh ba đảng của Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã sụp đổ sau khi ông sa thải Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner của đảng Dân chủ Tự do (FDP) vào sau nhiều tháng bất đồng sâu sắc về kế hoạch ngân sách năm 2025.
Sau quyết định sa thải Bộ trưởng Tài chính, FDP đã rút khỏi chính phủ, thu hẹp liên minh của Thủ tướng Scholz thành một chính phủ thiểu số.
Giữa tình hình bất ổn chính trị, Đức đang đối mặt với những thách thức ngày càng gia tăng và đe dọa đến vị thế là cường quốc kinh tế của châu Âu.
Khi xung đột Nga-Ukraine tiếp tục làm suy yếu lòng tin của các nhà đầu tư, các cơ sở công nghiệp của Đức vẫn chưa thể phục hồi sau khi mất đi nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga.
Trong khi đó, ngành công nghiệp ôtô Đức đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe điện. Các hãng xe Đức đã tụt lại phía sau các đối thủ toàn cầu, và xuất khẩu sang Trung Quốc cũng giảm mạnh.
Các chuyên gia nhận định nếu không có những thay đổi mạnh mẽ, kinh tế Đức sẽ gặp khó khăn trong việc lấy lại sự năng động và linh hoạt cần thiết để chống chọi với tác động từ cuộc chiến thuế quan sắp tới của ông Trump.
Mặc dù hầu hết các nền kinh tế châu Âu khác đang đối mặt với những thách thức tương tự, nhưng kinh tế Italy có thể tăng trưởng tích cực hơn dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Giorgia Meloni.
Tây Ban Nha và một số nền kinh tế nhỏ hơn, đặc biệt là Ba Lan, có thể lấp đầy một phần khoảng trống mà Đức và Pháp để lại.
Tuy nhiên, các nền kinh tế này không thể hoàn toàn bù đắp cho sự suy yếu của hai nền kinh tế có sức nặng nhất của EU.
Triển vọng kinh tế có thể sẽ u ám hơn nhiều nếu không có sức hấp dẫn lâu dài của châu Âu như một điểm đến du lịch, đặc biệt là đối với du khách Mỹ.
Tuy nhiên, triển vọng của kinh tế châu Âu trong năm 2025 vẫn khá ảm đạm. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế đối với Đức và Pháp, khi cho rằng khủng hoảng chính trị và nhu cầu toàn cầu suy yếu đã ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của hai nền kinh tế hàng đầu châu Âu.
OECD, dự đoán kinh tế Đức sẽ tăng trưởng 0,7% vào năm tới, giảm so với dự báo trước đó là 1,1%. Trong khi đó, Pháp cũng bị cắt giảm 0,3% trong dự báo tăng trưởng từ 1,2% xuống còn 0,9%./.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2025-01-19 13:22:00
Người biểu tình tấn công tòa án Hàn Quốc: Biểu tình bạo lực và phản ứng quốc tế
-
2025-01-19 09:21:00
Nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump - Ý nghĩa đối với Trung Đông và Ukraine
-
2024-12-17 08:35:00
Xu hướng “toàn cầu hóa” các cuộc xung đột trong năm 2024
Đâu là mặt trận chính nếu Thế chiến thứ III nổ ra?
Quốc gia nào sẽ thay thế Iran ở Syria?
Liệu tên lửa “Oreshnik” của Nga có thay đổi quy tắc chiến tranh hạt nhân?
Mọi thứ chỉ mới bắt đầu ở Syria
Tại sao Israel tấn công Syria?
Kỷ nguyên mới ở Syria và vị thế của Iran
Ai được chỉ định lập chính phủ mới để quản lý giai đoạn chuyển tiếp ở Syria?
Tại sao Syria nhanh chóng sụp đổ?
Cục diện Syria đối với người Mỹ - “Bất chiến tự nhiên thành”