(Baothanhhoa.vn) - Để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị các sản phẩm nông nghiệp, huyện Nông Cống đã đẩy mạnh xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mở rộng vùng liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững.

Góp phần phát triển nông nghiệp bền vững tại huyện Nông Cống

Để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị các sản phẩm nông nghiệp, huyện Nông Cống đã đẩy mạnh xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mở rộng vùng liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững.

Góp phần phát triển nông nghiệp bền vững tại huyện Nông CốngMô hình trồng nho Hạ Đen tại xã Tế Lợi (Nông Cống).

Bắt đầu mô hình sản xuất rau - củ - quả - cây ăn quả an toàn theo hướng công nghệ cao từ năm 2020, HTX sản xuất nông nghiệp sạch Chung Thủy ở tiểu khu Lê Xá 2, thị trấn Nông Cống hiện có quy mô hơn 13.000m2. Nhờ sản xuất theo hướng công nghệ cao, việc sản xuất của người dân khá thuận lợi. Hiện nay HTX sử dụng nhà màng, nhà lưới hiện đại trồng các loại rau thủy canh theo công nghệ cao như cải bó xôi, cải canh, cải ngọt, xà lách, dưa chuột aiko, dưa lưới Nhật Bản. Để đáp ứng yêu cầu sản xuất theo hướng hiện đại, HTX đã đầu tư các loại máy phun sương, vận hành lưới điện, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng hệ thống tưới ấm theo công nghệ Israel, hệ thống điện thắp sáng, sử dụng phân bón hữu cơ,... để trồng các loại rau mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội. Các sản phẩm của HTX có mặt ở nhiều nhà hàng, siêu thị, trường học trong và ngoài huyện, được người tiêu dùng đón nhận. Doanh thu của HTX đạt hơn 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hàng chục lao động với thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn, theo chuỗi giá trị là hướng đi tất yếu cả trước mắt và lâu dài, huyện Nông Cống đã ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích như: hỗ trợ hạ tầng các khu trang trại, hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới; hỗ trợ các mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, thu hút doanh nghiệp và sản xuất nông nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản. Đến nay, huyện đã tích tụ được 1.409,7 ha diện tích để xây dựng các mô hình nông nghiệp sản xuất theo hướng công nghệ cao, quy mô lớn. Trong đó lĩnh vực trồng trọt 738 ha; chăn nuôi 600 ha; thủy sản 71,7 ha; diện tích liên kết trong sản xuất đạt trên 3.000 ha. Các mô hình, chuỗi liên kết mang lại giá trị kinh tế cao trong sản xuất trên địa bàn các xã, thị trấn như: mô hình sản xuất liên kết bao tiêu sản phẩm sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP đem giá trị thu nhập từ 150 - 160 triệu đồng/ha; mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh (diện tích 500 ha) sản xuất lúa nếp hương, lúa thuần, giá trị thu nhập từ 130 - 150 triệu đồng/ha tại các xã Minh Khôi, Trường Sơn, Tượng Văn, Trung Chính; mô hình sản xuất rau an toàn tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP (diện tích 37 ha), giá trị thu nhập bình quân từ 180 - 200 triệu đồng/ha/năm tại các xã Thăng Long, Vạn Hòa, Vạn Thắng, Công Liêm, Trường Sơn, Thăng Bình, Yên Mỹ; mô hình sản xuất rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao tại các xã Hoàng Giang, Tế Lợi, Trường Sơn, Thăng Long, Vạn Hòa, thị trấn Nông Cống. Đồng thời, xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước tại các xã Yên Mỹ, Công Chính, Công Liêm, Thăng Long, Tượng Sơn, Tượng Lĩnh giá trị thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng/ha... Giá trị sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Nông Cống tăng từ 130% đến 200% so với sản xuất truyền thống, sản phẩm an toàn và bảo đảm vệ sinh môi trường.

Bên cạnh đó, huyện Nông Cống cũng đã thu hút được hàng chục doanh nghiệp vào sản xuất nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư để thực hiện các dự án lớn, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại, như: dự án chăn nuôi bò và chế biến sữa tập trung tại xã Yên Mỹ với quy mô 20.000 con; dự án sản xuất cây rau má và cây dược liệu tại xã Tượng Sơn; dự án sản xuất mùn hữu cơ xuất khẩu tại xã Vạn Thắng. Huyện cũng đã thành lập được các HTX chăn nuôi, như: HTX chăn nuôi bò sữa nông hộ công nghệ cao tại Yên Mỹ, HTX nuôi trồng thủy sản tại Trường Giang; HTX chăn nuôi dê an toàn sinh học tại Hoàng Sơn... Cùng với đó, nhiều trang trại đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, như ứng dụng công nghệ chuồng kín, máng ăn, uống tự động, đệm lót sinh học, sử dụng công nghệ xử lý chất thải...

Huyện Nông Cống đang tiếp tục thực hiện phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả, bền vững. Đặc biệt, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, ưu tiên áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học trong sản xuất, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Ngoài ra, huyện cũng đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP; xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm chủ lực của địa phương. Tiếp tục quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với truy xuất nguồn gốc và cấp chứng nhận chất lượng, nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị sản xuất một cách bền vững, cải thiện thu nhập, đời sống Nhân dân.

Bài và ảnh: Khánh Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]