(Baothanhhoa.vn) - Hệ thống di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) ở Thanh Hóa hết sức phong phú và đa dạng, mang đậm bản sắc của từng dân tộc. Thế nhưng “kho tàng” di sản này lại đang từng ngày đối mặt với nguy cơ hoặc đã mai một. Đây là thực trạng cần được quan tâm hiện nay.

Giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể (Bài 2): Những thách thức cho sự tồn tại bền vững

Hệ thống di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) ở Thanh Hóa hết sức phong phú và đa dạng, mang đậm bản sắc của từng dân tộc. Thế nhưng “kho tàng” di sản này lại đang từng ngày đối mặt với nguy cơ hoặc đã mai một. Đây là thực trạng cần được quan tâm hiện nay.

Giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể (Bài 2): Những thách thức cho sự tồn tại bền vữngÔng Lê Văn Ba (bên trái), xã Thạch Lập (Ngọc Lặc) là người am hiểu về mo Mường.

Nhiều DSVHPVT đứng trước nguy cơ mai một

Về xã Thạch Lập (Ngọc Lặc), mảnh đất có tới 93% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Chúng tôi đến nhà ông Lê Văn Ba, thôn Thạch Yến, một trong số ít những người còn lại trong xã am hiểu về mo Mường. Khi nhắc đến mo Mường, ánh mắt ông hiện rõ lên niềm vui nhưng cũng không khỏi trăn trở. Ông chia sẻ: Đến nay, dù mo Mường đã được vinh danh là DSVHPVT quốc gia, nhưng không tránh khỏi nguy cơ mai một. Bởi trên thực tế, các bài mo của người Mường chủ yếu được lưu truyền từ thế hệ thầy mo này qua thế hệ thầy mo khác bằng phương pháp truyền miệng và được tồn tại, duy trì thông qua các nghi lễ trong dân gian của người Mường. Chính vì vậy trong quá trình lưu truyền thì số lượng câu mo, bài mo không còn được đầy đủ như ban đầu. Bên cạnh đó, số lượng các cuốn sách, ấn phẩm nghiên cứu về văn hóa của dân tộc Mường nói chung và di sản văn hóa mo Mường nói riêng không nhiều. Vì vậy quá trình nghiên cứu, phổ biến, truyền dạy di sản văn hóa cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Hơn nữa, việc truyền “nghề” mo Mường lại chủ yếu theo hình thức “cha truyền con nối” mà không phải ai cũng có đam mê để theo nghề. Do đó, lớp người am hiểu như chúng tôi rất băn khoăn, trăn trở là làm sao để mo Mường ngày càng được lan tỏa trong đời sống cộng đồng.

Ông Phạm Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Thạch Lập (Ngọc Lặc), cho hay: Mo Mường là tài sản văn hóa quý giá của đồng bào dân tộc Mường. Từ khi sinh ra, trải qua các sự kiện lớn của đời người cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay đều có sự hiện diện của mo. Trong khi đó, số lượng thầy mo trong xã ngày càng ít dần, chỉ còn khoảng 3 người, đa số đều trên 60 tuổi. Mà lớp trẻ rất ít người muốn và có khả năng theo học mo. Bởi, để học mo Mường đòi hỏi phải có tố chất, am hiểu sâu sắc văn hóa Mường, có đạo đức, uy tín và đầy đủ đạo cụ, đồ cúng (từ các đời cha, ông đã từng làm nghề truyền lại). Do đó, địa phương cũng đang rất lo lắng trong việc bảo tồn giá trị của mo Mường.

Tại huyện Thạch Thành, theo chia sẻ của bà Lê Thị Hương, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện: DSVHPVT trên địa bàn huyện hết sức phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là nhiều nét văn hóa truyền thống đã và đang dần mai một hoặc bị mai một hẳn. Nguy cơ cao nhất là trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mường. Năm 2020, huyện đã làm một cuộc khảo sát và kiểm kê về tổng số loại bộ trang phục truyền thống của người Mường trên địa bàn được sử dụng trong ngày thường. Kết quả, tổng số trang phục đối với nam chỉ có 761 bộ/37.703 người dùng trong ngày thường, 1.245 bộ/37.703 người dùng trong ngày lễ, tết. Đối với nữ, chỉ có 6.629 bộ/42.042 người dùng trong ngày thường, 7.605 bộ/42.042 người dùng trong ngày lễ, tết. Thực tế hiện nay, không chỉ trang phục mà nhiều loại hình văn hóa phi vật thể giàu giá trị và đặc trưng tộc người (tri thức dân gian, nghệ thuật truyền thống, trang phục, phong tục tập quán...) cũng đang dần biến mất trong đời sống cộng đồng. Thực trạng đó đang đặt ra vấn đề rằng, nếu địa phương không có kế hoạch bảo tồn, thì dần dần các yếu tố văn hóa gốc, văn hóa truyền thống sẽ bị thất truyền theo thời gian.

Thời gian qua, đã có không ít lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh được “hồi sinh” thông qua việc phục dựng thành công và đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia. Thế nhưng, để di sản phát huy giá trị hậu vinh danh đang là điều băn khoăn của không ít địa phương. Bởi phần lớn là thiếu kinh phí để có thể duy trì tổ chức. Còn nhớ, cách đây không lâu, ngày 20-6-2017, không chỉ người dân xã Yên Ninh (Yên Định), mà còn đông đảo Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã vô cùng vui mừng và tự hào khi địa phương có di sản được đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia. Cụ Trịnh Đình Quý - một trong số ít người xã Yên Ninh còn am hiểu về lễ hội Trò Chiềng cho hay: Lễ hội Trò Chiềng được tổ chức lần cuối cùng vào tháng Giêng năm Ất Dậu 1945. Sau đó, do biến cố lịch sử nên suốt một thời gian dài, Nhân dân không có điều kiện tổ chức. Đến năm 2007, thể theo nguyện vọng của Nhân dân, cùng với sự giúp đỡ của các bậc cao niên trong làng và các cơ quan liên quan, lễ hội Trò Chiềng đã được khôi phục và được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng hàng năm, với kỳ vọng từ đây giá trị của lễ hội sẽ được lan tỏa trong cộng đồng. Song, thay vì việc tổ chức với hệ thống gồm 12 trò diễn (trò rước cỗ vàng, trò rước cỗ gà, trò chọi voi...) tái hiện tất cả mọi lĩnh vực của cuộc sống, lao động, sản xuất, chiến đấu, vui chơi, giải trí... thì vài năm trở lại đây, lễ hội cũng chỉ được tổ chức rút gọn thành một nghi lễ nhỏ theo nhu cầu tín ngưỡng của địa phương như lễ rước kiệu, tế lễ trong đình làng Trịnh Xá.

Theo thống kê từ Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn Di sản văn hóa Thanh Hóa, đến nay tổng số DSVHPVT đã được kiểm kê trên địa bàn tỉnh là 863 di sản ở 26 huyện, thị xã, thành phố, với 7 loại hình (gồm: tiếng nói - chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian). Cũng như bức tranh với những gam màu sáng - tối đối lập, trong quá trình kiểm kê có nhiều DSVHPVT còn tồn tại và đang được thực hành trong đời sống cộng đồng. Song cũng có không ít di sản đứng trước nguy cơ mai một và đã bị mai một. Theo kết quả kiểm kê, hiện nay số

DSVHPVT còn tồn tại và phát triển là 393 di sản; trong khi số DSVHPVT có nguy cơ mai một là 232 và đã bị mai một là 238 di sản. Như vậy, số lượng các DSVHPVT đang tồn tại và phát huy giá trị chiếm ít hơn nhiều so với tổng số di sản được kiểm kê. Những con số đó đã phần nào phản ánh thực trạng tồn tại và tiêu biến của nhiều DSVHPVT trong đời sống cộng đồng hiện nay.

Những trăn trở của nghệ nhân

Qua hai lần xét duyệt danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) năm 2015 và 2018, tỉnh Thanh Hóa đã có 40 người đạt được danh hiệu này. Mới đây nhất, vào đợt xét duyệt lần thứ 3 năm 2021, tỉnh Thanh Hóa lại vinh dự có thêm 2 cá nhân được trao tặng danh hiệu NNND, 25 cá nhân được trao tặng NNƯT, truy tặng danh hiệu NNND, NNƯT cho 1 cá nhân. Việc được vinh danh không chỉ là sự động viên to lớn về mặt tinh thần đối với những nghệ nhân, người đang nắm giữ hồn cốt dân gian, mà còn là niềm tự hào của người dân xứ Thanh.

Suốt mấy chục năm thực hành Ngũ trò Viên Khê (dân ca Đông Anh), bà Lê Thị Liên, xã Đông Khê (Đông Sơn) đã được công nhận là NNƯT. Vinh dự, phấn khởi bao nhiêu thì áp lực và trách nhiệm gìn giữ di sản càng lớn bấy nhiêu. Bởi theo bà, “khó khăn trước kia là làm sao kế thừa được vốn liếng ít ỏi truyền lại từ lớp nghệ nhân trước, còn cái khó bây giờ là vận động lớp trẻ tham gia, giữ gìn. Do đó, lớp nghệ nhân như chúng tôi cứ động viên nhau sẽ cùng cố gắng bảo vệ không để di sản của ông cha mai một. Tuy nhiên, thực trạng đáng lo hiện nay là hầu hết những người “giữ lửa” cho loại hình văn hóa phi vật thể này đã cao tuổi, sức yếu. Do đó, làm thế nào để các “báu vật” ấy được tiếp thêm “lửa”, để văn hóa truyền thống các dân tộc sống mãi trong Nhân dân là điều mà chúng tôi luôn trăn trở?”.

Việc phong tặng NNND, NNƯT là sự ghi nhận dành cho những người đã có nhiều cống hiến trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị DSVHPVT. Song đằng sau danh hiệu này thì chế độ đãi ngộ cho nghệ nhân cũng là vấn đề đáng quan tâm. Kể từ năm 2018, Nghị định số 109/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với NNND và NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn với 3 mức hỗ trợ là 1 triệu đồng, 850 nghìn đồng, 700 nghìn đồng/người/tháng. Nhưng trong số các NNND, NNƯT đã được công nhận, một số có lương hưu nên hàng tháng không được hưởng bất kỳ khoản trợ cấp nào, còn một số nghệ nhân khác dù không có lương hưu, hoàn cảnh khó khăn nhưng cũng chưa được hưởng chế độ đãi ngộ theo Nghị định số 109.

Qua 3 lần xét duyệt NNND, NNƯT, xã Đông Khê (Đông Sơn) có tổng số 12 người được công nhận là NNƯT. Trong số đó mới có NNƯT Nguyễn Thị Cốc được hưởng chế độ đãi ngộ của Nhà nước theo Nghị định 109 với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. Nhưng đáng nói là đến nay trong số 12 người được công nhận chỉ còn 7 người, 5 người đã mất do tuổi cao sức yếu, để lại một khoảng trống trong việc bảo tồn DSVHPVT của địa phương. Trước thực trạng đó, nhiều người đã đặt ra câu hỏi: Với các nghệ nhân ở tuổi xưa nay hiếm thì liệu có còn đủ sức để chờ đợi được hưởng chế độ của Nhà nước hay không?

Nhìn lại công tác tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân văn hóa dân gian trên địa bàn tỉnh cho thấy, ngoài một số địa phương đã tích cực triển khai như Thọ Xuân, Hoằng Hóa..., thì nhiều địa phương khác vẫn “giậm chân tại chỗ”. Huyện Ngọc Lặc có 1 NNND, 4 NNƯT (1 người đã mất), nhưng hiện nay vẫn chưa có nghệ nhân nào được hưởng chế độ theo Nghị định 109. Nói về việc được hưởng chế độ sau khi được vinh danh, NNƯT Phạm Vũ Vượng, xã Quang Trung (Ngọc Lặc) trần tình: "Để bảo tồn DSVHPVT của dân tộc mình là cả một chiến lược dài hơi, chứ không phải chuyện một sớm, một chiều. Bởi vậy, đòi hỏi con người ta phải có tâm, có tình cảm, thời gian và cả kinh phí. Mình có tình cảm, nhưng thời gian thì không còn nhiều, mà kinh phí thì cũng rất khó khăn. Tuy hài lòng, vì suốt cuộc đời mình đã đi truyền dạy, đã biểu diễn cho nhiều người nghe và được bà con Nhân dân đón nhận; đã thấy một lớp trẻ sẵn sàng tiếp nối truyền thống của dân tộc, thế nhưng, trong xu thế hướng ngoại như hiện nay thì việc bảo tồn

DSVHPVT của dân tộc đang là một điều cực kỳ đáng lo ngại, đặt ra trách nhiệm lớn cho lớp nghệ nhân.

Ông Phạm Đình Cường, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ngọc Lặc thừa nhận: Chế độ đãi ngộ cho nghệ nhân dù ít, dù nhiều đó cũng là sự động viên, khuyến khích rất lớn đối với họ. Song, do các nghệ nhân trong huyện đã được công nhận là NNND, NNƯT đều không thuộc diện khó khăn thì không được hưởng hỗ trợ.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Điện ảnh Thanh Hóa cho rằng: Bảo tồn, phát huy vốn di sản văn hóa dân tộc hiện nay cần có sự chắt lọc những tinh túy, các giá trị truyền thống đặc sắc, nhưng đồng thời cũng phải bắt nhịp cuộc sống hiện đại, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của công chúng. Bởi vậy, chúng tôi đã có kế hoạch lưu giữ, truyền dạy các giá trị văn hóa độc đáo này. Đồng thời, cũng không thể để các nghệ nhân nhận danh hiệu xong rồi để đó, mà theo tôi phải có những “mảnh đất” để các nghệ nhân phô diễn tài năng, tâm huyết, chẳng hạn như tổ chức các hội thi, hội diễn, đi giao lưu, biểu diễn với các địa phương trong cả nước... Ngoài ra, chế độ cho các NNND, NNƯT cũng là điều đáng quan tâm. Bởi cả đời họ đã miệt mài cống hiến cho việc bảo tồn DSVHPVT của dân tộc.

Rõ ràng việc phong tặng danh hiệu NNND, NNƯT sẽ mở ra cơ hội tốt để một tỉnh giàu giá trị DSVHPVT như Thanh Hóa bảo tồn và khẳng định những giá trị độc đáo của các dân tộc trên địa bàn. Bởi vậy, cần nhiều hơn nữa sự quan tâm, những chiến lược bảo tồn, phát huy di sản từ các cấp, ngành, các địa phương một cách quyết liệt hơn.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

Bài cuối: Tạo sức sống bền vững trong cộng đồng.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]