(Baothanhhoa.vn) - “Được đi học lớp cảm tình Đảng, tôi vui vì thấy mình tự tin hơn”. Vừa nói, chị Nguyễn Thị Lan vừa thoăn thoắt đôi tay làm việc trong khu chuồng trại ở bản Bá, xã Trung Hạ (Quan Sơn), nơi có cả trăm con lợn thịt chuẩn bị được xuất chuồng.

Gieo “hạt giống đỏ” trong các cấp hội phụ nữ

“Được đi học lớp cảm tình Đảng, tôi vui vì thấy mình tự tin hơn”. Vừa nói, chị Nguyễn Thị Lan vừa thoăn thoắt đôi tay làm việc trong khu chuồng trại ở bản Bá, xã Trung Hạ (Quan Sơn), nơi có cả trăm con lợn thịt chuẩn bị được xuất chuồng.

Gieo “hạt giống đỏ” trong các cấp hội phụ nữChị Lương Thị Lực ở bản Xuân Sơn, xã Sơn Điện (Quan Sơn) bên trang trại cá tầm của gia đình.

Ở bản Bá, xã Trung Hạ, chị Nguyễn Thị Lan là một điển hình trong phát triển kinh tế. Sinh ra ở tỉnh Nam Định, theo chồng vào Quan Sơn, chị buôn bán đủ mặt hàng từ ngô, sắn cho đến cá khô, thực phẩm... nhưng do “kém duyên”, thu nhập bấp bênh, không ổn định. Nhìn thấy diện tích đất của bố mẹ chồng còn bỏ hoang, chị bỏ công khai phá, rồi dùng tiền tích cóp đầu tư chuồng trại chăn nuôi với con lợn, con gà từ năm 2017. Ban đầu chỉ là gần 10 con lợn thịt, rồi đến 50 con, nếm trải qua cảnh thua lỗ do dịch bệnh, nhưng kiên trì cũng thành công, đến giờ, khu chuồng trại của chị đã có hơn 100 con lợn thịt, hơn 10 con lợn nái.

Ngoài nuôi lợn, gà, chị còn trồng cây ăn quả, rau xanh, nuôi cá để cải thiện bữa ăn gia đình. Đồng thời cung ứng lợn giống và truyền đạt kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, giúp nhiều gia đình hội viên phụ nữ trong bản cải thiện, nâng cao thu nhập. Cũng từ đó, chị có “tiếng nói”, rồi tích cực cùng với Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trung Hạ, chi hội phụ nữ bản Bá vận động hội viên tham gia các phong trào của hội cấp trên và địa phương, như trồng hoa ven đường, làm đẹp cảnh quan nông thôn, vận động gây quỹ giúp đỡ hội viên phụ nữ trong bản có hoàn cảnh khó khăn...

Trong lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng được Huyện ủy Quan Sơn tổ chức tháng 8/2023 dành cho 47 hội viên phụ nữ ưu tú của huyện, ở bản Bá, xã Trung Hạ chỉ duy chị Nguyễn Thị Lan được giới thiệu tham gia. Chị là người nhiều tuổi nhất lớp (42 tuổi), nhưng là một trong 5 học viên có thành tích xuất sắc nhất. Chị chia sẻ: “Ngày trước nói chuyện trước bà con, mình còn rụt rè lắm. Được học lớp cảm tình Đảng mình thấy tự tin hơn vì hiểu được nhiều chủ trương của Đảng. Mình sẽ cố gắng học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, đóng góp cho quê hương nhiều hơn, giúp đỡ bà con nhiều hơn”.

Cùng tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng đầu tiên của huyện Quan Sơn dành riêng cho hội viên phụ nữ, chị Lương Thị Lực (sinh năm 1990), ở bản Xuân Sơn, xã Sơn Điện cũng là một tấm gương sáng trong phát triển kinh tế gia đình và tham gia các phong trào của địa phương. Hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hai vợ chồng chị Lực đã bôn ba đi làm thuê ở nhiều nhà máy, xí nghiệp trong, ngoài tỉnh, rồi về quê làm việc trong các xưởng chế biến nan thanh. Nhận thấy tiềm năng sẵn có của địa phương, chị đã bàn bạc với chồng vay vốn ngân hàng và của người thân mở xưởng sơ chế tăm mành từ năm 2017. Trong cơ sở của gia đình, vào lúc cao điểm, chị giải quyết việc làm trực tiếp cho gần 30 hội viên phụ nữ, với mức thu nhập từ 3 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Khi thị trường tiêu thụ tăm mành khó khăn, nhìn thấy khu vực suối Sủa trong bản có điều kiện thích hợp, chị đã bàn bạc với chồng là anh Phạm Ngọc Thanh đầu tư nuôi cá tầm thương phẩm. Từ năm 2020, trên khu ruộng Hôn Hoong ở sâu trong lòng núi có con suối Sủa chảy qua, hai vợ chồng chị hì hục chở từng viên gạch, bao xi măng, xe cát trên con đường mòn lởm chởm đá sỏi xây bể nuôi cá. Khi tiến hành nuôi, do yêu cầu kỹ thuật chăm sóc cá giống cầu kỳ, khắt khe, vợ chồng chị lọ mọ đêm hôm với cá. Nhiều người dân trong bản chê bai công việc ấy và không ai tin vợ chồng họ sẽ thành công. Nhưng rồi với sự kiên trì và nắm vững kỹ thuật, quy trình chăn nuôi, vợ chồng chị đã thành công, là hộ gia đình đầu tiên nuôi thành công cá tầm thương phẩm ở huyện Quan Sơn.

Chị Lực cho biết, công việc chăn nuôi cá tầm hiện đã đi vào quy củ. Như năm nay, do sản lượng cá trên thị trường ít hơn nhiều so với năm trước, nên cá tầm của gia đình bán được giá, có thể cho lợi nhuận trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, khu trại cá còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Làm kinh tế giỏi, chị Lực còn là một trong những hội viên phụ nữ tiên phong vận động chị em tham gia tập luyện, thành lập các đội văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của bản. Đến nay, đội nữ bóng chuyền da bản Xuân Sơn do chị vận động thành lập và tổ chức tập luyện đã nhiều lần được tham gia các giải đấu của huyện, của tỉnh và giao lưu trong các hoạt động thể dục, thể thao trên địa bàn huyện.

Được tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, chị Lực cho biết: “Tuy thời gian lớp học không dài, song em đã nhận thức được nhiều điều và bản thân thấy chín chắn hơn. Em mong muốn mình tiếp tục được tạo điều kiện, giúp đỡ để phấn đấu được đứng trong hàng ngũ của Đảng, đóng góp trí tuệ, sức lực, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, ấm no”.

Xác định công tác phát triển đảng viên là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, nhằm bổ sung lực lượng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, từ đó nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Sơn đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo các chi, đảng bộ cơ sở xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên và tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Quan tâm chỉ đạo, thực hiện công tác rà soát nguồn phát triển đảng viên để lựa chọn quần chúng ưu tú đưa vào danh sách đối tượng bồi dưỡng kết nạp Đảng và phân công đảng viên theo dõi, giúp đỡ. Đáng chú ý, Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Sơn đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm bồi dưỡng, giúp đỡ đoàn viên, hội viên tích cực tham gia học tập, rèn luyện, lao động sản xuất, kinh doanh giỏi, từ đó phát hiện, lựa chọn nguồn bồi dưỡng nhận thức về Đảng, mà các cấp hội liên hiệp phụ nữ trong huyện là một “nguồn” quan trọng.

Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy, thời gian qua, các cấp hội liên hiệp phụ nữ trong huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia các phong trào do hội cấp trên và của địa phương phát động. Qua đó vừa tạo điều kiện để phát triển phong trào hội, vừa phát hiện hội viên tiêu biểu để bồi dưỡng, giới thiệu nguồn kế cận cho Đảng. Công tác giới thiệu hội viên ưu tú được bình xét công khai, dân chủ, đảm bảo khách quan, công bằng, tạo động lực cho người được giới thiệu và khuyến khích hội viên khác nỗ lực, phấn đấu. Nhờ đó, đến tháng 8-2023, các cấp hội liên hiệp phụ nữ trong huyện đã giới thiệu 47 hội viên ưu tú tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng.

Trên thực tế, ở huyện vùng cao Quan Sơn, trước đây cuộc sống khó khăn, người phụ nữ vẫn thường quen với tất bật đồi nương, nặng gánh nỗi lo cơm áo mưu sinh. Nhiều người trong số họ chỉ học đến khi nhận ra được mặt chữ đã vội lấy chồng, sinh con đẻ cái, rồi trở lại đồi nương. Có người vẫn sống cam chịu với tập tục lạc hậu nơi núi rừng, như ăn cơm xó bếp, trong nhà không còn tiền vẫn phải vay mượn, cầm chai mua rượu phục vụ chồng... Bởi vậy, việc vận động hội viên phụ nữ tham gia các phong trào ở địa phương ban đầu đã gặp không ít khó khăn. Từ thực tiễn này, các cấp hội liên hiệp phụ nữ trong huyện đã phối hợp với các cấp ủy, chính quyền thực hiện đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động, đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới... Thông qua đó đã tạo chuyển biến tích cực trong tư tưởng, nhận thức, cổ vũ chị em phụ nữ nỗ lực vươn lên làm chủ cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình và tích cực tham gia các phong trào ở địa phương. Và đến nay, nhiều người trong số họ đang đứng trước cơ hội được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Với nhiều người, đó đã là một cuộc cách mạng mạnh mẽ trong tư tưởng, nhận thức của người phụ nữ vùng cao.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quan Sơn Hà Thị Huấn cho biết: “Từ 47 hội viên ưu tú trong huyện được tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần, động viên chị em phụ nữ trong huyện tiếp tục hăng hái thi đua phát triển kinh tế, tham gia các phong trào của địa phương để đóng góp tiếng nói, trí tuệ, chung sức xây dựng bản làng ngày càng ấm no. Vì thế, chúng tôi tin, ngày sẽ càng có nhiều hội viên phụ nữ nỗ lực, phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng”.

Bài và ảnh: Đỗ Đức



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]