Giải quyết tồn đọng về đất đai, môi trường ở các cụm công nghiệp cũ
Thanh Hóa hiện có 4 cụm công nghiệp (CCN), gồm: Vức, Đông Lĩnh, Thiệu Dương, Đông Hưng đã được UBND tỉnh đưa ra khỏi danh sách quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021-2030. Tuy nhiên, TP Thanh Hóa đang nỗ lực khắc phục, giải quyết các tồn tại, kéo dài về quy hoạch, quản lý đất đai và môi trường tại các CCN cũ.
Một cơ sở sản xuất tại CCN Vức cũ.
Năm 2012, khi TP Thanh Hóa mở rộng địa giới hành chính, 4 cụm CCN, làng nghề cũ gồm: Vức, Đông Lĩnh, Thiệu Dương, Đông Hưng được bàn giao từ huyện Đông Sơn và Thiệu Hóa về TP Thanh Hóa. Tại thời điểm bàn giao, các CCN chưa có quyết định thành lập, chưa có nhà đầu tư hạ tầng nhưng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh (SXKD) dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, môi trường... Các tồn tại nói trên tập trung chủ yếu tại khu vực núi Vức.
Chủ tịch UBND phường An Hưng Nguyễn Bá Bình cho biết: Khu vực núi Vức thuộc địa bàn phường, tập trung nhiều cơ sở sản xuất, chế biến đá, trong đó có nhiều cơ sở sản xuất của các hộ gia đình, cá nhân sản xuất đá xẻ tự phát tại khu vực chân núi đã hoạt động từ lâu. Các cơ sở tự đào hố lắng để chứa nước thải trong quá trình mài, xẻ, chế biến đá. Nguồn nước thải được thu gom vào bể lắng để giữ lại bột đá, nước thải sau khi lắng được quay vòng sử dụng. Tuy nhiên, do bột đá không được nạo vét thường xuyên, bể lắng còn tạm bợ nên tại một số đơn vị bể lắng ứ đọng dẫn đến nước thải tràn ra môi trường. Bụi, khí thải phát sinh từ quá trình sản xuất chưa có biện pháp hữu hiệu để thu gom, xử lý nên dẫn đến ô nhiễm môi trường.
Theo thống kê của UBND TP Thanh Hóa, trong khu vực 4 CCN cũ hiện có 116 cơ sở đang sử dụng đất SXKD (35 doanh nghiệp, 2 HTX và 79 hộ gia đình, cá nhân), tập trung tại các phường Thiệu Dương, Đông Lĩnh, An Hưng và xã Đông Vinh. Trước thực trạng tồn tại các CCN cũ trên địa bàn, TP Thanh Hóa đã đưa ra nhiều chỉ đạo quyết liệt nhằm tháo gỡ vướng mắc, giải quyết các vấn đề tồn tại kéo dài về quy hoạch, quản lý đất đai, môi trường, tài chính. TP Thanh Hóa xác định, việc giải quyết các tồn tại, kéo dài tại một số CCN cũ trên địa bàn là một trong những nội dung trọng tâm theo Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 25/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy TP Thanh Hóa đã có nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tập trung giải quyết. UBND TP Thanh Hóa đã thành lập tổ công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường, quy hoạch, thực hiện nghĩa vụ tài chính của các cơ sở SXKD tại các CCN, làng nghề cũ.
Báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát giải quyết các tồn tại về quy hoạch, quản lý đất đai và môi trường tại 4 CCN cũ cho thấy, trong tổng số 116 cơ sở SXKD, mới chỉ có 29 cơ sở được cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất; 87 cơ sở chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất nhưng đã sử dụng đất để SXKD, trong đó có rất nhiều cơ sở không có hồ sơ về đất đai. UBND TP Thanh Hóa đã triển khai đến từng cơ sở kê khai hồ sơ, nguồn gốc sử dụng đất, UBND các phường, xã họp xác định nguồn gốc đất. Theo đó, tại CCN Thiệu Dương có 5 tổ chức doanh nghiệp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích 81.830,6m2. CCN Đông Lĩnh có 6 doanh nghiệp đang sử dụng đất, trong đó có 5 doanh nghiệp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất với diện tích 28.900m2; có 1 doanh nghiệp sử dụng đất có nguồn gốc là nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp từ các hộ dân, trong đó có một phần diện tích mộ chưa được giải phóng mặt bằng, không có hồ sơ thuê đất.
Tại khu vực núi Vức, có 19 cơ sở đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất; 86 cơ sở không có hồ sơ về đất đai, trong đó có 3 hộ gia đình có nguồn gốc do UBND xã Đông Vinh trước đây cho thuê trái thẩm quyền, còn lại các cơ sở đang sử dụng đất có nguồn gốc tự san lấp, cho thuê lại trái thẩm quyền, một số trường hợp mua đi bán lại không có giấy tờ. Hầu hết các cơ sở sử dụng đất không có ranh giới, mốc giới, tường rào cố định mà chỉ sử dụng vật liệu tạm thời để phân định ranh giới như đá khối, cọc, cột điện...; nhà xưởng của các cơ sở sản xuất đá cũng mang tính tạm thời như dựng cột và lợp mái tôn để đặt máy móc và che nắng, che mưa cho công nhân trong quá trình sản xuất.
Về lĩnh vực môi trường, các cơ sở được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đã có các hồ sơ môi trường. Các đơn vị đã lắp đặt công trình, thiết bị lưu trữ, xử lý chất thải, nước thải. Tuy nhiên, tại CCN Vức cũ, hầu hết các công trình đã xuống cấp, không bảo đảm hiệu quả xử lý. Đối với các cơ sở còn lại không có hồ sơ về môi trường, hầu hết các cơ sở khai thác đá, sản xuất vật liệu xây dựng đều chưa có hệ thống thoát nước mưa, chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung...
Về quy hoạch xây dựng, tồn tại chính tại các CCN cũ này đó là hạ tầng kỹ thuật tại các CCN hầu hết chưa được đầu tư xây dựng (mới chỉ có CCN Thiệu Dương được đầu tư một phần) nhưng các cơ sở sản xuất đã tự đầu tư hạ tầng để SXKD dẫn đến phá vỡ quy hoạch, không bảo đảm các quy định về trật tự xây dựng, quản lý đất đai, bảo vệ môi trường. 4 CCN cũ đã được UBND tỉnh đưa ra khỏi danh sách quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh, do đó việc quản lý quy hoạch, đất đai, xây dựng tại các khu vực này được thực hiện như đối với đất SXKD. Phòng chức năng của UBND TP Thanh Hóa đã tổ chức rà soát toàn bộ hạ tầng hiện trạng tại khu vực, hiện trạng sử dụng đất của các đơn vị, đánh giá sự phù hợp với quy hoạch phân khu đã được phê duyệt.
Thực tế, việc giải quyết, khắc phục những tồn tại, bất cập tại các CCN cũ trên địa bàn TP Thanh Hóa là “bài toán” khó, gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện. Phần lớn các đơn vị chưa được thuê đất theo quy định nên khó khăn trong việc xử lý và khắc phục vi phạm. Việc khắc phục những tồn tại về môi trường tại các khu vực này là vấn đề nhức nhối từ lâu, song lại chưa thể thực hiện được ngay bởi nhiều lý do chủ quan và khách quan.
UBND TP Thanh Hóa đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về quy hoạch xây dựng, đăng ký đất đai, giao đất, cho thuê đất, công tác bảo vệ môi trường... để đẩy nhanh tiến độ giải quyết các tồn tại, kéo dài tại các CCN cũ. Tính đến cuối năm 2023, các phòng, ban, đơn vị chức năng của UBND TP Thanh Hóa đã thực hiện xong việc trích đo hiện trạng sử dụng đất, hướng dẫn kê khai, lập hồ sơ đăng ký đất đai, xác định nguồn gốc đất đối với từng cơ sở và chuyển Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Thanh Hóa kiểm tra, thực hiện việc đăng ký đối với các hộ, chuyển hồ sơ đến cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính. Sau khi các quy hoạch phân khu, quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, phòng chức năng của thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở lập hồ sơ giao đất, cho thuê đất đối với những trường hợp đủ điều kiện theo quy định...
Bài và ảnh: Minh Hiền
{name} - {time}
-
2025-01-14 21:06:00
Bịt “kẽ hở” trong công tác quản lý người nước ngoài (Bài 2): Núp bóng đầu tư “chui”
-
2025-01-14 20:05:00
“Còn thông tin về mộ liệt sĩ, còn tổ chức tìm kiếm, quy tập”
-
2024-02-01 11:49:00
Khai trương Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của huyện Vĩnh Lộc
Ấm áp “Tết Nhân ái”
Thọ Xuân nỗ lực vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023
Bảo đảm trật tự ATGT trước, trong và sau Tết Nguyên đán: Cần nhiều giải pháp đồng bộ
4 tuyến đường cao tốc chính thức tăng phí từ ngày 1/2/2024
Ấm áp chương trình “Tết cho em” dành cho bệnh nhân nhi tại Trung tâm Huyết học và Truyền máu
Rực rỡ Hội chợ hoa đào Triệu Sơn
Truyền hình trực tiếp “Tết Sum vầy - Xuân chia sẻ” năm 2024 vào tối 1/2
LĐLĐ tỉnh thăm hỏi, động viên gia đình có người bị thiệt mạng do hỏa hoạn ở huyện Vĩnh Lộc
Liên minh HTX tỉnh trao quà cho thành viên có hoàn cảnh khó khăn