(Baothanhhoa.vn) - Nhằm đưa chất lượng nông sản đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, nhiều địa phương trong tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản chất lượng cao, an toàn, bền vững.

Giải pháp đưa nông sản đến thị trường nước ngoài

Nhằm đưa chất lượng nông sản đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, nhiều địa phương trong tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản chất lượng cao, an toàn, bền vững.

Giải pháp đưa nông sản đến thị trường nước ngoàiCán bộ, kỹ sư Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm kiểm tra, giám sát quá trình chăm sóc vườn vải không hạt.

Trung tuần tháng 6-2023, lô vải không hạt đầu tiên của Việt Nam đã chính thức có mặt tại thị trường Anh quốc và Nhật Bản, đây là dấu mốc quan trọng cho loại quả đặc sản thứ 4 của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sang thị trường “khó tính” này.

Giống vải không hạt nhập khẩu từ Nhật Bản và được Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm (Ngọc Lặc) phối hợp với Viện Di truyền Nông nghiệp chọn tạo và trồng thử nghiệm từ năm 2019 trên diện tích 30 ha. Loại vải này được sản xuất theo quy trình GlobalGAP, đạt chứng chỉ hữu cơ, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Canada và các nước EU. Ông Nguyễn Văn Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm, cho biết: Việc xuất khẩu hơn 1 tấn vải không hạt đầu tiên sang thị trường Nhật Bản và Vương quốc Anh là dấu mốc quan trọng, mở ra cơ hội cho việc xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm nói riêng, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa nói chung trong thời gian tới. Để các mặt hàng trái cây, rau quả xuất khẩu vào thị trường “khó tính” như các nước Châu Âu phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát chất gây ô nhiễm trong thực phẩm, kiểm dịch thực vật, kiểm soát đối với thực phẩm biến đổi gen (GMO), kiểm soát sức khỏe thực vật, ghi nhãn thực phẩm, tiếp thị cho rau quả tươi, truy xuất nguồn gốc, tuân thủ quy trình sản xuất thực phẩm an toàn...

Tại huyện Quảng Xương, nhằm phát huy những giá trị sẵn có từ cây rau má, Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới có địa chỉ tại thị trấn Tân Phong đã nghiên cứu chế biến thành công bột rau má mịn, nước uống rau má đóng chai, trà túi lọc rau má, thạch rau má,... được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, hình thức sản phẩm bắt mắt. Hiện nay, sản phẩm từ rau má đã đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Anh Trần Văn Tân, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới, cho biết: Mục tiêu của công ty không chỉ là thị trường trong nước mà còn đưa các sản phẩm chế biến từ cây rau má bản địa xứ Thanh vươn ra thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ, Úc, Thái Lan và một số nước châu Phi. Bởi vậy, việc áp dụng khoa học - công nghệ cao vào quá trình sản xuất là một điều tất yếu. Cùng với đó là thực hiện chặt chẽ các quy trình canh tác, sản xuất rau má theo mô hình hiện đại của Israel, Nhật Bản. Đến nay, công ty đã liên kết với khoảng 10 địa phương trong tỉnh để trồng rau má hữu cơ, như: TP Thanh Hóa, Như Thanh, Quảng Xương, Nông Cống... với tổng diện tích liên kết hơn 80 ha.

Còn tại huyện Triệu Sơn đã và đang khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân mở rộng diện tích, liên kết với doanh nghiệp để sản xuất lúa gạo chất lượng cao, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích 274,5 ha tại các xã: Đồng Tiến, Đồng Thắng, Thái Hòa,... Việc hình thành những cánh đồng lúa mẫu lớn đã góp phần nâng cao chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo và tăng lợi nhuận cho người nông dân từ 3 đến 5 triệu đồng/ha/vụ. Bên cạnh vùng sản xuất lúa gạo đạt tiêu chuẩn, huyện Triệu Sơn còn phát triển vùng sản xuất cây trồng chủ lực, như: cây rau màu 30 ha; cây chè 300 ha; hoa, cây cảnh 300 ha, cây dược liệu; thành lập tổ, nhóm, với trên 500 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, còn có 80% các trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc theo quy mô tập trung áp dụng công nghệ mới; 40% các trang trại, gia trại chăn nuôi gia cầm theo quy mô tập trung áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học...

Theo báo cáo của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản Thanh Hóa, cùng với phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, theo hướng an toàn, như vùng rau an toàn, cây ăn quả, cây công nghiệp phục vụ chế biến, nuôi trồng thủy sản, các cụm trang trại chăn nuôi tập trung,... đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được gần 100 vùng sản xuất rau, quả theo quy trình sản xuất nông nghiệp VietGAP, với diện tích khoảng 500 ha; hơn 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định. Trong đó, có nhiều cơ sở được chứng nhận GlobalGAP, VietGAP, chứng nhận GMP/SSOP, chứng nhận HACCP, ISO 22000...

Tuy nhiên, hiện nay trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn cho nông sản của tỉnh đang gặp một số khó khăn nhất định. Đó là vẫn còn nhiều địa phương, doanh nghiệp áp dụng phương thức sản xuất truyền thống, dẫn đến chất lượng nông sản chưa đáp ứng các tiêu chuẩn, đây là rào cản lớn đối với những sản phẩm nông nghiệp muốn vươn ra thị trường thế giới, nhất là những thị trường khó tính như EU. Ngoài ra, vấn đề về chi phí xây dựng tiêu chuẩn, chi phí trang thiết bị và cơ sở hạ tầng, chi phí kiểm nghiệm, giám định và quản lý cũng là những thách thức đối với doanh nghiệp...

Để tiếp tục nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường trong nước và thế giới, trong thời gian tới các địa phương, doanh nghiệp và người dân cần thay đổi tư duy trong phát triển sản xuất; đưa ra định hướng cụ thể trong sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững. Đồng thời, cần nâng cao năng lực, nhận thức trong việc nắm bắt các quy định về kỹ thuật, yêu cầu về an toàn thực phẩm. Cùng với đó là chuyển sản xuất từ chú trọng số lượng sang chất lượng để đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm của thị trường; đầu tư máy móc, thiết bị và nghiên cứu sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu; quan tâm đào tạo cán bộ kỹ thuật có kỹ năng quản lý, giám sát về an toàn thực phẩm, cũng như thành thạo về việc áp dụng các quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP theo yêu cầu của thị trường...

Bài và ảnh: Gia Bảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]